Chuyện người con gái Nam Xương: Tóm tắt, tác phẩm – tác giả
Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những tác phẩm truyện truyền kỳ của Nguyễn Dữ. Tác phẩm dựa trên chuyện cổ tích Vợ chàng Trương kể về nỗi oan khuất của một người thiếu phụ.
Chuyện người con gái Nam Xương – Tác giả – Tác phẩm
Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 là tác phẩm được viết bằng chữ Hán của danh sĩ Nguyễn Dữ vào cuối thế kỷ XVI. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về sự thống khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội phong kiến.
Thông qua tác phẩm, tác giả đã dựng lên hình tượng người phụ nữ chịu thương chịu khó nhưng luôn gặp phải điều trắc trở trong cuộc sống. Qua đó, tố cáo xã hội phong kiến bất công đã chà đạp lên hạnh phúc của người dân.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Dữ
Nguyễn Dữ là người huyện Trường Tân (Thanh Miện), tỉnh Hải Dương. Ông là một danh sĩ sống ở nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời nhà Lê. Tuy học rộng tài cao nhưng ông chỉ làm quan một năm rồi sau đó cáo về sống ẩn dật ở vùng núi Thanh Hóa.
Sáng tác duy nhất của ông là quyển Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những chuyện kỳ lạ được lưu truyền).
Nội dung Chuyện người con gái Nam Xương
Nội dung chính của tác phẩm thể hiện số phận bi thương của con người trong xã hội cũ. Đặc biệt ở đây là số phận đáng thương của những người phụ nữ luôn bị chà đạp và không có tiếng nói. Qua đó, tác giả muốn ngợi ca những phẩm chất đáng quý của họ dù trong hoàn cảnh khó khăn.
Các nhân vật trong Chuyện người con gái Nam Xương gồm có: Vũ Nương, Trương Sinh, bé Đản và Phan Lang. Đây là một trong các tác phẩm Văn học lớp 9 nổi bật.
Nội dung nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương
Nghệ thuật của Chuyện người con gái Nam Xương được Nguyễn Dữ xây dựng tài tình và độc đáo. Đặc biệt, chi tiết cái bóng đã tạo nên tính bất ngờ và tăng thêm mức độ bi kịch cho cả câu chuyện. Không chỉ vậy, tác giả còn biết cách sử dụng yếu tố kỳ ảo để làm nổi bật lên giá trị đạo đức của tác phẩm.
Bố cục Chuyện người con gái Nam Xương
Bố cục tác phẩm chuyện người con gái Nam Xương gồm 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “như đối với cha mẹ đẻ mình” – Cuộc sống của Vũ Nương sau khi được gả về nhà Trương Sinh.
- Phần 2: Tiếp đến “nhưng việc trót đã qua rồi” – Nỗi oan khuất và cái chết của nàng Vũ Nương.
- Phần 3: Còn lại – Vũ Nương được giải oan.
Hoàn cảnh sáng tác Chuyện người con gái Nam Xương
Tác phẩm là thiên truyện thứ 16 trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục. Tác phẩm được Nguyễn Dữ sáng tác bằng chữ Hán vào thế kỷ XVI bao gồm các thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca.
Chuyện người con gái Nam Xương thuộc thể loại gì?
Tác phẩm được viết theo thể loại truyện truyền kỳ. Thể loại này được viết theo phương thức tự sự ngắn cổ điển của văn học Trung Quốc. Truyện truyền kỳ rất được thịnh hành ở thời Đường.
Chuyện người con gái Nam Xương sáng tác năm bao nhiêu?
Chuyện người con gái Nam Xương Nguyễn Dữ được tác giả viết vào thế kỷ XVI, hiện chưa rõ năm sáng tác.
Phương thức biểu đạt chuyện người con gái Nam Xương
Truyện biểu đạt bằng phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm.
Ngôi kể của Chuyện người con gái Nam Xương
Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ được kể theo ngôi thứ ba. Người kể ẩn mình giúp câu chuyện trở nên khách quan hơn. Qua đó góp phần tăng sức hấp dẫn trong truyện.
Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương
Sơ đồ tư duy giúp học sinh tổng hợp lại những nội dung chính có trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương SGK.
Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương
Tóm tắt tác phẩm giúp học sinh nắm bắt và ghi nhớ nội dung câu chuyện. Từ đó, dễ dàng phân tích và thuyết minh Chuyện người con gái Nam Xương.
Tóm tắt văn bản Chuyện người con gái Nam Xương mẫu 1
Vũ Nương là một người con gái quê ở Nam Xương, tính tình nàng thùy mị nết na nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến. Do đó, Trương Sinh liền xin mẹ đem trăm lạng vàng để hỏi cưới nàng về làm vợ. Biết chồng hay có tính đa nghi nên Vũ Nương hết mực giữ gìn. Vào lúc bấy giờ, đất nước có chiến sự nên Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà ngày đêm nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, nàng còn lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Ngày Trương Sinh trở về, nàng bế con ra mộ thăm mẹ thì bị chồng hiểu lầm rằng nàng có người khác. Vũ Nương chịu tiếng oan biết không thể rửa sạch nền liền nhảy xuống sông tự vẫn. Vào một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, chàng thấy đứa bé chỉ tay vào cái bóng mình rồi bảo đấy là cha. Đến lúc ấy, Trương Sinh mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ nhưng dù hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có chàng trai tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống. Tình cờ Phan Lan gặp Vũ Nương ở thủy cung. Sau đó, Phan Lang trở về trần gian kèm theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn của Vũ Nương dành cho Trương Sinh. Trương Sinh hiểu ra mọi chuyện nên lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang.
Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn nhất mẫu 2
Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, là người con gái quê ở Nam Xương. Nàng không chỉ xinh đẹp mà tính tình lại nết na. Điều này khiến Trương Sinh đem lòng yêu mến và xin mẹ đem trăm lạng vàng để hỏi cưới nàng. Sống cùng chồng một thời gian, Vũ Nương biết chồng là một người có tính hay ghen nên nàng luôn sống giữ gìn khuôn phép để gia đình hòa thuận, êm ấm. Ấy vậy mà Trương Sinh sau thời gian đi lính trở về lại hiểu lầm vợ mình có người khác. Dù Vũ Nương hết lòng giải thích nhưng vẫn chồng nàng vẫn không tin. Biết chẳng thể giải sạch nỗi oan ức này, nàng quyết định tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Sau này, Trương Sinh khi đã hiểu rõ mọi chuyện thì cảm thấy hối hận vô cùng. Nhận được tín vật của vợ từ tay Lang Phan, chàng cho người lập đàn giải oan cho vợ. Vũ Nương sau đó cũng hiện về nhưng lúc ẩn lúc hiện.
Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương mẫu 3
Vũ Nương là người con gái làng Nam Xương đẹp người đẹp nết. Nàng được Trương Sinh – chàng trai thất học lại có tính hay ghen hỏi cưới về làm vợ. Vào thời chiến tranh loạn lạc, Trương Sinh phải lên đường đi lính, Vũ Nương ở nhà tận chăm sóc mẹ chồng và nuôi con thơ chu đáo. Khi mẹ chồng mất, nàng cũng tận tâm lo ma chay chu tất. Đến ngày Trương Sinh trở về, hay tin mẹ mất nên sinh đau buồn. Con trẻ lại ngây thơ không biết không nhận cha, Trương Sinh từ đó đâm ghen tuông nên ngờ vực về tấm lòng thủy chung của vợ. Vũ Nương biết mình chẳng thể rửa sạch nỗi oan này nên nhảy sông tự vẫn để chứng tỏ sự trong sạch của mình. Phan Lang – một chàng trai trong làng, do một lần cứu được Linh Phi nên được báo đáp. Phan Lang gặp lại được Vũ Nương ở thủy cung và nhắn gửi Trương Sinh kỷ vật của vợ. Trương Sinh sau khi nhận ra mọi chuyện thì lập đàn giải oan cho vợ, nhưng Vũ Nương đã không còn trở lại dương gian.
Kết luận
Chuyện người con gái Nam Xương phản ánh số phận bi thương, chịu nhiều oan ức của thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Qua đó, Nguyễn Dữ muốn lên án xã hội phong kiến xem trọng quyền lực của những kẻ giàu có và đề cao chế độ nam quyền.