Truyện dân gian: Đám cưới chuột
Đám cưới chuột là một trong những truyện dân gian đặc sắc của Việt Nam. Câu chuyện không chỉ mang tính giải trí mà còn chứa đựng nhiều bài học sâu sắc. Hãy cùng khám phá những ý nghĩa ẩn sâu trong tác phẩm này.Đây là một chú chuột nhắt. Một chú Chuột Nhắt còn trẻ. Tuy vậy, cứ thực sự thì diện mạo của chú cũng chẳng có vẻ mĩ miều gì mấy. Đó là tôi còn nể Chuột Nhắt mà giới thiệu với bạn đọc thế, chứ thẳng thừng ra nhiều họ Chuột khác thường thốt ra những giọng có ý khinh bỉ cười cợt Chuột Nhắt lắm.
– Nó bẩn như cú
– Ở cổ nó có ba cái sẹo to.- Thằng cha thưa râu ghê! Mà cái râu nào cũng gãy nửa, tại sao nhỉ?
– Đuôi nó chỉ cụt một mẩu!
– Thưa ngài, tính thằng cha Chuột Nhắt gian. Cứ trông cái mắt lấm lét của nó thì đủ hiểu.
– Lại còn phải nói!
– Đấy con ơi! Thiên hạ người ta phẩm bình thế đấy, ra đường đừng có chơi bời gì với Chuột Nhắt. Thấy nó đâu thì tránh xa ra nhé.
Nhưng mồm miệng thiên hạ dông dài, thì chẳng đủ tin. Bởi vì, trong đời, có những cái miệng xấu, miệng tốt, miệng nói hay, miệng nói dở. Nhiều thứ miệng lắm và tạp nham lắm. Đừng ai vội ghét Chuột Nhắt. Đừng ai nói xấu thêm cho chú ta. Mà cũng đừng bà chuột mẹ nào cấm con cái chơi với Chuột Nhắt vội. Phải xét tận nơi, nhìn tận mặt mới nên buông lời. Một lời vô ý, trong lúc vui miệng bông lơn, có khi làm hại cho kẻ khác nhiều, lời nói đọi máu mà. Bởi vậy, chẳng nên hấp tấp mà bỉ mặt chú Chuột Nhắt, theo những lời chê bai trên kia. Vậy thì chú Chuột Nhắt có xấu người, xấu nết như lời đồn đại chăng?
Cứ sự thực, dưới mắt hàng xóm, và dưới cả mắt tôi nữa, mặt mũi chú ta cũng không đáng diện với ai mấy. Cái thân mình chú dài không được bằng một ngón tay. Bốn chân như bốn cái tăm lũn cũn. Chiếc mõm nhọn hoắt, hai hàng râu cứng tủa sang hai bên. Đôi mắt chú nhỏ, nhưng lồi ra. Hấp háy, chớp chớp, nháy lia nháy lịa. Bởi vậy, người ta đổ cho chú có tính gian. Nhưng thực oan uổng cho Chuột Nhắt. Chú không có những cái tật xấu bị gán vu vơ. Chú vốn xấu mã, thì thiên hạ lại cho luôn là chú xấu cả nết nữa. Bậy quá! Chú cũng không xấu nết. Bởi vì chú đương là một anh học trò. Một học trò thì không bao giờ được có một vết xấu. Chú Chuột Nhắt cũng biết ăn lời thầy học. Có thể nói rằng: chú là một học trò tốt. Từ khi mới lọt lòng, Thử ông và Thử bà chỉ để Chuột Nhắt ở nhà có ít lâu, rồi ông bà gửi chú đi trọ học ở miền xa, cách nhà những vài ba cánh đồng lớn.
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần,
Mai anh học xa
Chuột Nhắt chịu khó học hành lắm. Âu cũng là một tính chăm học tự nhiên. Bởi vì bé thì bao giờ cũng phải học, việc học cần như Chuột cần phải ăn thóc vậy. Chuột Nhắt ta đã ăn và học ngay tại nhà thầy đồ. Hết lớp nọ lên lớp kia. Chú cố công dùi mài. Bởi vì chỉ còn ngót một năm nữa thì chú đã phải đi thi. Ở quê nhà, vợ chồng ông Thử khấp khởi mừng thầm.
Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần,
Mai anh học xa
Tiền gạo thì của mẹ cha…
Tiền gạo thì của mẹ cha tải đi cho con ăn, con học. Bao nhiêu là công lao! Chuột Nhắt nhấm một hạt thóc, nhớ đến nỗi khó nhọc của bố mẹ cần cù chạy kiếm từng hạt thóc vàng rụng trong mùa đông cóng lạnh, chú càng chăm chỉ sách đèn. Thấm thoát chẳng bao lâu đã tới khoa thi ấy. Hơn ba trăm học trò của các tỉnh trong xứ về thi. Hơn ba trăm sĩ tử trải qua một vòng loại, giẫm vỏ chuối mất quá nửa, cũng là học tài thi phận. Tới ngày yết bảng, thế mà tên chú Chuột Nhắt đứng vào hàng thứ ba. Tiếng đồn Chuột Nhắt thần động vang dậy từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Ai cũng trầm trồ khen ngợi. Và, chao ôi, nhiều kẻ ngày trước dè bỉu, nói xấu, bây giờ lại lật lưỡi tâng bốc, lại lấy Chuột Nhắt ra làm gương cho con cái trong nhà.
– Trông Chuột Nhắt mới nho nhã làm sao
– Chú Chuột Nhắt học giỏi, mặt mũi thật sáng sủa.
– Râu chú ấy dài, đôi mắt tinh anh, vẻ thông minh lạ.
– Thưa ngài, tính nết của chú Chuột Nhắt tốt. Cứ nhìn nét mặt hiền từ nho nhã của chú Chuột Nhắt ấy thì đủ hiểu.
– Lại còn phải nói! Lanh lợi nhất trần gian này là chú Chuột Nhắt.
– Đấy con ơi! Liệu làm sao mà bắt chước. Nên tìm những bạn tốt như Chuột Nhắt mà chơi.
Thôi thì, ai cũng khen Chuột Nhắt đủ điều. Ở quê nhà, nghe tin con thi đỗ, Thử ông và Thử bà sướng phổng lỗ mũi. Hàng xóm kéo đến hỏi thăm rộn rịp đầy hang. Bắt đầu, những người hay nịnh, đã gọi Thử ông, Thử bà là “hai cụ cố sinh ra cậu cử tân khoa”. Thử ông hếch râu, nghiêng cái tai nhọn nghe khoái lỗ nhĩ lắm. Họ tán tụng:
– Thưa hai cố, nhờ cậu cử mà làng xóm ta từ nay nên danh diện!
– Cả vùng này chứ lị! Bác thử xem vùng ta, xưa nay đã ai đi học mà đỗ cao được bằng cậu cử nhà hai cụ cố đây chưa?
– Vẻ vang lắm!
– Nên mở một bữa khao thật to!
– Bác nói sai rồi! Phải vinh quy bái tổ rồi mới khao vọng chứ. Xóm làng ta đây, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, giờ mới được một chuyện danh tiếng lẫy lừng. Sao lại không làm cho thiên hạ rõ mặt tường tên?
– Bác bàn phải quá. Bẩm hai cụ cố, cho thiên hạ trông vào.
– Công trời bể hai cố to lắm.
Thử ông lim dim đôi mắt, gật gù:
– Phải, phải. Thế nào cũng rước vinh quy cho cậu cử nó. Nên lắm !
Bà mủm mỉm đáp:
– Phải, nên lắm.
Mọi người đồng thanh:
– Nên lắm!
– Nên lắm!
Thế là Thử ông và Thử bà quyết định lo đám rước vinh quy cậu cử Chuột Nhắt. Ông bà cho tin sang bên kia cánh đồng rằng cậu cử cứ hãy hoãn ngày về. Đợi để dân làng sang đón rước cho tỏ mặt với đời. Được tin ấy, Chuột Nhắt ta mừng hí hửng. Chú mừng và sướng chẳng khác lúc đứng nghe gọi loa xướng danh đến tên mình trúng tuyển. Nghe tin cha mẹ sẽ cho dân làng sang rước mình về, trong đầu Chuột Nhắt đã tưởng tượng ngay đến cái kiệu sơn son thếp vàng rực rỡ, mấy tay đô tuỳ xúm xít khiêng tân khoa. Chuột Nhắt ngồi bệ vệ, hai chân trước vắt xuống đùi gối hai chân sau, mắt làm vẻ nghiêm nhưng thực ra thì nhìn ngang nhìn dọc. Bên vệ lối đi, biết bao nhiêu bà con đứng xem, đứng đón. Tưng bừng quá! Chú Chuột Nhắt liền sắm sửa quần áo hòm xiểng nhong nhóng đợi ngày cha mẹ và làng xóm rước về.
Bấy giờ, có một lão mèo đương xưng hùng xưng bá ở đất này. Các lão Mèo ở nơi nào cũng thế, đi đến đâu là sinh ra lắm chuyện rắc rối đến đấy. Lí lịch gốc gác của lão Mèo ra sao không mấy ai rõ. Chỉ nghe truyền khẩu lờ mờ rằng xưa kia Mèo vốn được nuôi nấng ở trong nhà, chung đụng với bọn Chó Đen, Chó Vàng. Nhưng vì Mèo vốn tính khoảnh ác, chơi với ai cũng giở thói phản bạn nên ai cũng ghét. Đến khi tất cả xung quanh, từ người chủ nhà trở xuống cho đến thằng chó con mới mở mắt ai cũng ghét và xa lánh thì biết mình khó lòng còn ở lại trong nhà được nữa, Mèo ra đồng ở, thành Mèo hoang. Người ta hay nói Mèo già hoá Cáo là như vậy. Mèo ở nhà, tìm đến cánh đồng họ nhà Chuột. Chuột sợ Mèo, là một sự dĩ nhiên. Nhưng thường cũng có thứ Mèo lành hiền. Riêng lão Mèo này thì ác quá. Càng bắt nạt được ai, lão càng bóp cổ tợn… Ai ai cũng oán ghét. Ai cũng đem lòng thù. Mèo cũng biết, song lão thấy người ta tức, lão càng hoạnh hoẹ làm ác tợn. Có những ông đồ Chuột thâm nho đã đặt ra những câu hát châm chọc, cho trẻ hát để trêu tức lão:
Con Mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú Chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha cái thằng Mèo!
Mèo thường nghe tiếng hát văng vẳng trong những bờ cây khuất nẻo. Song lão không biết đích xác được ở đâu. Lão chỉ hầm hè ngồi gầm gừ suông. Khi lão Mèo hung tợn kia nghe tin vợ chồng Thử ông sắp rước vinh quy cho con trai thì lão khấp khởi mừng thầm. Lão chắc mẩm sắp được một món bổng to. Thế nào nhà Chuột chẳng phải lễ lạt đút lót hậu hĩnh. Không có thì lão sẽ phá. Lão Mèo xăm xăm đi đến cửa hang nhà Chuột. Bấy giờ trong hang, cả nhà Chuột đang ăn uống và om sòm, bàn bạc định ngày sang rước cậu cử Chuột Nhắt. Mèo ta cất giọng “meo” lên một tiếng rõ to như tiếng tù và rúc. Trong suốt hang im thin thít ngay. Rồi thì mấy cái râu, cái lỗ mũi thò ra, lại thụt vào ngay. Mèo quát:
– Có đứa nào trong nhà không?
Một tiếng run run đáp:
– Thưa có.
Thử ông mon men ra đứng nép vào khe cửa hang, nói vọng ra:
– Ngài hỏi chúng tôi có việc chi?
Mèo trừng mắt:
– Lại còn việc gì nữa? Việc gì thì cả tổ bay đã biết đấy!
– Bẩm không biết ạ!
– Không à? Ông lại phá cả nhà bây giờ. Muốn bị cắt lưỡi, phỏng?
– À, biết rồi, tôi cho cháu nó về bái tổ. Tôi bảo để đến chiều sẽ sang báo tin mừng với ngài.
– Đủ cả đấy chứ?
– Vâng, báo tin và xin biện đủ. Rước ngài cứ về, chốc nữa chúng tôi sang.
Chiều hôm ấy, nhà Chuột đem lễ vật thịnh soạn sang dâng ông Mèo. Có thế ông mới để cho đám rước được yên ổn. Đám đi dâng lễ ông Mèo cũng trịnh trọng như một đám rước, có tranh vẽ để lại đời sau ai cũng biết đấy. Một anh Chuột đi đầu, thổi kèn. Một anh đeo cái trống cà rùng. Vừa bước đi, chốc chốc lại múa hai tay lên mà gõ trống nhịp nhàng. Một anh nữa xách khệ nệ hai con cá săn sắt lớn (mà người xem tranh nhầm là cá chép). Rồi mới đến một ông đứng tuổi, ria mép dài ngạnh trê, mặc áo the thâm, quần lụa điều đi sau cùng. Cái đám rước ấy vào đến hang Mèo thì lão này đương khề khà uống rượu. Lão nhận hai con cá săn sắt và nhắm luôn. Lũ Chuột cúi rạp, cúp cả tai xuống mà lạy tạ rồi lui ra ngay. Ra tới cửa, anh nào anh nấy ba chân bốn cẳng chạy mau như sợ lão Mèo đuổi theo, chộp lấy, chén thịt. Thế là xong việc dâng đồ lễ ông Mèo. Một ngày tốt lành kia, cả tổng Chuột nhộn lên vì sự tấp nập đi rước cậu cử tân khoa Chuột Nhắt. Đã quá trưa thì đám rước về tới đầu cánh đồng. Trước hết, một chú Chuột mặc áo nẹp đỏ thổi loa te te. Đến hai lá cờ kì lớn, trên lá cờ nào cũng viết hai chữ “Thái Bình”. Mấy cái biển sơn son thếp vàng, vác ngổn ngang. Những chữ “Vinh Quy” vàng chói khắc lên gỗ. Lại có hai chú Chuột khiêng một chiếc trống cái. Trống nặng quá, to phè phè, mỗi khi anh Chuột đi bên cạnh múa chiếc dùi lên, nện xuống một dùi, hai chú Chuột phu khiêng lại loạng choạng hai chân chực ngã xiêu đi. Tất cả đám rước, Chuột nào cũng mặc áo the thâm, thắt lưng điều bỏ giọt, chân đi đất, mặc quần lụa nâu. Anh nào cũng chít khăn kín cái đầu dài ngoẵng, lòi đôi tai lên trên. Có anh trai kiểu chơi chua, lại đội vênh vang chiếc nón dứa mới. Trong cái mõm nhọn, chuột chúm chím nhai trầu. Chấm hết cho đám rước, một lũ chừng mười lăm phu chuột xúm xít khiêng một cái kiệu. Ở trong kiệu, chú tân khoa Chuột Nhắt ngồi chõm choẹ. Cái điệu chú oai ghê. Đầu chú đội chiếc mũ xanh, có hai cánh chuồn. Mình chú mặc áo thụng lam. Chú ngồi vắt chân chữ ngũ. Một tay cầm cái quạt tàu phe phẩy. Một tay cầm điếu thuốc lá quấn. Chốc chốc, lại đưa lên miệng, hút phập phèo. Đôi mắt chú lúng liếng liếc sang hai bên đường, ra vẻ ta đây. Mà hai bên đường thì chật ních những họ hàng nhà Chuột đứng xem.
– Te te te… Ai đi đường thì tránh ra cho quan cử vinh quy bái tổ…
– Tùng… Bi li… Bi li… Tùng…
Đám rước trịnh trọng, trang nghiêm. Mỗi bước dịch về gần trong xóm lại đi chậm thêm và làng xóm ở các hang ổ xa càng đổ đông ra xem. Đông quá. Thật lòng chú Chuột Nhắt chỉ thích được như vậy. Lát nữa, về đến đầu xóm, thể nào cũng có hương án bày bái vọng và tất nhiên là Thử ông và Thử bà đã đi võng ra đón con. Chú Chuột Nhắt thầm cảm ơn trời đã có một ngày nắng ráo và mát mẻ quá như hôm nay. Ai cũng lũ lượt kéo đi xem đám vinh quy của quan cử tân khoa. Đám rước trịnh trọng,trang nghiêm.
Qua gần hết cánh đồng. Bỗng văng vẳng có tiếng ầm ĩ từ xa đi tới. Vang như tiếng trống, tiếng cồng, tiếng sấm. Nhưng lạ tai quá:
– Meo! Meo! Meo!
Ôi chao! Tiếng lão Mèo quát. Những đám đông đứng xem, rú lên chạy tán loạn.
– Meo! Meo! Meo!
Anh vác loa cút trước nhất. Mấy thằng cầm cờ cũng quẳng cờ mà chạy. Và có mấy tên rước biển “Vinh Quy” đều ù té chuồn. Chỉ có anh đánh trống thì vẫn mải mê đánh trống thòm thòm, không ngẩng đầu lên, cũng không nghe thấy gì.
– Meo! Meo! Meo!
Đến bấy giờ bọn đánh trống mới nghe thấy những tiếng khủng khiếp rền tai. Anh nào anh nấy ba chân bốn cẳng, hoảng hốt chạy thẳng một mạch. Và cái bọn khiêng kiệu cũng không còn hồn vía nào đứng lại nữa. Những tiếng quái ác ghê gớm kia là tiếng báo hiệu Thần Chết đương đi đến đây rồi. Thần Chết đã tới sau lưng. Ai mà còn hồn vía nào! Chúng buông phịch kiệu xuống, rùng rùng đi tìm hang lỗ trú ẩn. Chiếc kiệu bị buông mạnh, lật nghiêng và đổ khuỵu. Chú Chuột Nhắt đương đắc chí rung đùi, bị ngã chổng vó, không dậy được. Tất cả đám rước linh đình, trong phút chốc tan biến, không còn bóng vía gã Chuột nào. Bấy giờ người ta mới thấy lão Mèo lù lù từ phía Tây đi đến. Lão vừa đi lừ lừ, vừa kêu: “Meo! Meo!”. Thực vô tình mà lão cất tiếng ông ổng. Và đấy là lão hát chứ không phải lão kêu, lão hò hét chửi bới. Phải, vừa uống rượu xong, vui thì lão hát chơi. Lão cũng định ra xem đám rước vinh quy, nên lão vui trong bụng lão hát lên mấy câu cho vui đấy thôi.
– Meo! Meo! Meo!
Lão hát thế thì chết! Có ai, có chú chuột nào lại hiểu được rằng “meo, meo, meo” là một điệu hát bình thường của lão Mèo. Những con chuột chỉ nghĩ rằng Mèo đương đói, đương gào thịt ăn. Đám rước mới tan tác mất. Khi lão Mèo ra tới đường cái, thấy đường cái vắng tanh, chẳng còn một bóng chuột nào. Cờ quạt ngổn ngang, lổng chổng. Lão ngạc nhiên nói một mình:
– Quái, ta có làm gì đứa nào đâu, mà chúng nó sợ?
Lão lại hát “meo, meo”. Lão không biết rằng hò bổng lên như thế mà nhà Chuột đã đủ khiếp mà chạy xa thêm. Tức mình lão bần thần bỏ đi ra chơi mát ngoài đồng. Mãi cho đến xế trưa, mới có mấy anh Chuột mon men, nhớn nhác, từ trong xóm bò ra. Rồi thì một đám nữa nối đuôi nhau đi đến. Và họ hàng lại lặng lẽ rồi rộn ràng đi làm đám rước. Ai vào việc nấy Lại loa. Lại cờ. Lại biển. Lại trống cái và trống cà rùng. Nhưng đến khi xúm vào dựng kiệu lên thì thấy cậu cử tân khoa méo mó, nhăn nhó mặt mõm, cho đến lúc ấy vẫn không thể ngồi dậy được. Bởi vì lúc cái kiệu đổ, chú sái một khớp xương chân, ngoẹo hẳn đi, không thể ngồi và đi được. Đám rước, thế là chú đành nằm trong kiệu cho khiêng về nhà. Mất vui. Chẳng ai đi xem, và giá có đi xem, cũng chẳng nhìn thấy cậu cử tân khoa đâu nữa. Cậu cử tân khoa đau quá, không ngồi được, đã nằm phủ phục xuống sàn kiệu. Cái mộng được đi diễu qua làng xóm cho thiên hạ biết mặt tân khoa chú Chuột Nhắt bị sụp vỡ. Chỉ vì mấy tiếng hát vu vơ của lão Mèo phởn chí. Thử ông và Thử bà cũng cụt mất hứng. Nhưng dẫu sao, cũng là xong cuộc rước vinh quy Chuột Nhắt. Thử ông Thử bà dần dần cũng lấy lại hả hê, mà chẳng dám oán trách ông Mèo. Bởi oán ông thì chỉ thiệt thân mà thôi! Chỉ hận một nỗi từ ngày ấy, cái chân sai khớp của cậu Chuột Nhắt, chữa thế nào cũng không khỏi. Chuột Nhắt thành tật, một chân sau bước thậm thọt. Thử ông sợ cái tiếng con mình thọt chân, nên đút tiền cho những đứa khênh kiệu hôm vinh quy để chúng khỏi đi nói cho ai biết.
Ông bà Thử có ý muốn giấu giếm cho con mình cái tật nọ. Là vì ông bà nghĩ: Chuột Nhắt đã lớn. Học đã thành tài. Nhưng còn thiếu một chút vợ con trong nhà. Cưới vợ cho chú ấy là mãn nguyện hai vợ chồng già. Nhà con một, lại khá giả, tất nhiên đường vợ con phải kén chọn kĩ. Những cô Chuột Nhắt loàng xoàng thì không có thể đáng mặt lấy về cho chú cử Chuột này được. Ông bà Thử băn khoăn về chỗ đó. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa thì vừa. Vả lại, họ hàng bà con cũng thúc giục ông nên lấy vợ cho cậu Chuột Nhắt. Đó là những mồm miệng quanh năm chỉ hong hóng muốn ăn cỗ. Được ăn cỗ là họ thích. Họ cứ xúi khôn xui khéo ông bà Thử:
– Hai cố xem có đám nào kén về cho cậu cử!
– Có vợ con thì mới chững chạc được!
– Hai cố xem mặt cái đám xóm kia, có ưng không?
– Không được, đám ấy đăng đối sao được với nhà này! Thuở ấy, một ông viên ngoại nhà ở hang ngoài bờ sông, có cô con gái kén chồng. Cô gái treo biển kén chồng đã hơn một năm nay. Cũng đã nhiều vương tôn công tử rắp ranh bắn sẻ, nhưng chưa ai được trúng cách. Bởi vì ông viên ngoại là một tay thâm nho. Và cô tiểu thư là một thiếu nữ có đôi chút nhan sắc, xa gần nức tiếng. Đó là cô tiểu thư Chuột Chù. Tiểu thư Chuột Chù đẹp – cô tự nghĩ thế. Lại càng làm dáng tợn. Bước đi yểu điệu. Mõm to và dài. Áo cô đen xù lúc nào cũng thơm lừng mùi nước hoa. Nhưng thiên hạ độc miệng lại đặt cho câu tục ngữ ác nghiệt: Hôi như chuột chù. Thoạt gặp, cứ tưởng rằng cô tốt nết. Nhưng thực cô có một tính xấu. Tính cô khinh khỉnh. Từ khi ông viên ngoại yết bảng ra cửa, đề bài thơ rằng: “Nhà ta có gái kén chồng. Xuân xanh xấp xỉ độ chừng đôi mươi” thì hai bố con ông đã làm bẽ mặt nhiều gã chuột đến dạm hỏi lắm. Thực ra, trong đám đó cũng nhiều người vô tài. Song, cậy mình có tài mà làm xấu hổ kẻ khác thì cũng chẳng nên.
Một hôm kia, Thử ông gọi Chuột Nhắt đến mà bảo rằng:
– Con ơi! Con đã lớn. Học con đã thành danh, không kém cạnh gì ở đời. Nay cha chỉ còn mong muốn lo vợ cho con. Con bằng lòng chăng?
Chuột Nhắt thích tê người, nhưng còn làm bộ lưỡng lự:
– Cái đó tuỳ cha.
– Cha đã nghĩ kĩ. Cứ xem như quanh vùng này thì không có mặt nào đáng. Cha thấy có tiếng đồn ở bên sông có ông viên ngoại kén chồng cho con gái. Để mai cha thử sang chơi.
Chuột Nhắt cười:
– Thưa cha, con đã nói tuỳ ở ý cha mà.
Biết thế là con đã bằng lòng, hôm sau, Thử ông ăn diện tề chỉnh, diện giày gia định và cầm cả ô che nắng, đi sang nhà viên ngoại nọ. Đến chiều, ông trở về. Hơi rượu sực nức. Ông viên ngoại đã thết ông cơm rượu linh đình. Ông Thử kể chuyện cho con trai và Thử bà nghe:
– Ta nói đến con thì viên ngoại bằng lòng lắm, viên ngoại đã biết tiếng. Nhưng ông ấy muốn mời con sang chơi để ông được thử tài.
– Ngày mai con sang.
Ngày mai, Chuột Nhắt sang chơi nhà viên ngoại. Chú đi cùng với hai tiểu đồng Chuột. Đêm hôm qua, đã giở bao nhiêu pho sách để xem lại. Nhưng có điều rắc rối là chẳng hay Chuột Nhắt sẽ đi đứng thế nào. Bởi vì một chân sau của chú bị khập khiễng. Không hề chi. Chuột Nhắt sẽ cưỡi một con ngựa bạch. Quần lụa điều sẽ buông xuống lấp kín gót chân. Lúc xuống ngựa, hai tiểu đồng xách nách hai bên, ra lối kiểu cách đại công tử của những nhà phú gia. Chẳng ai có thể biết được công tử Chuột Nhắt thọt hay không thọt. Chuột Nhắt sang đến nơi, viên ngoại tiếp đón niềm nở lắm. Tiểu thư Chuột Chù nhòm trong rèm ra cũng lấy làm vừa lòng. Rồi viên ngoại ra cho Chuột Nhắt một câu đố. Đó, là cái lệ chung cho tất cả những ai ngấp nghé đến làm rể nhà ông viên ngoại đã yết bảng kén chồng, là phải giải được một câu đố. Mỗi người một câu khác nhau. Câu đố ông viên ngoại ra cho Chuột Nhắt rằng:
Mặt em phương trượng chữ điền
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung
Dù khi quân tử có dùng
Thì em sẽ ngỏ tấm lòng cho xem.
Viên ngoại hẹn cho Chuột Nhắt phải trả lời được trong vòng ba ngày. Ba ngày thì tìm ra lời giải. Chuột Nhắt lĩnh mệnh, biên câu đố lại, rồi từ tạ viên ngoại ra về. Ngựa mới thủng thỉnh về đến nửa đường, chú Chuột Nhắt vỗ trán có mấy cái, đã nẩy ra được câu lời giải. Chú vuốt ria, vừa đi vừa tủm tỉm cười. Về nhà, chú kể chuyện cho cha mẹ nghe. Thử ông vội hỏi:
– Thế con nghĩ ra câu trả lời chưa?
– Viên ngoại vừa nói xong con đã đoán ra được.
– Đoán được là gì?
– Là cái quyển sách, chứ lại còn cái gì nữa!
Thử ông ra vẻ nghĩ ngợi và gật gù khen là đúng. Ngày hôm sau, Chuột Nhắt đóng một quyển sách thật đẹp, bìa mo sơn then, trong viết cả một đoạn tam tự kinh, cho gửi sang nhà viên ngoại. Viên ngoại kinh ngạc và phục tài công tử Chuột Nhắt quá. Vì từ xưa tới nay, ông cũng đã ra nhiều câu đố, không những là ít ai đoán đúng, nhiều chàng trai không dám vác mõm trở lại nữa. Đằng này, Chuột Nhắt đoán chưa được một ngày đã ra. Quả là thần đồng! Tiểu thư Chuột Chù cũng tấm tắc khen: Tài, tài. Hai bố con liền cho tin sang bên nhà Thử ông để mời mối lái đến. Đôi bên nhà trai nhà gái đã định ngày làm lễ hỏi.
* * *
Nhưng câu chuyện không phải ổn thoả ở chỗ ấy. Một hôm, có một khách đến chơi nhà ông viên ngoại, nói rằng muốn ngỏ một câu chuyện cần. Viên ngoại mời vào, gã Chuột lạ ấy thi lễ rồi nói rằng:
– Tôi nghe đồn viên ngoại sắp gả chồng cho quý tiểu thư?
– Phải.
– Quý tiểu thư lấy thằng chồng thọt chân đấy.
Viên ngoại trợn mắt:
– Thế nào? Ai thọt chân? Bác nói sao?
– Tôi nói rằng viên ngoại sắp gả con cho một thằng thọt chân.
– Ai thọt chân? Công tử Chuột Nhắt chăng?
– Lại còn ai nữa!
– Bác kể đầu đuôi cho ta nghe.
– Tôi cũng chẳng rõ gia cảnh nhà ấy đâu… Tôi chỉ biết có mỗi một điều là công tử Chuột Nhắt thọt một bên chân trái.
– Tại sao bác biết?
– Ngày công tử Chuột Nhắt về vinh quy, tôi đi khiêng kiệu. Kiệu đổ. Lại chính tôi cõng công tử vào hang, vì công tử què chân, không đi được nữa. Về sau chữa chạy mãi không khỏi. Thử ông bịt tiếng, cho mỗi phu kiệu một ít tiền, để khỏi đi đưa chuyện.
– Thế ông ấy có cho tiền bác không?
– Không, ông ấy bỏ sót tôi.
Viên ngoại ngẫm nghĩ:
– Làm thế nào có thể tin được lời của bác?
Chàng kia cả cười:
– Có khó gì điều ấy. Viên ngoại cho mời công tử Chuột Nhắt đi bộ sang đây rồi lại mời ra chơi vườn hoa.
– Ngộ công tử từ chối?
– Thì cứ như là viên ngoại thách đố một lần nữa. Thách công tử Chuột Nhắt phải đi bộ sang bên này. Bấy giờ viên ngoại sẽ biết lời tôi đúng hay sai.
Viên ngoại bán tín bán nghi. Ông bàn với con gái. Hai cha con luận bàn với nhau một lúc lâu. Cuối cùng, ông viên ngoại nói rằng:
– Thì ta cứ thử như lời người kia nói. Nếu mà công tử Chuột Nhắt quả thật không có tật, nếu ta mời bó buộc như thế cũng chẳng hại gì.
Rồi ông viên ngoại đưa tin sang nhà Thử ông. Rằng sáng hôm mười tư, mời công tử sang dự cỗ. Nhưng muốn theo đúng nghi lễ con cái nếp nhà, công tử nên đi bộ sang. Hai cha con viên ngoại đợi ngày mười tư xem sao. Sáng hôm ấy, có tiểu đồng Chuột bên nhà Thử ông sang thưa:
– Bẩm, cậu con bữa nay hơi ấm mình, xin viên ngoại cho kiếu lỗi.
Viên ngoại vào nói với con gái:
– Con ơi! Có lẽ lời kẻ kia nói đúng. Nhưng ta phải thử một lần nữa.
Một lần, viên ngoại lại cho gia nhân sang mời công tử Chuột Nhắt đến ăn giỗ kị. Theo lễ, công tử cũng phải đi bộ, và viên ngoại quý rể còn cho gia nhân sang đón tận nơi . Chao ôi! Thực là khổ sở cho chú Chuột Nhắt. Chú biết làm sao bây giờ. Chân chú thọt mất một bên trái. Nếu không đi ngựa, không kẻ xốc nách, chú phải bước lò cò, tập tễnh. Cứ kể, nếu bò quãng ngắn quanh quẩn trong hang, chú chuột cũng có thể gắng sức bò cho chỉnh chện được. Nhưng đằng này, phải cuốc bộ từ đây ra ven sông qua mấy cánh đồng. Tự dưng lại giở cái trò quái độc này, chắc lão viên ngoại đã nghe phong thanh ai nói thế nào rồi đấy. Mồm miệng đồn thổi gớm thật! Cái gì đã xảy ra, cái gì có thể nói được là sự thực, tất chẳng thể giấu nổi ai. Biết làm thế nào? Bắt buộc Chuột Nhắt lại phải cho tiểu đồng sang nói dối một lần nữa:
– Thưa viên ngoại, công tử bị cảm chưa được mạnh, không dám ra ngoài.
Thế là viên ngoại có thể đoán biết rõ mười mươi căn bệnh của công tử Chuột Nhắt như thế nào rồi. Hôm sau, ông viết thư sang khước hôn cho con gái. Thử ông và Thử bà giận lắm. Công tử Chuột Nhắt thì thở dài thườn thượt và chốc chốc lại ngước mắt lên nhìn trời. Thực ra Chuột Nhắt nghĩ giận vô cùng. Chú thấy thế này là đời tráo trở quá, ăn ở không có trước sau. Chú nghĩ cách báo thù. Chú cũng nhỏ nhen lạ. Bởi chú chẳng nghĩ được rằng vì cái chân thọt của chú mà người ta không gả con cho chú. Chính chú định giấu giếm trước kia mà. Chú báo thù ông viên ngoại thế nào? Học trò chân yếu tay mềm, biết làm gì nên chuyện! Nhà ông viên ngoại có nhiều thế lực, không mỗi chốc cách nào mà chú dám bắt nạt. Thế mới khó. Nuốt hận thì căm. Mà để vậy thì xấu hổ. Chú nghĩ ba ngày ba đêm mà không vỡ ra được một kế gì. Người chú gầy tọp lại. Lông tóc chú rụng nhiều quá, hói cả đỉnh đầu, Sang đến ngày thứ tư, chú đương đứng bần thần ở cửa hang bỗng reo lên. Chú đã nghĩ được một kế. Diệu lắm. Chú sẽ làm một bài hát chế ông viên ngoại. Tài học của chú để đâu mà lại không có thể làm được một bài vè thực hay! Lập tức, chú thảo luôn. Chú làm một bài. Đầu đề là bài vè chế ông viên ngoại thách cưới cho cô Chuột Chù. Làm xong, Chuột Nhắt hắng giọng kể thử. Vè rằng:
Em là con gái nhà giàu
Cha em thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Nắp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã mang sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt tàu cầm xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Đình
May chăn cho rộng, tối mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm ông Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi goá chồng
Thách thế mới thoả trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân
Khi bài vè được chú Chuột Nhắt truyền ra, tất cả cánh đồng, có bao nhiêu làng xóm Chuột thì cả bấy nhiêu đều lập tức thuộc lòng như cháo. Ai cũng kể luôn miệng, ai cũng hát vung lên. Viên ngoại biết. Rồi tiểu thư Chuột chù cũng nghe Bố con chỉ còn tức mà nguyền rủa, không làm gì được.
* * *
Đương khi ấy, lão Mèo lại đâm bổ vào câu chuyện. Lão đến đâu, là xổ ra nguồn gốc của những rắc rối không lường được. Có lẽ đó là một lão đói ăn. Hay là một ngày mưa chi đó. Trời mưa thì nhàn rỗi. Mà nhàn rỗi, thường nghĩ vẩn vơ, rồi đâm ra nghĩ và làm bậy bạ. Dường như trong một lát thong thả lão nhớ thèm những con cá săn sắt béo ngậy mà dạo nọ Thử ông, Thử bà đem biếu vào dịp Chuột Nhắt vinh quy. Lão nghĩ đến thì lão tưởng ngay tới sự đòi hỏi. Bởi vì ở đất này, lão là chúa. Lão là chúa thì lão chẳng còn biết sợ ai! Vả lại, lão vừa nghe thoáng thoáng mấy bữa nay, có đứa nào hát hỏng một câu gì có vẻ nói như là Chuột Nhắt sắp lấy vợ. Rất có thể, lão đến nhà Thử ông mà đòi ăn uống, nhà ấy đương có việc vui mừng. Lão đi lừ đừ bốn chân, lão gườm gườm đôi con mắt. Vừa tới cửa hang Thử ông, lão hét lên mấy tiếng thật to. Thử bà vừa thò đầu ra thì lão giơ chân chộp lấy. Lão chộp trúng lưng bà lão. Bà lão co người lại, ngã chúi vào trong hang. Mèo đắc chí lại gào lên mấy tiếng. Lão đứng chờ mãi mà cũng chẳng thấy ai ra nữa. Bực mình, lão cào cào tung toé đất lên rồi ngoe nguẩy đuôi lững thững đi. Chắc lão không tưởng rằng lão vừa gây ra một tai nạn cho gia đình Chuột Nhắt. Bởi vì bà lão ngã vào trong nhà thì ở mảng sống lưng rời ra một miếng thịt đỏ hỏn vì bị móng chân của Mèo cào. Thử bà ngất đi. Cả nhà lay gọi rối rít. Nhưng vì chuột bà gầy yếu quá, và bị vuốt chân ông Mèo móc vào lưng cũng khá sâu, đau quá không tỉnh lại nữa, cứ bằn bặt thiếp… rồi tắt thở. Cả nhà khóc lóc thảm thiết.
* * *
Từ đấy Chuột Nhắt càng để tâm thù cha con cô Chuột Chù tợn. Bởi vì chú Chuột Nhắt lại cho rằng chính lão viên ngoại nọ đã sinh sự gây ra cái chết thảm của mẹ chú. Ôi, bà mẹ hiền của chú chết ai oán quá. Chú cần phải báo thù. Thù này chẳng đội trời chung. Chú Chuột Nhắt cố lo báo thù. Có lẽ chú cũng chú ý tìm thầy học võ. Nhưng tìm không thấy chú lại đặt ra nhiều bài hát châm chọc nữa để bôi xấu cha con nhà lão viên ngoại. Nhưng xỏ xiên mãi cũng chán. Bởi vì lão cũng chẳng chết. Bố con lão vẫn sống nhăn răng. Một ngày kia, Chuột Nhắt nghe người ta đồn rằng ở bên kia cánh đồng có ông Chuột Cống là một tay lão luyện giang hồ. Ông ta có nghĩa khí, có chí làm việc lớn. Ông lại võ nghệ cao cường. Ông giao du với nhiều bè bạn bốn phương thiên hạ. Chuột Nhắt lần mò đến hang Chuột Cống xin vào yết kiến. Chuột Nhắt kể lể việc đau đớn nhà mình cho Chuột Cống nghe, rồi nghiến răng mà nói:
– Thưa ông, tôi thâm thù lão viên ngoại. Giá tôi có thể chết mà giết được lão, tôi cũng xin chết.
Chuột Cống ha hả, vỗ lên đầu Chuột Nhắt mà rằng:
– Khá khen cho anh. Anh còn trẻ mà có chí có gan, giỏi lắm. Nhưng tiếc thay, anh đã đem dùng nhầm cái tài của mình.
Chuột Nhắt hỏi lại:
– Ông bảo tôi phải làm thế nào mới đúng?
– Đầu tiên, anh vinh quy ỏm tỏi, đó là một sự huyênh hoang vô ích. Về sau, anh lại hí hửng muốn lấy vợ. Chao ôi! Làm như ở trên đời này, một thanh niên chưa có vợ, chẳng thể sống được hay sao? Phải lập thân trước đã chứ! Anh nên quên cái lão viên ngoại tráo trở, cái cô Chuột Chù đỏng đảnh kia đi. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ đã làm hại nhà anh. Đã nghĩ thì phải suy lên tận ngọn. Anh phải tự hỏi anh rằng bởi đâu mà chân anh thọt, bởi đâu mà mẹ anh chết. Bởi đâu mà họ nhà Thử chúng ta phải khổ sở đến thế này? Chỉ bởi tại thằng Mèo. Phải đánh đổ cho kì được thằng Mèo. Nếu nó chết chúng ta sẽ được sống yên lành trong hang, ngoài bờ cỏ, ngoài ruộng lúa. Chính tôi đương cổ động tất cả hãy hoạt động để phá cho bằng được cái lâu đài của thằng Mèo độc ác ấy đi.
Chuột Nhắt reo lên như hét:
– Tôi xin theo ông. Tôi sẽ đi nói cho tất cả xung quanh tôi ai cũng biết những điều to lớn ông đã bảo tôi.
– Bạn ơi! Thế là bạn đã giác ngộ rồi đó!
Từ đấy, gã Chuột Nhắt đã có một lý tưởng để theo. Gã Chuột Nhắt đã có một nghĩa vụ để làm. Từ đấy chúng ta thường thấy gã nhanh nhẹn trong mọi công việc của gã, dù gã vẫn mang cái chân bệnh tật. Và gã vẫn chưa có vợ. Mà gã cũng chẳng nghĩ đến những điều ấy nữa. Lập thân trước đã chứ!
Về sau, cô tiểu thư Chuột Chù kia cũng héo hắt đi rồi chết già, chẳng ai buồn lấy, chẳng ai rước đi cho. Là vì cô đỏng đảnh, khinh người, làm bộ quá. Làm bộ mãi thì đời làm bộ trả. Ở đời, kiêu kì bắc bậc, chỉ tổ làm cho ai nấy sinh ghét.Đám cưới chuột là một trong những truyện cổ tích đặc sắc của Việt Nam. Truyện không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn phản ánh sâu sắc văn hóa dân gian. Việc khám phá những câu chuyện như vậy sẽ giúp bạn hiểu thêm về giá trị văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Từ khóa: truyện Đám cưới chuột, Đám cưới chuột, câu chuyện Đám cưới chuột, truyện về Đám cưới chuột, truyện dân gian Đám cưới chuột, nhân vật Đám cưới chuột, ý nghĩa Đám cưới chuột, bài học Đám cưới chuột, truyền thuyết Đám cưới chuột.
Các tập truyện hấp dẫn khác
- Truyện dân gian: Đối đáp với Đoàn Thị Điểm
- Truyện dân gian: Trạng Hiền
- Truyện dân gian: Trạng Khiếu
- Nguyễn Công Trứ và câu chuyện dẹp loạn Phan Bá Vành
- Truyện dân gian: Nàng Nguyễn Thị Bích Châu
Bạn đang xem tại: https://www.thepoetmagazine.org
Danh mục: Truyện dân gian