Hóa thân người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Đóng vai người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương là đề bài thường xuất hiện trong bài kiểm tra, bài thi của học sinh lớp 9. Nắm rõ được cốt truyện, biết cách trình bày khoa học, dễ hiểu giúp các bạn đạt điểm cao trong học tập.

Những bài văn mẫu đóng vai người hàng xóm để kể lại câu chuyện về vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương mang tính khách quan. Nội dung đưa ra quan điểm, cách nhìn nhận sự việc của người ngoài cuộc trong câu chuyện buồn của một gia đình. Tổng hợp tác phẩm được đánh giá cao từ www.thepoetmagazine.org.

Dàn ý đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện Người con gái Nam Xương

Để bài soạn văn 9 trình bày khoa học, dễ hiểu, đúng trọng tâm thì trước tiên các bạn học sinh nên lập dàn ý trước khi viết bài. Cần vạch ra những ý chính muốn triển khai, dựa vào đấy viết nên những câu văn thật hay, thật ý nghĩa, thu hút người đọc.

Dưới đây là dàn ý bài văn đóng vai người hàng xóm kể lại câu chuyện Người con gái Nam Xương trong Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo tập 1.

Mở bài:

Giới thiệu về bản thân: Là hàng xóm của nhà họ Trương – người chứng kiến câu chuyện thương tâm của gia đình họ.

Thân bài:

  • Giới thiệu sơ qua về Vũ Nương và Trương Sinh: gia cảnh, tính cách, cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng.
  • Nhớ lại câu chuyện làm rung động cả một vùng quê thanh bình: Vũ Nương bị chồng nghi ngờ có quan hệ bất chính với người đàn ông khác khi anh ta đi lính. Người con gái ấy đã chọn cái chết, dìm mình xuống sông Hoàng Giang để bảo vệ danh tiết.
  • Một thời gian sau, Trương Sinh biết mình đã hiểu lầm vợ nên lập đàn giải oan cho Vũ Nương ở sông Hoàng Giang.
  • Thật ly kỳ khi Vũ Nương tự vẫn nhưng may thay được các nàng tiên dưới Thuỷ cung cứu mạng. Khi chồng lập đàn giải oan, nàng đã trở về để giãi bày nỗi oan ức, và cũng tha thứ cho người chồng của mình.
  • Cuối cùng, Vũ Nương chọn ở lại thuỷ cung, rời xa nhân gian để sống một cuộc đời bình yên.
đóng vai người hàng xóm kể lại chuyện người con gái nam xương
Vũ Nương – người phụ nữ có số phận hẩm hiu

Kết bài:

Nêu ra quan điểm cá nhân, đưa lời khuyên cho mọi người biết yêu thương, vun vén và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, cần có niềm tin vào người bạn đời, không nên ghen tuông mù quáng làm gia đình tan nát.

Văn mẫu hóa thân người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Cùng nhập vai người hàng xóm kể lại chuyện Người con gái Nam Xương trong Ngữ văn lớp 9 tập 1 Kết nối tri thức một cách hấp dẫn, thu hút người đọc với những bài văn mẫu dưới đây.

Mẫu 1: Nhập vai người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Cùng làng với tôi có một chàng trai trẻ tuổi, con nhà hào phú tên là Trương Sinh. Cha chàng không may mất sớm, từ nhỏ chàng sống cùng mẹ với cơ ngơi khá giả nên không phải bươn chải, làm lụng vất vả.

Ở làng bên có một người con gái xinh đẹp, nết na tên là Vũ Thị Thiết, hay còn gọi là Vũ Nương. Vì yêu mến dung mạo, tính tình của nàng nên Trương Sinh đã xin mẹ mang sính lễ sang hỏi nàng làm vợ.

Trương Sinh mặc dù là con nhà giàu có nhưng lại ít học, tính tình hồ đồ, nông nổi, không có chí nam nhi vùng vẫy bốn phương. Đặc biệt, hắn ta nổi tiếng với tính đa nghi, luôn ngờ vực tất cả mọi người kể cả vợ mình. May thay, Vũ Nương lại là người biết suy tính trước sau, sống biết trên biết dưới. Vì hiểu tính cách của chồng mình nên nàng luôn giữ đúng khuôn phép, hết lòng vì chồng.

Trong những năm làm dâu nhà “hào môn”, Vũ Nương đã làm tốt vai trò của một người vợ hiền, dâu thảo. Mặc dù Trương Sinh có rất nhiều thói xấu nhưng nàng vẫn chấp nhận, không hề ca thán. Thay vào đấy còn luôn cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình. Nhìn ngoài, ai cũng nghĩ nàng có cuộc sống ấm êm, vui vẻ nhưng sâu bên trong là những chịu đựng, uất ức khi phải sống với người chồng đa nghi, toan tính, vũ phu.

Năm đó, quân Chiêm xâm chiếm nước ta, trai tráng trong làng đều phải ra chiến trường đánh giặc, và Trương Sinh cũng không ngoại lệ. Anh chàng tạm biệt mẹ già, người vợ trẻ đang mang bầu để thực hiện nghĩa vụ với tổ quốc. Vũ Nương ở nhà hết mực chăm lo cho mẹ già. Chồng đi chưa được bao lâu thì nàng cũng hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh để nối dõi tông đường.

Sau hơn một năm đi lính trở về, Trương Sinh buồn bã khi nghe tin mẹ mình đã mất. May thay, có vợ và cậu con trai tên Đản ở bên bầu bạn để vơi nỗi buồn. Sau khi về đến nhà, Trương Sinh cùng cậu con trai ra thăm mộ mẹ, khi bé Đản oà khóc chàng liền xưng cha và dỗ đứa trẻ nín khóc. Cậu con trai bỗng ngạc nhiên và kể về người cha thường xuất hiện vào mỗi đêm khuya.

Đản mô tả người này không nói, không cười, mẹ đứng cũng đứng, mẹ ngồi cũng ngồi, chưa bao giờ bế con một lần. Trương Sinh nghe đến đây thì liền nổi trận lôi đình, nghi ngờ vợ có mối quan hệ bất chính với người đàn ông khác khi mình đi lính. Về đến nhà, hắn ta la mắng, đánh đập, chì chiết Vũ Nương không thương tiếc rồi đuổi ra khỏi nhà.

nhập vai người hàng xóm kể lại chuyện người con gái nam xương
Chiếc bóng trên tường chính là người cha mà Đản nhắc đến

Mặc cho vợ có van xin, giải thích thế nào thì Trương Sinh cũng không chịu nghe, còn đánh đập nàng tàn bạo hơn. Vì quá đau khổ, oan ức, không thể nào giải oan được nên Vũ Nương đã quyết định tự vẫn, dìm mình xuống sông Hoàng Giang để bảo vệ danh tiết.

Nghe tin, cả làng tôi vô cùng đau xót, tiếc thương cho người con gái có số phận hẩm hỉu, đúng là hồng nhan bạc phận. Mặc dù cả làng đã cùng nhau lặn lội, tìm kiếm nhưng không thể tìm được thi hài của nàng để mai táng.

Một đêm nọ, khi thấy chiếc bóng trên tường, bé Đản liền gọi cha và nói đây chính là người thường xuất hiện trong nhà lúc đêm khuya. Lúc này, Trương Sinh với vỡ lẽ, biết được mình đã nghi oan cho vợ nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Sau khi mọi chuyện được sáng tỏ, tôi và người dân trong làng lại càng thương xót hơn cho người con gái ấy.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, câu chuyện về gia đình Trương Sinh cũng dần đi vào quên lãng. Năm ấy, Phan Lang người cùng làng tôi mơ thấy có người con gái mặc áo xanh cầu xin chàng tha mạng. Sáng hôm sau có người biếu chàng một con rùa mai xanh rất đẹp. Phan Lang nghĩ ngay đến giấc mộng đêm hôm trước nên bèn thả con rùa ra sông. Câu chuyện của anh chàng này làm chúng tôi bán tín, bán nghi, không biết sắp tới có chuyện gì xảy ra với ngôi làng bình yên này không.

Năm ấy, đoàn thuyền đánh cá của Phan Lang gặp nạn trên biển, đắm tàu khiến tất cả thành viên trên thuyền đều mất tích, không tìm thấy xác. Chúng tôi liền nhớ đến giấc mộng của Phan Lang, ai cũng lo sợ, không biết có mạo phạm gì đến thần linh hay không mà bị trừng phạt như vậy.

Một thời gian sau, Phan Lang bất ngờ trở về khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên xen lẫn chút sợ hãi. Anh ta đến gặp Trương Sinh, kể về câu chuyện được cứu sống một cách thần kỳ và đã gặp Vũ Nương dưới thuỷ cung. Thì ra, con rùa năm xưa Phan Lang cứu mạng chính là vợ của vua Hải Nam. Nên khi rơi xuống biển, chàng đã được người của thuỷ cung cứu mạng.

Phan Lang cho biết, khi dưới thuỷ cung, chàng gặp lại Vũ Nương, nàng đã tỏ bày mọi chuyện, kể về những uất ức mà mình phải chịu. Nàng nhờ Phan Lang nhắn nhủ với chồng, nếu còn tình xưa nghĩa cũ thì phải lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang để nàng trở về.

Ban đầu, mọi người và Trương Sinh đều không tin mọi chuyện nhưng khi Phan Lang đưa ra cây trâm cài tóc của Vũ Nương thì ai cũng khiếp sợ. Đúng là trên đời này đều có nhân quả, người tốt ắt sẽ được bảo vệ, che chở bởi những đấng thần linh. Trương Sinh làm theo lời vợ, lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang ba ngày ba đêm.

Đúng ngày thứ ba, Vũ Nương hiện về, ngồi trên kiệu hoa, thoát ẩn thoát hiện. Nàng nói lời từ biệt với chồng mình rồi dần dần biến mất trong làn sương trắng. Lời than thở bi ai, thê thiết khiến trời đất cũng xót thương. Tôi và người dân trong làng chứng kiến cảnh này ai cũng đều rơi nước mắt. Hy vọng quãng đời còn lại nàng sẽ được sống trong bình yên, không còn ai oán, vướng bận nhân gian.

Mẫu 2: Hóa thân người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Tôi hành nghề thầy thuốc, nhà ở cạnh gia đình của vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương. Chứng kiến câu chuyện đau thương của gia đình họ, tôi và nhiều dân trong làng không khỏi xót thương cho số phận người phụ nữ hẩm hiu, hồng nhan bạc phận. Câu chuyện tôi muốn kể dưới đây cũng là bài học cho nhiều người, hãy luôn yêu thương, tin tưởng người bạn đời của mình. Không nên hồ đồ, ghen tuông mù quáng khiến gia đình tan nát, vợ chồng chia lìa, con cái mô côi.

Ai cũng cảm thấy vui mừng cho nhà họ Trương vì lấy được Vũ Nương, người con gái xinh đẹp, nết na, dịu hiền. Từ ngày về làm dâu, nàng luôn biết cách cư xử phải phép, chăm sóc mẹ chồng chu đáo, thuỷ chung một lòng son sắc với chồng. Còn Trương Sinh, hắn ta mặc dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng ít học. Từ nhỏ đã biết đến là người học ngắn, suy nghĩ hồ đồ, đặc biệt có tính đa nghi.

Nhờ sự khôn khéo của Vũ Nương nên gia đình họ Trương có cuộc sống khá êm đềm, còn chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, năm đó trai tráng trong làng bị triều đình triệu tập ra chiến trường đánh giặc. Và đương nhiên, Trương Sinh cũng nằm trong danh sách đó. Gia đình nhỏ của họ và nhiều gia đình khác trong làng chịu cảnh chia ly từ biệt.

Trương Sinh đi lính chưa được bao lâu thì vợ ở nhà hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh đặt tên là Đản. Người mẹ già vì tuổi cao sức yếu nên lâm bệnh nặng qua đời, một mình Vũ Nương ở nhà chăm lo nhà cửa, nuôi nấng câu con trai khôn lớn. Sau gần hai năm đi lính, Trương Sinh trở về đoàn tụ bên vợ con.

Khi về nhà, hai cha con họ Trương cùng nhau ra viếng mộ bà nội. Không hiểu vì lý do gì, sau khi từ mộ mẹ trở về Trương Sinh nổi trận lôi đình, đánh mắng người vợ của mình không thương tiếc. Tôi và một số bà con hàng xóm có sang can ngăn, hỏi chuyện thì được biết cậu con trai nói với hắn ta có người đàn ông thường xuất hiện bên mẹ lúc đêm khuya.

Biết Vũ Nương không thể nào là người như vậy, chúng tôi đã hết sức giải thích, cho rằng nàng trong sạch, không thể phản bội chồng mình được. Tuy nhiên, Trương Sinh bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ, vẫn đánh đập, chì chiết vợ mình rồi đuổi ra khỏi nhà. Vì quá oan ức, không thể nào lấy lại được sự trong sạch nên Vũ Nương đã chạy ra sông Hoàng Giang tự vẫn.

Tôi và người dân trong làng vô cùng thương xót, đã cất công tìm kiếm mấy ngày trời nhưng vẫn không thể tìm thấy xác nàng. Có lẽ, vì quá uất ức nên thân xác Vũ Nương đã chìm sâu dưới đáy sông, không biết oan hồn đi đâu về đâu, thật quá là đau xót.

Đứa con trai của Vũ Nương từ khi mẹ mất đêm nào cũng quấy khóc, ai nghe tiếng khóc cũng thấy nao lòng. Trương Sinh cho dù có dỗ dành như nào cậu bé cũng không nguôi nỗi nhớ mẹ. Một đêm nọ, khi nhìn thấy chiếc bóng trên tường, bé Đản vội kêu lên cha, cha. Lúc này Trương Sinh mới vỡ lẽ, thì ra người đàn ông mà con trai kể chính là chiếc bóng mỗi đêm của vợ mình. Hắn ta vô cùng ăn năn, hối lỗi nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng.

Sau khi biết vợ mình bị oan, Trương Sinh đã lập đàn giải oan ba ngày ba đêm trên sông Hoàng Giang. Thật lạ kỳ thay, đúng ngày thứ ba thì Vũ Nương trở về, ngồi trên kiệu hoa, tướng mạo vẫn xinh đẹp nhưng khuôn mặt lại hiện lên nỗi u buồn, uất ức. Nàng giãi bày những oan ức mà mình phải chịu đựng, cũng đồng ý tha thứ cho chồng rồi sau đó từ từ biến mất trong làn sương trắng.

Trương Sinh vô cùng hối hận, chỉ biết bất lực đứng nhìn người vợ của mình dần dần đi xa. Tôi và mọi người trong lành khi chứng kiến cảnh này ai cũng đều rơi nước mắt xót thương cho người con gái ấy. Chỉ vì sự hồ đồ, ghen tuông mù quáng mà giờ đây Trương Sinh phải sống trong ân hận, cô đơn suốt cả cuộc đời.

Mẫu 3: Đóng vai người hàng xóm kể lại câu chuyện Người con gái Nam Xương

Tôi tên là Dương Lâm, người làng Nam Xương, vừa được đoàn tụ với vợ con sau gần hai năm đánh giặc Chiêm trở về. Đi cùng đợt với tôi là anh chàng hàng xóm tên Trương Sinh. Anh này sinh ra trong gia đình giàu có nhất nhì làng tôi nhưng lại ít học, nổi tiếng với tính đa nghi hồ đồ. Mới về nhà chưa được bao lâu thì gia đình họ Trương xảy ra sóng gió, vì ghen tuông mà Trương Sinh đã đánh đập, đuổi vợ ra khỏi nhà khiến nàng ấy phải tìm đến cái chết.

Tôi lớn lên từ nhỏ với Trương Sinh nên rất hiểu tính tình của hắn. Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại ham chơi, ít học, không có chí tiến thủ. Cha mất sớm, Trương Sinh lớn lên trong sự chăm sóc, che chở của mẹ. Đến tuổi lấy vợ, anh chàng phải lòng một người con gái làng bên tên là Vũ Thị Thiết. Nàng được biết đến là người có tướng mạo xinh đẹp, tính tình nết na, hiền dịu. Sau khi được hỏi cưới, Vũ Nương đồng ý về làm dâu nhà “hào môn”.

Cứ tưởng được sống trong giàu sang, nhung lụa, nhưng Vũ Nương lại luôn phải sống khép nép, giữ mình vì có người chồng đa nghi. Nàng hết mực chăm lo cho gia đình, chăm sóc mẹ chồng, một lòng chung thuỷ với Trương Sinh. Cuộc sống của gia đình họ cứ thế trôi qua một cách bình yên, êm ấm. Vui hơn khi cặp vợ chồng trẻ cũng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

Năm ấy, giặc Chiêm xâm chiếm nước ta, tôi và Trương Sinh cùng trai tráng trong làng phải ra quân dẹp loạn, bảo vệ đất nước. Nghe vợ tôi kể lại, Vũ Nương ở nhà được bà con hàng xóm yêu thương vì biết trên biết dưới. Đặc biệt, nàng luôn hết lòng chăm sóc mẹ già lúc đau ốm. Khi bà mất, vợ Trương Sinh cũng lo ma chay rất chu đáo.

Sau mấy năm chống giặc, tôi và Trương Sinh cũng được trở về làng quê để đoàn tụ cùng gia đình. Mọi thứ đã có nhiều thay đổi, hai đứa con của tôi cũng đã lớn, biết giúp mẹ làm việc nhà. Còn Trương Sinh, biết tin mẹ già đã mất anh ta rất đau buồn. May thay có cậu con trai tên Đản đang bập bẹ tập nói bầu bạn nên cũng vơi đi nỗi nhớ mẹ.

Một hôm tôi có việc lên mạn ngược mấy ngày, khi trở về thì bàng hoàng nghe tin Vũ Nương nhảy sông tự vẫn. Tôi không tin vào tai mình nữa vì chỉ cách đấy ít hôm, gia đình họ vẫn đang vui vẻ, hạnh phúc, tại sao lại xảy ra chuyện đau lòng như vậy được. Từ hôm xảy ra chuyện, tôi có sang nhà Trương Sinh để động viên, an ủi nhưng hắn có vẻ không thấy đau xót gì cho người vợ của mình.

Nghe vợ tôi kể, Trương Sinh cùng bé Đản ra mộ viếng mẹ, khi trở về nhà thì liền lôi Vũ Nương ra đánh đập, mắng nhiếc. Hắn bảo nàng ấy có mối quan hệ bất chính với người đàn ông khác, còn bảo bé Đản gọi người đó là bố. Mặc cho vợ mình có giải thích, minh oan cỡ nào thì Trương Sinh cũng không chịu lắng nghe, cho rằng vợ là người phản bội.

Nghe thấy vợ chồng cãi nhau, vợ tôi cùng một vài người hàng xóm có sang can ngăn, khuyên nhủ. Ai cũng tin Vũ Nương không thể nào phản bội chồng mình vì biết nàng ấy là người chính chuyên, ngay thẳng. Trong thời gian chồng đi lính, Vũ Nương hết lòng vì nhà chồng, một lòng son sắc thuỷ chung chờ đợi người thương nơi chinh chiến. Không hiểu sao Trương Sinh lại có thể nghi ngờ, cho rằng vợ mình có mối quan hệ bất chính với người khác.

Cái chết của Vũ Nương khiến ai cũng xót xa, thương cho người mẹ, thương cả cho người con trai còn quá nhỏ đã mô côi. Tôi thi thoảng cũng có sang trò chuyện tâm sự với Trương Sinh nhưng anh ta có vẻ chẳng mảy may gì đến cái chết của vợ. Hắn ta cho rằng kết cục như vậy là rất xứng đáng với người đàn bà không chung thuỷ.

Một hôm, Trương Sinh tâm sự với tôi rằng, khi hai cha con họ ra mộ thăm viếng mẹ già, bé Đàn nói có một người là cha bé, thường xuất hiện vào lúc đêm khuya. Người đàn ông này không nói, không rằng, mẹ Vũ Nương đi đâu thì đi theo đó, mẹ đứng cũng đứng, mẹ ngồi cũng ngồi và chưa bao giờ bế Đản. Nghe Trương Sinh kể, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng, tại sao một người như Vũ Nương lại làm ra chuyện tày đình như vậy.

Về đến nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho vợ nghe, vợ tôi một mức không tin có chuyện đó xảy ra. Vợ tôi còn nói, tại sao Vũ Nương ngoại tình mà còn công khai người này với con trai, còn bảo Đản gọi người đó là cha. Không lẽ cô ấy không sợ mọi chuyện bị phanh phui hay sao? Tôi thì nửa tín nửa nghi nhưng chuyện nhà người ta, mà cũng xảy ra rồi nên cũng không quan tâm nhiều nữa.

Bỗng một hôm, tôi sang chơi thì thấy Trương Sinh ngồi ủ rũ, khóc lóc, tỏ vẻ vô cùng hối hận. Hắn ra nói, thì ra người đàn ông mà đứa con trai kể chính là chiếc bóng của Vũ Nương. Vì sinh ra thì cha không có nhà, sợ con trai thiếu thốn tình cảm nên vợ Trương Sinh đã nói chiếc bóng của mình chính là cha Đản, còn nói chuyện mỗi đêm. Nghe đến đây, tôi rụng rời chân tay, không ngờ Vũ Nương lại phải chịu những oan ức, khổ hạnh như vậy.

Về đến nhà, tôi cứ nhớ mãi hình bóng người phụ nữ với nụ cười hiền dịu, tảo tần sớm hôm chăm lo cho con cái, gia đình. Nhưng đến cuối cùng lại nhận một kết cục thật bi thương. Tôi nhìn sang người vợ của mình, bỗng dưng thấy thêm yêu người phụ nữ của mình hơn rất nhiều. Tôi chợt nhận ra, những người phụ nữ đã phải đánh đổi cả thanh xuân, sắc đẹp, sức khỏe của mình cho chồng, cho con nhưng nhiều lúc họ lại không được tôn trọng.

Gần một tháng sau, Trương Sinh nói muốn lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang mong người vợ của mình được siêu thoát. Hôm đấy, người dân làng tôi cũng ra bờ sông thắp hương cho nàng rất đông, mong nàng kiếp sau đầu thai trở thành người hạnh phúc, vui vẻ cả một đời.

Ngày thứ ba sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan, trời đất bỗng tối sầm, sương phủ kín cả bầu trường, trên mặt sông xuất hiện chiếc kiệu hoa chở người con gái. Thì ra, đó chính là Vũ Nương, nàng trút hết mọi ai oán, nói lời từ biệt người chồng của mình rồi dần dần biến mất. Trương Sinh chỉ biết đứng nhìn trong tuyệt vọng, phần đời còn lại hắn ta sẽ phải sống trong sự day dứt, cô đơn.

Câu chuyện về vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương khiến người dân làng tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Kể từ đó, quan điểm trọng nam khinh nữ cũng dần được xóa bỏ, chúng tôi biết trân trọng, yêu thương người phụ nữ trong gia đình hơn.

Mẫu 4: Hóa thân thành người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương

Tôi tên là Lâm Nhi, hàng xóm bên cạnh nhà vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương. Cách đây nhiều năm về trước, làng quê yên bình nơi tôi ở bỗng rúng động trước những biến cố xảy ra với gia đình nhà họ trương. Lần đầu tiên trong làng, có một người phụ nữ phải dìm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để bảo vệ sự trong sạch, danh tiết của mình.

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, trước đây là một người con gái xinh đẹp, nết na, đoan trang, được rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng để ý. Trương Sinh lấy bấy giờ cũng đem lòng thầm thương trộm nhớ người con gái ấy. Anh chàng này sinh ra trong gia đình giàu có, khá giả nên đã mang tiền vàng đến làm sinh lễ để hỏi Vũ Nương làm vợ.

Nhà họ Trương có con dâu, ai cũng vui mừng, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Tôi là hàng xóm sát vách nên biết Vũ Nương là người phụ nữ rất đảm đang, siêng năng, cần mẫn. Từ lúc về làm dâu, chưa bao giờ thấy thấy cô ấy lời ra tiếng vào với mẹ chồng, sống hoà thuận, biết trên biết dưới. Nhìn bên ngoài ai cũng nghĩ Vũ Nương lấy được nhà giàu, sống trong vinh hoa phú quý, an nhàn cả một đời.

Tuy nhiên, tôi chứng kiến Trương Sinh lớn lên từ nhỏ nên cũng rất hiểu tính tình của anh chàng này. Bố mất sớm, cậu ta ở cùng với mẹ nên được hết mực yêu thương, cưng chiều. Từ nhỏ,  anh chàng họ Trương đã lười học, suốt ngày ăn chơi lêu lổng, không chịu tu chí làm ăn. Đặc biệt, Trương Sinh nổi tiếng trong làng có tính đa nghi, ghen tuông mù quáng, không bao giờ cho vợ mình đi đâu.

Năm ấy, giặc Chiêm xâm chiếm đất nước, triều định lệnh cho trai tráng trong nhà phải đi đánh giặc. Chồng tôi và chồng Vũ Nương đều phải đi lính, thực hiện nghĩa vụ cao cả của tổ quốc. Đa số ở làng chỉ toàn là phụ nữ, trẻ em và người già. Vì là hàng xóm nên tôi cũng thường xuyên sang nhà bà Trương trò chuyện, giúp đỡ lẫn nhau lúc tắt lửa tối đen.

Vũ Nương ở nhà làm theo lời chồng, một mình chăm sóc mẹ già chu đáo. Cô ấy còn sinh cho Trương Sinh một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Đản. Ba mẹ con bà cháu dựa vào nhau sống hòa thuận, êm ấm. Tuy nhiên, do tuổi cao lại mắc bệnh nặng nên một thời gian sau bà Trương cũng đi gặp ông bà tổ tiên. Vũ Nương là con dâu nhưng rất chu đáo, lo hậu sự cho mẹ chồng chu toàn rồi một mình chăm sóc đứa con trai bé bỏng.

Sau hơn hai năm chống giặc, chồng tôi và Trương Sinh cũng trở về đoàn tụ với gia đình. Ngày anh Trương về, bà con hàng xóm cũng sang động viên, chia buồn để anh phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Bé Đản từ khi sinh ra chưa gặp bố bao giờ nên tôi thấy bé vẫn còn khá lạ lẫm, chưa dám gần gũi với cha mình. Nhìn ánh mắt Vũ Nương tôi biết cô ấy đang rất hạnh phúc sau những tháng ngày xa chồng.

Tuy nhiên, cuộc đoàn tụ chưa được bao lâu, chỉ vài ngày sau tôi bỗng nghe thấy tiếng quát tháo bên nhà Vũ Nương. Chạy sang tôi thấy Trương Sinh đang đánh đập vợ, chửi mắng cô ấy là phụ nữ lăng loàng, không chung thuỷ. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi và một số người dân đã đứng ra can ngăn, khuyên bảo, mong Trương Sinh bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện.

Trương Sinh nói với chúng tôi rằng Vũ Nương có mối quan hệ bất chính với người đàn ông khác. Chính cô ấy còn bắt bé Đản gọi người đấy là cha. Vũ Nương một mực minh oan, giải thích nhưng vì sự ghen tuông mù quáng mà Trương Sinh nhất định không nghe, liền đuổi người vợ của mình ra khỏi nhà.

Nghe chuyện Vũ Nương có người khác tôi thực sự không tin, vì trước nay cô ấy rất chung thuỷ, một lòng vì chồng, vì con. Chưa bao giờ tôi thấy Vũ Nương đi đâu với người lạ hay có mối quan hệ mập mờ với ai. Vậy người đàn ông mà cô ấy bảo bé Đản gọi là cha thực chất là ai? Hình ảnh người phụ nữ bị chồng đánh thâm tím mặt mày, lê lết từng bước chân đi ra khỏi nhà khiến cả đêm tôi không ngủ.

Tôi có bảo Vũ Nương sang nhà mình ở tạm một vài hôm, đợi Trương Sinh nguôi ngoai rồi về nhà tỏ rõ sự việc. Tuy nhiên, cô ấy đã chối từ rồi một mình chạy ra sông Hoàng Giang ngồi khóc. Sáng hôm sau, cả làng tôi bàng hoàng khi nghe tin Vũ Nương đã nhảy sông tự vẫn. Tôi và mọi người đều cảm thấy xót thương cho người phụ nữ hồng nhan bạc phận ấy.

Cả làng tôi đã lặn lội, tìm kiếm trong nhiều ngày nhưng không thấy xác của Vũ Nương. Ai cũng xót xa, thương cho cô ấy, rồi không biết thân xác trôi dạt về đâu, liệu có ai vớt được để mai táng cho linh hồn của Vũ Nương được siêu thoát.

Cậu con trai từ khi mất mẹ đêm nào cũng quấy khóc tìm mẹ, Trương Sinh có dỗ kiểu nào cậu bé cũng không nín. Bỗng một hôm, khi nhìn thấy chiếc bóng trên tường, bé Đản liền gọi lớn hai tiếng cha, cha. Lúc này, lão Trương mới vỡ lẽ, thì ra người đàn ông xuất hiện mỗi đêm khuya chính là bóng của vợ mình. Hắn ta vô cùng ân hận, ngày ngày ra sông Hoàng Giang mong nhận được tin về người vợ đã mất của mình.

hóa thân người hàng xóm kể chuyện người con gái nam xương
Hai cha con ngày ngày ra sống ngóng tin mẹ

Năm ấy, trong làng tôi có người tên là Phan Lang, chuyên chài lưới trên sông Hoàng Giang gặp nạn rồi mất tích, không tìm thấy thi thể. Mấy năm sau, Phan Lang bất ngờ trở về khiến mọi người vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi vì không biết là người hay ma. Anh ấy đã kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện ly kỳ ở dưới thuỷ cung.

Trước đây, Phan Lang từng nằm mơ thấy người con gái áo xanh cầu xin anh tha mạng. Sau đó, anh được biếu một con rùa mai xanh, người này liền nghĩ ngay đến giấc mộng hôm trước nên đã thả con rùa đi. Và thật không thể tin nổi, con rùa ấy chính là Linh Phi – vợ của vua biển Hải Nam. Khi gặp nạn, Phan Lang đã được người của thuỷ cung cứu giúp, còn mở yến tiệc tiếp đãi rất chu đáo.

Không những thế, khi xuống thuỷ cung, Phan Lang còn gặp lại vợ của Trương Sinh, cô ấy vẫn còn sống. Vũ Nương đã giãi bày mọi chuyện với Phan Lang, nói rất nhớ nhà, nhớ người thân nhưng vì danh dự bị sỉ nhục, nỗi oan không ai thấu nên không thể trở về. Chúng tôi nghe câu chuyện nửa tín, nửa nghi, không tin trên đời lại có chuyện hoang đường như vậy.

Sau khi giải thích một hồi, Phan Lang bèn đưa ra một chiếc trâm hoa vàng. Khi nhìn thấy chiếc trâm, Trương Sinh liền vội bật khóc, hắn ta xác nhận đây chính là trâm cài tóc của vợ mình. Phan Lang cho biết, Vũ Nương muốn chồng mình lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang ba ngày ba đêm để nàng trở về.

Ngay hôm sau, Trương Sinh liền chuẩn bị đồ lễ, lập đàn giải oan. Tôi và người dân trong làng cũng ra thắp hương cầu nguyện cho Vũ Nương sớm trở về. Đến ngày thứ ba, bỗng dưng trời đất tối sầm, sương giăng phủ kín mặt sông, mọi người nhìn thấy một người con gái ngồi trên chiếc kiệu hoa, thoát ẩn thoát hiện. Thì ra, Vũ Nương đã trở về, cô ấy trút bày mọi ai oán, cũng đồng ý tha thứ cho những lỗi lần của người chồng tệ bạc.

Nói xong, Vũ Nương liền chào tạm biệt, dần dần biến mất trong làn sương trắng. Trương Sinh đứng trên bờ bất lực nhìn theo bóng dáng của vợ cứ khuất dần, khuôn mặt vô cùng ăn năn, hối lỗi. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn màng, giờ đây lão Trương phải sống cả quãng đời còn lại trong sự dày vò, cô đơn cùng cực.

Câu chuyện về vợ chồng Trương Sinh – Vũ Nương có lẽ sẽ in sâu trong tâm trí của người dân làng Nam Xương. Cậu bé Đản ngày nào giờ đã lớn, trở thành chàng trai khôi ngô, lanh lợi. Có lẽ, Vũ Nương dù đi xa nhưng vẫn dõi theo từng bước, soi đường chỉ lối cho cậu con trai của mình.

Kết luận

Đóng vai người hàng xóm kể lại Chuyện người con gái Nam Xương là một đề bài rất thú vị, giúp học sinh biết cách trình bày, kể lại câu chuyện dưới ngôi thứ nhất. Những bài văn do The POET soạn thảo chỉ mang tính chất tham khảo để các bạn biết cách triển khai bài văn sao cho thật hay, thật sáng tạo, hấp dẫn.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *