Liên hệ mở rộng, so sánh Mùa xuân nho nhỏ và Sang Thu, Viếng Lăng Bác

Liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ là cách hay giúp bạn hiểu rõ hơn về tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước và ước nguyện muốn cống hiến cho đời của tác giả Thanh Hải. Trong lịch sử văn học Việt, đã có vô số nhà thơ lấy chủ đề mùa xuân để thể hiện tâm tình mình, trong đó phải kể đến tác phẩm Sang thu – Hữu Thỉnh và Viếng lăng Bác – Viễn Phương.

Liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ và các tác phẩm khác

Ta có thể liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ với những đoạn thơ, bài thơ sau:

1. Liên hệ bức tranh thiên nhiên mùa xuân với bài thơ Mùa xuân chín – Nguyễn Bính:

“Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh”

2. Liên hệ hình ảnh bông hoa tím với Trở về quê nội – Lê Anh Xuân: 

“Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn con đây nước chẳng đôi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông”

3. Liên hệ chim chiền chiện với Con chim chiền chiện – Huy Cận:

“Con chim chiền chiện
Bay vút, vút cao
Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào”

4. Liên hệ mở rộng bài Mùa xuân nho nhỏ khổ 1 với hình ảnh mùa thu trong bài thơ Sang Thu – Hữu Thỉnh:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

5. Liên hệ quan điểm sống của tác giả Thanh Hải với anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long và với bài hát Tự nguyện – Trương Quốc Khánh:

“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người tôi sẽ chết cho quê hương”

6. Liên hệ quan điểm sống đẹp đẽ của Thanh Hải với thơ Tố Hữu:

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

7. Liên hệ khát vọng cống hiến của tác giả với bài Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân:

“Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

8. Liên hệ khát vọng dâng hiến của tác giả Thanh Hải với khát vọng của Viễn Phương trong bài Viếng lăng Bác:

“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

9. Liên hệ hình ảnh Đất nước như vì sao với bài thơ Đất nước – Nguyễn Đình Thi: 

“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ
Liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ

So sánh liên hệ tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu

Trong 9 trường hợp liên hệ trên, việc so sánh vẻ đẹp mùa xuân trong bài Mùa xuân nhỏ nhỏ với hình ảnh mùa thu trong bài Sang thu được nhiều người lựa chọn.

Dàn ý bài so sánh

Phần Nội dung
Mở bài Tình yêu thiên nhiên là một trong những chủ đề nổi bật trong văn học Việt Nam. Các nhà thơ Việt Nam hiện đại đã đóng góp vào đề tài này bằng những nét riêng độc đáo của mình. Qua tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải và “Sang thu” của Hữu Thỉnh, người đọc sẽ cảm nhận được tình yêu thiên nhiên sâu sắc của hai thi nhân này.
Thân bài 1. Tình yêu thiên nhiên trong bài Mùa xuân nho nhỏ 

  • Thể hiện vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên qua nghệ thuật phối sắc: Bông hóa tím – Dòng sông xanh.
  • Biện pháp đổi trật tự cú pháp trong câu thơ ngắt dòng

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”

=> Nhấn mạnh sự trỗi dậy của thiên nhiên.

=> Vẽ lên mùa xuân Huế thơ mộng, bình dị.

  • Hai câu thơ tiếp mở rộng không gian bức tranh xuân. Tín hiệu xuân là tiếng chim chiền chiện hót vang trời.

Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời

=> Gọi đáp nhân hóa chim thành người bạn.

=> Từ ngữ địa phương tăng tính biểu cảm.

  • Hai câu thơ tiếp có sự xuất hiện của bóng dáng nhân vật trữ tình.

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng

=> Ẩn dụ huyển đổi cảm giác âm thanh tiếng chim thành giọt long lanh rơi.

=> Làm cho bức tranh thêm thơ mộng, trữ tình.

=> Thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân của tác giả.

Bạn có thể theo dõi thêm phần phân tích khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ để có thêm ý tưởng viết mục này.

2. Tình yêu thiên nhiên trong bài Sang thu 

  • Sự độc đáo bắt đầu bằng hương ổi:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

=> Phải vào gợi cảm giác bất chợt của hương ổi và sự nhẹ nhàng của gió.

=> Từ láy chùng chình nhân hóa sương => Gợi sự lay động của lá cây và vẻ tư lự của lòng người.

=> Thành phân biệt lập thể hiện sự nghi hoặc, bâng khuâng, không rõ bước chân của mùa thu dù đã có tín hiệu.

  • 4 câu thơ tiếp thể hiện cảm xúc của thời điểm giao mùa tiếp tục lan tỏa, mở ra khi nhìn xa, rộng hơn:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

=> Từ lấy dềnh dàng nhân hóa dòng sông, chúng không còn cuồn cuộn vội và mà chậm chạp, thư thả.

=> Hình tượng đối lập của đàn chim vội vã, nhân hóa chim bay về phương nam để tránh rét => Sự đối lập tạo ra sự vận động của vạn vật trong thời gian giao mùa.

=> Hai câu thơ cuối giàu sức biểu cảm, phép nhân hóa được dùng để tạo sự bất ngờ và tinh tế. Áng mây là hình ảnh thực nhưng ranh giới giữa mùa hạ và mùa thua là trí tưởng tượng của nhà thơ.

Tóm lại, hình ảnh thơ tự nhiên không màu mè nhưng vẫn giàu sức gợi cảm. Thể thơ 5 chữ vắt dòng tạo liên tưởng thú vị về thời điểm giao mùa. Cách cảm nhận của tác giả tinh tế, nhạy cảm.

3. Đánh giá chung

  • Điểm giống

Cả hai đều yêu thiên nhiên.

Tình yêu này nhẹ nhàng và tinh tế => Cảnh sắc thiên nhiên không bị hòa lẫn vào cảnh sắc của các bài thơ khác.

  • Điểm khác

Mùa xuân nho nhỏ: 

Đổi trật tự và cú pháp câu, thường sử dụng biện pháp ẩn dụ.

Là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tại Huế.

Xúc cảm nghiêng về sự đẹp đẽ của đất trời, từ đó thể hiện tình yêu cuộc sống.

Sang thu: 

Hình ảnh mùa thu đặc trưng, giàu sức biểu cảm và thường dùng phép nhân hóa.

Là bức tranh mùa thu tại ngõ xóm của đồng bằng Bắc bộ.

Xúc cảm nghiêng về sự nhẹ nhàng, tình cảm gắn bó với quê hương.

Kết bài Tình yêu thiên nhiên của hai nhà thơ đã bồi đắp thêm cảm xúc và tình yêu cho người đọc. Cả hai bài đều là những trang thơ hiện đại Việt Nam xuất sắc.
Liên hệ mở rộng bài mùa xuân nho nhỏ khổ 1
Liên hệ mở rộng bài Mùa xuân nho nhỏ khổ 1 với Sang thu

Bài mẫu

Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Nhà thơ Thanh Hải và nhà thơ Hữu Thỉnh đã đóng góp vào kho tàng thơ ca Việt Nam với hai tác phẩm đặc sắc về thiên nhiên: “Mùa xuân nho nhỏ” và “Sang thu”. Dù mỗi bài thơ mang theo những cảm xúc riêng biệt, cả hai đều chung một nguồn cảm hứng và tình yêu sâu đậm với thiên nhiên quê hương, thể hiện qua những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Trong “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải viết về mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, cùng với những khát vọng đẹp đẽ của mình. Trong khi đó, “Sang thu” của Hữu Thỉnh lại ghi lại khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Dù cùng viết về đề tài thiên nhiên, mỗi thi phẩm đều mang nét độc đáo riêng.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khắc họa mùa xuân tươi đẹp của xứ Huế. Ngay từ những dòng đầu tiên, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân rực rỡ.

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”

Thanh Hải không miêu tả chi tiết mùa xuân xứ Huế mà sử dụng vài nét chấm phá để khắc họa bức tranh mùa xuân của mình. Đó là bông hoa nhỏ “tím biếc” mọc lên giữa “dòng sông xuân”, là tiếng chim “chiền chiện” hót líu lo giữa bầu trời rộng lớn. Những chi tiết này gợi lên hình ảnh về một mùa xuân vui tươi, rộn ràng.

Ngay từ câu thơ đầu tiên, Thanh Hải đã đặt từ “mọc” lên đầu câu để nhấn mạnh sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ của những dấu hiệu mùa xuân. Đóa hoa “tím biếc” có thể là bông lục bình trôi nhẹ trên sông Hương xanh biếc, một biểu tượng quen thuộc của xứ Huế thân yêu. Những chú chim “chiền chiện” – sứ giả của mùa xuân – cất tiếng hót rộn rã, báo hiệu mùa xuân đang đến. Từ “ơi” được đặt ngay đầu câu thơ như tiếng gọi tha thiết, thân thương với những chú chim đang ca hót. Tiếng hót ấy khiến nhà thơ xúc động, bồi hồi và trách cứ trong niềm thương mến.

“Hót chi mà vang trời”

Lời trách cứ ấy mang đậm hương vị của xứ Huế. Tiếng chim gọi mùa xuân vang vọng trên cao, như cô đặc lại, lắng đọng, tạo thành những giọt mật ngọt ngào của mùa xuân, của thiên nhiên đất trời, rơi xuống mặt đất. Có thể đó là những giọt mưa xuân lất phất bay trong không gian ngập tràn sắc xuân. Dù là gì đi nữa, chúng cũng khiến nhà thơ Thanh Hải xúc động sâu sắc, bồi hồi đưa tay “hứng” lấy từng “giọt long lanh” ấy. Hành động “hứng” của ông thật nhẹ nhàng, tinh tế, thể hiện sự nâng niu, trân trọng mà ông dành cho mùa xuân. Ở đây, Thanh Hải đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, biến mùa xuân thành một thực thể hữu hình để có thể cầm nắm, chạm và nếm thử một cách say mê.

Bức tranh thiên nhiên mà nhà thơ dựng lên đầy ắp tình yêu tha thiết với thiên nhiên, mong muốn tận hưởng mùa xuân từ những khoảnh khắc đầu tiên. Mùa xuân trên quê hương xứ Huế hiện lên với những hình ảnh gần gũi, thân thương và giản dị nhất.

Ngược lại, nhà thơ Hữu Thỉnh lại chọn viết về mùa thu. Bức tranh chớm thu của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên với những hình ảnh thật giản dị, mộc mạc và thân thương:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Mùa thu trong mắt Hữu Thỉnh bắt đầu từ những dấu hiệu thân thuộc: hương ổi chín lan tỏa trong làn “gió se” lạnh lẽo và màn sương mờ bao phủ khắp làng quê. Ổi, một loại quả quen thuộc với người dân Việt Nam, xuất hiện như một tín hiệu báo mùa thu đang tới. Chính “hương ổi” đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ, giúp ông nhận ra sự chuyển mình bất ngờ của mùa thu:

Làn gió se se lạnh mang theo mùi ổi chín, gợi lên hình ảnh mùa thu đang len lỏi vào từng ngõ ngách, làm sống dậy những ký ức và cảm xúc của nhà thơ. Màn sương mờ giăng khắp nơi, phủ lên cảnh vật một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, nhưng cũng đầy chất thơ. Những hình ảnh giản dị ấy không chỉ báo hiệu mùa thu đang đến mà còn chạm đến những cảm xúc sâu lắng, gợi nhớ về quê hương và những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống.

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

Từ “bỗng” được nhà thơ Hữu Thỉnh đặt ở đầu câu thơ thể hiện cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng khi ông chợt nhận ra mùi thơm của “hương ổi” đang lan tỏa trong không khí. Đó là dấu hiệu của mùa thu, những dấu hiệu sớm nhất và quen thuộc nhất, kèm theo làn gió se lạnh khô đang bao trùm không gian.

Một dấu hiệu khác báo hiệu mùa thu đang về là màn sương mù “chùng chình” đi qua ngõ xóm. Động từ “chùng chình” miêu tả sự chậm rãi một cách cố ý, khiến màn sương như có linh hồn. Nó chầm chậm di chuyển qua từng con ngõ nhỏ, báo hiệu sự chuyển mình của đất trời vào mùa thu. Và chính lúc này, nhà thơ mới giật mình, thảng thốt nhận ra rằng:

“Hình như thu đã về”.

Hữu Thỉnh đã tinh tế nắm bắt những tín hiệu chớm thu của đất trời đồng thời ông cũng thấy những chuyển biến của thiên nhiên khi bước vào thu:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Mùa thu mang đến cho thiên nhiên một vẻ đẹp hoàn toàn khác biệt. Nếu như dòng sông mùa hạ chảy xiết và mạnh mẽ, thì giờ đây nó trở nên “dềnh dàng”, chậm rãi và thong thả trôi trong sự êm đềm. Những chú chim nhỏ, từng ca hót suốt mùa hạ, giờ đây “vội vã” chuẩn bị tránh rét. Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp đối lập cùng hai từ láy “dềnh dàng” và “vội vã” để diễn tả sự thay đổi của vạn vật khi mùa thu sang.

Đặc biệt nhất trong bức tranh thiên nhiên này là hình ảnh “đám mây mùa hạ”. Đám mây ấy không còn mang theo cái nóng oi bức của mùa hạ, nhưng cũng chưa hoàn toàn có được sự thanh thoát, nhẹ nhàng của mùa thu. Dường như đám mây vẫn còn chút luyến tiếc mùa hạ, chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Đây là một hình ảnh liên tưởng và nhân hóa độc đáo, thể hiện sự chuyển mình của thiên nhiên.

Dù mùa thu đã đến, đất trời vẫn còn phảng phất hơi nắng. Những cơn mưa mùa hè bất chợt cũng dần ít đi, và cả những tiếng sấm cũng trở nên dịu bớt. Tất cả đều báo hiệu một mùa thu đang sang:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Hai bài thơ dù được viết trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khắc họa hình ảnh thiên nhiên và tình yêu tha thiết với đất nước, cùng niềm cảm hứng dạt dào về cảnh sắc quê hương. Nếu Thanh Hải đem đến cảm nhận về một mùa xuân tươi vui, rộn ràng của con người trong thời kỳ xây dựng đất nước, thì Hữu Thỉnh lại mang lại cảm nhận về một mùa thu bình dị, dân dã và quen thuộc. Cả hai tác phẩm đều vẽ nên những bức tranh thiên nhiên quê hương đẹp đẽ và khó quên.

“Sang thu” và “Mùa xuân nho nhỏ” là hai bức tranh thiên nhiên đầy cảm xúc của hai nhà thơ tài năng Hữu Thỉnh và Thanh Hải. Hai bài thơ này đã góp phần quan trọng vào kho tàng những thi phẩm đặc sắc về thiên nhiên trong văn học Việt Nam.

So sánh liên hệ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng lăng Bác

Dưới đây là dàn ý và bài mẫu giúp bạn có ý tưởng so sánh liên hệ Mùa xuân nho nhỏ và Viếng lăng Bác.

Dàn ý bài so sánh

Phần Nội dung
Mở bài
  • Giới thiệu 2 tác giả, 2 tác phẩm

Ai cũng có những ước muốn riêng, có thể bình thường và giản dị, hoặc là những khao khát lớn lao khi thoát khỏi cái tôi cá nhân để hòa nhập vào cộng đồng. Trước thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân xứ Huế, Thanh Hải đã thể hiện khát vọng dâng hiến của mình cho mùa xuân chung của đất nước qua bài thơ “Mùa Xuân nho nhỏ”. Tương tự, niềm thành kính và xúc động chân thành của Viễn Phương khi lần đầu ra thăm lăng Bác được bộc lộ qua bài thơ “Viếng lăng Bác”.

Ngoài gợi ý trên, bạn đừng quên xem thêm thông tin bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để giới thiệu Thanh Hải cùng tác phẩm chi tiết hơn.

Thân bài 1. Phân tích khổ 4 và 5 của Mùa xuân nho nhỏ

2 khổ thơ gợi lên ước nguyện được hiến dâng và tình yêu đời tha thiết của tác giả Thanh Hải trong những ngày cuối đời trên giường bệnh.

a. Phân tích khổ 4

Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến

  • Điệp ngữ ta làm và nhịp thơ dồn dập => Diễn tả khát vọng mãnh liệt của nhà thơ. Đó là khát vọng góp một phần của mình để tô điểm cho quê hương đất nước.
  • Ước làm con chim để mang tiếng hát giúp đời rộn, ràng, một nhành hoa để khoa sắc cho đời thêm đẹp, một nốt trầm tạo nên bản hòa ca xao xuyến => Nguyên ước không cao xa, không ồn ào cho thấy nhà thơ khiêm tốn, muốn cống hiến thầm lặng.
  • Đây cũng là tiếng lòng vui mừng của tác giả khi đất nước thống nhất, xứ Huế thanh bình, phát triển.

b. Phân tích khổ 5 

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

  • Thái độ sống tích cực, lạc quan => Dẫu ở tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn muốn cống hiến sức lực mình.
  • Điệp ngữ dù là => Nhắc nhở bản thân cố gắng đối đầu với tuổi già và bệnh tật. Không chỉ tuổi trẻ mới có nghĩa vụ đóng góp mà đó là nghĩa vụ của mọi người.

=> Hình ảnh thơ mộc mạc, giọng thơ nhẹ nhàng như tiếng lòng nhà thơ.

=> Ước nguyện cao đẹp không cho riêng mình.

Khi tìm hiểu ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ, bạn sẽ hiểu hơn về ước nguyện muốn hiến dâng của tác giả Thanh Hải.

  2. Phân tích khổ cuối Viếng lăng Bác 

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

  • Dù đang đứng trước lăng Bác nhưng Viễn Phương đã lo sợ phải lìa xa. Nỗi lòng thành kính và tình cảm vô bờ với Bác đã khiến nhà thơ bật thành tiếng khóc => Chân thành, mộc mạc.
  • Điệp ngữ muốn làm => Nhấn mạnh khát vọng hóa thân để được bên Bác mãi mãi. Tác giả muốn làm chim hót chào bình minh và mang tiếng hát say sưa cho Bác ngủ yên, muốn làm đóa hóa khoe sắc, muốn làm cây tre canh giữ sự thiêng liêng. => Hình ảnh cây tre được lặp lại thể hiện phẩm chất kiên cường, bất khuất, trung hiếu của người Việt.

=> Tác giả dùng ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi cảm. Tinh tế, khép léo lựa chọn hình ảnh để bày tỏ tấm lòng thành kính khi đứng trước lăng Bác.

=> Bài thơ truyền tải tình yêu mến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và thái độ sống trung hiếu, ơn nghĩa đối với dất nước của tác giả.

  3. So sánh

a. Điểm giống 

  • Cả hai bài thơ đều bộc lộ ước nguyện tha thiết được hòa nhập, hiến dâng cho đời và cho đất nước. Chúng là những ước nguyện khiêm nhườm, không ồn ào.
  • Hai nhà thơ chọn dùng hình ảnh thiên nhiên để thể hiện mong ước của mình.

b. Điểm khác

  • Mùa xuân nho nhỏ viết về đề tài thiên nhiên và đất nước => Qua đó thể hiện khát vọng dâng hiến cho đời.
  • Viếng lăng Bác viết về lãnh tụ => Thể hiện cảm xúc thiêng liêng và tấm lòng thành kính từ tác giả.
Kết bài Dù ngày Viễn Phương viếng lăng Bác đã lùi xa và Thanh Hải không còn nhìn thấy mùa xuân quê hương nữa, nhưng mỗi nhà thơ đều để lại những vần thơ chan chứa, ấm áp về tình người và tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước.

Đừng quên theo dõi thêm các gợi ý kết bài, mở bài Mùa xuân nho nhỏ nâng cao để bài viết hoàn thiện nhất.

so sánh liên hệ tác phẩm mùa xuân nho nhỏ
So sánh liên hệ tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ với Viếng lăng Bác

Bài mẫu

Như ta đã biết, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về ước nguyện cống hiến cho cuộc đời. Tuy nhiên, có lẽ chưa có ai viết một cách thật chân tình, thân thương như trong bốn khổ thơ của “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương.

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Và khổ bốn và năm trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của thi sĩ Thanh Hải:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc. ”

Trong hai tác phẩm này, ta có suy nghĩ gì về ước nguyện cống hiến của các tác giả? Trên đầu khổ thơ thứ bốn trong bài “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, nhà thơ đã mở đầu bằng câu: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”.

Ở khổ thơ đầu tiên, hình ảnh hàng tre xanh xanh quen thuộc của làng quê Việt Nam được mô tả. Khổ thơ thứ hai thể hiện hình ảnh mặt trời cùng dòng người đi vào lăng viếng Bác, thể hiện niềm tôn kính sâu sắc của nhà thơ và cũng là của mọi người đối với Bác. Khổ thơ thứ ba chia sẻ về tâm trạng và sự xúc động khi trong lăng Bác. Đến khổ thơ thứ tư này, nhà thơ đã bộc lộ rõ nét nhất về tình cảm của mình khi phải rời xa lăng Bác để trở về với cuộc sống thường nhật. Qua cụm từ “thương trào nước mắt”, tác giả dường như biểu lộ nỗi buồn sâu sắc khi phải chia tay Bác, và sau đó nhà thơ đã trình bày:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Điệp ngữ “muốn làm” kết hợp với nghệ thuật liệt kê, những chi tiết gợi tả “con chim, đóa hoa, cây tre” với nhịp thơ dồn dập đã thể hiện ước nguyện của nhà thơ Viễn Phương muốn hóa thân vào cảnh vật quanh lăng Bác. Tác giả mong muốn làm con chim hót ru Bác ngủ, làm đóa hoa tỏa hương bát ngát, làm cây tre canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người. Kết cấu đầu và cuối bài thơ tương ứng thật độc đáo và khéo léo. Bài thơ mở ra với hình ảnh hàng tre xanh xanh của Việt Nam và kết thúc bằng hình ảnh “cây tre trung hiếu”. Nếu hàng tre là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam, thì cây tre trung hiếu là biểu tượng cho nhà thơ. Tác giả mong muốn trở thành một công dân trung thành với nước, hiếu với dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, đánh bại mọi kẻ thù. Tác giả cũng muốn đi theo con đường cách mạng, thực hiện lời dạy của Bác. Đó cũng là ước nguyện của toàn dân ta.

Sang đến đoạn thơ thứ hai, ba, bốn trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của thi sĩ Thanh Hải, ông đã viết:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”

Nếu ở khổ một là bức tranh thiên nhiên của mùa xuân xứ Huế, ở khổ hai và khổ ba là mùa xuân thiên nhiên của đất nước thì đến đây là ước nguyện cống hiến của nhà thơ:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”

Với những dòng thơ như lời tâm tình, thủ thỉ, kết hợp với điệp ngữ “ta làm”, nhà thơ đã thể hiện được ước nguyện của mình. Dù lặp lại hai hình ảnh “con chim, cành hoa” ở khổ một để tạo kết cấu chặt chẽ trong bài thơ, nhưng ở đây những hình ảnh này được nâng cao thành hai biểu tượng ẩn dụ, nói lên ước nguyện sâu sắc của nhà thơ. Nếu con chim mang âm nhạc cho cuộc sống thêm phong phú, cành hoa tỏa hương sắc làm cho thế giới thêm xinh đẹp, thì nhà thơ cũng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho thế gian. Tác giả cũng muốn trở thành “một nốt trầm xao xuyến”. “Nốt trầm” là nốt nhạc thấp, sự hiện diện của nó làm tăng sự đa dạng và sự phong phú của bản nhạc, tạo nên sự lưu luyến và làm cho âm nhạc thêm phong phú, sôi động. Nếu ở khổ đầu, tác giả sử dụng đại từ “tôi” để chỉ sự cảm nhận cá nhân về vẻ đẹp của mùa xuân tự nhiên, thì ở đây ông sử dụng đại từ “ta”, vừa chỉ số ít vừa chỉ số nhiều, có nghĩa là không chỉ là ước nguyện của riêng nhà thơ mà còn của toàn dân Việt Nam. Sự hài hòa giữa “tôi” và “ta”, sự kết nối giữa cá nhân và cộng đồng.

Và sang khổ thơ thứ năm, nhà thơ lại tiếp tục diễn tả về ước nguyện cống hiến của mình:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”

Nhiều nhà thơ đã sử dụng nhiều từ ngữ để miêu tả mùa xuân: mùa xuân xanh, mùa xuân chín, xuân lòng… Tuy nhiên, “mùa xuân nho nhỏ” lại là một ẩn dụ sáng tạo và độc đáo, một phát hiện mới của Thanh Hải. Nếu mùa xuân mang đến những sự thay đổi kỳ diệu cho đất nước, thì nhà thơ cũng mong muốn làm cho mùa xuân sống đẹp, sống với tất cả sức sống có, để góp phần vào mùa xuân lớn của dân tộc và cuộc sống chung. Từ “lặng lẽ”, gợi cảm và đặt ở đầu câu thơ kết hợp với từ “dâng”, gợi lên cảm giác âm thầm và sự cống hiến mà không cần phô trương, thể hiện một thái độ rất riêng biệt của Thanh Hải. Điệp ngữ “dù là” kết hợp với hai hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi” và “tóc bạc” đã thể hiện rõ ước nguyện cống hiến của nhà thơ, dù đó là ở tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống hay khi đã già nua.

Từ phân tích trên, chúng ta cảm nhận được những điểm chung về nội dung và nghệ thuật trong hai tác phẩm. Cả hai đều thể hiện ước nguyện sống và cống hiến cao đẹp, mang lại cho đời những điều tốt đẹp nhất. Đặc biệt, cả hai tác giả đều khai thác từ tình cảm chân thành yêu cuộc sống và yêu đất nước phong phú. Về mặt nghệ thuật, cả hai bài thơ đều vận dụng những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và sâu sắc.

Tóm lại, hai tác phẩm của hai tác giả khác nhau nhưng lại chia sẻ một suy nghĩ và một ước nguyện chung. Điều này thật sự đáng quý trọng và đáng để chúng ta – những thế hệ sau này – trân trọng. Với bản thân tôi, dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tôi sẽ luôn nuôi dưỡng trong lòng những đức tính tốt, rèn luyện đạo đức và kiến thức, để trong tương lai có thể đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của đất nước.

Lời kết

Phần liên hệ mở rộng Mùa xuân nho nhỏ không nằm trong chương trình ngữ văn cơ bản nhưng vẫn thường xuất hiện trong các bài thi, bài kiểm tra quan trọng. Những gợi ý mà Thepoetmagazine chia sẻ trong bài viết sẽ là nguồn cảm hứng giúp bạn có thêm ý tưởng phân tích, nêu cảm nhận về tác phẩm tuyệt vời này.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hi88 8xbet