Nguyễn Công Trứ và câu chuyện dẹp loạn Phan Bá Vành
Truyện Nguyễn Công Trứ dẹp loạn Phan Bá Vành tái hiện hành trình đầy cam go khi vị quan tài ba đối mặt cuộc nổi dậy, khắc họa tinh thần kiên trung và trí tuệ bậc anh tài trong lịch sử.
Ngày xưa, ở làng Minh Giám có một chàng trai nổi tiếng khỏe mạnh. Lúc mới sinh có nhiều tướng lạ: tay dài quá gối, răng liền một hàng, trên trán có ba đường chỉ ngang.Vì thế lớn lên, người ta quen gọi chàng là Ba Vành. Còn một điều đặc biệt nữa là ở mỗi bên chân có một chòm lông xoăn. Hai chòm lông này có phép rất mầu nhiệm. Hễ lúc nào nắm lấy chòm lông mà vuốt thì thân thể tự nhiên nhẹ nhõm, có thể nhảy một phóc vọt qua nóc nhà, hay từ trên cây cao buông người rơi xuống đất mà không việc gì. Tuy có tướng lạ, Ba Vành vẫn giấu không cho ai biết.
Bạn đang xem: Nguyễn Công Trứ và câu chuyện dẹp loạn Phan Bá Vành
Nhà nghèo, Ba Vành phải đi ở chăn trâu độ thân. Chàng thường chơi với bọn trẻ chăn trâu trong làng. Một hôm, cả bọn rủ nhau bày trò chia phe đánh trận. Phe Ba Vành sau một lúc chiến đấu, bị thua phải bỏ chạy; những đứa trẻ thuộc phe bên kia đuổi theo. Khi sắp tới một khe sâu, bị đuổi kíp quá, Ba Vành liền dừng lại vuốt hai chòm lông rồi làm một nhảy vượt sang tận bờ bên kia. Cả đám trẻ thấy vậy trố mắt đứng nhìn và kêu lên: -“Kìa, trông thằng Vành có phép phi thân!”. Từ đó, chúng thần phục Ba Vành, tôn chàng làm vua, gọi là vua Ba Vành.
Một hôm, Ba Vành để trâu ăn lúa của một mụ nhà giàu trong vùng. Mụ này nổi tiếng ngoa ngoắt, đã từng được người ta gọi là Chua Lừng. Nghe tin báo, mụ chạy ra réo tên Ba Vành mà chửi ầm ĩ. Không nhịn được chàng liền ra lệnh cho bọn trẻ bắt lấy mụ đưa vào bãi lau gần đấy để trị tội. Ba Vành lấy dao rạch mồm, và bảo: -“Muốn chửi, ta mở rộng mồm mà chửi cho sướng!”. Đoạn anh giết con trâu mình đang chăn cho bọn trẻ ăn khao. Việc làm của Ba Vành bị bọn nhà giàu và bọn hào cường thù ghét. Chúng cho người truy lùng anh. Ba Vành trốn trên một lùm cây. Bọn chúng rình mò vây bọc trong mấy ngày trời. Nhưng khi chúng xông vào thì Ba Vành đã kịp thời vuốt lông xoăn làm một phóc vọt qua ngọn tre. Cả bọn kinh hãi bỏ dở cuộc vây bắt.
Từ đó, Ba Vành làm giặc chống lại triều đình. Nghe tin Ba Vành có võ nghệ phi thường, người ta theo về rất đông. Họ vẫn gọi tên chàng là vua Ba Vành. Quân của chàng đánh đâu thắng đấy. Nhờ hai chòm lông, Ba Vành xuất quỷ nhập thần. Có những lúc chàng nhẹ nhàng nhảy vào doanh trại địch diệt sạch những tên chỉ huy. Rồi lại nhẹ nhàng nhảy ra, sau đó đưa quân tiến đánh. Bọn lính địch mất tướng như rắn mất đầu, chỉ còn biết vắt chân lên cổ mà chạy.
Về sau, nhà vua sai Nguyễn Công Trứ làm tướng cầm mấy đạo quân triều đình đi đánh Ba Vành. Nhưng quan quân tuy đông, cũng không làm sao thu được thắng lợi. Dù bị vây bọc như thế nào, Ba Vành cũng phi thân nhảy ra được; việc đó làm cho quân triều đình hết sức ngơ ngác và khiếp đảm, tiếng đồn làm họ ngày một ngã lòng. Thấy kẻ địch có phép xuất quỷ nhập thần, Nguyễn Công Trứ cũng e ngại. Ông cho tra hỏi dân chúng các làng xem phép thuật của Vành ra làm sao, nhưng chẳng một ai biết mà trả lời. Nguyễn Công Trứ lại càng lo lắng.
Dò la mãi không được, Nguyễn Công Trứ bèn lập một mẹo mới. Ông ra lệnh cho quân sĩ làm bộ rút lui, và cho phép các cơ đội đón phường chèo về mở cuộc vui trong mười đêm ngày. Quả nhiên, mẹo của ông có kết quả tốt.
Quân lính của Ba Vành có nhiều người say mê hát chèo đến nỗi phải cải trang làm dân thường lẻn đến doanh trại triều đình, trà trộn trong đám dân làng xem hát. Nguyễn Công Trứ rình bắt được một số đem về tra hỏi, thì trong đó có hai người thân tín của Ba Vành. Ông chỉ cật vấn họ về những điều bí mật xung quanh phép lạ của Ba Vành. Hai người lúc đầu nhất định không chịu nói. Nhưng vị tướng của triều đình rất khôn ngoan, không hề dùng đến kìm kẹp mà vẫn cho tiếp đãi hai người rất hậu. Họ muốn gì có nấy. Quả nhiên, về sau hai người đành chịu khai ra hai chòm lông xoắn rất mầu nhiệm của chủ tướng. Nghe đoạn, Nguyễn Công Trứ liền lấn thêm một bước, dỗ dành hai người trở về tìm cách cắt cho được hai chòm lông của Ba Vành, để không những “đái tội lập công” mà còn mong ban thưởng quan cao lộc hậu.
Hai người vâng lời trở về. Gặp lại chủ tướng, họ nói dối là mình bị bắt nhưng nhờ mưu trí nên trốn thoát được. Ba Vành không ngờ họ đã trở thành những tên phản bội, vẫn đối đãi thân cận như xưa. Một hôm đến phiên hai người túc trực cho chủ tướng nằm ngủ, họ lén dùng kéo cắt phăng hai chòm lông ở chân Ba Vành, rồi mật báo cho Nguyễn Công Trứ biết. Được tin, Nguyễn Công Trứ vội thúc quân tiến đánh, vòng vây mỗi ngày một xiết chặt. Ở trong đồn lũy, bộ hạ của Ba Vành khuyên chàng sớm trốn ra. Nhưng tin vào hai chòm lông mầu nhiệm của mình, Ba Vành vẫn cười ha hả bảo rằng:
– Cho các ngươi lọt ra trước đi, còn ta, ta chờ chúng đến sẽ nhảy ra cũng chưa muộn.
Không ngờ đến lúc quân triều đình đã lọt vào tận cửa buồng, Ba Vành mới mó đến hai chòm lông thì ôi thôi, chúng đã bị cắt gọn từ lúc nào rồi. Không còn có cách gì trốn tránh được nữa, ông đành giơ tay chịu trói.
Câu chuyện Nguyễn Công Trứ dẹp loạn Phan Bá Vành không chỉ ca ngợi công lao vị danh tướng mà còn gửi gắm bài học sâu sắc về lòng trung nghĩa và sự kiên định trong việc bảo vệ đất nước.
Bạn đang xem tại: https://www.thepoetmagazine.org
Danh mục: Truyện dân gian