Phân tích Bầy chim chìa vôi : Dàn ý, phân tích nhân vật Mên, Mon

Phân tích Bầy chim chìa vôi với đa dạng đề để học sinh tham khảo. Tất cả bài viết đều được The POET Magazine (www.thepoetmagazine.org)  sưu tầm từ bài thi điểm cao hoặc do các thầy cô biên soạn.

Dàn ý phân tích Bầy chim chìa vôi

Mở bài: Giới thiệu tác giả văn bản Bầy chim chìa vôi.

Thân bài:

Nội dung chính/chủ đề của truyện

Cuộc đối thoại giữa Mên và Mon về tập tính của chim chìa vôi ở làng:

  • Không làm tổ trên bờ.
  • Làm tổ ở dải cát giữa sông Đáy mùa nước cạn bằng những đám rong héo, sau đó đẻ trứng.
  • Chim bay đi khi đám mây ở Hòa Bình bay về, báo hiệu mùa mưa.
  • Vòng vây của nước ập vào phần cuối cùng của bãi cát.
  • Đến mùa khô sang năm: lại ra dải cát nổi bắt đầu mùa sinh nở.

Nhân vật Mên:

  • Lo lắng cho bầy chim chìa vôi
  • Trưởng thành hơn em Mên

Nhân vật Mon:

  • Lo lắng đến không ngủ được, muốn lộ ra bãi cát để cứu bầy chim.
  • Thả cá Bống

So sánh 2 anh em:

Mên Mon
Giống – Có tình yêu thiên nhiên, loài vật, đặc biệt là bầy chim chìa vôi.

– Đều là những đứa trẻ, có sự ngây thơ và nghịch ngợm nhẹ nhàng, đáng yêu.

Khác Trưởng thành hơn so với Mon:

– Lo lắng cho bầy chim, dậy trước Mon nhưng không nói ra.

– Lắng nghe Mon nói.

– Khi Mon lo lắng, sợ hãi thì Mên vẫn giữ được bình tĩnh.

– Tỏ ra người lớn, bảo vệ Mon và giữ được con đò.

– Thể hiện thành thật suy nghĩ của bản thân ra cho Mên biết.

– Biết chia sẻ và làm anh vui (kể chuyện bố kéo chũm và Mon lén thả con cá bống).

Phân tích tác phẩm Bầy chim chìa vôi

Tổng hợp các bài phân tích văn 7 truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của Nguyễn Quang Thiều để bạn tham khảo và có thêm ý tưởng cho bài viết của mình:

Phân tích truyện ngắn Bầy chim chìa vôi lớp 7

Bối cảnh câu chuyện ở một làng quê ven sông Đáy, gần hai giờ sáng, hai anh em Mên Mon tỉnh dậy lo lắng cho đàn chim chìa vôi con còn nhỏ ở giữa bãi sông: “Hai đứa bé nằm trong chiếc chăn dạ đã rách nhiều chỗ thì thầm nói chuyện. Bên ngoài mưa vẫn to …” Trời càng gần sáng, hai anh em càng lo lắng hơn khi có người đi đường nói chuyện, “Mưa càng to và gió càng mạnh. Cánh cửa liếp bị gió thổi đập cành cạch. Có tiếng người đi qua đầu ngõ nhà hai đứa bé gọi nhau … Năm nay nước sông to phải biết”. Chính cuộc trò chuyện ấy dẫn tới quyết định cứu bầy chim của Mên.

Lúc này, tác giả cũng cho ta biết tập tính của đàn chim được giới thiệu:
Hằng năm vào mùa nước cạn, giữa sông làng nổi lên một dải cát. Sau một thời gian, những đám rong sông tốt bời bời héo dần làm thành một lớp đệm trên cát. Vào lúc đó, những con chim chìa vôi mảnh khảnh và ít lời từ hai bờ sông bay ra bãi cát. Chúng tìm những đám rong khô và dày để đẻ trứng. Khi những con chim chìa vôi đã đủ lông cánh cũng là lúc có những đám mây lạ từ dãy núi đá vôi Hào Bình bay về báo mùa mưa.”

phân tích bầy chim chìa vôi
Câu chuyện về 2 đứa trẻ lo lắng cho bầy chim non

Với bọn trẻ, bầy chìa vôi là một bí mật của chúng. Chúng yêu thương và bảo vệ đàn chìa vôi khỏi những nguy hiểm. Những đứa trẻ như Mon và Mên đã không quản mưa gió, gắng sức cứu những con chim nhỏ bé vì sợ chúng bị chết đuối khi lũ về,… Những tấm lòng yêu mến và trân trọng thiên nhiên ấy đã phần nào xoa dịu những tổn thương về môi trường do con người gây ra. Tuy nhỏ nhoi nhưng hai đứa trẻ đã giữ gìn “màu xanh”, bảo vệ lấy những gì mong manh trước bao sự hủy hoại, tàn phá. Mon và Mên ngây thơ và non nớt như chính đàn chim chìa vôi kia, chúng cũng cần được bảo vệ và yêu thương.

Xem phần soạn bài Bầy chim chìa vôi để hiểu sâu hơn về tác phẩm, giúp bạn dễ dàng nắm ý chính khi viết phân tích chung và từng nhân vật.

Phân tích nhân vật Mon trong bầy chim chìa vôi

Là em của Mên, Mon hồn nhiên và có phần ngây thơ hơn anh. Trong các cuộc trò chuyện, ta có thể thấy Mon rất lễ phép với anh trai. Cũng như Mên, Mon lương thiện, em thương lũ chim ngoài bãi, sợ đàn chim sẽ bị nước cuốn trôi.

Trong phần hai, chính Mon cũng đề nghị Mên đi cứu bầy chìa vôi: “Tổ chim ngập mất anh ạ. Mình phải mang chúng nó vào bờ, anh ạ”. Lời đề nghị của Mon đã khiến Mên quyết định đi cứu bầy chìa vôi. Mon mặc dù rất thương đàn chim nhưng em vẫn là một đứa trẻ nên vẫn sợ hãi bởi sấm chớp và những thứ siêu nhiên do trí tưởng tượng của em.

Có lẽ, sự đồng hành và tin tưởng anh trai đã khiến Mon được tiếp thêm động lực, em không còn run và sợ nữa. Hai đứa trẻ với với suy nghĩ ngây thơ là cứu đàn chìa vôi đã trốn bố mẹ, đội mưa, chèo đò ra sông, hành trình ấy khiến cho ta đôi lúc lo lắng cho sự an toàn của lũ trẻ. Bởi dòng nước của sông Đáy vào mùa lũ cũng không hiền hòa như vẻ dịu dàng thường ngày của nó. “Mái chèo gặp nước xiết trở nên nặng khủng khiếp. Hai đứa bé không sao quậy nổi mái chèo. Mưa vẫn rầm rập. Dòng sông dâng lên nghiêng ngả.” Khi hai anh em mất sào đò là lúc bạn đọc nín thở dõi theo hành trình nguy hiểm: “Hai đứa trẻ nắm tay nhau lảo đảo đi trên những tấm ván cập kênh trong lòng đò xuống phía dưới mái chèo. Phải rất vất vả chúng mới hạ được cái mái chèo gỗ to và nặng xuống nước. Mái chèo gặp nước xiết trở nên nặng khủng khiếp. Hai đứa bé không sao quậy nổi mái chèo …” Trong lúc nguy hiểm như vậy, Mon đã khóc, nhưng em không thừa nhận với anh, chỉ vì sợ anh lo lắng, sợ sẽ khiến anh khóc theo mình. Một chi tiết đắt giá cho thấy được tấm lòng của em dành cho anh trai mình, mặc dù là một đứa trẻ có phần ngây thơ, nhưng em rất hiểu chuyện.

Mon là đứa trẻ có cảm xúc vui buồn rõ ràng, sự sung sướng của em rất dễ hiểu. Hai anh em đã có một hành trình đáng nhớ, đã vượt qua bão tố. Hành trình ấy sẽ trở thành một kỉ niệm tuổi thơ của hai em, và đó cũng là những bí mật nhỏ của cả hai. Vượt qua những nguy hiểm, chúng vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, vẫn lo lắng cho đàn chim, mặc dù chính mình vừa gặp phải nguy hiểm. Khi thấy đàn chim tung cánh bay trên bầu trời cả hai đều khóc bởi hạnh phúc, cả hai đã lo lắng, đã nguy hiểm, mong ước của hai em đã được thực hiện. Sau đó, anh Mên hỏi lí do khóc, sự phụng phịu ngại ngùng của Mon làm em đáng yêu hơn bao giờ hết, một chi tiết nhỏ nhưng ta thấy được sự tinh tế và am hiểu tâm lí trẻ thơ của tác giả.

Nguyễn Quang Thiều rất am hiểu tâm lí trẻ thơ, tác giả đã xây dựng hình tượng hai đứa trẻ ngây thơ, yêu thiên nhiên, biết lắng nghe thế giới tự nhiên. Và có lẽ, chỉ những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ mới đồng cảm và cảm nhận được linh hồn mà thế giới tự nhiên đem tới.

Phân tích nhân vật Mên trong bầy chim chìa vôi

Nguyễn Quang Thiều rất am hiểu tâm lí trẻ thơ, ông đã xây dựng thành công hình tượng hai nhân vật Mên và Mon trong truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi”.

Là anh cả trong nhà, Mên tỏ ra là cậu bé hiểu chuyện, lo lắng và quan tâm tới em trong cuộc sống, từ việc giải đáp những câu hỏi liên tiếp của Mon đến việc dặn dò Mon giữ bí mật về đàn chim chìa vôi. Mên thể hiện được phần trưởng thành hơn trong mọi quyết định. Ngay từ cuộc trò chuyện đầu tiên của hai đứa trẻ, ta thấy được sự lo lắng của hai anh em. Ở phần 3 nhân vật Mên hiện rõ tính cách của người anh cả biết qua tâm lo lắng cho em. Mên quan tâm em và tỏ ra người lớn: “Một tia chớp phóng ra từ đâu đó và chạy lan trên trời như một cái rễ cây khổng lồ.”

Hai anh em khóc bởi xúc động. Hai anh em đã mất cả đêm để lo lắng cho bầy chìa vôi, lo chúng sẽ bị dòng nước xoáy to nuốt chửng. Và chính chúng cũng không biết tại sao chúng khóc, bởi xúc động, bởi sự mong ngóng:

“Hình như chúng nghe thấy trong ngực mình nhịp đập của những trái tim hối hả nhưng đều đặn. Cuối cùng bầy chim non đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng, đầu tiên và kì vĩ nhất trong đời chúng. Những đôi cánh mỏng manh run rẩy và đầy tự tin của bầy chim đã hạ xuống bên một lùm dứa dại bờ sông.

Hai anh em thằng Mên vẫn đứng không nhúc nhích.

Trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa của chúng hừng lên ánh ngày. Thằng Mên lặng lẽ quay lại nhìn em nó. Và cả hai đứa bé nhận ra chúng đã khóc từ lúc nào.”

Mỗi đứa trẻ đều cảm nhận thế giới theo một cách riêng. Nguyễn Quang Thiều đã mượn chính đôi mắt trong sáng của lũ trẻ để cảm nhận chính thế giới của chúng.

Em hãy giới thiệu tóm tắt về tác giả Nguyễn Quang Thiều và truyện ngắn Bầy chim chìa vôi

Nguyễn Quang Thiều hiện là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Với ông, người viết phải độc hành đi tới những chân trời nghệ thuật và không dừng bút cho đến tận những giây phút cuối của cuộc đời: “Hãy sống, hãy ước mơ và sáng tạo không ngừng nghỉ trong im lặng nếu không có lý do để than thở. Khi nhà văn sống đến từng nào thì họ sẽ viết đến từng đó”. Bởi quan niệm sáng tạo là không ngừng nghỉ nên nhà văn đã thử bút với nhiều thể loại khác nhau.

Đặc điểm truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều là chất thơ đằm thắm, chi tiết độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản sắc dân tộc đậm đà cùng chiều sâu của vẻ đẹp nhân văn và chất triến lí nhẹ nhàng sâu sắc.

Truyện kể về hai anh em Mên và Mon, gần hai giờ sáng, hai anh em tỉnh dậy lo lắng cho đàn chìa vôi nhỏ giữa bãi sông. Đàn chìa vôi làm tổ giữa dòng sông vì đám rong xong mùa tươi tốt sẽ héo dần, là chỗ làm ổ thuận tiện cho chim mẹ đẻ trứng, khi đàn chìa vôi đủ lông đủ cánh bay đi là lúc mùa mưa tới. Mên dặn em giữ bí mật và hẹn sẽ quay lại thăm chúng. Bất ngờ là mùa mưa năm nay đến sớm hơn, hai anh em trong đêm mưa bão đã trốn bố mẹ ra dải cát nổi giữa sông để cứu lũ chìa vôi. Chúng lấy đò chèo ra bãi, nước dâng to khiến hai anh em trôi khoảng hai kilomet thì tấp được vào bờ và quay lại. Trời sáng, chúng đứng trên bờ lo lắng cho lũ chim non. Cảnh tượng bất ngờ đã xảy ra, đàn chim đã tung cánh bay lên bầu trời, Mên và Mon rất xúc động vì cảnh tượng đẹp đẽ ấy.

phân tích tác phẩm bầy chim chìa vôi
Những chú chim đã vỗ cánh trước khi nước kịp ngậm bãi cát bên sông Đáy

Bầy chim chìa vôi là câu chuyện về tâm hồn, kỉ niệm trẻ thơ, tình cảm anh em của hai cậu bé Mên và Mon tại một làng quê bên bờ sông Đáy, nơi đàn chìa vôi làm tổ ở bãi bồi giữa sông.

Truyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể giấu mình và gọi tên các nhân vật theo tên của chúng. Ngôi kể thứ ba giúp người kể có thể thuật lại câu chuyện linh hoạt, tự do. Từ đó giúp ta dễ hình dung được bối cảnh làng quê và tâm hồn những đứa trẻ.

Tham khảo các bài phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật. Đây cũng là một trong những dạng đề thường gặp trong chương trình ngữ văn lớp 7.

Em hãy giới thiệu vẻ đẹp khung cảnh bãi sông buổi bình minh trong truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của Nguyễn Quang Thiều

Vẻ đẹp tự nhiên đã đánh thức mọi giác quan, giúp trẻ cảm thụ và rung động trước cái đẹp, từ đó hình thành tư duy thẩm mĩ. Bãi sông quê trong buổi sớm mai hiện lên thật đẹp, là khung cảnh vừa quen thuộc vừa mới lạ với những đứa trẻ: “Khi ánh bình minh đã đủ sáng để soi rõ những hạt mưa trên mặt sông thì cũng là lúc dòng nước khổng lồ nuốt chửng phần còn lại của dải cát”.

Cảnh cho những cánh chim bay lên giữa mênh mông sông nước thật đẹp mà xúc động. Khiến cho lũ trẻ không thể nói được bằng lời:

“Và trong mắt hai đứa trẻ, một cảnh tượng như huyền thoại hiện ra. Từ mặt nước sông, những cách chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên”.

Tác giả so sánh và gọi đó là cảnh tượng trong huyền thoại. Bởi giữa dòng sông nước dữ dội, đàn chim bé nhỏ lại vượt qua được để cất cánh bay lên … Những đứa trẻ vốn hiếu động, lại im lặng ngắm nhìn đàn chim non tung cánh trên bầu trời. Hai đứa trẻ cũng như những chú chim, một mai cũng sẽ cất cánh bay cao bay xa trên nời trời của chúng.

Với nghệ thuật tạo tình huống truyện đặc sắc và miêu tả tính cách nhân vật hợp lí, chi tiết, tác giả cho ta thấy tấm lòng của Mên và Mon đối với bầy chim chìa vôi. Đây cũng là những trải nghiệm tuổi thơ của hai anh em Mên và Mon khi đi cứu đàn chim chìa vôi ở giữa dòng sông. Qua đó, người đọc cũng thấy được sự hồn nhiên ngây thơ rất đáng yêu của hai anh em Mên và Mon trong truyện ngắn này.

Xem thêm: Tuyển tập văn mẫu lớp 7 Kết nối tri thức hay nhất (Full)

Kết bài

Phân tích Bầy chim chìa vôi với đa dạng dạng đề để bạn tham khảo. Rất nhiều bài viết được sưu tầm là ý tưởng giúp học sinh hoàn thiện bài thi của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *