Phân tích Con chim chiền chiện (Huy cận): Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo
Phân tích bài thơ Con chim chiền chiện của tác giả Huy Cận giúp bạn hiểu nội dung, nghệ thuật và thông điệp nhà thơ nhắn gửi. Rất nhiều bài viết hay, ý nghĩa được The POET sưu tầm do học sinh hoặc các thạc sĩ ngành văn học thực hiện.
Dàn ý bài thơ Con chim chiền chiện
Mở bài: Giới thiệu tác giả Huy Cận và tác phẩm Con chim chiền chiện.
Thân bài:
- Cảm nhận về cách dùng từ của tác giả.
- Phân tích cảm xúc của tác giả trong bài thơ.
- Thông điệp, nghệ thuật Huy Cận sử dụng trong bài
Kết luận: Khái quát cảm xúc sau khi đọc bài thơ.
Phân tích bài Con chim chiền chiện
Các mẫu phân tích văn học lớp 7 được gợi ý dưới đây đều dựa trên nội dung chính của tác phẩm Con chim chiền chiện. Để viết bài, bạn cần nắm sơ lược những thông tin này và học cách triển khai, xây dựng câu từ để bài văn thêm hấp dẫn.
Mẫu 1: Phân tích bài thơ Con chim chiền chiện
“Tiếng sơn ca ngân nga đâu đây
Giữa không gian bao la thơ ngây
Ngỡ trên cao tiếng sáo diều vi vu vi vu.
Gọi ánh trăng lên vui đêm trung thu
Gọi nắng ban mai xua tan mây mù
Tiếng sơn ca dâng cho đời khúc hát mê say.
Ơi sơn ca! hỡi sơn ca!
Em cũng gọi được như sơn ca
Gọi ánh trăng vàng, gọi nắng xuân sang
Bằng tiếng hát mê say tuổi thơ…”
Những câu hát trên có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều bạn thiếu nhi, trong đó có bản thân em. Đây chính là lời bài hát Khúc hát chim sơn ca của nhạc sĩ Đỗ Hòa An. Sau khi học xong bài hát, em luôn tò mò muốn biết thêm về loài chim sơn ca xinh đẹp, và thật may mắn, khi lên lớp 7, em đã được học bài thơ Con chim chiền chiện của tác giả Huy Cận, đây là tên gọi khác của loài chim sơn ca. Bài thơ được in năm 2004, trong tác phẩm Những bài thơ em yêu do Phạm Hổ và Nguyễn Nghiệp tổng hợp. Qua hình ảnh con chim chiền chiện trong bài thơ, em cảm thấy được tự do, bình yên và yêu cuộc sống hơn.
Bức tranh thiên nhiên để chim chiền chiện hòa vang tiếng hót là một bức tranh tuyệt đẹp và thanh bình của làng quê Việt Nam, hình ảnh xuất hiện trong bức tranh vô cùng quen thuộc đó là bầu trời xanh “Cao hoài, cao vợi”, cánh đồng lúa đang độ chín được tác giả miêu tả “Lúa tròn bụng sữa”. Chỉ với vài câu thơ miêu tả khung cảnh, nơi chim chiền chiện xuất hiện, em như được tác giả Huy Cận dẫn tới cánh đồng lúa vàng rực, bát ngát của quê hương, dưới một bầu trời xanh thẳm cao vút, thật yên bình làm sao!
Trong bức tranh thiên nhiên đó, nhân vật chính của chúng ta, những chú chim chiền chiện đang vui vẻ cất cánh “Bay cao, vút cao”, rồi “sà” xuống để vuốt ve cánh đồng lúa. Cảnh tượng thật thú vị và nhộn nhịp đã hiện ra trước mắt người đọc như vậy. Nhưng tiếng hót của chim chiền chiện xuyên suốt bài thơ mới là điều hấp dẫn nhất mà tác giả Huy Cận mang tới cho chúng ta. Qua đó, có thể thấy được sự tài năng của nhà thơ, khi đã xuất sắc dùng từ ngữ để miêu tả âm thanh. Tiếng hót của loài chim chiền chiện thật phong phú, với nhiều sắc thái khác nhau. Khi thì chúng có thể hót lên những tiếng “ngọt ngào”, khi thì lại trong trẻo đến nỗi được tác giả Huy Cận ví:
“Tiếng hót long lanh
Như cành sương chói”
Chỉ với hai câu thơ, nhưng người đọc chúng ta đã được chiêm ngưỡng tiếng hót của chim chiền chiện bằng cả thị giác và thính giác, thật sự vô cùng sống động. Rồi tiếng hót của loài chim được mệnh danh là “sơn ca” còn hay tới nỗi như đang nói, đang kể một câu chuyện gì đó mà nhà thơ Huy Cận nghe vui tới “bối rối” phải hỏi lại chim thật dịu dàng:
“Chim ơi, chim nói
Chuyện chi, chuyện chi?”
Từng câu hát trong veo tựa “tiếng ngọc” cứ được chim reo thành “từng chuỗi” như vậy, có lẽ lòng chim cũng như lòng người đều đang vui vẻ đón tự do, hòa bình của đất nước nên mới “Hát không biết mỏi”. Em cảm giác như đang được nghe tiếng chim thánh thót rót vào bên tai và mong muốn có thể ra ngay đồng lúa ở quê để được nghe chim chiền chiện hót “chan chứa” cả cánh đồng. Sau khi trình diễn hết mình những giai điệu tuyệt vời của cuộc sống, những chú chim chiền chiện cũng phải nghỉ ngơi, nhưng tiếng hót của chúng vẫn vang vọng khắp không gian để “làm xanh da trời”, xanh cả quê nhà. Và mỗi buổi sáng, những chú chim chiền chiện sẽ lại hót, báo hiệu sự hòa bình, độc lập đang ở khắp mọi miền đất nước, khiến lòng em cũng như tác giả cảm thấy “tưng bừng”, vui vẻ hơn bao giờ hết.
Với cách viết theo thể thơ 4 chữ, nhịp thơ 2/2, cùng với việc sử dụng từ ngữ miêu tả, biện pháp so sánh, nhân hóa, tác giả Huy Cận đã đem đến cho em cảm giác thật lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên hơn sau khi đọc xong bài thơ “Con chim chiền chiện”. Qua bài thơ, có lẽ tác giả muốn truyền tải đến cho chúng ta thông điệp thật ý nghĩa đó là: Hãy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống xung quanh chúng ta và sống hết mình trong những ngày tháng hòa bình, tự do và hạnh phúc, giống như những chú chim chiền chiện đáng yêu vậy.
Mẫu 2: Cảm nhận về bài thơ Con chim chiền chiện
Chim sơn ca hay còn gọi là chim chiền chiện, loài chim nhỏ bé nhưng kiêu hãnh này khi giá đông rét mướt, lúc nắng gắt đổ lửa hay mưa bão chết cò. Nó chỉ bay lên khi trời xanh trong, nắng vàng nhẹ, những bãi cỏ xanh thênh thênh nắng gió, đó đây những vạt lúa đang độ đông sữa mơn mởn xanh, tỏa mùi thơm thoang thoảng dịu nhẹ khắp cánh đồng. Trong đám cỏ nào đó, chim chiền chiện đột ngột bay vút lên cao, đến lưng chừng trời, nó sững lại, treo mình lơ lửng như một giọt mật và thả xuống từng chuỗi tiếng hót cũng trong veo như thế. Với loài chim này Huy Cận đã ưu ái mà dành riêng một bài thơ cho chúng là bài “Con chim chiền chiện”
Con chim chiền chiện bay lượn giữa khung cảnh thiên nhiên mênh mông, bao la rất đẹp. Có lúc tưởng như cánh chim đang đập trên tầng “cao vợi” của trời xanh:
“Cánh đập trời xanh
Cao hoài, cao vợi”.
Hình ảnh con chim chiền chiện bay lượn, đang đập trên tầng “cao vợi” của trời xanh, giữa khung cảnh thiên nhiên mênh mông, bao la rất đẹp. Cùng với đó, là tiếng hót “long lanh” đầy ngọt ngào của chim, càng bay cao tiếng hót càng trong veo. Những hình ảnh đó khiến em vô cùng thích thú và liên tưởng đến cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do tung hoành.
Có lúc, chim bay “sà” xuống, bay trên đồng lúa đang “ngậm sữa”:
“Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca”.
Đoạn thơ tả chim chiền chiện tự do bay lượn và ca vang trên cánh đồng lúa đẹp. Hình ảnh cánh đồng “chan chứa những lời chim ca” gợi vẻ đẹp của niềm vui và sự ấm no của đồng quê Việt Nam.
Có lúc, chim chiền chiện “biến mất” giữa màu xanh da trời, và chỉ còn nghe tiếng hót:
“Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời”.
Đoạn thơ tả chim chiền chiện bay cao, cao mãi như biến vào bầu trời, chỉ để lại tiếng hót “làm xanh da trời”. Đó là hình ảnh gợi cho ta nghĩ đến một không gian cao rộng, tràn ngập vẻ đẹp thanh bình của đồng quê Việt Nam.
Hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn, ca hát giữa không gian cao rộng, trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình là hình ảnh của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, reo trong lòng người đọc cảm giác yêu đời, yêu cuộc sống.
Tiếng hót của chim chiền chiện thanh cao, trong trẻo đi sâu vào lòng tôi như lời ru của mẹ. Đúng thật, ngày tháng tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bằng lời ru ngọt ngào sâu lắng bên nôi của mẹ và giọng ca trong trẻo ngất trời của chim chiền chiện trên cánh đồng quê.
Chiền chiện là cánh chim của bầu trời cao xanh, là chim của đồng quê mang tình thương mến, chim càng bay cao tiếng hót càng trong veo. Sâu xa hơn nữa: cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do trên bầu trời quê hương đất nước.
Huy Cận đã lấy khung cảnh thiên nhiên bao la xinh đẹp để làm cánh chim bay cao vút và tiếng hót ngọt ngào long lanh của chim chiền chiện.
Chiền chiện là cánh chim của bầu trời cao xanh, là chim của đồng quê mang tình thương mến, chim càng bay cao tiếng hót càng trong veo. Sâu xa hơn nữa: cánh chim chiền chiện tung bay là cánh chim tự do trên bầu trời quê hương đất nước.
Hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn giữa không gian cao rộng được vẽ lên qua những từ ngữ, hình ảnh đầy ấn tượng: “Bay vút, vút cao”, “Cánh đập trời xanh – Cao hoài, cao vợi”, “Chim bay, chim sà”, “Bay cao, cao vút – Chim biến mất rồi”… Tiếng hót “ngọt ngào” của chim chiền chiện gợi cho ta nhiều xúc động. Nghe chim hót mà dào dạt tình yêu mến:
“Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào?”
Có lúc tưởng như nghe “chim nói” mà lòng ta thêm “bối rối” bâng khuâng trước vận hội mới tốt đẹp đang đến với đất nước và dân tộc:
“Lòng đầy bối rối
Đời lên đến thì”.
Chim hót gợi lên cảm giác một vụ lúa bội thu, đồng quê no ấm, yên vui:
“Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca”.
Chim hót làm cho da trời xanh thêm, một cảnh tượng đất nước thanh bình tươi đẹp, làm say mê lòng người:
“Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời”.
Huy Cận quả là nhà thơ của tiếng chim, là nhà thơ của bầu trời, của đồng quê yêu dấu. Bài thơ Con chim chiền chiện đó là hình ảnh con chim chiền chiện tự do bay lượn, hát ca giữa không gian cao rộng, trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình là hình ảnh của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, gieo vào lòng người cảm giác thêm yêu đời, yêu cuộc sống.
Nếu vẫn chưa hiểu sâu về tác phẩm, bạn có thể đọc lại soạn văn 7 Con chim chiền chiện. Tại đây có trả lời chi tiết về nội dung và nghệ thuật, cách tác giả triển khai để bạn hiểu và sử dụng trong bài viết.
Mẫu 3: Phân tích một hình ảnh trong bài thơ mà em cho là độc đáo nhất trong bài thơ Con chim chiền chiện
Bài thơ Con chim chiền chiện của nhà thơ Huy Cận, bài thơ được sáng tác năm 1964. Bài thơ Con chim chiền chiện ca ngợi cuộc sống yên bình, tự do và sự no ấm ở làng quê Việt Nam. Bài thơ là một tiếng reo vui khi mùa xuân về. Con chim chiền chiện hót vang báo xuân về, khiến cả đất trời cũng vui vẻ, bừng sáng.
Bài thơ với nhịp thơ nhẹ nhàng, tiếng hót của chiền chiện gợi cho ta cảm giác về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, tự do. Tiếng hót của chim chiền chiện làm cho con người cảm thấy yêu hơn cuộc sống, yêu hơn con người.
Tuổi thơ tôi là những ngày chăn trâu trên cánh đồng đầy ắp nắng và gió. Ở đó, tôi đã có tuổi thơ, có hình ảnh của cơn gió ngàn miên man từ triền núi thổi qua cánh đồng mát rượi, với những đợt sóng lúa rì rào. Hình ảnh những ráng chiều vàng nhạt, những ngọn khói lam chiều từ phía làng tôi nhẹ nhàng xuyên qua mái tranh lững thững bay lên hòa quyện vào không gian sâu lắng, mẹ đã nổi lửa cơm chiều.
Không gian đồng chiều thật ngọt ngào với tiếng hót vang trời của loài chim chiền chiện. Một loài chim bé nhỏ hiền lành ngày ngày gắn bó cùng lũ trẻ chăn trâu trên cánh đồng nắng gió này. Tiếng hót của chim chiền chiện thanh cao, trong trẻo đi sâu vào lòng tôi như lời ru của mẹ. Đúng thật, ngày tháng tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bằng lời ru ngọt ngào sâu lắng bên nôi của mẹ và giọng ca trong trẻo ngất trời của chim chiền chiện trên cánh đồng quê. Bầu trời chiều xanh biếc cao vời vợi, không một gợn mây nào. Trên bãi cỏ hoang, từng chú trâu no nê vẫn đang cố gặm thêm những ngọn cỏ cuối cùng trong ngày. Những chú nghé tinh nghịch đùa nhau rồi đuổi nhau chạy tung tăng quanh mẹ. Đây là thời điểm đẹp nhất trong ngày vì cái nắng chảy bỏng của một ngày hè đã nhường chỗ cho một chiều tà mát rượi. Những cơn gió ngàn vẫn miên man thổi, cánh đồng sau mùa trở nên khô cằn với những gốc rạ xơ xác. Ta có thể cảm nhận hương vị quê hương khi đi chân trần trên những gốc rạ khô, một âm thanh xào xạc, một mùi hương nồng nồng… Và trên cao, khúc nhạc đồng quê lại cất lên trong trẻo chan hòa. Từng đàn chiền chiện chao lượn bay qua để lại tiếng hót vang vọng khắp cánh đồng. …
“Chim bay chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca
Bay cao cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hát
Làm xanh da trời…”
(Huy Cận)
Một ngày hè trên quê hương được khép lại bằng những cột khói lam chiều bay lên từ bếp mẹ nấu cơm tối, bằng tiếng hót vút trời của loài chim chiền chiện, bằng hình ảnh đàn trâu no nê thủng thẳng trên con đường về làng, bằng tiếng cười râm ran của lũ trẻ chúng tôi với làn da nắng cháy…
Phân tích bài Lời của cây (Trần Hữu Thung) cũng là dạng đề thường gặp. Nếu đang ôn tập cho bài 1 của chương trình Chân trời sáng tạo, đây là những bài văn mẫu giá trị bạn không nên bỏ qua.
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Con chim chiền chiện
Bên cạnh các bài phân tích văn học lớp 7 Chân trời sáng tạo, đề bài viết đoạn văn ngắn để cảm nhận về văn bản cũng thường gặp trong các bài kiểm tra. Để có sự chuẩn bị, bạn có thể tham khảo những mẫu bài sau:
Mẫu 1: Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Con chim chiền chiện
Cánh chim chiền chiện từ lâu đã đi vào thơ ca một cách thật tự nhiên qua ngòi bút của các nhà thơ. Bài thơ “Con chim chiền chiện” của Huy Cận là một tác phẩm tiêu biểu trong số đó. Những hình ảnh độc đáo của chim chiền chiện cùng tiếng hót long lanh, sáng chói làm lòng người rộn vàng, xao xuyến. Tác giả đã rất tinh tế khi so sánh tiếng hót như “tiếng ngọc trong veo” gieo thành từng chuỗi âm thanh như một bản nhạc đồng quê. Cánh chim cùng tiếng ca của chim chiền chiện vang giữa không trung, trên những cánh đồng xanh gợi ra một bầu không gian thật yên bình. Bức tranh quê hương được tô điểm bởi những hình ảnh, âm thanh bình dị của tiếng chim chiền chiện cùng trời xanh cao vút, cây lúa trổ bông và cánh đồng quê hương. Tất thảy tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp làm làm lòng người tưng bừng. Bằng thể thơ bốn chữ cùng các biện pháp tu từ so sánh “Tiếng hót long lanh/ Như cành sương chói” và cách gieo vần chân quen thuộc, bài thơ đã khắc họa tài tình hình ảnh chú chim chiền chiện dù nhỏ bé nhưng lại vô cùng nổi bật trong không gian rộng lớn của đất trời. Qua bài thơ, em càng cảm nhận rõ hơn tình cảm thiết tha của tác giả dành cho thiên nhiên. Chắc hẳn, Huy Cận phải là người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế thì mới có thể viết nên những vần thơ đẹp, trong ngần như vậy. Bài thơ đã giúp em biết yêu thương và trân quý thiên nhiên quanh mình, biết lắng nghe và giao hòa cảm nhận những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.
Mẫu 2: Viết 1 đoạn văn ngắn bày tỏ cảm xúc sau khi đọc bài thơ Con chim chiền chiện của tác giả Huy Cận
Huy Cận là một trong những nhà thơ hiện đại nổi bật với các sáng tác về thiên nhiên và con người. Trong đó, “Con chim chiền chiện” là bài thơ mà em yêu thích nhất. Bằng ngôn ngữ trong trẻo, Huy Cận đã gợi lên hình ảnh cánh chim chiền chiện bay trong khoảng trời tự do, cất tiếng hót góp vui cho đời. Cánh chim bay giữa trời xanh bao la, sà xuống những cánh đồng lúa thơm mùi sữa rồi vụt biến trong phút chốc và để lại tiếng hót long lanh, trong veo của mình. Tiếng hót của chim chiền chiện được ví như sương chói làm xanh thêm bầu trời, làm lòng người thêm bối rối, bâng khuâng “Tiếng hót long lanh/ Như cành sương chói”. Tiếng ca ấy còn trong veo như “tiếng ngọc”, mang theo ước vọng về một cuộc sống đủ đầy ấm no, hạnh phúc, về những năm tháng bình yên tươi đẹp. Hình ảnh cánh chiền chiện bé nhỏ không mờ nhạt trước không gian rộng lớn mà trở thành trung tâm của cảnh vật. Bằng cách cảm nhận độc đáo bằng cả thính giác và thị giác cùng biện pháp nghệ thuật nhân hoá “chim ơi, chim nói” đã góp phần thể hiện vẻ đẹp của thanh âm chiền chiện. Tiếng hót khiến mọi vật như bừng sáng, khiến lòng người thêm tưng bừng, vui sướng. Phải chăng qua hình ảnh chim chiền chiện, tác giả muốn gửi gắm những giá trị về sống giao hòa với thiên nhiên, lắng nghe lòng mình để cảm nhận tất thảy vẻ đẹp của thiên nhiên.
Kết luận
Phân tích bài thơ Con chim chiền chiện giúp bạn hiểu thêm về tình yêu thiên nhiên của nhà thơ Huy Cận. Đồng thời, đây cũng là lời ca ngợi dành cho hòa bình, cho tự do của đất nước mà nhiều chiến sĩ đã hy sinh để dành lấy.