Phân tích Đề đền Sầm Nghi Đống Ngữ văn 8
Phân tích Đề đền Sầm Nghi Đống để cảm nhận tác phẩm độc đáo của bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương. Với những giá trị sâu sắc, bài thơ luôn là chủ đề được nhiều giáo viên lựa chọn trong các bài thi và kiểm tra.
Chú ý nắm rõ nội dung và tham khảo các mẫu phân tích các tác phẩm văn học lớp 8 để nâng cao thành tích học tập của bản thân trong thời gian ngắn.
Lập dàn ý phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống
Phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống là một trong những dạng văn nghị luận những tác phẩm văn học lớp 8 Chân trời sáng tạo cơ bản và thường xuyên xuất hiện. Với đề bài này, bạn nên lập một dàn ý chi tiết để định hướng cho quá trình phân tích của mình, tránh tình trạng lạc đề và thiếu ý.
Dàn bài phân tích Đề đền Sầm Nghi Đống:
1/ Mở bài
Giới thiệu sơ lược về tác giả Hồ Xuân Hương và tác phẩm Đề đền Sầm Nghi Đống:
- Hồ Xuân Hương là một thi sĩ nổi tiếng với ngòi bút sắc sảo và cá tính
- Tác phẩm Đề đền Sầm Nghi Đống được Hồ Xuân Hương tức cảnh làm thơ khi tình cờ đi qua đền tên tướng giặc Sầm Nghi Đống.
2/ Thân bài
Dẫn dắt bằng cách phân tích sơ lược về bài thơ:
- Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống được Việt theo thể thơ nào? Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật => Ngắn gọn và súc tích
- Nêu bố cục tác phẩm và trích dẫn thơ
Phân tích hai câu thơ đầu: Đền Sầm Nghi Đống thông qua góc nhìn của tác giả.
- Đền Sầm Nghi Đống chỉ còn cái “ bảng treo” lơ lửng => có thể bị rơi rớt bất kỳ lúc nào.
- Ngồi đền cheo leo => Nằm ở vị trí thiếu sự vững chắc.
- Từ ngữ mang tính tượng hình cao: ghé mắt, kèo, cheo leo
- Ngắt nhịp: 1/3/3 thể hiện thái độ ngạc nhiên
- Vần được gieo trong văn bản “Đề đền Sầm Nghi Đống” là vần bằng ở câu 1,2,4
=>Thái độ khinh thường, dè bỉu trước sự thảm hại của tên tướng bại trận Sầm Nghi Đống.
Phân tích hai câu thơ cuối: Khát vọng lập nên sự nghiệp anh hùng của người phụ nữ:
- Xưng hô đặc biệt: “đây” => Cách xưng hô ngang hàng, thể hiện thái độ xem thường tên tướng giặc
- “Đổi phận làm trai được”, “há bấy nhiêu”: Sự tuyên bố rõng rạc và khẳng định chắc nịch về sức mạnh của phụ nữ, không hề có sự thua kém, nếp vế trước nam nhi.
- Sự mỉa mai trước nghịch lý tên tướng giặc bại trận lại được coi là anh hùng và được lập đền thờ.
=> Thái độ thách thức với chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, khát vọng khẳng định bản thân của tác giả.
Tổng kết về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
3/ Kết bài
Khái quát những điểm mấu chốt về nội dung của tác phẩm. Nêu cảm nghĩ của bản thân khi đọc và tìm hiểu về tác phẩm cũng như tác giả Hồ Xuân Hương.
Các mẫu phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống
Tham khảo các mẫu phân tích nội dung bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống hay được tổng hợp dưới đây để không ngừng trau dồi khả năng đọc hiểu và cảm nhận tác phẩm văn học.
1/ Mẫu 1 – Phân tích Đề đền Sầm Nghi Đống
Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương được biết đến với những tác phẩm độc đáo, cá tính và mang tinh thần đổi mới. Bà được đánh giá là một trong những “người dám viết những điều mà các nhà thơ khác không dám làm và là người có tư tưởng dân chủ nhất bấy giờ”. Một trong những tác phẩm phản ánh rõ nét tinh thần thi ca của bà không thể không kể tới bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống. Chỉ với bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống nhắc người đọc nhớ đến một sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Năm 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Trước sức mạnh vũ bão của quân ta, tướng giặc Sầm Nghi Đống đã khiếp sợ và thắt cổ chết. Để giữ mối quan hệ bang giao hai nước, Quang Trung cho người Hoa lập miếu thờ Sầm Nghi Đống tại phía sau phố Hàng Buồm ngày nay. Nhân một dịp tình cờ đi qua, Hồ Xuân Hương đã tức cảnh sáng tác ra bài thơ này.
Hình ảnh ngôi đền xuất hiện đầy lạ lẫm qua con mắt của nhà thơ:
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo”
Ngôi đền nằm “cheo leo” trên núi, lơ lửng không có điểm tựa, dễ dàng sụp đổ bất cứ lúc nào. Mặc dù có vị trí cao hơn nhưng Hồ Xuân Hương không đưa mắt trông lên mà chỉ “ghé mắt”, nghiêng đầu nhìn. Có thể thấy, tác giả có thái độ không mấy tôn trọng và thiện cảm.
Vốn dĩ, khi nhắc đền thờ, người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh tượng uy nghiêm và thiêng liêng. Thế nhưng, với một tên tướng giặc bạc nhược, hèn hạ, Hồ Xuân Hương đã khéo léo lựa chọn từ ngữ làm cho câu văn mang tính khinh rẻ, miệt thị như “ cái bảng treo”, “cheo leo”, “kìa”,.. Qua đó, biểu hiện cho sự ngạc nhiên đến khó hiểu của Hồ Xuân Hương không hiểu tại sao một tên tướng giặc xâm lược lại được lập đền thờ ở nước ta? Đây quả thực là một hành động vô nghĩa, nực cười của xã hội thời kỳ đó.
Trước hoàn cảnh đó, tác giả cũng bông đùa mà giễu cợt:
“Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”
Vốn có tính cách mạnh mẽ, sống trong chế độ trọng nam khinh nữ, Hồ Xuân Hương không cam chịu trước số phần đầy bất công của người phụ nữ thời bấy giờ. Bà nói lên nhu cầu đổi thân phận, một lần được thể hiện bản lĩnh, lập lên sự nghiệp của đấng nam nhi. “Đây” là một đại từ nhân xưng, là cách xưng hô ngang hàng ngang vế, giúp bà tự xưng sánh ngang hàng với vị tướng họ Sầm.
Trong mắt nhà thơ “sự nghiệp anh hùng” mà tên tướng họ Sầm tạo nên hoàn toàn không mang một chút giá trị nào. “Há bấy nhiêu” được nhà thơ sử dụng cuối câu nhằm nhấn mạnh, bày tỏ thái độ chế giễu Sầm Nghi Đống chỉ có từng đó “chiến công” không đáng kể. Hồ Xuân Hương tự cho mình hơn gấp nhiều lần vị tướng họ Sầm, vượt xa những kẻ được coi là bậc quân tử nhưng bất tài vô dụng trong xã hội.
Qua cách dùng từ độc đáo cùng nghệ thuật so sánh, tác phẩm bày tỏ thái độ phê phán thực trạng xã hội phong kiến đương thời. Với thái độ mỉa mai, dè bỉu và thủ pháp trào phúng độc đáo, Hồ Xuân Hương thể hiện thái độ thách thức xã hội bất công. Đồng thời, thể hiện sự khao khát của người phụ nữ về một xã hội công bằng.
Được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt súc tích và nghệ thuật trào phúng, Đề đền Sầm Nghi Đống mang đến tư tưởng mới mẻ và cái tôi mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương. Qua đó, tác giả bộc bạch nỗi niềm mong muốn được khẳng định bản thân dưới chế độ trọng nam khinh nữ bấy giờ.
2/ Mẫu 2 – Phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống
Đề thơ một phong tục thịnh hành vào thời Đường của Trung Quốc. Khi du sơn ngoạn thủy, các thi sĩ xưa thường “đề” vài dòng ngẫu hứng để lưu lại cảm xúc của bản thân. Vốn là một nữ sĩ ưa thích thăm thú, nhân một lần ghé qua đền Sầm Nghi Đống, Hồ Xuân Hương đã từng viết như thế này:
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Đền Sầm Nghi Đống được người Hoa lập miếu nhằm duy trì mối quan hệ ngoại giao sau sự kiện tết Kỷ Dậu năm 1789. Sầm Nghi Đống vốn là thái thú đất Diễn Châu (Trung Quốc), tùy tướng của Tôn Sĩ Nghị đã đưa quân xâm lược nước ta. Khi bị quân Tây Sơn đánh, hắn không chống cự được nên đã thắt cổ tự tử.
Chính vì vậy, ngay từ mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương đã không có cái nhìn thiện cảm đối với ngôi đền này. Nhà thơ chỉ thờ ở mà “ghé mắt trông ngang”. Với hành động thuần túy là nghiêng đầu và đưa mắt nhìn, tác giả thể hiện hàm ý không mấy kính trọng với vị thần xâm lược thất bại. Đền Thái thú được xây dựng trên dốc đứng “cheo leo”. Vốn ở vị trí có vẻ cao hơn các khu vực xung quanh nhưng lại thiếu điểm tựa, không có chỗ bấu víu. Với “cái bảng treo” lơ lửng, đơn sơ không ra dáng một ngôi đền linh thiêng, nghiêm trang trong trí tưởng tượng của nhiều người.
“Kìa” là từ dùng để chỉ những vật ở phía xa, kèm theo đó là hành động chỉ trỏ. Tác giả sử dụng chữ “kìa” ngay ở đầu câu như nhằm nhấn mạnh sự ngạc nhiên trước sự thất thế của ngôi đền. Đồng thời, bà bày tỏ thái độ thiếu tôn trọng trước vị “anh hùng” xâm lược.
Hồ Xuân Hương không chỉ nhìn ngang chỉ dọc trước một ngôi đền, bà lại còn tự so sánh mình với tướng giặc Sầm Nghi Đống nữa:
“Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”
Chỉ với vài câu thơ Thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, nhưng từng câu từng chữ được viết ra đều mang những ý nghĩa sâu sắc và thâm thúy. Với nghệ thuật trào phúng hài hước, Hồ Xuân Hương gọi công sức đi xâm lược của Thái Thú là “sự nghiệp anh hùng”. Cách gọi đầy mỉa mai và giễu cợt của tác giả không chỉ dừng ở đây, tác giả còn nhấn mạnh khi kết hợp với cụm từ “há bấy nhiêu”. Thì ra một đấng “anh tài” cũng chỉ làm được có bấy nhiêu? Dường như mức độ châm biếm tăng lên gấp bội với cách dùng từ sắc sảo và độc đáo của nhà thơ.
Đồng thời, Hồ Xuân Hương còn bộ bạch thái độ bất mãn, không cam chịu trước chế độ phong kiến bảo thủ, trọng nam khinh nữ. Tác giả cũng thế hiện nhu cầu đổi phận, mong muốn được gây dựng lên một sự nghiệp cho riêng mình. Với cách xưng hô “đây”, Hồ Xuân Hương tự cho mình một vị thế ngang hàng với Sầm Nghi Đống. Bà khẳng định đầy ngạo nghễ rằng so với “công danh” của một tên cướp nước, bà có thể làm làm gấp nhiều lần. Thái độ dè bỉu và khinh thường trước tên quan Thái Thú đầy thảm hại.
Chỉ với bốn câu thơ, Hồ Xuân Hương đã thành công hạ bệ nhanh gọn tên quan xâm lược Sầm Nghi Đống. Bài thơ cũng là niềm khát vọng được bình đẳng, khát vọng lập nên sự nghiệp anh hùng vẻ vang của một người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời.
3/ Mẫu 3 – Đánh giá vẻ đẹp tâm hồn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thể hiện trong văn bản Đề đền Sầm Nghi Đống
Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương không còn là cái tên xa lạ trong giới thơ ca. Hình tượng nữ sĩ với những áng thơ độc đáo và cá tính mang đến cho bà những dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả. Với từng tác phẩm, ta hiểu thêm về một khía cạnh khác biệt của bà. Cùng tìm hiểu một trong những bài thơ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương – Đề đền Sầm Nghi Đống để hiểu rõ hơn vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ tài hoa này.
Hồ Xuân Hương sinh ra trong một gia đình nhà nho phong kiến tại Nghệ An. Bà là một người phụ nữ tài hoa, cá tính mạnh mẽ và rất thông minh. Bà thích du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước. Trong một lần du ngoạn, nhà thơ có dịp ghé thăm đền Sầm Nghi Đống và sáng tác ra tác phẩm Đề đền Sầm Nghi Đống.
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Khác với hình ảnh người phụ nữ với số phận nhỏ bé, bất hạnh trong “Bánh trôi nước” hay đường duyên trắc trở, lận đận trong “Làm lẽ”, hình ảnh Hồ Xuân Hương xuất hiện đầy táo bạo và mạnh mẽ. Tác giả thẳng tay đả kích chế độ phong kiến với nhiều bất công và châm biếm sâu cay tên quan cướp nước Sầm Nghi Đống.
Chỉ với bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt, Hồ Xuân Hương đã lột tả được nhiều điều nực cười trong xã hội phong kiến bảo thủ. Lời thơ sắc sảo, từng câu từng chữ đều khiến hình ảnh đền Sầm Nghi Đống xuất hiện với sự mỉa mai và khinh thường. Đền vốn là nơi thờ tự những bậc anh hùng, vị thánh, nơi đây phải mang màu sắc tôn nghiêm và trang trọng. Thế nhưng, hoàn toàn trái ngược, Sầm Nghi Đống vốn là một kẻ cướp nước bại trận phải tự kết liễu đời mình nhưng lại được xây đền vì mục đích giữ hòa khí hai quốc gia. Hồ Xuân Hương chỉ “ghé mắt” nhìn qua với sự khinh thường và chê cười.
Bà là một người phụ nữ bản lĩnh và tự nhận thức được giá trị của bản thân. Trong xã hội phong kiến, nam giới được cho mình có quyền được coi trọng hơn so với nữ giới. Người phụ nữ bị giới hạn trong nhiều khuôn khổ, không được phép bộc lộ cá tính và khẳng định bản thân. Ngay cả việc suy nghĩ và bày tỏ quan điểm cũng là những điều mà ít người dám thể hiện. Ấy vậy mà Hồ Xuân Hương lại không ngại bộc bạch:
“Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
Bà tự xưng mình là “đây”, đứng ngang hàng với tên Thái thú Sầm Nghi Đống. Với cách nói mỉa mai và hết sức táo bạo, bà bày tỏ khát vọng được thể hiện và khẳng định bản thân. Nếu trong một thân phận khác, một xã hội khác, bà có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn so với một “bậc quân tử” hèn mọn. Đó cũng là lời thách thức đầy ngạo nghễ của một người phụ nữ không chịu khuất phục trước xã hội nhiều bất công và bảo thủ. Đồng thời, tác giả không quên buông lời chế nhạo với những “chiến công” tồi tệ mà Sầm Nghi Đống đã làm được.
Với ngòi bút sắc sảo, Hồ Xuân Hương mang đến nền văn học Việt Nam một màu sắc đặc biệt và không thể trộn lẫn. Cách dùng từ tự nhiên nhưng giàu tính gợi tả, thơ của bà không chỉ là một bức tranh sinh động mà còn giúp bộc bạnh vẻ đẹp tâm hồn bản lĩnh, trí tuệ của bà chúa thơ Nôm.
4/ Mẫu 4 – Phân tích ý nghĩa nhan Đề bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống
“Đề đền Sầm Nghi Đống” là một tựa thơ nổi tiếng của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Tên của tác phẩm khá thú vị khiến nhiều người hơi khó hiểu và tò mò. Để hiểu được hết ý nghĩa của nhan đề, độc giả cần hiểu được một số khái niệm và sự kiện liên quan.
“Đề” là một từ Hán – Việt được sử dụng nhằm giới thiệu nội dung tác phẩm hoặc nêu cảm nghĩ, tình cảm trước một sự vật hiện tượng nhất định. Đề thơ được sử dụng phổ biến trong văn học xưa, thịnh hành nhất dưới thời Đường ở Trung Quốc.
“Sầm Nghi Đống” là tên riêng được nhà thơ sử dụng trong tiêu đề. Sầm Nghi Đống là một tướng quan nhà Thanh, giữ tới chức Thái thú, từng mang quân sang xâm lược nước ta. Trong trận đánh của quân Tây Sơn vào năm 1789, thấy không thể giữ được đồn, hắn đã tự tự trên đài chỉ huy ở Loa Sơn. Nhằm thúc đẩy bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, vua Quang Trung đã cho phép người Hoa xây đền Sầm Nghi Đống ở khu vực ngõ Sầm Công (nay trên phố Đào Duy Từ, Hà Nội).
Trong một lần du ngoạn tình cờ ghé qua đền thờ Sầm Nghi Đống, Hồ Xuân Hương đã ghi lại cảm xúc của mình thông qua bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt và lời thơ thâm thúy, mỉa mai, tác giả không chỉ thể hiện thái độ khinh thường với một tên tướng giặc hèn nhát mà còn thể hiện thái độ thách thức chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ xưa.
Xem thêm:
- Chuẩn bị nội dung Đề đền Sầm Nghi Đống đọc hiểu, trả lời câu hỏi SGK
- Văn bản Hiểu rõ bản thân: Soạn bài Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo
Kết luận
Những mẫu phân tích Đề đền Sầm Nghi Đống do The POET Magazine tổng hợp là thông tin hữu ích giúp bạn chủ động trong học tập. Với nội dung được chọn lọc kỹ lưỡng trên, hy vọng việc học tập sẽ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.