Phân tích khổ đầu và khổ đuối trong bài thơ ‘Đoàn thuyền đánh cá’
Các bài phân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ ‘Đoàn thuyền đánh cá‘ của Huy Cận được cập nhật đa dạng. Tham khảo văn mẫu giúp người đọc hiểu những nét giống và khác nhau của hai khổ thơ.
Bài làm số 1
Thơ là tiếng nói tâm tình, phản ánh sự rung động của tâm hồn nên dễ phù hợp với việc miêu tả nội tâm trữ tình hơn là ca ngợi lao động. Thơ ca viết về lao động cũng nhiều, nhưng có rất ít bài hay. ‘Đoàn thuyền đánh cá’ của nhà thơ Huy Cận có thể xem như một ngoại lệ.
Năm 1958, nhà thơ đi thực tế, hòa mình vào công việc lao động cách thực sự với công nhân vùng mỏ. Sau đó, chuyến đi thăm vịnh Hạ Long, vào một buổi chiều đẹp, nhìn các đoàn thuyền nối nhau ra khơi đánh cá, ông đã viết bài thơ ấy với hai khổ thơ đặc sắc nhất là:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
…
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Cả bài thơ ‘Đoàn thuyền đánh cá’ ca ngợi vẻ đẹp, chất thơ của đêm đánh cá trên biển khơi. Đánh cá đêm mà rực sáng: ánh sáng trăng, ánh sáng sao và cả ánh sáng cra vầng thái dương đội biển nhô lên… Có thể nói ánh sáng tươi đẹp ấy đã bao trùm, nhuộm thấm cả bài thơ. Đêm đánh cá cũng vang lên tiếng hát vui say, âm hưởng ấy vang lên suốt cả bài thơ.
Khổ thơ đầu là hoàn cảnh của đoàn thuyền ra khơi, không gian khoáng đạt, cảnh vật bao la, hùng vĩ, trời biển vô tận, vô cùng:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Cảnh ngày tàn, tất cả như đóng khép lại. Điều đó biểu hiện trong cách nhân hóa và so sánh chính xác trong hai câu thơ trên. Từ “sập” cho thấy ý nhanh và mạnh với hình ảnh “then sóng”. Vũ trụ đi ngủ, nhưng con người lại thức. Đoàn thuyền lại ra khơi với khí thế hăng hái, vui tươi và mạnh mẽ. Khí thế ấy biểu hiện trong hình ảnh “câu hát căng buồm” – một cách nhân hóa đặc biệt của nhà thơ. Đã vậy, hai vần bằng liền nhau khơi – khơi rất nhẹ nhàng. Ngần đó, khiến cho tất cả được mở ra:
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Từ “lại” cho thấy cảnh lao động trên biển với vẻ đẹp của thiên nhiên và sự hào hứng, khẩn trương của con người trong công việc đánh cá nơi đây đã diễn ra thành quy luật. Nghĩa là cứ mỗi lần ra khơi để đánh cá là mỗi lần niềm vui lao động lại tới. Thật có khác chi kiểu nói của Chế Lan Viên:
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ.
Trong lúc khổ thơ đầu miêu tả khí thế của đoàn thuyền ra khơi lúc ngày tàn thì trái lại, nội dung của khổ thơ sau là khí thế của đoàn thuyền trở về lúc ban mai:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Câu thơ đầu là câu thơ được lặp lại, tạo nên âm vang vừa lạc quan vừa hào hùng của điệp khúc bài ca lao động. Sau một đêm đánh cá cật lực trên biển, con người và đoàn thuyền vẫn tràn đầy niềm vui và sức mạnh. Mặt trời vượt lên, đoàn thuyền vượt lên mặt biển, như một cuộc chạy đua khẩn trương và hùng vĩ biết!
Sau đó là khung cảnh đoàn thuyền trở về hết sức tươi đẹp với các hình ảnh gợi cảm:
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Mặt trời ướt người nhô lên từ mặt biển như “đội biển” mà nhô lên, đem đến bao làn ánh sáng mới mẻ khiến người đọc tưởng chừng ánh sáng ấy là niềm vui lao động của ngư dân mang lại. Nhưng đặc biệt nhất là hình ảnh “mắt cá huy hoàng” – một cách ẩn dụ táo bạo và bất ngờ. Màu mới của mặt trời chiếu rọi vào mắt cá làm cho tất cả lấp lánh, rực rỡ hẳn lên. Đẹp làm sao hình ảnh của đoàn thuyền trở về trong không gian bát ngát đầy màu sắc của thiên nhiên và cả màu sắc của thành quả lao động do bàn tay con người đem lại.
Cả hai khổ thơ đều có các hình ảnh: mặt trời, đoàn thuyề và câu hát. Có điều, ở khổ thơ đầu là mặt trời xuống, cảnh ngày tàn, đêm tới còn khổ thơ cuối là mặt trời lên, cảnh ban mai rực rỡ. Nếu trong khổ thơ đầu, đoàn thuyền mở cánh cửa đêm đen mà ra khơi thì trong khổ cuối, đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời rạng sáng. Chỉ có “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là hoàn toàn giống nhau để cùng diễn tả một tinh thần hào hùng, hăng hái và một khí thế vui tươi mạnh mẽ của những người lao động trên biển. Đặc biệt hơn cả, ở khổ thơ cuối, tác giả chọn điểm nhạy sáng “mắt cá huy hoàng” để thể hiện kết quả lao động gắn với việc đánh cá và thiên nhiên đất trời. Làm câu thơ thêm đẹp, sáng ý, sáng lời, sáng cả bài thơ.
Tóm lại, cả hai khổ thơ trên không chỉ là niềm vui mà còn là vẻ đẹp của đoàn thuyền đánh cá lúc ra khơi và lúc trở về. Cả hai khổ thơ nói riếng và cả bài thơ nói chung là khúc hát ca ngợi lao động đánh cá trên biển đầy ánh sáng và tiếng hát, con người ở đây lồng lộn giữa biển trời cao rộng. Đoàn thuyền đánh cá là một bức tranh đẹp và là một bài ca hào hùng về thiên nhiên và con người, về biển cả và lao động.
Đồng thời, cùng cảm hứng về vũ trụ và con người nhưng thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám có nét khác biệt trong nhân vật trữ tình. Khi ấy, vũ trụ lớn lao, vô tận đã đè bẹp con người, khiến con người cảm thấy rợn ngợp cô đơn.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp diệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
…
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, biến cô liêu.
Cũng con thuyền, cũng dòng nước với khung cảnh mênh mông của vũ trụ nhưng các câu thơ này sao mà quạnh vắng đượm buồn đến vậy.
So sánh với hai khổ thơ trên, chúng ta mới thấy được sự đổi mới phong cách của tác giả trên đường hòa nhập cái tôi riêng lẻ của nhà thơ với cái ta chung của đất nước. Đâu chỉ với “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” mà còn nhiều hình ảnh độc đáo khác của bài cơ còn lấp lánh mãi trong lòng người đọc một bài thơ lao động khó quên…
Bài làm số 2
Thế giới hải hà mênh mông, bao la thật kì vĩ, đẹp đẽ biết bao! Đại dương là nơi con người lao động, đem đến bao nguồn lợi cho họ. Hình ảnh những con thuyền vùn vụt tiến ra khơi đã chắp cánh cho bao ước mơ bay bổng của con người, gợi lên bao cảm xúc mạnh mẽ, gieo bao thi hứng cho các nhà thơ. Huy Cận cũng thế, nhân chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh năm 1958, thời kì miền Bắc đang sôi nổi lao động xây dựng đất nước, nhà thơ đã bị cuốn hút, hấp dẫn bởi thiên nhiên, cuộc sống nơi đây và cho ra đời bài thơ ‘Đoàn thuyền đánh cá’.
‘Đoàn thuyền đánh cá’ được sáng tác năm 1958, tại vùng biển Quảng Ninh. Nhà thơ Huy Cận đã từng gọi tác phẩm này là khúc tráng ca về vẻ đẹp thiên nhiên và con người. Quả đúng như vậy, bài thơ là một khúc ca ca ngợi biển quê hương giàu đẹp, người dân chài làm chủ cuộc đời, hăng say lao động, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.
Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự ra khơi của đoàn thuyền đánh cá: Đoàn thuyền đánh cá ra khơi khi mặt trời xuống biển:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Khung cảnh thiên nhiên được phác họa ít nét mà vẫn cảm nhận được vẻ chắc nịch, thấm đậm không khí khẩn trương của một buổi xuất bến ra khơi. Hai câu thơ “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/Sóng đã cài then đêm sập cửa” cho thấy cảnh biển vô cùng tráng lệ lúc hoàng hôn. Mặt trời được ví với hòn than đỏ rực từ từ lặng xuống biển. Bầu trời và mặt biển bao la như ngôi nahf vũ trụ trong khoảnh khắc phủ bóng tối mịt mùng đêm sập cửa. Đúng thời điểm ấy, trong không gian của một đêm đã bắt đầu ấy, thênh thang vút lên, bừng sáng tiếng hát của những người dân chài: Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi – Câu hát căng buồm cùng gió khơi. Chữ “lại” trong ý thơ lại đi vào nền nếp. Khúc hát lên đường vang dđộng. Gió biển thổi mạnh. Cánh buồm no gió căng lên. Tiếng hát, gió khơi, buồm căng là ba chi tiết nghệ thuật mang tính chất tượng trưng diễn tả tinh thần phấn khươi, hăng say và khí thế ra khơi của ngư dân vùng biển.
Khổ cuối của bài thơ lại xuất hiện trong gia điệu rộn ràng của bài ca lao động
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Bút pháp lãng mạn lại một lần nữa bay bổng ở khổ cuối. Giao thoa giữa ngày và đêm là hình ảnh “mặt trời xuống biển”, cũng từ hiện thực và mạch liên tưởng ấy “mặt trời đội biển nhô màu mới” mở đàu cho một ngày mới. Câu thơ thứ nhất của khổ cuối lặp gần như nguyên vẹn với câu cuối khổ thơ đầu như sự nối tiếp tự nhiên một công việc cụ thể, liên tục. Và chỉ qua sự thay đổi trong một chữ ấy, Huy Cận đã gợi mở được bao điều từ sự đổi thay của ngày hôm nay so với hôm qua. Tất cả thật khẩn trương, hân hoan trong cuộc đua tài tốc độ giữa con người và vũ trụ, Để rồi, khổ thơ khép lại bằng hình ảnh thật rực rỡ, huy hoàng của triệu triệu mắt cá phơi trên muôn dặm biển khơi. Hình ảnh thơ mang tính đa nghĩa, lấp lánh ánh hào quang niềm vui chiến thắng rạng ngời trên từng gương mặt rắn rỏi, mặn mòi của người lao động trên biển.
Kết luận
Các bài văn phân tích khổ đầu và khổ cuối trong bài thơ ‘Đoàn thuyền đánh cá’ đã giúp người đọc nắm được sự khác nhau giữa hai khổ thơ. Từ đó hiểu hơn về các hình ảnh nghệ thuật được tác giả Huy Cận sử dụng trong hai khổ trên.
Các bài phân tích và cảm nhận khác của tác phẩm này: