Phân tích Lời của cây (Trần Hữu Thung) văn 7, Chân trời sáng tạo
Phân tích bài thơ Lời của cây (Trần Hữu Thung) để hiểu hơn giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Ngoài ra, thông điệp của bài thơ cũng là lời nhắn gửi của tác giả mà các bài viết này cần chia sẻ, đề cập.
Dàn ý Lời của cây
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm (thông tin chung Lời của cây nên được đề cập tại đây)
Thân bài:
Luận điểm 1: Sự phát triển từ Hạt -> Mầm -> Cây.
- Hạt: “lặng thinh”: nhân hóa, hạt như cũng có hồn à Sự sống tiềm tàng, chưa được “đánh thức”, phát triển thành cây.
- Mầm: “nhú lên giọt sữa”, “kiêng gió”, “kiêng mưa”, “lớn lên đón tia nắng hồng”: mầm cây được ví với giọt sữa trắng trong, trong trẻo, nhỏ bé, dễ thương, mầm cây cũng giống như em bé cần được vỗ về, nghe lời ru, nằm trong nôi là vỏ cây, cần kiêng khem gió mưa, biết “mở mắt” đón tia nắng hồng.
- Cây đã thành hình: “nghe màu xanh” – “bắt đầu bâp bẹ”: Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (nghe màu), hoán dụ (nghe màu xanh ý chỉ cây), nhân hóa (bập bẹ – cây như em bé).
Luận điểm 2: Mối quan hệ giữa chủ thể trữ tình và hạt mầm:
- “cầm trong tay”: chủ thể nâng niu với hạt mầm, cách ứng xử tinh tế, tình cảm.
- “ghé tai nghe rõ”, “nghe mầm mở mắt”: hành động trìu mến, cảm xúc yêu thương, mối quan hệ gần gũi, giao cảm giữa thiên nhiên và nhà thơ, sự nâng niu sự sống.
Luận điểm 3: Lời của cây:
- “Rằng các bạn ơi”: Nhịp thơ 1/3 – Sự khác biệt so với nhịp thơ 2/2 toàn bài => Chú ý, lắng nghe.
- Các câu thơ cuối: Là tiếng nói mối quan hệ gần gũi, giao cảm giữa thiên nhiên và nhà thơ, sự nâng niu sự sống. Sử dụng biện pháp ẩn dụ về ý nghĩa của đời người, lớn lên và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp.
Phân tích mở rộng: Nghệ thuật và thông điệp tác giả muốn gửi gắm.
Kết bài
Đúc kết lại nội dung, giá trị nghệ thuật và thông điệp của tác phẩm một lần nữa.
Phân tích bài Lời của cây bài mẫu
Một số bài mẫu phân tích Lời của cây trong Văn lớp 7 do các bạn học sinh giỏi thực hiện, đạt điểm cao được tổng hợp để bạn có thêm ý tưởng cho bài viết. Cụ thể:
Phân tích Lời của cây bài mẫu 1
Lời của cây là bài thơ của tác giả Trần Hữu Thung sử dụng thể thơ 2/2, dễ đọc, dễ hiểu và cũng để lại cho em nhiều suy nghĩ sau khi đọc. Với cách dẫn dắt nhịp nhàng, mạch thơ đi theo chiều từ hạt đến lúc cây thành hình, tiết tầu vui tươi, em cũng đã cảm nhận được nhiều điều về cách tác giả nâng niu sự sống cũng như thông điệp muốn truyền tải.
Khổ thơ đầu tiên trong bài là hình ảnh của hạt cây. Đây cũng là mở đầu của nhiều loài cây cỏ hoa lá. Hình ảnh hạt “lặng thinh” khiến em cảm nhận hạt có sức sống, có linh hồn, là một em bé đang ngoan ngoãn ngủ im. “Em bé” vẫn chưa được đánh thức, chưa được thể hiện bản thân, chưa được “gieo xuống đất”.
Cách mô tả hạt được “cầm trong tay” cũng nói rõ sự trân trọng của nhà thơ với hạt giống. Đây là sự bắt đầu, điểm xuất phát, càng phải nâng niu để cây có bước đệm đầu tiên. Chọn giống, chọn đất để cây có nền tảng tốt để phát triển.
Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục gieo vào người đọc những cụm từ mang đậm tính ẩn dụ, khiến người ta liên tưởng đến em bé đang lớn. Ở đó có “nhú lên giọt sữa”. Hạt mầm thật trong trẻo, đáng yêu và cũng có hành động chứ không còn “lặng thinh” như phút đầu.
Nhưng muốn nghe được, nhân vật trữ tình phải “ghé tai” để nghe vì mầm chỉ “thì thầm”. Cách dùng từ này gần như tương đồng với quá trình chăm sóc hạt giống của người nông dân. Họ phải quan sát, theo dõi từng chút để thấy rõ hạt đã nảy mầm hay chưa và chuẩn bị cho bước chăm sóc tiếp theo. Ở đây, tác giả đã nhân hóa khiến hạt mầm trở nên sinh động hơn bao giờ hết, dường như đã có nhân tính vì đã biết nói và cần được lắng nghe.
“Mầm tròn nằm giữa
Vỏ hạt làm nôi
Nghe bàn tay vỗ
Nghe tiếng ru hời”
Nếu những câu thơ trên, bạn đọc vẫn đang lăn tăn, liệu tác giả có thực sự đang ví von mầm như em bé thì đến đây, chúng ta đã có thể khẳng định điều đó. Cách dùng từ của tác giả thể hiện sự yêu thương, nâng niu với hạt mầm, ông cũng khẳng định, hạt mầm cũng phải được vỗ về, chăm sóc kỹ lưỡng nếu muốn phát triển tươi tốt. Tất nhiên không chỉ qua hành động ấy, tác giả Trần Hữu Thung còn chỉ rõ phải “kiêng gió”, “kiêng mưa” để mầm cây được “đón tia nắng hồng”.
Đến khi cây đã thành hình, có cây, có lá, tác giả như ví von cây đang tương đồng với trẻ tập nói khi sử dụng từ “bập bẹ”. Cách sử dụng thủ pháp “nghe màu xanh” ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo giúp ta liên tưởng ngay đến hình ảnh cây bắt đầu đâm chồi với những chiếc lá xanh.
“Rằng các bạn ơi
Cây chính là tôi
Nay mai sẽ lớn
Góp xanh cho đời”
Câu đầu tiên của khổ thơ cuối, tác giả không dùng nhịp thơ 2/2 quen thuộc mà thay vào đó là nhịp 1/3 để nhấn mạnh, gợi ý chú. Đây là cách giúp bạn đọc phân biệt, đây là lời nói của cây, cây đang kêu gọi sự chú ý của chúng ta để chia sẻ tâm tư của mình. Rằng chúng “sẽ lớn” và sẽ “góp xanh cho đời”. Lời của cây cũng là tiếng nói của thiên nhiên, hãy tôn trọng thiên nhiên và rồi tự nhiên cũng đáp trả bằng những điều tốt đẹp nhất. Ngoài ra, cách nói này cũng mang ý nghĩa về cuộc đời con người, khi lớn lên hãy làm những điều tốt, điều có ích cho xã hội.
Toàn bài thơ sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ. Nổi bật nhất là ẩn dụ, hoán dụ để bài thơ trở nên gần gũi, đa nghĩa cũng như giàu sức gợi hình. Toàn bài mang thông điệp yêu thương tự nhiên, nâng niu từng sự sống nhỏ bé, góp phần cho màu xanh của đất trời. Tác giả liên tục ví von cây với em bé cũng nhằm mục đích lan tỏa thông điệp mỗi em bé khi được nuôi dưỡng đúng cũng sẽ lớn lên, góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp.
Bài thơ Lời của cây của tác giả Trần Hữu Thung mang tiết tấu vui tươi, phù hợp với thông điệp tác giả muốn truyền tải. Qua lời của tác giả, em hiểu được lời của cây và hiểu được mong muốn mỗi người cần yêu thương, nâng niu sự sống tự nhiên mà tác giả gửi gắm trong bài viết.
Để hiểu thêm về bài, có cách phân tích sâu sát nhất, bạn có thể xem thêm bài Lời của cây đọc hiểu. Ở đây thông tin được thể hiện chi tiết, trả lời nhiều câu hỏi liên quan để bạn nắm rõ nội dung văn bản.
Cảm nhận về bài thơ Lời của cây của Trần Hữu Thung (mẫu 2)
Lời của cây là một bài thơ đã gợi cho em những suy nghĩ và cảm xúc rất đặc biệt. Đó là sự ngạc nhiên, kì thú, lạ lẫm lại vừa xúc động vì sự kì diệu của thiên nhiên. Từ đó, khơi dậy trong em niềm mong muốn được tự tay trồng và chăm sóc chúng.
Năm khổ thơ đầu là lời của nhân vật trữ tình (tác giả). Cách xưng hô của nhà thơ khẳng định điều này: “Cầm trong tay mình” và gọi những đối tượng được nhắc tới bằng chính tên gọi của nó: hạt, mầm, cây, lá,…
Hình ảnh “nhú lên giọt sữa” đã miêu tả vô cùng sinh động và độc đáo về hiện tượng nảy mầm. Lá mầm đầu tiên nhú lên từ mặt đất của hạt được ví như giọt sữa đã không chỉ là nổi bật hình dáng ngộ nghĩnh và sự non nớt mà còn gợi ra sự gần gũi, thân thương của những hạt mầm nhỏ bé. Hiện tượng nảy mầm qua cái nhìn của trẻ thơ trở nên ngộ nghĩnh, dí dỏm và vô cùng đáng yêu, độc đáo.
Các động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm: nảy (mầm), nhú (lên), thì thầm, ghé, nghe, nằm, vỗ, kiêng, mở (mắt), đón,… Những hình ảnh thơ ấy đã gợi ra quá trình lớn lên của hạt mầm vô cùng thú vị và độc đáo; đó không còn là một quá trình tự nhiên vô thức mà giống như một quá trình đầy sự chờ đợi, háo hức và thiêng liêng.
Khổ cuối là lời của hạt mầm vì đến đây, cách xưng hô và giọng điệu đã thay đổi: Cách gọi trực tiếp: “Rằng các bạn ơi” và lời giải thích xưng tôi: “cây chính là tôi …”. Đây cũng là lời nhắn gửi của hạt mầm tới các bạn: Tôi (hạt mầm) sau này lớn lên sẽ trở thành cây và góp màu xanh của mình vào sự tươi xanh của đất trời. Qua đó, khẳng định vai trò, ý nghĩa của cây côi với đời sống con người.
Bài thơ đã sử dụng thành công các biện pháp tu từ nhân hóa khi miêu tả hạt mầm bằng hàng loạt những từ ngữ vốn được dùng để tả người: nằm lặng thinh, thì thầm, nghe, kiêng, mở mắt, đón, bập bẹ,… Nhất là khi để hạt mầm tự cất tiếng nói, gửi lời nhắn nhủ tới bạn đọc ở khổ cuối. Việc sử dụng biện pháp tu từ như vậy đã không chỉ thể hiện mối quan hệ gần gũi của hạt mầm với con người; thể hiện tình yêu và sự gắn bó thân thiết với thế giới tự nhiên của nhân vật trữ tình mà còn góp phần xây dựng thế giới hình ảnh thiên nhiên thêm phần sinh động, ấn tượng, hấp dẫn.
Bài thơ Lời của cây của Trần Hữu Thung đã thể hiện tình yêu thương, trân trọng những mầm xanh thiên nhiên. Qua đó gửi gắm thông điệp hãy lắng nghe lời cỏ cây loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống ấy mới là những mầm sống. Mỗi con người, sự vật dù là nhỏ bé đều góp phần tạo nên sự sống như hạt mầm góp màu xanh cho đất trời. Từ đó, trong lòng em như trỗi dậy tình yêu thiên nhiên và khát khao bảo vệ thiên nhiên.
Phân tích văn bản Lời của cây bài mẫu 3
Bài thơ “Lời của cây” của tác giả Trần Hữu Thung đã để lại cho em những rung động sâu sắc. Với cách dẫn dắt thú vị cùng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, tác giả đã gợi lên quá trình sinh trưởng và phát triển của mầm cây, qua đó bày tỏ tình cảm của mình với cỏ cây thiên nhiên.
Bài thơ có 6 khổ, được viết theo thể thơ bốn chữ, mỗi khổ thơ là mỗi bước sinh trưởng của mầm cây. Khổ thơ thứ nhất là hình ảnh chiếc hạt gieo mình xuống đất, nằm lặng thinh trong hơi ấm của đất mẹ.
Qua khổ thơ thứ hai, hạt bắt đầu nảy mầm, nhú lên những giọt sữa trong ngần. Ta như nghe thấy những thanh âm thầm thì của mầm non. Rồi chiếc mầm non nớt dần lớn lên dưới sự ưu ái, chăm sóc, nâng niu của mẹ thiên nhiên và những tia nắng mặt trời dịu nhẹ, ấm áp.
Theo thời gian, cây đã trưởng thành hơn, mầm non thành lá bé xanh tươi, “bập bẹ” tiếng nói. Đến khổ thơ cuối cùng, cây trưởng thành và cất tiếng nói của mình, hoà vào mẹ thiên nhiên nhiên, hiểu được vai trò của mình trong việc tạo nên màu xanh cuộc đời.
Biện pháp nghệ thuật nhân hoá được tác giả vận dụng tinh tế “hạt nằm lặng thinh”, “mầm mở mắt”,… kết hợp cùng các động từ “nghe”, “ghé tai”,… không chỉ tạo nên nét sinh động của thiên nhiên mà còn thể hiện được những cảm xúc thương yêu trìu mến của tác giả với những mầm cây.
Bài thơ với những vần thơ hồn nhiên, trong sáng, hình ảnh thơ gần gũi đã gợi lên trong em nhiều cảm xúc khó tả. Gấp trang sách lại, những vần thơ “Lời của cây” vẫn còn đọng mãi trong tâm trí em. Em thấy mình cần phải biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, nâng niu những mầm xanh sự sống của cuộc đời.
Lời của cây cảm nhận bài mẫu 4
Lời của cây là một bài thơ mang đậm phong cách sáng tác của nhà thơ Trần Hữu Thông. Quá trình phát triển của một mầm cây được tác giả khắc họa thật sinh động.
Tác giả đã thể hiện những cảm xúc trìu mến thương yêu khi miêu tả lại quá trình sinh trưởng của cây. Từ khi còn là một chiếc hạt được “cầm trong tay mình” rồi gieo xuống đất, nhú lên những chiếc mầm non và lớn lên bằng sự chở che, yêu thương của mẹ thiên nhiên.
Thể thơ bốn chữ ngắn gọn cùng biện pháp nghệ thuật nhân hoá qua những câu thơ “Mầm đã thì thầm”, “Nghe mầm mở mắt” đã diễn tả những nét trạng thái, hoạt động của mầm xanh một cách sinh động. Qua đó, ta cảm nhận được thiên nhiên cũng có tiếng nói, tâm hồn của riêng mình. Đọc bài thơ, em thêm yêu quý thiên nhiên, biết lắng nghe, bảo vệ những mầm xanh, những chồi non góp xanh cho đất trời.
Ở khổ thơ thứ nhất, cây vẫn còn là hạt mầm nằm lặng thinh. Đến khi hạt bắt đầu nảy mầm xanh, đã có thể cất tiếng nói thì thầm. Khi hạt phát triển thì chiếc vỏ của hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây. Cách viết này gợi liên tưởng mầm cây giống như một em bé đang được chăm sóc ân cần.
Đến khi mầm cây đã phát triển, người đọc dường như lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá. Từ láy “bập bẹ” khiến ta liên tưởng đến giai đoạn tập nói của một đứa trẻ. Kết thúc bài thơ là hình ảnh cây đã phát triển, với một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt.
Bài thơ không chỉ thú vị ở lời thơ, hình ảnh trong bài mà còn là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc rằng hãy biết yêu và bảo vệ cây xanh bởi chúng đã tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống.
Phân tích bài thơ Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh giúp bạn hiểu sự khác biệt trong cảm nhận tự nhiên của 2 tác giả.
Phân tích bài thơ Lời của cây mẫu 5
Trong những bài thơ đã được học, em yêu thích nhất bài “Lời của cây” của Trần Hữu Thung. Tác giả đã khéo léo sử dụng thể thơ bốn chữ, cách ngắt nhịp 2/2 quen thuộc, gieo vần chân làm cho người đọc dễ nhớ, dễ thuộc.
Năm khổ thơ đầu là lời của nhân vật trữ tình cất lên khi nghe lời tâm tình của mầm cây. Khổ cuối bài là lời của mầm cây khi đã trưởng thành, cây xanh cất tiếng nói của chính mình vào bản hòa ca cuộc sống.
Bằng sự gần gũi, giao cảm đầy tinh tế với thiên nhiên, tác giả đã thể hiện tình cảm yêu thương, nâng niu, trân trọng của mình với sự sống. Những câu thơ tha thiết yêu thương đã đem lại cho em biết bao xúc cảm.
Thiên nhiên và con người như hoà làm một, gần gũi và gắn bó. Biện pháp nhân hóa được sử dụng trong các câu thơ “Mầm đã thì thầm”, “Nghe mầm mở mắt” khiến những hoạt động, trạng thái của mầm cây càng trở nên sinh động.
Lời mời gọi tự nhiên mà thân thuộc “rằng các bạn ơi” và cách ngắt nhịp 1/3 trong khổ cuối bài thơ đã thể hiện khao khát mãnh liệt, mong muốn được mọi người thấu hiểu của loài cây.
Tác phẩm “Lời của cây” tuy ngắn gọn nhưng đã gửi gắm tới mỗi chúng ta một thông điệp đầy sâu sắc: Hãy lắng nghe lời của thiên nhiên để biết yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ. Mỗi loài cây, mỗi mầm sống dù là nhỏ bé đều mang trong mình một sứ mệnh, nó góp phần tạo nên sự sống, tạo nên màu xanh đất trời.
Cảm nhận của em về bài thơ Lời của cây mẫu 6
Khi đọc bài thơ “ Lời của cây” của tác giả Trần Hữu Thung mỗi người đọc như được cuốn vào câu chuyện kể về quá trình trưởng thành của cây. Khi nói đến quá trình phát triển của cây người ta thường nghĩ ngay đến một quá trình được miêu tả bằng những thuật ngữ khoa học khô khan.
Đến với “ Lời của cây” mỗi người đọc sẽ nhận được những ngôn từ đậm chất nhận thưc và cảm xúc trong văn bản. Khổ thơ thứ nhất chính là khởi đầu của cây khi còn là mầm và nằm lăng thinh trong tay nhân vật trữ tình.
Hạt lúc này còn đang nằng nặng thinh thì đến với những khổ thơ sau hạt đã có tiếng nói đã nảy mầm và trở thành cây. Khổ thơ thứ hai sử dụng biện pháp nghệ thuận nhân hóa “Mầm đã thì thầm” mầm lúc này đã cất lên tiếng nói đầu tiên của sự sống.
Không chỉ vật mầm còn gây ấn tượng với người đọc bới những từ ngữ giàu chất biểu đạt “nhú”, “giọt sữa”. Tiếp theo khi hạt phát triển thì chiếc vỏ hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây ở giữa, mầm cây được chăm sóc như em bé vậy.
Đến khổ thơ thứ tư, mầm cây đã lớn thêm một chút. Nhà thơ đã lắng nghe được tiếng “bập bẹ” từ lá, từ láy “bập bẹ” đặt trong phép nhân hóa khiến ta liên tưởng đến giai đoạn tập nói. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh của ngày mai – một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt.
Bài thơ không chỉ thú vị ở lời thơ, hình ảnh trong bài mà còn là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc: Hãy yêu cây xanh bởi cây xanh tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống.
Phân tích Lời của cây mẫu 7
Trong những bài thơ em đã từng được đọc, bài thơ Lời của cây của tác giả Trần Hữu Thung khiến em ấn tượng và vô cùng yêu thích. Sự trưởng thành của hạt mầm được hiểu là sự trưởng thành của con người, tác giả đã có một sự so sánh vô cùng hợp lý và cái nhìn độc đáo.
Gần như xuyên suốt trong bài thơ chỉ nói về sự trưởng thành của hạt mầm nhỏ, nhưng trong đó lại có sự tham gia của con người. Tác giả bắt đầu câu chuyện từ lúc “cầm trong tay mình”, thể hiện rõ sự yêu thương và cả hy vọng đặt trọn vào trong hạt nhỏ xíu. Sau đó, toàn bộ quá trình nảy mầm và phát triển của hạt được tác giả miêu tả bằng một giọng văn độc đáo và bình dị.
Trong khổ thơ đầu tiên, hạt mầm vẫn còn bé, vừa rời lòng bàn tay con người xuống đất. Dường như, hạt cây vẫn có nỗi lo sợ với thế giới bên ngoài, nằm lặng thinh không nói chuyện. Cũng có thể, nó đang chờ cơ hội để vụt lên cao lớn. Được nắng, mưa và cả mẹ đất chăm lo, ưu ái, hạt mầm nhanh chóng trổ những lá xanh đầu tiên trong đời. Chiếc vỏ từng là chiếc nôi, chiếc áo giờ nằm lại mặt đất, chứng kiến quá trình bay xa hơn của những chồi non. Khi giọng nói của hạt nhỏ bập bẹ, cây đã bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành mạnh mẽ.
Cây nhỏ dần ý thức được nhiệm vụ cao cả của mình, trở nên dũng cảm và trưởng thành hơn. Sự nhân hóa và tua nhanh thời gian đã khiến cho người đọc không cảm thấy nhàm chán, nhưng vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được sự phát triển kỳ diệu và quen thuộc của hạt mầm nhỏ. Bạn có thấy thế không, có phải bạn cũng từng trải qua cuộc sống giống như vậy?
Mẫu 8
“Lời của cây” là một trong những bài thơ mang đậm phong cách thơ của Trần Hữu Thung: Mộc mạc, thầm nhuẫn chất dân gian. Sử dụng thể thơ bốn chữ, lối viết giản dị, gần gũi, đặc biệt là phép tu từ nhân hóa, bài thơ ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây.
Từ khi hạt còn “lặng thinh” nằm trên tay người cho đến khi hạt nảy mầm, nhú lên thành những “giọt sữa” biết “thì thầm” từ khi những tiếng nói đầu tiên cất lên cho đến khi cây trưởng thành. Sự trưởng thành của cây có sự tương đồng với sự trưởng thành của một con người.
Điều đặc biệt là với hà thơ, cây cối không vô tri, vô giác mà cũng có tiếng nói. Nhà thơ lắng nghe thấy trong sự trưởng thành của cây thành những thanh âm của cuộc sống. Nhà thơ lắng nghe cây như lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên.
Nhà thơ đã lắng nghe thiên nhiên và nói lên “lời của cây”. Phải là người có tâm hồn phong phú, nhạy cảm và giàu sức tưởng tượng, nhà thơ mới có thể lắng nghe, cảm nhận và thể hiện thành ngữ nghệ thuật một cáchtinh tế tiếng nói của cây.
Qua đó, thể hiện tình cảm, cảm xúc nâng niu, trân trọng mà nhà thơ dành cho mỗi mầm cây. Bài thơ như một thông điệp: Hãy yêu cây xanh bởi cây xanh tạo nên một cuộc sống tươi mới, tràn đầy sức sống.
Phân tích bài Lời của cây mẫu 9
Tác giả Trần Hữu Thung đã cho người đọc thấy được quá trình phát triển quen thuộc của thực vật thông qua bài thơ Lời của cây. Lời kể giản dị và dễ thương ấy giúp bạn đọc dễ dàng thấu hiểu thông điệp tác giả muốn truyệt đạt.
Bài thơ thuộc thể loại thơ 4 chữ, với cách ngắt nhịp 2/2 nên tiết tấu chậm rãi. Với ngôn ngữ giản dị, cách dẫn chuyện đơn giản, dễ hiểu đã giúp người đọc thấy được một quá trình phát triển hoàn thiện của hạt mầm nhỏ trở thành cây lớn. Hạt nhỏ cũng như con người, đầu tiên nằm dưới đất trong sự ôm ấp của đất mẹ, như những đứa bé nằm trong vòng tay của mẹ yêu thương. Sau đó, hạt mầm nảy mầm trổ mã, như giai đoạn tập đi, tập nói của một đứa trẻ bình thường.
Có lẽ, hạt nhỏ ấy cũng như những đứa bé loài người, cũng được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ và nhận được nhiều sự quan tâm của những người xung quanh.Hạt mầm được yêu thương và giúp đỡ bởi tia nắng nhẹ, “kiêng mưa”, “kiêng gió”. Chúng đều là những thứ giúp cho hạt mầm nhỏ khôn lớn và trưởng thành. Thời gian qua đi, hạt nhỏ ngày ấy bỗng hóa thành một cái cây tỏa bóng mát êm dịu. Cây sẽ tỏa bóng mát, che chở người mẹ già từng nuôi dưỡng mình mà chẳng cần đền đáp. Rồi cũng vào lúc đó, bóng nhiên nó hiểu ra được lợi ích của mình, và đó cũng là suy nghĩ trưởng thành đầu tiên.
Thông qua lời thơ như lời kể chuyện nhẹ nhàng, tác giả Trần Hữu Thung đã cho người đọc thấy được một sự kỳ diệu của thiên nhiên thông qua sự trưởng thành của hạt mầm nhỏ. Có lẽ trong tương lai, sẽ có rất nhiều hạt mầm nhỏ như nó trổ mã, trở thành những tán cây cao lớn giúp ích cho đời.
Mẫu 10: Viết 1 đoạn văn ngắn từ 8 – 10 câu nêu cảm nhận về bài thơ Lời của cây
Bài thơ Lời của cây do Trần Hữu Thung sáng tác đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, tác giả đã khắc họa quá trình phát triển của một mầm cây. Trong khổ thơ đầu, khi cây vẫn còn là hạt mầm, chỉ biết nằm lặng thinh. Nhưng điều kì diệu là khi hạt nảy mầm lại có thể cất tiếng nói thì thầm. Dần dần, hạt phát triển thì chiếc vỏ của hạt lúc này như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây. Cách miêu tả mà tác giả sử dụng khiến người đọc liên tưởng đến quá trình trưởng thành của một em bé. Và khi mầm cây phát triển, dường như chúng ta còn lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá. Kết thúc bài thơ là hình ảnh cây đã phát triển, với một ngày mai tràn đầy màu xanh tươi mới của cây gợi lên một sự sống trường tồn, bất diệt. Bài thơ sử dụng những từ ngữ độc đáo, hình ảnh thú vị đã gợi mở cho người đọc cảm xúc thật đẹp đẽ.
Mẫu 11: Viết 1 đoạn văn ngắn nêu lên cảm nhận của em với bài thơ Lời của cây tác giả Trần Hữu Thung
Khi đọc bài thơ Lời của cây, tôi đã có nhiều suy tư và cảm nhận. Tác giả đã sử dụng cách dẫn dắt vô cùng thú vị, ngôn ngữ đầy tự nhiên để khắc hóa quá trình sinh trưởng và phát triển của mầm cây. Khổ thơ đầu tiên là khi chiếc hạt vẫn còn nằm lặng im trong lòng đất mẹ, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh em bé khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến khổ thơ thứ hai, hạt bắt đầu nảy mầm, nhú lên những giọt sữa trong ngần. Chúng ta dường như lắng nghe được âm thành thì thầm của mầm cây. Dưới sự chăm sóc, nâng niu của thiên nhiên, theo thời gian, cây đã trưởng thành, lá xanh đã “bập bẹ” tiếng nói. Từ láy “bập bẹ” được tác giả sử dụng đã gợi tôi liên tưởng đến dáng vẻ của em bé đang tập nói. Đến khổ thơ cuối cùng, cây trưởng thành và cất tiếng nói của mình, hoà vào mẹ thiên nhiên nhiên, hiểu được vai trò của mình trong việc tạo nên màu xanh cuộc đời. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa thật tinh tế “hạt nằm lặng thinh”, “mầm mở mắt” cùng với các động từ “nghe”, “ghé tai” đã tạo nên nét sinh động cho vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời gửi gắm tình cảm yêu mến của mình. Bài thơ đã gợi cho tôi những thông điệp ý nghĩa về thiên nhiên, cuộc đời.
Xem thêm:
- Tuyển tập văn mẫu lớp 7 Chân trời sáng tạo hay nhất do học sinh giỏi thực hiện
Kết luận
Phân tích bài thơ Lời của cây là một dạng đề thường gặp trong các bài kiểm tra lớp 7. Bạn có thể tham khảo những bài viết gợi ý kể trên từ The POET Magazine – https://www.thepoetmagazine.org/ (trang tổng hợp thơ, phân tích văn học, ca dao, truyện dân gian hay nhất) để có thêm ý tưởng cho bài làm của mình.