4+ Mẫu phân tích nhân vật và phẩm chất của Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù khai thác những phẩm chất tốt đẹp và giá trị mà tác giả muốn truyền tải. Nguyễn Tuân đã khắc họa hình ảnh một con người tài hoa với những đức tính tốt đẹp, xứng đáng để noi theo.

Tác phẩm được trích trong sgk ngữ văn 10, bạn có thể theo dõi để hiểu thêm về nhân vật này.

Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao – Chữ người tử tù

Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân, cuộc đời và phong cách nghệ thuật của ông.
  • Khái quát về tập truyện nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân “Vang bóng một thời” gồm nhân vật chính là những nho sĩ tài hoa, uyên bác hơn người.
  • Giới thiệu tổng quan về nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

Thân bài

1/ Huấn Cao – Một người nghệ sĩ tài hoa

  • Huấn Cao sở hữu tài hoa tuyệt diệu trong nghệ thuật thư pháp với những nét chữ đẹp nổi danh khắp vùng. Tài năng của ông được Miêu tả với những cụm từ thể hiện sự kính nể thông qua cuộc trò chuyện giữa quản ngục và thơ lại
  • Người khắp vùng tỉnh Sơn đều khen Huấn Cao là người có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”
  • “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm… có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một báu vật trên đời”
  • Sự tài hoa thể hiện trong cảnh cho chữ: “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ”

2/ Huấn Cao sở hữu khí phách hiên ngang và bất khuất

  • Huấn Cao dẫn đầu phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình khi nhận thấy những điều thối nát trong hệ thống cầm quyền lúc bấy giờ. Tuy thất bại và bị tống giam vào ngục chờ ngày xử tử nhưng ông vẫn luôn hiên ngang, bất khuất và không chút e sợ.
  • Khí phách hiên ngang của ông được khắc họa chi tiết trong cuộc trò chuyện với quản ngục
  • “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”
  • Coi nhà tù thực dân như chốn không người, “ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi”, có tài bẻ khóa vượt ngục
  • “Văn võ kiêm toàn”
  • Huấn Cao không hề kiêng nể khi “Thản nhiên rũ rệp trên thang gông” ngay từ lúc đặt chân vào nhà ngục. Đây chính là khí phách và tiết tháo mà các nhà Nho xưa đều có, tinh thần bất khuất, không chịu thua trước cái ác.
  • Khí phách của ông khiến viên quản ngục và thầy thơ lại đều phải thán phục và bọn lính thì kiêng nể “tên này nguy hiểm và ngạo ngược nhất trong bọn”. Ông không câu nệ mà ung dung, tự tại nhận rượu thịt từ quản ngục như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Dù cái chết có gần kề trước mắt thì cũng không khiến cho vị nho sĩ này hoảng sợ, lo lắng.
  • Đối với Huấn Cao, viên quản ngục cũng chỉ là một trong những tên thuộc hệ thống cầm quyền mà ông muốn lật đổ nên khi trò chuyện ông luôn thể hiện thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì… vào đây”. Dù ở trước cường quyền ông cũng không chịu khuất phục mà hiên ngang như một anh hùng.

3/ Huấn Cao sở hữu thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp

  • Huấn Cao có tâm hồn trong sáng và cao đẹp hơn bất kỳ ai. Ông “Không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” bởi đối với vị nho sĩ này, chỉ những người tri kỉ mới xứng đáng có được chữ của mình.
  • Lương tri trong sáng, sẵn sàng thay đổi cái nhìn khi đã hiểu rõ tấm lòng của viên quản ngục. Lúc chưa biết tấm lòng của quản ngục thì ông xem y là kẻ tiểu nhân và sau khi biết tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của quản ngục mới nhận lời cho chữ. Ông chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và yêu quý cái đẹp.
  • Câu nói “Thiếu chút nữa… trong thiên hạ” thể hiện sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao và nhân cách tốt đẹp. Qua đó, có thể thấy Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa với lương tri trong sáng.

4/ Cảnh cho chữ thể hiện sự thống nhất sự tài hoa, khí phách, thiên lương

  • Sự tài hoa, khí phách và Thiên lương của Huấn Cao được khắc họa rõ nét thông qua cảnh cho chữ khi ông “dậm tô nét chữ” trên “tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ” trong hoàn cảnh “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” ở nơi ngục gian tăm tối. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì người tài hoa vẫn luôn tỏa sáng như những viên ngọc quý.
  • Cảnh Huấn Cao cho chữ trong khung cảnh ngục tù bẩn thỉu nhưng chinh phục được viên cai ngục trở thành biểu tượng cho sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, cái đẹp với cái phàm tục và cái thiện với cái ác. Ông là hình mẫu lý tưởng để những người trẻ noi theo, giữ vững thiên lương trong sáng của mình.

5/ Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù

  • Tác giả đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo: Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao, quản ngục và thơ lại là ở ngục giam. Những con người hoàn toàn khác biệt về giai cấp, hoàn cảnh lại có một cuộc gặp gỡ như định mệnh sắp đặt, để họ tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ.
  • Nghệ thuật tương phản và đối lập: Tác giả khắc họa sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái đẹp, cái cao cả và phàm tục, dơ bẩn. Nổi bật nhất là ở ở cảnh Huấn Cao cho chữ.
  • Ngôn ngữ miêu tả nhân vật giàu chất tạo hình: Nguyễn Tuân sử dụng nhiều từ Hán – Việt, lời ăn tiếng nói mang khẩu khí của người xưa làm rõ hơn bầu không khí, vẻ đẹp của một thời vang bóng đã qua.

Kết bài

  • Khái quát về hình tượng nhân vật Huấn Cao vừa tài hoa, vừa khí phách, lại có lương tri trong sáng.
  • Cảm nhận bản thân về giá trị và thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua hình tượng nhân vật.
phân tích nhân vật huấn cao trong tác phẩm chữ người tử tù
Dàn ý phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm chữ người tử tù mang đến một cái nhìn sâu sắc về hình ảnh vị nho sĩ tài hoa, khí phách. Bạn có thể tham khảo những bài mẫu được The POET tổng hợp để cảm nhận rõ nét những quan điểm và giá trị mà tác giả muốn truyền tải qua nhân vật.

Mẫu 1 phân tích Huấn Cao Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân là bậc thầy ngôn ngữ và là một cây bút tài hoa của văn học Lãng mạn những năm 1930-1945. Ông nổi tiếng với kiến thức uyên bác, tài hoa và giàu cá tính và điều này được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm nổi tiếng của ông như “Chữ người tử tù”. Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong câu chuyện đã khắc hoạ một trong những vẻ đẹp con người mà ông luôn theo đuổi.

Huấn Cao xuất hiện cũng giống như một số nhân vật nho sĩ trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân. Tuy nhiên, điểm đặc biệt làm nên sức hút cho ông Huấn chính là khí phách hiên ngang, không bao giờ khuất phục trước quyền thế hay vàng bạc. Ông được nhắc đến như “Con người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng còn biết có ai nữa…”. Một con người khẳng khái, không sợ hãi cũng chẳng tham lam bất cứ điều gì. Đối với ông, tiền tài hay địa vị cũng không thể đổi được những giá trị chân chính trong nhân cách con người. Chỉ những người có thể cảm thông với những khó khăn của dân nghèo mới thật sự đáng ngưỡng mộ.

Bởi là một người chọc trời quấy nước nên khi nhận thấy triều đình dần suy thoái, mục nát, Huấn Cao đã đứng lên, chỉ huy những người có cùng chí hướng chống lại giai cấp cầm quyền. Dẫu bị gọi là giặc ông vẫn không lùi bước, quyết theo đuổi lý tưởng lớn của riêng mình. Huấn cao vẫn hiên ngang, bất khuất khi bị bắt giam và rất lên đoạn đầu đài “đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là…”. Ông vẫn luôn giữ phong thái ung dung, tự do, tự tại suốt những ngày ở nhà giam tỉnh Sơn mà không quan tâm đến bất kỳ ẩn ý nào ở cách cư xử đặc biệt của quản ngục. Vị nho sĩ tài hoa thản nhiên nhận rượu thịt của quản ngục và coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm.

Đối với Huấn Cao, bọn cầm quyền chỉ là một lũ tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng. Ông không thèm chấp lời dọa dẫm của tên lính áp giải khi cùng các bạn tù thực hiện động tác “dỗ gông” trước cửa nhà lao. Khi viên quản ngục đến tận phòng giam, khép nép hỏi ông có cần gì nữa không, ông trả lời như hắt nước vào mặt quản ngục: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Thản nhiên nhận biệt đãi mà vẫn tỏ ra khinh bạc với quản ngục. Đó chính là khí phách của một trang anh hùng đầy dũng khí, vẫn bình tĩnh sống những ngày cuối đời một cách oanh liệt, không nhún nhường bất kỳ ai.

Huấn Cao chọc trời quấy nước, hiên ngang bất khuất, không sợ bạo lực, cường quyền là thế nhưng lại xem trọng bản chất tốt đẹp của con người. Việc cho chữ và vài lời khuyên bảo thể hiện cái tâm của vị nho sĩ đối với người biết yêu cái đẹp. Ông tâm huyết trong từng lời nói: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Huấn Cao hiểu được tấm lòng và bản chất thiên lương của viên quản ngục nên sẵn sàng cho chữ.

Tài hoa của vị nho sĩ Huấn Cao thể hiện qua khả năng viết chữ đẹp nổi tiếng cả một vùng khiến người người đều cảm thán “chữ ông đẹp lắm, vuông lắm”. Ông biết rõ cái tài của mình và chỉ dành riêng cho những người tri kỷ “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Lần cho chữ cuối cùng cũng không phải là một ngoại lệ bởi ông đã cảm được tấm lòng của viên quản ngục và coi quản ngục như một tri âm tri kỷ của mình.

Cảnh cho chữ ở cuối truyện là một những cảnh tượng xưa nay chưa từng có thể hiện sự tài hoa vượt bậc của cả nhân vật và tác giả. Huấn Cao cho chữ trong hoàn cảnh bị giam nơi ngục tù tâm tối làm nổi bật sự tương phản giữa cái cao đẹp với cái dơ bẩn. Viết chữ đẹp là một nghệ thuật sáng tạo nhưng nó phải được diễn ra tại nơi có không gian sạch sẽ, sáng sủa như thư phòng nhưng ở đây lại là nơi phòng giam bẩn thỉu, hôi hám. Thế nhưng, bất chấp những ẩm ướt, bẩn thỉu, ánh sáng của đuốc, mùi thơm của mực, màu trắng của lụa vẫn tỏa sáng lung linh và dường như chẳng hề bị ảnh hưởng gì bởi không gian xung quanh. Tất cả phải hợp lại với nhau thể hiện một ý nghĩa sâu sắc về việc cái đẹp có thể sản sinh ở nơi cái ác ngự trị, giữa mảnh đất chết bởi một người cũng sắp chết (một tử tù). Lời khuyên của Huấn Cao với viên quản ngục cho thấy rằng cái đẹp không thể cùng tồn tại với cái xấu, cái ác. Ở cảnh này, vẻ đẹp của Huấn Cao được thể hiện tập trung, rõ nét nhất, thể hiện tài năng của Nguyễn Tuân trong việc miêu tả, dựng cảnh và xây dựng hình tượng nhân vật.

Nhân vật Huấn Cao nói riêng và phần lớn các nhân vật chính diện khác trong “Vang bóng một thời” đều là những con người tài hoa. Bên cạnh tài hoa, Huấn Cao còn thể hiện sự khí phách của một người có trách nhiệm đối với thời cuộc. Đó là nét độc của ông so với nhân vật khác trong “Vang bóng một thời”.

Với ngôn ngữ văn xuôi điêu luyện, nghệ thuật miêu tả khéo léo, Nguyễn Tuân đã làm vẽ nên bức tranh về một thời đã qua và xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao đầy khí phách, vừa tài hoa, vừa trách nhiệm đốì với đất nước. Đây cũng là sự giãi bày nỗi khát khao theo đuổi một lý tưởng cao cả của người thanh niên Nguyễn Tuân khi bước chân vào đời. (Trương Chính)

Mẫu 2 phân tích phẩm chất của Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng là một trong những cây bút tài hoa của làng văn học Việt Nam. Các sáng tác của ông luôn đề cao lý tưởng về tài năng xuất chúng và cái đẹp tinh thần mà mỗi con người đều nên có. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua hình ảnh nhân vật Huấn Cao với những phẩm chất tốt đẹp trong Chữ người tử tù.

Nhân vật Huấn Cao được lấy nguyên mẫu từ hình tượng Cao Bá Quát – một lãnh tụ nông dân chống triều Nguyễn năm 1854. Tài năng và nhân cách sáng ngời của ông cũng được khắc họa khéo léo qua bút pháp lãng mạn của Nguyễn Tuân.

Huấn Cao đại diện cho con người vẹn toàn khi từ cái tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu và cả tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp đều tập trung ở ông. Trước hết, Huấn Cao là một người có tài viết thư pháp. Ông bà ta thường nói: “Nét chữ nết người”, chữ viết không đơn giản chỉ là một ký hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện được tính cách con người. Một người viết ra những chữ “đẹp lắm, vuông lắm” hiển nhiên cũng sở hữu tài hoa vượt trội, khí phách hiên ngang.

Chữ Huấn Cao đẹp và quý đến nỗi viên quản ngục ao ước có được đến “mất ăn mất ngủ”, trở thành giấc mộng suốt đời của hắn, được xem như “một vật báu ở trên đời”. Chữ của Huấn Cao đẹp đến như vậy thì nhân cách của ông chắc hẳn chẳng kém gì. Ông là con người vừa có tài vừa có tâm đối với tất cả mọi việc. Huấn Cao sở hữu cốt cách ngạo nghễ, phi thường của một bậc trượng phu mà ít nhà nho đương thời nào có được. Dẫu theo học đạo nho nhưng ông không thể hiện lòng trung thành một cách mù quáng mà luôn có cái nhìn đúng đắn về thiện và ác. Ông sẵn sàng đứng lên chống lại triều đình vì những tội ác và sự thối nát của giai cấp cầm quyền để bảo vệ người dân nghèo “thấp cổ bé họng”. Điều này đã khiến ông bị khép khép vào tội “đại nghịch” và phải chịu án tử hình. Tiếng đồn Huấn Cao rất giỏi võ đã được đôn đi từ trước khi ông bị bắt vào ngục, viên quản ngục đã có lưu ý về tài “bẻ khóa, vượt ngục” của ông chứng tỏ Huấn Cao là một người văn võ song toàn, là một con người hiếm có trên đời.

Trong những ngày chờ thi hành án, người anh hùng “sa cơ lỡ vận” Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Dù bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai” nên dù chịu sự giam giữ của bọn chúng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”. Ông vẫn mang hình dáng của vị chủ soái, một vị lãnh đạo tài hoa, không hề sợ hãi, lo lắng trước cái chết đang gần kề.

Huấn Cao được viên quản ngục đối xử đặc biệt nên có thể thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh”. Đời sống nơi ngục tù cũng không thể nào khiến ông trở nên ủ rũ. Thể xác bị giam cầm nhưng ông hoàn toàn tự do về tinh thần và vẫn luôn làm những điều đúng với lương tâm. Dù nhận đặc quyền từ viên quản ngục nhưng khi hắn hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời: “Ngươi hỏi ta cần gì à? Ta chỉ muốn một điều là ngươi đừng bước chân vào đây “. Câu trả lời ngang tàng, ngạo mạn và Trịnh thượng như vậy bởi huấn cao vốn hiên ngang, kiên cường, “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ”. Huấn Cao ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội.

Huấn Cao có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp nên luôn coi trọng bản chất tốt đẹp của con người mới. Khi biết được nỗi lòng của viên cai ngục, ông không những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt lên rằng: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý đến như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao cho chữ là một việc rất hiếm bởi vì “tính ông vốn khoảnh. Ta không vì vàng bạc hay uy quyền mà ép cho chữ bao giờ”. Ông chỉ cho chữ những người mình xem là tri kỷ.

Hành động cho chữ viên quản ngục chứng tỏ Huấn Cao là một con người biết quý trọng cái tài, cái đẹp và biết nâng niu những kẻ tầm thường lên ngang hàng với mình. Cảnh “cho chữ” diễn ra thật lạ, là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang “đậm tô từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh” trong tư thế ung dung tự tại, Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là những nét chữ cuối cùng mà con người tài hoa ấy để lại cho đời. Mỗi nét chữ đều thể hiện tấm lòng của Huấn Cao dành cho tri kỷ nhưng lại đầy nuối tiếc đối với người được nhận. Con người tài hoa vô tội kia chỉ mới cho chữ ba lần trong đời đã vội vã ra đi, để lại biết bao tiếc nuối cho người đời.

Qua chi tiết cho chữ, Nguyễn Tuân gián tiếp lên án xã hội đương thời đã vùi dập tài hoa con người. Tình huống trớ trêu khi người tù kia cũng bỗng trở nên có quyền uy trước những người đang chịu trách nhiệm giam giữ mình. Ông Huấn đã khuyên viên quản ngục như một người cha khuyên bảo con: “Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Đối với Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ hiểu được cái đẹp khi có bản chất trong sáng và nhân cách cao thượng. Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải, mong muốn xóa tan bóng tối của cuộc đời. Điều này giúp hình tượng của ông trở nên bất tử trong lòng người đọc.

Ở Huấn Cao không chỉ có cái “tài” của một vị nho sĩ mà còn có cái “tâm” của một người biết quý trọng những giá trị cao đẹp. Nhân cách cao thượng sáng ngời nơi ông cho thấy cái đẹp là sự kết hợp giữa “tâm” và “tài”. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng chân dung nghệ thuật điển hình cho lý tưởng văn học thẩm mỹ. Huấn Cao với những phẩm chất tốt đẹp, tài năng vượt trội sẽ còn mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm nay và mai sau.

phân tích hình tượng nhân vật huấn cao trong tác phẩm chữ người tử tù
Huấn Cao là chân dung nghệ thuật điển hình cho lý tưởng văn học thẩm mỹ

Mẫu 3 nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với phong cách lãng mạn của mình. Các tác phẩm của ông đều xây dựng hình ảnh những con người tài hoa và thể hiện các giá trị có chiều sâu về sự việc trong cuộc sống. Nổi bật nhất trong đó là hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù”.

Huấn Cao hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân là một con người tài hoa, nghệ sĩ. Ông có tài viết chữ Nho nhanh và đẹp bằng bút lông, mực tàu. Tài năng  này được nâng lên thành thi pháp và người sở hữu trở thành nghệ sĩ, sáng tạo nên những cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật.

Không chỉ là người nghệ sĩ, Huấn Cao còn là một bậc anh hùng khi ông đứng đầu đội quân chống lại triều đình phong kiến đổ nát. Khi bị giam vào ngục, Huấn Cao không hề e sợ trước lời nói và hành động hù dọa của lính áp giải mà lạnh lùng “dỗ gông”, thái độ khinh bạc chứng tỏ tinh thần khẳng khái của một bậc trượng phu không chấp những kẻ tiểu nhân. Suốt thời gian ở trong ngục, ông luôn giữ vững thái độ ung dung, thản nhiên và tự tại. Khi viên quản ngục diện kiến, tỏ ý muốn giúp đỡ thì ông vẫn giữ nguyên thái độ, không kiêng dè mà đáp: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Câu trả lời ngang tàng và ngạo mạn chứng tỏ khí phách hiên ngang của một bậc anh hùng. Ngày nhận hung tin đưa ra quan trường, trong khi thầy thơ lại và quản ngục lo lắng, bồn chồn “tái nhợt người, “hớt hải và ngập ngừng” thì Huấn Cao lại chẳng có một chút lo lắng. Ông chỉ lặng nghĩ rồi mỉm cười vô cùng thản nhiên, điềm tĩnh và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã khắc hoạ sinh động hình tượng Huấn Cao vừa hiên ngang, vừa khí phách, khiến người khác phải ngưỡng mộ.

Không dừng lại ở tài hoa, khí phách, ông còn sở hữu thiên lương trong sáng. Khi nghe thầy thơ lại thuật rõ ý nguyện của quản ngục, Huấn Cao khẳng định rằng “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc, quyền thế viết câu đối”. Ông chỉ viết ra con chữ quý giá cho những người tri âm, tri kỷ và “mới chỉ viết cho ba người bạn thân”. Khi biết được tấm lòng biệt nhỡn liên tài, cũng biết trân trọng cái đẹp của viên quản ngục, Huấn Cao xúc động nên quyết định cho chữ. Thế là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” đã diễn ra ngay tại buồng giam Huấn Cao. Nơi ngục giam tù túng, dưới ánh sáng leo lét của nến nhưng bừng lên ánh sáng của nghệ thuật, hình ảnh ung dung cho chữ của người tử tù không chỉ khiến những người chứng kiến mà cả người đọc cũng phải xuýt xoa cảm thán. Một người tù “cổ mang gông, chân vướng xiềng” đang tô dậm những nét chữ bay bổng “cuối cùng”. Cạnh bên ngược lại là hình ảnh viên quản ngục đang khúm núm, sợ sệt thể hiện sự tương phản rõ rệt. Vị thế giữa hai con người lại không giống với cách thể hiện của họ trong cùng một tình huống làm nổi bật lên nét tính cách riêng của nhân vật. Huấn Cao nói những lời cuối với viên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đà, thầy hãy thoát khỏi cái ghế này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Lời khuyên của Huấn Cao thể hiện quan điểm trắng đen rõ ràng bởi ông không chấp nhận việc cái đẹp lẫn lộn cùng cái ác, con người muốn thưởng thức cái đẹp phải chăm lo, giữ gìn cái thiên lương. Viên quản ngục lắng nghe lời khuyên, cảm động mà đáp lời thể hiện sự cảm hóa của cái thiện đối với cái ác.

Hình tượng nhân vật Huấn Cao tài hoa và khí phách được Nguyễn Tuân khắc họa khéo léo qua bút pháp lãng mạn. Ông sử dụng những từ ngữ đắt giá để làm nổi bật lên nhân cách sáng ngời của người tử tù. Nghệ thuật miêu tả đối lập, tương phản có tác dụng tương hỗ đặc biệt làm tăng chiều sâu câu từ. Qua đó, tác giả thể hiện mối liên hệ giữa các nhân vật và đối sánh về thân phận, nhân cách của từng nhân vật.

Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao với một vẻ đẹp “toàn bích”, vừa tài hoa, vừa khí phách lại có lương tri trong sáng. Qua đó, tác giả thể hiện quan niệm về cái đẹp cũng như tấm lòng yêu nước của mình một cách khéo léo, tinh tế.

Mẫu 4 phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp để viết nên những tác phẩm dào dạt mỹ cảm. Ông viết rất hay về thú chơi đẹp, uống đẹp và cũng không quên vẻ đẹp sáng ngời như ngọc của nhân cách con người. Trong đó, “Vang bóng một thời” với “Chữ người tử tù” là tác phẩm làm nên thành công cho tên tuổi của ông. Nhân vật Huấn Cao có nhân cách sống cao đẹp, tài hoa đã được Nguyễn Tuân gửi gắm nhân sinh quan sâu sắc.

Huấn Cao sở hữu tài năng viết chữ vượt trội, nổi danh khắp vùng, tài võ cũng rất giỏi. Hình ảnh vị nho sĩ tài hoa được khắc họa vô cùng tinh tế qua đoạn hội thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Dẫu đang đứng trên hai đầu chiến tuyến nhưng những kẻ đối nghịch vẫn không thể phủ nhận ông, khẳng định tài năng vượt trội hơn người. Huấn Cao bước vào trang văn của Nguyễn Tuân với một hình tượng tuyệt mỹ, toàn diện về mọi mặt.

Ồng Huấn có tài viết thư pháp, “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, nổi danh trên khắp một vùng tỉnh Sơn. Tên tuổi của ông đến tai cả những người như quản ngục và thơ lại, khiến họ cũng phải trầm trồ và dè dặt. Tài viết chữ của Huấn Cao vốn đã thành danh bất hư truyền. Những con chữ tượng hình nói lên nhân cách, phẩm giá và chí khí của một con người. Người viết ra được chữ đẹp chắc chắn cũng sở hữu khí phách khác biệt:

Chính viên quản ngục cũng phải cảm khái: “Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông treo trong nhà là một vật báu ở đời.” Trong tình hình xã hội loạn lạc lúc bấy giờ, bát nháo, khi cái cũ thì chưa suy hẳn mà cái mới thì chưa kịp thay thế hết, Nguyễn Tuân mang theo tâm thế bất hòa, bất mãn, bất lực với thực tại mà xây dựng nên nhân vật với một tài năng siêu việt về thú chơi cổ truyền. Có thể nói, đây là cách nhà văn bày tỏ những tiếc nuối về một quá khứ vàng son đã qua nay chỉ còn vang bóng.

Huấn Cao diện kiến người đọc chỉ từ những câu nói của các nhân vật khác nhưng vẫn vật hiên ngang, khí phách. Không dừng lại ở tà viết chữ, ông còn được biết đến với khả năng “bẻ khóa và vượt ngục” khiến những người trong ngục tù cũng phải dè chừng. Huấn Cao bị giam vào ngục vì dẫn đầu đội quân phản nghịch chống lại triều đình, bảo vệ người dân nghèo. Hình ảnh của ông được miêu tả cao đẹp như một vị anh hùng cái thế.

Giữa chốn lao tù, Huấn Cao nổi bật lên với những vẻ đẹp khí phách hiên ngang lẫm liệt. Bước chân không hề e sợ, hành động “dỗ gông”, không mảy may đếm xỉa đến vương quyền trên đầu: “Huấn Cao khom mình, chúc mũi gông nặng, thúc mạnh vào đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Đó là hình ảnh của một bậc trượng phu ngang tàng, một nam tử Hán đầu đội trời chân đạp đất không bao giờ khuất phục trước cái ác.

Những ngày bị giam, Huấn Cao không một chút khiếp sợ hay lo lắng. Ông thản nhiên nhận rượu thịt như việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Câu nói của Huấn Cao với viên quản ngục cũng thể hiện khí phách ngang tàng trước cường quyền bạo lực: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây.”

Lời tuyên bố dõng dạc thể hiện Huấn Cao không hề sợ hãi và lo âu cũng như chẳng để tâm người mình đang đối đầu là kẻ đang nắm quyền, đang nắm giữ sự sống. Kẻ tử tù ấy đã bỏ ngoài hết thảy những ràng ép, bạo lực chực chờ không thể đánh gục. Giờ đây, dù có đưa ông ra pháp trường để đón nhận cái chết thì khí chất người anh hùng vẫn thế, luôn vững vàng không đổi.

Một điểm sáng không thể bỏ qua ở nhân cách người tử tù là thiên lương trong sáng, có sức mạnh cứu rỗi những tâm hồn đang dần bị tha hóa. Đó là nhân cách của bậc đại trí, đại dũng, không bao giờ bị lung chuyển trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục: “Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ”. Huấn Cao luôn ý thức sâu sắc được thiên chức và phẩm giá của nghệ thuật. Ông chỉ cho chữ những người có khả năng cảm nhận ý nghĩa cũng như vẻ đẹp của từng con chữ để không làm mất đi giá trị của chúng,

Điều đáng quý hơn trong nhân cách người tử tù chính là việc xem trọng thiên lương của người khác. Huấn Cao đã có cách ứng xử chân tình dành cho viên quản ngục. Khi chưa hiểu được tấm lòng quản ngục, ông khinh bỉ, coi thường y như coi thường một kẻ cầm tay đao suốt đời chỉ sống trong nhơ bẩn, sống một cách vô nghĩa. Còn lúc hiểu ra “sở nguyện cao đẹp” của y, ông hết sức cảm mến và trân trọng: “Nào ta có biết, người như thầy quản đây lại có sở nguyện cao đẹp như thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ.” Sự thấu hiểu đã trở thành sợi dây gắn kết đưa hai con người từ đối đầu thành tri âm, tri kỉ.

Cảnh cho chữ thể hiện rõ nét, tập trung và hài hòa tài năng khí phách và nhân cách cao đẹp của ông Huấn. Nguyễn Tuân gọi đây là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” khi người tử tù chỉ còn một đêm trước lúc ra pháp trường nhưng vẫn trút hết tài năng viết ra những con chữ tươi tắn toát lên “chí khí tung hoành của đời một con người”. Không gian chật hẹp của phòng giam, mặt đất ẩm ướt đầy nhưng màng nhện, tổ rệp, phân gián, phân chuột hoàn toàn tương phản với dáng vẻ ung dung của ông Huấn. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, mùi mực thơm và màu trắng của tấm lựa càng làm cho hình ảnh người tử tù thêm ngạo nghễ, uy nghi. Dù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, cái chết kề bên nhưng ông Huấn vẫn “dậm tô nét chữ” trong tư thế của người nghệ sĩ chân chính đang làm chủ lao tù. Sự thăng hoa tài năng và bản lĩnh phi thường của ý chí bừng sáng lên trong cảnh cho chữ ấy.

Huấn Cao còn hiện lên thật đẹp ở khoảnh khắc ấy khi giữ vai trò người hướng thiện, hướng đạo cho kẻ mê muội. Ông đưa ra lời khuyên chân thành dành cho viên quản ngục đang lạc lối: “Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Lời khuyên của Huấn Cao khẳng định quan điểm về cái thiện và cái ác. Ông cho rằng cái đẹp, cái thiện lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung sống với cái xấu, cái ác: “Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”. Lời khuyên đầy thiện tâm, thiện ý của ông đã làm cho viên quản ngục cảm động: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: – Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái đẹp của nghệ thuật đã xóa nhòa mọi khoảng cách và ranh giới để đưa con người đến với nhau trong vẻ đẹp của Chân – Thiện – Mỹ.

Nguyễn Tuân vẫn mang theo cái chất riêng, uyên bác và tài hoa trong cả tư tưởng và cách biểu hiện. Nhà văn đã thành công xây dựng được một tình huống truyện độc đáo thông qua hình ảnh hai kẻ lúc đầu là đối lập nhưng sau lại thống nhất hài hòa, cùng tỏa sáng. Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt các từ Hán Việt rất đắt như pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường,… để tạo nên màu sắc lịch sử, bi tráng và có phần cổ kính cho câu văn. Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, có thể thấy Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội. Đúng như lời Vũ Ngọc Phan đã nói: “… văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”.

Xem thêm:

Kết luận

Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù giúp bạn hiểu rõ những nét tính cách cao đẹp của vị nho sĩ tài hoa. Nguyễn Tuân đã tạo ra một nhân vật “toàn bích” góp phần thể hiện góc nhìn có chiều sâu của mình đối với vẻ đẹp của con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hi88 8xbet