Phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương – Bà chúa Thơ Nôm
Phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương không trùng lặp với bất cứ thi sĩ nào thời bấy giờ. Một phần vì tính cách ẩn sâu trong con người bà, một phần vì những áp đặt phong kiến với phụ nữ lúc ấy.
Phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương
Thơ Hồ Xuân Hương trình bày theo hình thức thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, bà thường dùng hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ để trào phúng cuộc đời, xã hội. Ẩn sau trong đó là nỗi bi thương, khát khao đồng cảm nhưng vướng phải rào cản định kiến của phụ nữ đương thời.
Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương chỉ dành ngôn từ độc đáo và sự sáng tạo của mình cho phụ nữ. Bà có thể vịnh vật, vịnh cảnh nhưng luôn có cả những câu vịnh người trong đó, hướng độc giả đến hình ảnh của phái yếu trong thời đại phong kiến.
Mỗi vần thơ đều là tiếng lòng thương cảm, sự tranh đấu nội tâm mãnh liệt ở thời đại trọng nam khinh nữ. Chính bà là một minh chứng điển hình cho hoàn cảnh éo le, có tài nhưng không có điều kiện thể hiện.
Thêm vào đó, nhiều bài thơ còn lưu truyền đến thời nay của bà có thể khiến người đọc đỏ mặt. Với tính cách mạnh mẽ và khoáng đạt, bà chưa bao giờ e ngại thể hiện góc nhìn của mình với tâm hồn và thân thể của người phụ nữ.
Bạn có thể đọc thấy cả những câu mô tả về tình dục nhưng không hề trần trụi. Sáng tác của Hồ Xuân Hương không phải chỉ đọc mà phải cảm, ngẫm rồi mới thấy bà mang tới vần thơ khêu gợi nhưng vẫn đúng thuần phong mỹ tục.
Chẳng hạn, trích đoạn trong bài thơ “Đánh cờ” của bà:
“Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết chí một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp sợ bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,”
Tại sao Hồ Xuân Hương hình thành phong cách sáng tác hiện thời?
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sáng tác dựa trên chính trải nghiệm của bản thân cũng như quan sát về thế giới xung quanh. Cuộc đời của bà cũng giống như bao cô gái khác trong thời đại phong kiến đầy gông cùm xiềng xích.
Hoàn cảnh khó khăn, tình duyên lại lận đận, thậm chí phải lấy chồng hai lần nhưng đều làm lẽ. Cảm giác cô đơn luôn bao trùm lấy từng ngày, từng giờ và ăn mòn đi nhu cầu riêng của mỗi người.
Đến cuối cùng, bà trở về với cõi vĩnh hằng trong nỗi cô độc, không chồng không người thân.
Nhưng điểm đặc biệt của bà là không giam cầm mình trong những rào cản vô hình đó. Tính cách mạnh mẽ và sắc sảo không cho phép bà ngồi yên và chết dần chết mòn trong thời đại lạc hậu.
Bà vẫn tìm cho mình được niềm vui thú từ việc sáng tác, vẫn giao thiệp với nhiều người. Bà thậm chí còn từng gặp Nguyễn Du và giữ mối quan hệ quen biết.
Tất cả tạo nên phong cách thơ Hồ Xuân Hương như những gì ta có thể cảm nhận. Tính nhân văn luôn được thể hiện dù là thẳng thắn hay ẩn giấu, là tiếng gào từ tận đáy lòng của một con người tài hoa.
Những tác phẩm đại diện cho phong cách thơ của Hồ Xuân Hương
Nữ thi sĩ mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc đời người phụ nữ và châm biếm xã hội cũ. Đôi khi, bà cũng rất bình dị và phàm tục với những áng thơ tự nhiên, đơn giản.
- Tự tình I và Tự tình II (Thất ngôn bát cú): Lột tả trần trụi sự buồn tủi, tuyệt vọng của cảnh đời làm lẽ hèn mọn, cô độc và dùng ngôn từ làm phương tiện an ủi. Mang tiếng là vợ nhưng lại không nhận được sự đối xử đáng ra nên có từ người chồng.
- Bánh trôi nước (Thất ngôn tứ tuyệt): Nói về vẻ ngoài xinh đẹp cũng như cách sống đáng tôn trọng của người phụ nữ. Chỉ với một hình ảnh hoán dụ nhẹ nhàng cũng đủ chạm đến trái tim của người đọc.
- Dỗ người đàn bà khóc chồng (Thất ngôn tứ tuyệt): Hình ảnh người nghèo với sự mong cầu trần trụi về phú quý.
- Thiếu nữ ngủ ngày (Thất ngôn bát cú): Cô gái trẻ trung còn rất vô tư khi chưa trải nghiệm cái éo le của hoàn cảnh, tự nhiên thể hiện vẻ đẹp thân thể.
- Không chồng mà chửa (Thất ngôn bát cú): Châm biếm hình ảnh cô gái không chồng mà có con, vừa trào phúng vừa đau xót.
Xem thêm những thông tin về bà:
- Tóm tắt tiểu sử Hồ Xuân Hương – Quê quán, sống vào thời đại nào?
- Hồ Xuân Hương được mệnh danh là gì?
- Tổng hợp các bài thơ của Hồ Xuân Hương – tác phẩm tiêu biểu
Kết luận
Phong cách sáng tác của Hồ Xuân Hương đơn giản chỉ là đọc và biết mà còn là cả câu chuyện phải nghiền ngẫm phía sau. Chính triều đại phong kiến thời ấy đã tạo nên một vị nữ sĩ đáng kính nể với nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi lưu truyền về sau.