Soạn văn Bài học đường đời đầu tiên (Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức)
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên giúp học sinh nắm được nội dung văn bản trước buổi học. Các câu hỏi để soạn văn 6 Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo đều được gợi ý đáp án chi tiết đến bạn.
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên Kết nối tri thức
Tìm hiểu, trả lời các câu hỏi trước khi đọc và trong khi đọc ngữ văn lớp 6 Bài học đường đời đầu tiên.
Có thể em đã từng đọc một truyện kể hay xem một bộ phim nói về niềm vui hay nỗi buồn mà nhân vật đã trải qua. Khi đọc (xem), em đã có suy nghĩ gì?
Em đã từng đọc truyện “Món quà sinh nhât” trong cuốn Mẹ không phải là người giúp việc. Truyện có cả niềm vui và nỗi buồn.
Không giống những món quà sinh nhật bình thường, mà là một món quà tinh thần đong đầy tình yêu thương. Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương của một người mẹ nghèo dành cho cậu con trai vốn luôn phải nằm trên giường bệnh tên là Poirot. Gần đến ngày sinh nhật con trai, bà gửi một bức thư đến một chương trình Poirot yêu thích trên đài phát thanh, nhờ họ gửi lời động viên và lời chúc mừng sinh nhật tới Poirot. Nhưng, thật không may mắn, chương trình đó đã từ chối và gửi lại phản hồi cho bà. Lá thư phản hồi được bưu tá mang đến đúng lúc bà vắng nhà, và chính Poirot nhận được lá thu đó, tò mò nên cậu bé đã mở ra đọc. Hiểu được tình yêu mẹ dành cho mình nên Poirot đã giấu lá thư phản hồi đó đi. Đến ngày sinh nhât, cậu bé đã nói dối người mẹ là mình đã nhận được lời chúc đầy ý nghĩa từ trên đài phát thanh và sà vào lòng nói lời cảm ơn mẹ. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh vô cùng xúc động khi có cả nụ cười và nước mắt hạnh phúc của hai mẹ con Poirot! Điều đó khiến người đọc cảm nhận được cả tình mẫu tử lớn lao, vĩ đại ủa người mẹ nghèo và tấm lòng hiếu thảo của Poirot. Đọc xong câu chuyện, em đã thầm hứa với bản thân và cũng mong muốn nhắn nhủ với các bạn rằng:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”
Tình cha nghĩa mẹ như mạch nước nguồn trong trẻo và không bao giờ vơi cạn, vì thế, chúng ta hãy luôn quan tâm, yêu thương cha mẹ thật chân thành!
Chia sẻ với các bạn vài điều em thấy hài lòng hoặc chưa hài lòng khi nghĩ về bản thân.
Chia sẻ một vài điều về bản thân:
- Điều em thấy hài lòng: luôn biết yêu thương người thân và đồng loại; cố gắng chăm ngoan học giỏi, nghe lời thầy cô; biết giúp đỡ ông bà, bố mẹ những công việc vừa sức; đoàn kết với bạn bè.
- Điều em thấy chưa hài lòng: đôi lúc còn chưa làm cha mẹ, thầy cô vui lòng; chưa biết tự chăm lo tốt cho bản thân…
Chú ý các chi tiết miêu tả hình dáng, cử chỉ, hành động của nhân vật Dế Mèn:
- Chi tiết miêu tả ngoại hình của Dế Mèn trong Bài học đường đời đầu tiên: đôi càng mẫm bóng, càng vuốt nhọn hoắt, cái đầu nổi từng tảng rất bướng, hai cái răng đen nhánh nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy, sợi râu dài và uốn cong.
- Cử chỉ, hành động: co cẳng lên,đạp phanh phách vào các ngọn cỏ; lúc đi bách bộ thì người rung rinh một màu nâu bóng mỡ; hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp, chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu, đi đứng oai vệ, làm điệu dún dẩy, cà khịa với mọi người, quát các chị cào cào, ghẹo mấy anh gọng vó.
Soạn bài bài học đường đời đầu tiên – Em dự đoán thế nào về sự việc sắp được kể?
Em dự đoán về sự việc sắp được kể: Dế Mèn có tính hung hăng, hống hách, kiêu căng, tự phụ, luôn nghĩ mình “là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ” và coi thường những kẻ yếu hơn mình nên sẽ bắt nạt và trêu chọc mọi người; vì thế các sự việc sắp được kể sẽ liên quan đến sự hống hách, kiêu ngạo của Dế Mèn và sẽ để lại cho cậu một bài học nhớ đời.
Chú ý những lời đối thoại giữ Dế Mèn và Dế Choắt
Dế Mèn: Xưng hô với Dế Choắt là “chú mày” và “tao” mặc dù cả hai cùng bằng tuổi, đó là thái độ kẻ bề trên. Trong con mắt của Dế Mèn, chân dung của Dế Choắt cũng được miêu tả một cách thê thảm, xấu xí: gầy gò, dài lêu khêu, như gã nghiện thuốc phiện… Đó là cái nhìn thể hiện sự cao ngạo của Dế Mèn đối với bạn mình.
Ích kỉ và khinh thường Dế Choắt: Sang chơi nhà Dế Choắt thì hết sức chê bai nhà Dế Choắt: luộm thuộm, bề bộn, tuềnh toàng,… Dế Choắt xin đào giúp một ngách sang nhà Dế Mèn thì Dế Mèn khinh khỉnh, ích kỉ không cho và nói những lời phỉ báng.
Dế Choắt: gọi Dế Mèn là “anh” xưng “em”. Lời nói, cử chỉ dè dặt. Thể hiện mình là người hiền lành, nhút nhát, yếu đuối.
Chuẩn bị: Soạn văn 6 Nếu cậu muốn có một người bạn | Bài học nằm trong chương trình Kết nối tri thức. Bạn có thể tham khảo để trả lời các câu hỏi sách giáo khoa yêu cầu.
Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc. Dế Mèn có nghĩ đến hậu quả không?
Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc, Dế Mèn đã không nghĩ đến hậu quả sự việc. Dế Mèn chỉ nghĩ rằng với sức mạnh của mình, sẽ làm chị Cốc tức giận và mình sẽ hả hê. Dế Mèn không biết chính sự trêu chọc một cách ngu xuẩn của mình đã khiến cho Dế Choắt – một người bạn xấu số mất mạng dưới tay chị Cốc.
Điều gì đã xảy ra với Dế Choắt? Dế Mèn đã làm gì khi chứng kiến điều đó?
Dế Mèn không biết chính sự trêu chọc một cách ngu xuẩn của mình đã khiến cho Dế Choắt – một người bạn xấu số mất mạng dưới tay của chị Cốc.
Dế Mèn đã vô cùng khiếp sợ khi chứng kiến điều dó. Hốt hoảng khi tiếp cận Dế Choắt, thương cảm vô cùng và ăn năn về lỗi lầm của bản thân.
Sự hi sinh của Dế Choắt đã khiến cho Dế Mèn rất buồn và vô cùng thất vọng về bản thân. Từ đó, Dế Mèn đã rút ra một bài học rằng mình phải sống tốt hơn và từ bỏ những thói quen xấu của mình.
Tham khảo: Phân tích nhân vật Dế Mèn trong bài học đường đời đầu tiên | Phần thông tin trên là chi tiết đắt giá thường được đưa vào trong các bài phân tích và cảm nhận nhân vật, bạn có thể xem để học cách triển khai.
Chú ý những từ ngữ miêu tả cảm xúc của Dế Mèn
Cần chú ý:
- Tôi hốt hoảng quỳ xuống…
- Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.
- Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ vè bài học đường đời đầu tiên.
Qua văn bản Bài học đường đời đầu tiên em rút ra bài học gì cho bản thân?
Qua văn bản Bài học đường đời đầu tiên, em rút ra được bài học: Không nên kiêu căng, hống hách, xốc nổi mà nên quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh.
Bài học đường đời đầu tiên có mấy nhân vật? Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào? Kể theo ngôi thứ mấy?
Bài học đường đời đầu tiên có ba nhân vật là Dế Mèn, Dế Choắt và chị Cốc. Câu chuyện được kể bằng lời của Dế Mèn với ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi”. Ngôi thứ nhất kể về những gì mà người kể chứng kiến, trải qua, vì thế tạo sự tin cậy cho câu chuyện. Đồng thời, nhân vật dễ biểu hiện tâm trạng, ý nghĩ thái độ.
Đọc phần một đoạn trích, nêu một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới đặc điểm của con người. Lối miêu tả này thường được sử dụng ở loại truyện nào?
Một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới đặc điểm của con người:
- Ăn uống điều độ; đóng lớn;
- Một chàng dế thanh niên cường tráng;
- Đi bách bộ… rất ưa nhìn;
- Rất đối hùng dũng;
- Lấy làm hãnh diện với bà con;
- Trịnh trọng và khoan thai;
- Đi đứng oai vệ, dám cà khịa với tất cả mọi bà con;
- Quát mấy chị cào cào, ghẹo anh gọng vó.
Lối miêu tả nay thường gặp ở thể loại truyện đồng thoại (truyện viết cho thiếu nhi).
Trả lời câu hỏi Bài học đường đời đầu tiên trang 19 – Em thích hoặc không thích điều gì trong cách Dế Mèn tự miêu tả và đánh giá về bản thân ở phần một? Vì sao?
Những điều em thích:
- Một chú dế thanh niên cường tráng, tự tin, yêu đời và luôn tự hào, luôn hãnh diện vì vẻ ngoài khỏe mạnh, cường tráng và có lối sống khoa học (ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực).
- Ngoại hình đẹp đẽ: Đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt nhọn hoắt, đôi cánh xuống tận chấm đuôi, hai cái răng như hai lưỡi liềm máy làm việc, sợi râu rất đỗi hùng dũng…
- Hành động mạnh mẽ và tự tin: Muốn thử sức lợi hại của những chiếc vuốt, co cẳng lên, đạp phanh phách vào những ngọn cỏ. Chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu. Đi đứng oai vệ.
Những điều em không thích: Dế Mèn kiêu căng, tự đắc, xốc nổi, hay cà khịa với mọi người, quát ghẹo những người yếu đuối, hiền lành.
Dế Mèn đã nói gì khi sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ giúp đỡ? Những lời nói đó thể hiện thái độ gì của Dế Mèn?
Khi Dế Mèn sang thăm nhà Dế Choắt, Dế Mèn đã có thái độ với Dế Choắt là kẻ cả, trịch thượng (là hàng xóm cùng tuổi mà đặt tên bạn là Dế Choắt, ví von so sánh bạn như gã nghiện thuốc phiện, xưng hô chú – mày, tính tình khinh khỉnh, giọng điệu bề trên, dạy dỗ).
Dế Mèn: Xưng hô với Dế Choắt là “chú mày” và “tao” mặc dù cả hai cùng bằng tuổi, đó là thái độ của kẻ cả, bề trên. Trong con mắt của Dế Mèn, chân dung của Dế Choắt cũng được miêu tả một cách thê thảm, xấu xí: gầy gò, dài lêu khêu, như gã nghiện thuốc phiện… Đó là cái nhìn thể hiện sự cao ngạo của Dế Mèn đối với bạn mình.
Ích kỉ và khinh thường Dế Choắt: Dế Choắt xin đào giúp một ngách sang nhà Dế Mèn thì Dế Mèn khinh khỉnh, ích kỉ không cho và nói những lời phỉ báng. Sang chơi nhà Dế Choắt thì hết sức chê bai nhà Dế Choắt: luộm thuộm, bề bộn, tuềnh toàng…
=> Qua thái độ và lời nói của Dế Mèn đối với Dế Choắt, ta thấy được Dế Mèn là một kẻ ích kỉ, coi nhẹ tình nghĩa xóm giềng và thiếu tình thương đồng loại.
Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những cảm xúc, suy nghĩ gì? Những cảm xúc, suy nghĩ đó cho thấy sự thay đổi nào ở Dế Mèn?
Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã vô cùng khiếp sợ. Hốt hoảng khi tiếp cận Dế Choắt, thương cảm vô cùng và ăn năn về lỗi lầm của bản thân.
Chẳng hạn:
- Tôi hốt hoảng quỳ xuống…
- Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.
- Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.
Những cảm xúc, suy nghĩ đó cho thấy: Dế Mèn đã rút ra một bài học rằng mình phải sống tốt hơn và từ bỏ những thói quen xấu của mình.
Theo em, từ những trải nghiệm đáng nhớ, Dế Mèn đã rút ra được bài học gì?
Từ những trải nghiệm đáng nhớ, nhất là sau cái chết của người bạn ốm yếu và đáng thương Dế Choắt, Dế Mèn đã rút ra được một bài học đường đời đầu tiên vô cùng lớn của mình: Ở đời không nên kiêu căng, xốc nổi, bắt nạt kẻ yếu. Tính kiêu ngạo, nóng vội của tuổi trẻ có thể làm hại người khác, khiến ta phải ân hận suốt đời.
Nêu hình dung của em về nhân vật Dế Choắt. Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, em sẽ đối xử với bạn như thế nào?
Hình dung của em về nhân vật Dế Choắt: Dế Choắt là nhân vật có dáng dấp nhỏ bé, yếu ớt nhưng khá am hiểu về sự đời, cách đối đãi với mọi người xung quanh. Dù có bị Dế Mèn chê bai, Dế Choắt đáng thương, tội nghiệp cũng chỉ than thở, đành chịu sức mình hèn kém. Hình ảnh Dế Choắt khiến em liên tưởng đến những người bạn kém may mắn trong cuộc sống, bị ốm đau hoặc khiếm khuyết về cơ thể.
Nhiều bài soạn văn 6 tập 1 được tổng hợp cụ thể tại ThePOET. Học sinh theo dõi để có sự chuẩn bị trước khi lên lớp.
Soạn văn 6 Bài học đường đơi đầu tiên Chân trời sáng tạo
Gợi ý soạn bài Bài học đường đời đầu tiên lớp 6 tập 1 sách mới ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo.
Hãy chia sẻ với bạn về một chuyện đáng nhớ mà em từng trải qua.
Mang lại niềm vui cho người khác và bản thân làm được một điều có ý nghĩa sẽ thấy thật hạnh phúc. Đó chính là trải nghiệm mà em cảm nhận được khi giúp đỡ một bà cụ hành khất bên đường.
Tuần trước, trên đường đi học về nhà em nhìn thấy một bà cụ đang ngồi ăn xin ở bên vệ đường. Trông cụ thật đáng thương. Gương mặt cụ nhăn nheo, khắc khổ, có lẽ đã đến 70 – 80 tuổi rồi. Bên cạnh bà cụ có một chiếc gậy, một chiếc nón đã rách và cả một chiếc bị cói cũ kĩ, đã rách một vài chỗ. Đôi tay gầy guộc của bà cụ run run chìa ra mỗi khi thấy có người đi qua. Đôi dép tổ ong cũ rách, những chỗ rách được buộc túm tụm bằng những đoạn dây dù. Nhìn thấy cụ như vậy, em không đành lòng đi tiếp. Em dừng lại bên cụ, chợt nghĩ: “Không biết con cháu cụ đâu mà để cụ một mình ở đây thế này? Nếu là bà mình rơi vào hoàn cảnh như vậy thì…”. Chao ôi, em không dám nghĩ tiếp, lòng dâng lên một cảm xúc xót xa khó diễn tả bằng lời. Nhưng làm thế nào để giúp bà cụ đây? Thật may là trong cặp em còn tiền, số tiền ít ỏi mẹ đưa cho em khi sáng để phòng khi trên đường đi học nếu xe cộ có trục trặc gì thì có tiền để sửa chữa. Em vội lục cặp, lấy ra toàn bộ số tiền 30 ngàn, đưa cho cụ vaf̀n ói: “Thưa cụ, cháu còn nhỏ nên cũng không có nhiều tiền để giúp cụ, cháu xin phép biếu cụ”. Thật bất ngờ khi cụ xua tay từ chối và đáp: “Cảm ơn cháu! Cháu còn bé, chưa làm gì ra tiền để cho cụ, chắc là tiền của bố mẹ, cháu hãy cứ giữ lấy cho mình đi.”. Em liền nói dối cụ: “Đây là số tiền của riêng cháu, chỉ để dành tiêu vặt, mà cháu cũng không cần tiêu gì cả, xin biếu cụ qua lúc đói lòng ạ!”. Em còn phải nói mãi cụ mới cầm lấy. Cụ không quên cảm ơn em rồi cười bảo: “Bố mẹ cháu thật khéo dạy dỗ mới có một người con ngoan, biết nghĩ cho người khác như cháu! Cầu trời phù hộ cho cháu luôn mạnh khỏe và học tập thật tốt. Cụ cảm ơn cháu, cảm ơn bố mẹ và thầy cô đã dạy cháu biết yêu thương những người khốn khổ!”. Thật quá bất ngờ khi một bà cụ hành khất nói với em những lời như vậy. Và em thấy cụ mỉm cười, đôi mắt rưng rưng…
Thế rồi em chào cụ ra về, trên đường đi, vẫn phân vân tự hỏi đêm nay bà cụ sẽ ăn gì, cụ sẽ ngủ ở đâu… Khi về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối, chỉ sợ bố mẹ mắng. Nhưng mẹ chỉ nhỏ nhẹ hỏi em: “Con đi đâu mà bây giờ mới về?”. Em đã kể toàn bộ câu chuyện cho bố mẹ nghe, bố mẹ không hề trách em mà còn xoa nhẹ đầu em và nói: “Con biết nghĩ như thế là rất tốt rồi, con đã biết giúp đỡ người già khi gặp khó khăn là một việc làm rất tốt. Con khiến mẹ rất vui.” Cả bà em đang ngồi bên giường nghe chuyện cũng nói với sang: “Bống của bà thật giỏi! Kính già, già để tuổi cho, ở hiền thì sẽ gặp lành cháu ạ!”. Lúc này em cảm thấy thật vui vì đã giúp một phần cho bà cụ, dù rất nhỏ nhưng em thấy bà đã rất xúc động, và cả em nữa, qua trải nghiệm này, em cũng thấy mình được nhận một bài học: Cho đi là hạnh phúc.
Em chỉ mong bà cụ hành khất có được một ngôi nhà thật sự để che nắng che mưa và sống yên ấm lúc tuổi già. Và cũng mong muốn trên đất nước mình, không còn những cảnh đời lang thang, cơ nhỡ, vất vả như bà cụ!
Dựa vào nhan để và ấn tượng ban đầu của bản thân khi đọc lướt qua văn bản, em đoán xem “Bài học đường đời đầu tiên” được nhân vật kể lại sau đây là bài học gì?
Theo em, bài học đường đời đầu tiên sẽ được nhân vật kể sẽ là những sai lần, vấp ngã đầu tiên của nhân vật trong cuộc đời, là bài học khiến nhân vật nhận ra được sự sai lầm của bản thân và khiến từ đó thay đổi chính mình.
Những chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật “tôi” trong đoạn 1 là lời của ai? Điều này giúp em biết được gì về tính cách nhân vật?
Chi tiết miêu tả ngoài hình của nhân vật “tôi” là lời của nhân vật Dế Mèn.
Điều này giúp em hiểu rằng, Dế Mèn là một nhân vật có tính cách tự tin về vẻ ngoài và sức mạnh của mình.
Qua cách nhân vật “tôi” tự miêu tả hành động của mình ở đoạn 2, em biết thêm điều gì về đặc điểm của nhân vật?
Qua cách nhân vật “tôi” tự miêu tả hành động của mình ở đoạn này, em biết thêm nhân vật có đặc điểm: Kiêu căng, tự phụ, hống hách, hay gây sự vô lí và thích bắt nạt kẻ yếu.
Những từ ngữ “hung hăng”, “hống hách”, “ngu dại”, “ân hận” cho thấy nhân vật “tôi” có thái độ và đánh giá như thế nào về trải nghiệm sắp kể ra ở đoạn 3?
Những từ ngữ hung hăng, hống hách cho thấy nhân vật đã tự nhận ra cái xấu trong tính cách của mình.
Những từ ngữ ngu dại, ân hận cho thấy nhân vật có thái độ ân hận, hối lỗi và tự đánh giá đó là sự ngu ngốc, dại dột về những sự việc mình đã trải qua.
Việc Dế Choắt muốn đào một cái ngách sang nhà nhân vật “tôi” phòng khi có kẻ nào bắt nạt cho thấy Dế Choắt suy nghĩ, đánh giá như thế nào về nhân vật “tôi”?
Việc Dế Choắt muốn đào cái ngách sang nhà nhân vật “tôi” phòng khi có kẻ nào bắt nạt cho thấy:
- Với bản thân: Dế Choắt tự ý thức được sức khỏe của bản thân.
- Với Dế Mèn: Dế Choắt đánh giá Dế Mèn là người khỏe mạnh và nghĩ rằng Dế Mèn là người hàng xóm tốt bụng, có thể chia sẻ và giúp đỡ được mình khi hoạn nạn.
Cụm từ “đứa ích kỉ” thể hiện sự tự nhận thức của ai? Tự nhận thức về điều gì?
Cụm từ “đứa ích kỉ” là sự tự nhận thức của Dế Mèn.
Dế Mèn tự nhận thức được sự ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích và thỏa mãn được thú vui của bản thân mà không nghĩ đến hậu quả việc mình đã gây ra.
Thời điểm Dế Mèn kể lại cho chúng ta nghe bài học đường đời đầu tiên là trước hay sau cái chết của Dế Choắt? Dựa vào chi tiết nào mà em cho là như vậy?
Thời điểm Dế Mèn kể lại cho chúng ta nghe bài học đường đời đầu tiên là sau cái chết của Dế Choắt.
Thời điểm này được thể hiện qua chi tiết “Tôi đem xác Dế Choắt đến chôn vào một vùng cỏ bùm tum. Tôi đắp thành nấm mộ to. Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên”.
Dựa vào gợi ý trong bảng dưới đây (Trang 89 SGK), em hãy tìm một vài câu thể hiện lời kể của Dế Mèn (lời kể xưng “tôi”) và lời đối thoại của Dế Mèn với nhân vật khác.
Một số câu thể hiện lời kể của Dế Mèn (lời kể xưng “tôi”) và lời đối thoại của Dế Mèn với nhân vật khác:
Lời kể và đối thoại của Dế Mèn
Lời kể của Dế Mèn | Lời đối thoại của Dế Mèn |
Một tai họa đến mà đứa ích kỷ thì không thể biết trước được. Đó là, không trông thấy tôi, nhưng chị Cốc đã trông thấy Dế Choắt… | – Sợ gì? Mày bảo tao sợ cái gì? Mày bảo tao còn biết sợ ai hơn tao nữa?
(Dế Mèn nói với Dế Choắt) |
Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng… | – Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nghỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta làm sao chịu được. Tôi im cái điệu hát mưa dầm sụt sùi ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!
(Dế Mèn nói với Dế Choắt) |
Bên hàng xóm tôi có cái hang của Dế Choắt. Dế Choắt là tên tôi đặt cho nó một cách chế diễu và trịch thượng thế… | – Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?
(Dế Mèn nói với Dế Choắt) |
Tìm những chi tiết thể hiện ngoại hình, hành động, ngôn ngữ và tâm trạng của nhân vật Dế Mèn. Trên cơ sở đó, nhận xét về tính cách của Dế Mèn.
Ngoại hình: Đôi càng mẫm bóng, vuốt cứng, nhọn hoắt, cánh dài, răng đen nhánh, râu dài uốn cong, hùng dũng…
Hành động: Tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ; đi đứng oai vệ; quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ; ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên.
Ngôn ngữ: gọi Dế Choắt là “chú mày” với giọng điệu khinh khỉnh.
Tâm trạng: Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm; Tôi tợn lắm, tôi cho là tôi giỏi; thoát nạn rồi mà còn ân hận quá, ân hận mãi.
- Nhận xét về ngoại hình và tính các của Dế Mèn:
Qua những chi tiết trên cho ta thấy Dế Mèn có cái đẹp và cái chưa đẹp:
Đẹp: là một chàng thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, cường tráng, yêu đời, tự tin, tự ý thức được vẻ bề ngoài và sức mạnh của mình;
Chưa đẹp: Dế Mèn chưa tốt ở tính kiêu căng, tự phụ, hống hách, cậy sức bắt nạt kẻ yếu.
Bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn rút ra sau sự việc xảy ra với Dế Choắt là gì? Theo em, việc tác giả để cho Dế Mèn tự kể lại câu chuyện của mình bằng ngôi thứ nhất có tác dụng thế nào trong việc thể hiện bài học ấy?
Bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn rút ra sau sự việc xảy ra với Dế Choắt là:
- Đó là thói ngông cuồng của mình, trêu đùa, khinh thường người khác, để thỏa mãn niềm vui cho mình đã gây ra hậu quả khôn lường, phải ân hận suốt đời.
- Việc tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất, cho Dế Mèn tự kể lại câu chuyện của mình đã khiến câu chuyện trở nên chân thực, khách quan, nhân vật có thể bộc lộ rõ nhất tâm trạng, cảm xúc của mình khi trải qua.
Có thể xem cái chết của Dế Choắt là một bước ngoặt khiến Dế Mèn thay đổi cách nhìn về bản thân và về người khác không? Vì sao?
Có thể xem cái chết của Dế Choắt là một bước ngoặt khiến Dế Mèn thay đổi cách nhìn về bản thân và về người khác.
Bởi vì: qua đó chú đã nhận thức được những sai lầm của bản thân đó là tính kiêu căng, tự phụ. Với mọi người, Dế Mèn đã nhận thức được hậu quả của sự ích kỉ, coi thường người khác.
Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Bài học đường đời đầu tiên là truyện đồng thoại?
Những dấu hiệu giúp em nhận biết Bài học đường đời đầu tiên là truyện đồng thoại:
Nhân vật là các loài vật đã được nhân hóa: trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên có các nhân vật là Dế Mèn, Dế Choắt, Chị Cốc, chị Cào Cào…
Thể hiện đặc điểm sinh hoạt của loài vật như ngoại hình của Dế Mèn được miêu tả bằng những chi tiết đặc trưng cho loài dế (râu, đôi càng, đôi cánh, đầu, cái răng đen), hành động của Dế Mèn như đạp phanh phách lên ngọn cỏ, đào hang…
Qua những đặc điểm của nhân vật đã thể hiện đặc điểm của con người được thể hiện ở tính cách của Dế Mèn như tự tin, trẻ trung, yêu đời nhưng cũng vô cùng xốc nổi, kiêu căng, coi thường người khác.
Từ trải nghiệm và bài học của Dế Mèn, em hiểu thêm điều gì về lỗi lầm của những người ở tuổi mới lớn và về thái độ cần có trước những lỗi lầm có thể mắc phải trong cuộc sống?
Từ trải nghiệm và bài học của Dế Mèn, em hiểu thêm điều gì về lỗi lầm của những người ở tuổi mới lớn là:
Vì Dế Mèn mới lớn, sống trong một thế giới nhỏ bé, quanh quẩn gồm những người hiền lành nên đã lầm tưởng sự ngông cuồng là tài ba của mình, có thái độ kiêu căng, tự phụ, xốc nổi. Đây cũng là những lỗi lầm dễ mắc phải ở những người tuổi mới lớn.
Về thái độ cần có trước những lỗi lầm có thể mắc phải trong cuộc sống, theo em, trước những lỗi lầm, chúng ta phải biết nhận ra và sửa chữa những sai lầm mà mình mắc phải, phải tự trọng, biết nghiêm khắc trước những thiếu sót của mình.
Kết luận
Tài liệu soạn bài Bài học đường đời đầu tiên đã được cập nhật đầy đủ và chính xác nhất. Các bạn học sinh nên theo dõi ngay gợi ý từ The POET Magazine (trang tổng hợp thơ, văn, phân tích văn học hay nhất) để nắm bắt được nội dung và kiến thức của bài học.