Soạn bài Chuyện cơm hến – Kết nối tri thức 7
Hướng dẫn soạn bài Chuyện cơm hến (Hoàng Phủ Ngọc Tường), giải đáp tất cả các câu hỏi chi tiết nhất. Bạn hãy tham khảo chia sẻ của www.thepoetmagazine.org và vận dụng vào quá trình học tập trên lớp để hiểu rõ tác phẩm rất hay này.
Trước khi đọc
Trước khi đọc là một phần cực kỳ quan trọng với quá trình soạn bài Chuyện cơm hến lớp 7 của học sinh. Nét đẹp trong truyền thống, văn hoá dân tộc được khơi mở nhẹ nhàng ở những câu hỏi đầu tiên này trước khi tìm hiểu nội dung văn bản.
1/ Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vấn đề này.
Ẩm thực Ý:
Sự đa dạng trong ẩm thực Ý không chỉ đến từ hương vị hay cách chế biến của từng địa phương mà còn là nét nổi bật về sự phong phú đến từ các món ăn. Ngoài những món chính phổ biến trên thế giới như pizza, pasta, phô mai,… thì Ý cũng đa dạng về các món ăn tráng miệng, đồ ngọt khác nhau. Một bữa sáng đơn thuần của người Ý chỉ có cafe và bánh ngọt, họ chú trọng nguồn năng lượng dành cho một bữa trưa và bữa tối thịnh soạn.
Một nét riêng độc đáo trong phong cách ẩm thực Ý là tính lành mạnh. Hàm lượng dinh dưỡng phù hợp và ít béo trong thành phần chế biến giúp món ăn Ý được đánh giá là lý tưởng cho các vấn đề tim mạch, kiểm soát đường huyết, giảm cân và giảm các bệnh trầm cảm. Thay vì ưa chuộng sử dụng bơ và kem như các quốc gia khác, người Ý vẫn giữ vững cách chế biến truyền thống thức ăn với dầu ô liu và chú tâm vào các loại nước sốt tự làm thay vì mua sẵn.
Không chỉ có những bữa ăn chính hấp dẫn, người Ý còn tinh tế trong việc chế biến thêm các món ăn tráng miệng mang hương vị nhiệt đới. Các món ăn tráng miệng của họ bao gồm các loại bánh ngọt, trái cây, salad, và không thể thiếu đi cafe. Đây là nét đặc trưng riêng khi bạn thưởng thức ẩm thực nước Ý.
Ẩm thực Pháp:
Nền ẩm thực Pháp nổi tiếng bởi các loại rượu vang, phô mai và các món ăn làm từ ốc sên hay gan ngỗng béo. Đặc biệt, ẩm thực mỗi nơi đều có những nét độc đáo riêng.
Một bữa ăn Pháp truyền thống không thể thiếu một chai rượu vang. Đây còn là gia vị thường xuất hiện trong các món ăn Pháp, được sử dụng để sơ chế hoặc làm cho hương vị món ăn thêm đậm đà. Giống như những nước châu Âu khác, trong bữa tiệc của người Pháp thường có sự hiện diện của rượu vang nhưng nét đặc trưng của Pháp là mỗi món ăn thì chỉ có một loại rượu vang riêng phù hợp chứ không dùng đơn thuần chỉ một loại rượu cho suốt bữa ăn.
Đến Pháp, chắc hẳn bạn không thể bỏ qua món gan ngỗng – là món đáng tự hào của ẩm thực Pháp. Gan ngỗng được dùng kèm với mứt hay nước sốt ngọt, cùng với một ly rượu vang trắng Sauternes để kích thích vị ngon, béo của gan.Món gan ngỗng này được chế biến từ bộ gan của những con ngỗng được chăm sóc bằng chế độ ăn uống đặc biệt nhằm tận dụng tối đa các dưỡng chất trong gan của chúng.
Trong số các loại bánh Pháp thì bánh crepe là một trong những món độc đáo. Người dân Pháp cũng là những chuyên gia về các loại bánh ngọt với sự tuyệt vời về chất lượng và độc đáo về hương vị.
2/ Nếu được yêu cầu giới thiệu về một món ăn đặc sản ở quê, em sẽ chọn món nào?
Ví dụ:
Thịt trâu gác bếp – món ngon của núi rừng Tây Bắc
Thịt trâu được chọn làm thịt trâu gác bếp phải là thịt trâu loại ngon, đem cắt miếng dọc theo thớ dài rồi ướp với các loại gia vị đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Thịt trâu ngon, chuẩn bị là phải có hai vị đặc trưng, độc đáo làm nên hương vị núi rừng của món ăn, đó là vị cay nồng của tiêu rừng cùng với mùi thơm rất riêng của mắc khén.
Từng miếng thịt trâu sau khi tẩm ướp kỹ càng sẽ được xiên que tre đem gác trên bếp, hun bằng củi gỗ rừng cho khô dần, đem lại hương vị đặc trưng cho món ăn. Miếng thịt trâu sau khi chín, bên ngoài có màu đen của khói hun lâu ngày, hương thơm lan tỏa hòa quyện mùi thơm của tiêu, gừng, mắc khén cùng mùi thơm của khói củi. Thịt trâu xé ra bên trong không khô đen như vẻ bên ngoài mà vẫn giữ được màu đỏ tươi nhờ thịt được chọn lọc từ những thớ thịt ngon nhất.
Ngày trời đông lạnh giá mà đến thăm vùng Tây Bắc, ngồi bên bếp lửa ấm nồng, ăn miếng thịt trâu xé sợi thì ấm nóng cả người, xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.
Bánh tráng cuốn thịt heo – đặc sản Đà Nẵng
Nói đến món ngon Đà Nẵng thì trước tiên phải nhắc đến món bánh tráng cuốn thịt heo. Đây là món ăn tuy có nguyên liệu đơn giản nhưng lại đủ sức “hạ gục” bao tín đồ ẩm thực nhờ những nét độc đáo rất riêng. Đó là những miếng thịt heo nửa nạc, nửa mỡ mềm, mỏng, béo ngậy, luộc vừa chín tới. Đặc biệt là phần nước chấm được pha đậm đà, cay cay đầy kích thích. Khi ăn sẽ cuộn thịt trong lớp bánh tráng Đại Lộc dẻo dai, kèm với rau sống đủ các loại (tía tô, xà lách, mùi thơm, diếp cá,…) và của quả thái lát như xoài, chuối xanh, dưa leo, chấm với mắm nêm lạ miệng tạo nên sự thích thú cho người ăn.
Lẩu mắm Cần Thơ
Về miền Tây, đặc biệt là nếu đặt chân đến Cần Thơ mà không được thưởng thức món lẩu mắm thì thật là điều đáng tiếc. Quả không ngoa khi nói lẩu mắm Cần Thơ là một trong những đặc sản trứ danh của Cần Thơ, đây cũng là món ăn mà du khách nhất định nên thử một lần. Có lẽ, vùng sông nước mênh mông này đã sản sinh ra nhiều loại cá tôm, nhiều loại rau xanh tươi ngon và người dân thì khéo léo và sáng tạo. Chính vì thế mà món lẩu mắm cũng trở nên thơm ngon và độc đáo hơn.
Nhiều người nói muốn thưởng thức đầy đủ hương vị hay các món ngon ở miền Tây thì cách nhanh nhất là thử lẩu mắm Cần Thơ gồm có nước lèo (đa số là được nấu từ mắm cá linh, cá sặc, cá trèn, cá lóc, cá rô,…). Một nồi lẩu ngon thì nước lèo phải chuẩn. Ăn kèm với lẩu không thể thiếu các loại rau xanh và bún tươi. Muốn biết hương vị lẩu mắm thơm ngon như thế nào, sao không thử về Cần Thơ du lịch một chuyến.
Đọc văn bản
Xuyên suốt quá trình đọc hiểu là việc trả lời các câu hỏi nội dung mà học sinh cần thực hiện khi soạn bài Chuyện cơm hến lớp 7 Kết nối tri thức. Nét độc đáo trong nếp sống, văn hoá ẩm thực của người Huế được mô tả vô cùng rõ ràng.
1/ Chú ý nét riêng trong khẩu vị của người Huế.
Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi,… không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng.
2/ Tác giả là người vùng nào? Chi tiết nào cho thấy điều đó?
Trả lời câu hỏi soạn văn 7 tập 1 bài Chuyện cơm hến:
Tác giả là người Huế. Chi tiết cho thấy điều đó là:
- Ăn cay rất tài, hiểu rõ các từ ngữ diễn tả vị cay của người Huế.
- Câu văn: “Tôi xin giới thiệu một ngày “Hạnh phúc trời hành” của dân Huế tui …”.
3/ Chú ý câu văn nêu ý kiến riêng của tác giả về món ăn đặc sản.
Câu văn: “Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ là một yếu tố văn hóa hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”” thể hiện ý kiến riêng của tác giả mà em tìm được khi soạn bài Chuyện cơm hến.
4/ Chú ý các nguyên liệu làm cơm hến.
Gồm có:
- Hến
- Bún tàu (miến), măng khô
- Thịt heo thái chỉ
- Rau sống: rau sống làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mỏng như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, giá chần, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng.
- Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục.
- Bộ đồ màu với: ớt tương, ớt màu, ớt dầm nước mắm, ruốc sống, bánh tráng nước bóp vụn, muối rang, hạt đậu phộng rang mỡ, giã hơi thô thô, mẻ rang, da heo rang giò, mỡ và tóp mỡ, vị tinh.
=> Nguyên liệu cầu kỳ, độc đáo, làm nên hương vị riêng cho món cơm hến.
Trả lời câu hỏi
Phần cuối cùng của bài soạn văn 7 Chuyện cơm hến là trả lời câu hỏi khai thác sâu vào nội dung, giá trị nghệ thuật. Cảm nhận của học sinh cũng được đề cập ở phần này để nắm vững kiến thức và tiếp nhận thông điệp văn bản đầy đủ, chính xác.
1/ Những chi tiết nào cho thấy cơm hến là món ăn bình dân?
Cơm hến là món ăn bình dân vì nó được làm từ những nguyên liệu bình dân, phù hợp với nhiều người:
- Cơm: cơm nguội.
- Hến: loại hến nhỏ lăn tăn xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ.
- Rau sống: làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mỏng như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, giá chần, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng.
- Các loại gia vị quen thuộc.
2/ Món cơm hến cho thấy đặc điểm gì trong phong cách ăn uống của người Huế?
Món cơm hến cho thấy đặc điểm trong phong cách ăn uống của người Huế:
- Người Huế thích ăn cay. Có nhiều người vẫn chưa thấy thỏa thích với độ cay ban đầu của cơm hến mà phải gọi thêm một trái ớt tươi,…
- Món ăn dù bình dân nhưng cũng phải được chuẩn bị cầu kỳ, tinh tế.
3/ Chuyện cơm hến có phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn không? Tác giả bàn tới những điều gì xung quanh món cơm hến?
Ngữ văn 7 Chuyện cơm hến không phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn. Tác giả còn giới thiệu đến người đọc những câu chuyện xung quanh món cơm hến và đặc biệt khẳng định giá trị văn hóa tinh thần của món ăn.
Những điều bàn tới xung quanh món cơm hến:
- Phong cách ẩm thực của người Huế: thích vị cay.
- Tính cách người Huế: cần kiệm, không muốn bỏ đi một thứ gì.
- Văn hóa: tính bảo thủ – di tích văn hóa cần giữ gìn, không cải tiến.
- Giá trị tinh thần của món ăn: đi xa là nhớ, ở nước ngoài về là muốn ăn ngay.
4/ Theo em, tại sao tác giả lại cho rằng “một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa”?
Tác giả cho rằng “một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa” vì nó phải giống ngàn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”. Trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ là một yếu tố hết sức quan trọng để bảo toàn di sản, nghĩa là: món ăn đặc sản cũng giống như di tích văn hóa, cần giữ gìn, bảo vệ và lưu truyền từ đời này sang đời khác, không được thay đổi làm mất đi hương vị đặc sắc ban đầu.
5/ Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi cho em suy nghĩ gì về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân địa phương?
Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi suy nghĩ về ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của cư dân bản địa; giữ nguyên những nguyên liệu vốn có để tạo nên một bát cơm hến đặc trưng của Huế dù lãi lời không được nhiều. Họ không làm mất đi những nét đặc trưng riêng của Huế dù chỉ trong món cơm hến.
Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa đồng thời giúp cho tác giả nhận ra mùi vị thứ mười lắm của món cơm hến, đó là vị của lửa, vị của sự ấp iu, đây là “lửa” tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa.
Có thể nói: Dù như thế nào thì người dân xứ Huế vẫn luôn cố gắng hết sức mình để bảo vệ và phát triển món ăn đậm đà bản sắc của quê hương.
6/ Tìm những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn Chuyện cơm hến giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc.
Những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn Chuyện cơm hến giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc:
- Chính tôi cũng không hiểu sao mình ăn cay đến vậy.
- Càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,…
- Tôi nghĩ rằng …
- Tôi xin giới thiệu một ngày “Hạnh phúc trời hành” của dân Huế tui.
- Tôi nhớ lần ấy … tôi ngồi ăn cơm hến … Tôi vừa đi Tây về,… tôi thấy xúc động tận chân răng.
=> Cách xưng hô, sử dụng nhiều khẩu ngữ như trò chuyện tâm tình với người đọc.
7/ Em cảm nhận như thế nào về cái tôi được tác giả thể hiện trong Chuyện cơm hến?
Cái tôi tác giả là những điều riêng biệt trong tính cách, suy nghĩ và cá tính khác biệt rõ rệt so với người khác, được thể hiện trong văn bản Chuyện cơm hến.
Cái tôi tác giả được thể hiện trong Chuyện cơm hến là cái tôi yêu quê hương, yêu văn hóa ẩm thực nơi mình sinh ra và lớn lên. Ông bày tỏ quan điểm của bản thân về điều mình không thích cải tiến, muốn giữ nguyên giá trị, ông khẳng định món ăn chính là một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Chuyện cơm hến còn cho thấy nhân cách người trí thức sẵn sàng mang trong mình một mong muốn chắt chiu, gìn giữ và nhân lên gấp bội cái ý thức về văn hóa trong mỗi con người, quan tâm nhiều đến thái độ sống, cách ứng xử của con người với một món ăn đặc sản, một nét văn hóa Huế.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống.
Em sinh ra và lớn lên trên quê hương Kinh Bắc – nơi nổi tiếng với tranh Đông Hồ. Thật tuyệt vời khi nhìn ngắm những bức tranh được xem là kết tinh nghệ thuật của dân gian như tranh gà, tranh lợn, tranh đám cưới chuột,… Những nghệ nhân Đông Hồ luôn dụng công tỉ mỉ để có được đường nét tranh đẹp nhất, sống động và điển hình nhất khiến người xem như thấy được trong tranh có màu sắc, có ánh sáng, có hương vị. Tranh Đông Hồ nếu vẽ theo đề tài truyền thống bao giờ cũng tươi tắn, trong sáng, hóm hỉnh đầy sức sống, thể hiện sự giàu có, trù phú, mang đậm hơi thở của nền văn minh lúa nước; còn khi vẽ theo đề tài hiện đại, lại cho ta cảm giác thế giới trong tranh thật sinh động, rạng rỡ, như đang cựa quậy, vận động theo nhịp cuộc đời. Với truyền thống lâu đời và giá trị nghệ thuật cao, em tin rằng tranh Đông Hồ quê em luôn được giữ gìn, đón nhận, trân trọng như một vẻ đẹp văn hóa của quê hương, của dân tộc.
Kết luận
Soạn bài Chuyện cơm hến chi tiết giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu đất nước tươi đẹp và tự hào về giá trị dân tộc vốn có. Tác phẩm là câu chuyện về truyền thống tốt đẹp và tinh hoa ẩm thực miền Trung đáng tự hào.
XEM THÊM:
- Soạn Hội lông tồng ngắn gọn chi tiết
- Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo Con mối và con kiến tác giả Nam Hương
- Soạn bài Một số câu tục ngữ Việt Nam ngắn gọn đầy đủ