Soạn bài Cô bé bán diêm, Ngữ văn 6 CTST & KNTT

Học sinh tham khảo tài liệu soạn bài Cô bé bán diêm để được hướng dẫn trả lời đầy đủ câu hỏi. Các thông tin về bài đọc sẽ được cập nhật chính xác và dễ hiểu nhất.

Table of Contents

Soạn bài Cô bé bán diêm chân trời sáng tạo

Hướng dẫn học sinh theo dõi bài đọc và trả lời câu hỏi trong bộ sách Chân trời sáng tạo.

Soạn bài cô bé bán diêm
Hướng dẫn học sinh theo dõi bài đọc và trả lời câu hỏi trong bộ sách Chân trời sáng tạo.

1/ Chỉ ra các yếu tố của truyện được thể hiện trong văn bản Cô bé bán diêm bằng cách hoàn thành bảng sau (làm vào vở):

Các yếu tố của truyện Cô bé bán diêm
Đề tài Cuộc sống của những đứa trẻ bất hạnh.
Nhân vật Cô bé bán diêm và các nhân vật trong tưởng tượng của cô bé (bà, mẹ,…)
Sự việc
  • Trong đêm giao thừa gió tuyết đầy phố có một cô bé bán diêm nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, bụng đói đang dò dẫm trong bóng tối.
  • Suốt cả ngày em không bán được bao diêm nào.
  • Em không dám về nhà vì sợ bố mắng.
  • Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi quẹt một que diêm để sưởi ấm.
  • Em quẹt que diêm thứ nhất, lò sưởi hiện ra.
  • Em quẹt que diêm thức hai, một bàn ăn thịnh soạn hiện lên.
  • Rồi em quẹt que diêm thứ ba, cây thông Nô-en xuất hiện.
  • Quẹt que diêm thứ tư, em gặp bà nội.
  • Sáng hôm sau, cô bé bán diêm đã chết trong giá rét.
Chi tiết tiêu biểu 1. Lần quẹt diêm đầu tiên: em mộng tưởng ra ngôi nhà có lò sưởi.

2. Lần quẹt que diêm thứ 2: em mộng tưởng ra căn phòng có bàn ăn, có ngỗng quay.

3. Lần quẹt diêm thứ 3: em mộng tưởng thấy cây thông Nô-en và nến sáng lung linh.

4. Lần quẹt diêm thứ 4: em mộng tường em thấy bà nội mỉm cười với em.

5. Lần quẹt diêm thứ 5: em quẹt hết những que diêm còn lại vì em muốn giữ bà ở lại, bà cầm tay em và hai bà cháu vụt bay.

Tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản Tình cảm và cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản: thể hiện sự thương xót, cảm thông cho số phận của đứa trẻ nghèo và những ước mơ tươi sáng mà bình dị.
Chủ đề Tình yêu thương trước những số phận bất hạnh, khát vọng sống tốt đẹp và ước mơ tươi sáng.

2/ Soạn văn 6 Cô bé bán diêm – Từ việc đọc các văn bản trên, em rút ra bài học kinh nghiệm gì khi đọc truyện ngắn?

Từ việc đọc các văn bản trên, em rút ra được là khi đọc truyện ngắn phải xác định được đề tài, chủ đề của câu chuyện, xác định được các tuyến nhân vật, tóm tắt được các sự việc, chi tiết tiêu biểu và cách thể hiện tư tưởng, tình cảm của người viết trong văn bản.

Soạn bài Cô bé bán diêm Kết nối tri thức

Theo dõi văn bản và trả lời các câu hỏi theo Nhà xuất bản Kết nối tri thức.

Cô bé bán diêm
Theo dõi văn bản và trả lời các câu hỏi theo Nhà xuất bản Kết nối tri thức

1/ Soạn văn Cô bé bán diêm – Giới thiệu ngắn gọn một truyện kể hoặc một bộ phim có nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em

Trong cuốn sách đầy ý nghĩa nhân văn có tựa đề Mẹ không phải là người giúp việc do NXB Kim Đồng phát hành, câu chuyện đã để lại cho em nhiều cảm xúc nhất đó là “Món quà sinh nhât”; không giống những món quà sinh nhật khác, mà là một món quà tinh thần đong đầy tình yêu thương. Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương của một người mẹ nghèo dành cho cậu con trai vốn luôn phải nằm trên giường bệnh trên là Poirot. Gần đến ngày sinh nhật con trai, bà gửi một bức thư đến một chương trình Poirot yêu thích trên đài phát thanh, nhờ họ gửi lời động viên và lời chúc mừng sinh nhật tới Poirot. Nhưng, thật không may mắn, chương trình đó đã từ chối và gửi lại phản hồi cho bà. Lá thư phản hồi được bưu tá mang đến đúng lúc bà vắng nhà, và chính Poirot là người nhận được lá thứ đó, tò mò nên cậu bé đã mở ra đọc. Hiểu được tình yêu mẹ dành cho mình nên Poirot đã giấu lá thư phản hồi đó đi. Đến ngày sinh nhật, cậu bé đã nói dối người mẹ là mình đã nhận được lời chúc đầy ý nghĩa từ trên đài phát thanh và sà vào lòng nói lời cảm ơn mẹ. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh vô cùng xúc động khi có cả nụ cười và nước mắt hạnh phúc của hai mẹ con Poirot! Điều đó khiến người đọc cảm nhận được cả tình mẫu tử lớn lao, vĩ đại của người mẹ nghèo và tấm lòng hiểu thảo của Poirot.

2/ Chia sẻ một vài cảm nhận của em về nhân vật đó

Em thực sự ấn tượng và cảm phục nhân vật Poirot trong truyện “Món quà sinh nhât”. Dù là một cậu bé chỉ mới hơn 10 tuổi, lại bị tật nguyền luôn phải gắn chặt thân mình với giường bệnh, nhưng em đã học tập được ở Poirot rất nhiều điều:

  • Không được dến trường như các bạn là một thieệt thòi, nhưng Poirot đã tích cực tự học để biết đọc, biết viết. Đó là một sự nỗ lực phi thường.
  • Biết mình bị bệnh, là gánh nặng cho mẹ, Poirot luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân để mỗi khi về nhà, mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi.
  • Cách cậu ứng xử khi nhận bức thư phản hồi của Đài phát thanh (giấu thư đi) và bày tỏ lời cảm ơn, niềm hạnh phúc khi nhận được lời chúc mừng sinh nhật mà mẹ đã chuẩn bị (thực ra là Poirot nói dối mẹ bởi Đài phát thanh đã từ chối) để mẹ vui là “lời nói dối đầy ý nghĩa” vì mang lại hạnh phúc cho cả hai mẹ con: mẹ hạnh phúc vì mình đã chuẩn bị được cho con món quà sinh nhật bất ngờ và thấy con vui vẻ đón nhận, con hạnh phúc vì cảm nhận được tình yêu thương của mẹ. Đó thực sự là một người con hiếu thảo.
  • Em còn nhận ra ở Poirot một điều đáng quý mà rất nhiều người không có: dù cậu bị khuyết tật về thể chất nhưng tâm hồn vô cùng trong sáng, đáng yêu, đáng cảm phục.

3/ Chú ý các chi tiết miêu tả trang phục của cô bé bán diêm giữa trời đông giá rét

Các chi tiết miêu tả trang phục của cô bé bán diêm:

  • Đầu trần, chân đất.
  • Em có đôi giày vải nhưng quá rộng và đã làm văng mất bên đường.
  • Chiếc tạp dề cũ kĩ.

=> Trang phục không đủ nhu cầu tối thiểu để chống lại cái giá rét mùa đông vô cùng khắc nghiệt ở khu vực Bắc Âu (đang rét dữ dội, có tuyết rơi).

4/ Điều gì sẽ đến với cô bé bán diêm trong đêm giao thừa?

Giữa tiết trời đông giá rét, trong đêm giao thừa, em phải ra đường lang thang, tìm kiếm những nơi đông người qua lại để bán những bao diêm nhưng không ai đoái hoài đến lời chào hàng của em, cũng không ai bố thí cho em; bụng đói, người tím bầm vì rét, em lại không dám về nhà vì sợ bố đánh.

5/ Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảnh như thế nào?

Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảm “gia sản tiêu tán, gia đình phải rời ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh để chui rúc trong một xó tối tăm, luôn nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa”.

Hai cha con “ở trên gác sát mái nhà, và mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà”.

6/ Mỗi lần quẹt diêm, cô bé nhìn thấy những hình ảnh gì? Đó là thực hay mơ?

Mỗi lần quẹt diêm, cô bé bán diêm lại được sống trong giây phút hạnh phúc, với những hình ảnh đẹp đẽ, thoát khỏi thực tại tăm tối:

  • Lần quẹt diêm đầu tiên, em thấy lò sưởi bằng sắt có hình nổi bằng đồng sáng loáng, những ngọn lửa cháy vui mắt và tỏa hơi ấm dịu dàng.
  • Em quẹt que diêm thứ 2, lần này em thấy một bàn ăn thịnh soạn, có cả một con ngỗng quay với dao, nĩa, phóng sết trên lưng tiến về phía em.
  • Lần thứ 3, trong không khí đêm giáng sinh, em thấy hình ảnh của cây thông Nô-en lớn lộng lẫy, với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh, nhiều bức tranh rực rỡ hiện ra trước mắt.
  • Lần thứ 4 quẹt diêm, trong giây phút đó em thấy bà hiện lên thật ấm áp, đẹp đẽ, đang mỉm cười với em.
  • Lần cuối cùng em quẹt hết số diêm còn lại để nhìn thấy bà, và em thấy bà to lớn, đẹp lão, bà cầm lấy tay em bay lên cao, cao mãi.

Tất cả những hình ảnh em bé đã thấy qua mỗi lần quẹt diêm đều là do em tưởng tượng ra. Chỉ là giấc mơ của em về sự ấm áp giữa đêm đông giá lạnh; về một bữa ăn ngon khi em đang chịu cảnh đói rét; về không khí ấm cúng đêm giao thừa muốn quây quần bên gia đình thay vì lang thang ngoài đường; về một gia đình hạnh phúc, có tình yêu thương trong lúc em bơ vơ, thiếu thốn tình cảm của bà, của mẹ; về sự đoàn tụ với người bà lúc sinh thời luôn yên thương em…

7/ Điều xảy ra với cô bé bán diêm có giống như dự đoán của em không?

Giữa tiết trời đông giá rét, trong đêm giao thừa, em phải ra đường lang thang, tìm kiếm những nơi đông người qua lại để bán những bao diêm nhưng không ai đoái hoài đến lời chào hàng của em, cũng không ai bố thí cho em; bụng đói, người tím bầm vì rét, em lại không dám về nhà vì sợ bố đánh.

Em đã đốt những que diêm của mình và nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ, thoát khỏi thực tại tăm tối, đầy đau khổ.

Em đã chết vì đói và rét trong một xó tường, đôi má vẫn hồng và đôi môi đang mỉm cười.

Giống với dự đoán của em về hoàn cảnh của cô bé bán diêm. Khác là em đã không đoán được những ước mơ của em bé thể hiện qua mỗi lần quẹt diêm, càng không nghĩ là em bé bán diêm sẽ chết vì đói và rét.

8/ Có những hình ảnh trái ngược nào trong quang cảnh ngày đầu năm mới?

Hình ảnh em bé bán diêm chết nằm trên tuyết, giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn “có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” trong ngày mồng một Tết gợi lên bao xót xa trong lòng người đối lập với hình ảnh bầu trời thì xanh nhạt, mặt trời lên chói chang, tuyết vẫn phủ mặt đất, mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

=> Đây là hình ảnh nhiều ý nghĩa, gợi lên bao xót xa trong lòng người. Trái Đất và bầu trời vẫn đẹp. Và vẫn có kẻ vô tình trước nỗi đau của đồng loại. Đời vẫn nhiều nghịch cảnh đau buồn như “tuyết vẫn phủ kín mặt đất”.

9/ Truyện cô bé bán diêm được kẻ bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?

Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể không tham gia trong câu chuyện và không trực tiếp lộ diện nhưng có mặt ở khắp nơi để chứng kiến và kể lại câu chuyện.

10/ Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không muốn trở về nhà?

Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm đông giá rét.

Mặc dù có nhà song em không dám về bởi vì: nếu về mà không mang được đồng xu nào về sẽ bị cha em mắng chửi.

Cô bé bán diêm ngoài cái rét, đơn côi,… còn có một nỗi đau tinh thần, luôn luôn bị giày vò, ám ảnh hết sức nặng nề. Ở nhà thì bị bố mắng nhiếc chửi rủa, lang thang trong đêm tuyết, giao thừa, nếu không bán được ít bao diêm hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về, nhất định em sẽ bị bố đánh! Nỗi bất hạnh này thật đáng sợ, nó luôn luôn đè nặng tâm hồn em.

11/ Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm. Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật?

Các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm:

  • Em phải đi chân đất, chân em đỏ ửng hết lên rồi bầm tím lại.
  • Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.
  • Bông tuyết bám dày trên mái tóc dài xóa thành từng búp trên lưng em.

Những chi tiết đó giúp em hình dung được cô bé là một nhân vật có cuộc sống rất bất hạnh, thiếu thốn và cơ cực.

12/ Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm phản chiếu những ước mong nào của cô bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không?

Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm thể hiện những ước mong của cô bé bán diêm:

Lần quẹt diêm Hình ảnh xuất hiện Ước mong của cô bé
Lần thứ nhất Em thấy lò sưởi bằng sắt có hình nổi bằng đồng sáng loáng, những ngọn lửa cháy vui mắt và tỏa hơi ấm dịu dàng. Ước mơ của em về sự ấm áp giữa đêm đông giá lạnh vì em đang bị rét.
Lần thứ hai Em thấy một bàn ăn thịnh soạn, có cả một con ngỗng quay với dao, nĩa, phóng sết trên lưng tiến về phía em. Ước mơ của em về một bữa ăn ngon khi em đang chịu cảnh đói rét.
Lần thứ ba Em thấy hình ảnh của cây thông Nô-en lớn lộng lẫy, với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh, nhiều bức tranh rực rỡ hiện ra trước mắt. Ước mơ của em về không khí ấm cúng đêm giao thừa muốn quây quần bên gia đình thay vì lang thang ngoài đường.
Lần thứ tư Em thấy bà hiện lên thật ấm áp, đẹp đẽ, đang mỉm cười với em. Ước mơ của em về một gia đình hạnh phúc, có tình yêu thương trong lúc em bơ vơ, thiếu thốn tình cảm của bà, của mẹ.
Lần thứ năm Em quẹt hết số diêm còn lại, và em thấy bà to lớn, đẹp lão, bà cầm lấy tay em bay lên cao, cao mãi. Ước mơ của em về sự đoàn tụ với người bà lúc sinh thời luôn yêu thương em.

Theo em, không thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó, bởi vì: Những mộng tưởng của cô bé bán diêm qua những lần quẹt diêm diễn ra theo thứ tự hợp lí:

  • Muốn được sưởi ấm và ăn no: lò sưởi và ngỗng quay
  • Muốn được vui chơi, quây quần bên gia đình: cây thông Nô-en
  • Muốn được che chở yêu thương: bà nội hiền từ
  • Muốn được giải thoát khỏi nỗi bất hạnh, tìm đến nơi hạnh phúc vĩnh hằng: cùng bà bay lên trời.

13/ Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện đối với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho cảm nhận đó

Cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện với cô bé bán diêm:

Qua hình ảnh cô bé bán diêm và cái chết của cô, An-đéc-xen đã thể hiện sự cảm thông, trân trọng, ngợi ca những mơ ước hoặc là bình dị hoặc là kì diệu của cô bé bán diêm (nói riêng) và tuổi thơ (nói chung). Và ông cũng nhắc khẽ mọi người phải biết san sẻ tình thương, đừng phũ phàng hoặc vô tình trước nỗi đau, bất hạnh của các em nhỏ. Đó chính là thái độ cảm thông, yêu thương dành cho cô bé bán diêm.

Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho sự cảm nhận đó:

Nhà văn tạo nên hai nghịch cảnh trong đêm giao thừa. Một em bé đi bán diêm suốt cả ngày mà chẳng bán được bao diêm nào, “bụng đói cật rét” đi lang thang trên đường, chẳng được ai bố thí cho em chút đỉnh! Mái tóc và lưng em bám đầy tuyết. Trái lại, cửa sổ mọi nhà đều “sáng rực ánh đèn” và trong phố thì “sực nức mùi ngỗng quay”. Đó là hai cảnh trái ngược. Quá khứ hạnh phúc trở về trong tâm hồn em. Mái nhà xưa với dây thường xuân, với hình ảnh bà nội, đầm ấm thế, yên vui. Mái nhà hiện tại thì tồi tàn, suốt ngày em chỉ nghe lời mắng chửi. Số phận em bé bán diêm đáng thương biết bao!. Đằng sau cảnh đời, số phận em bé bán diêm đêm giao thừa là một cái nhìn dõi theo của nhà văn An-đéc-xen với nhiều trắc ẩn, với nỗi lo khôn nguôi cho hạnh phúc trẻ thơ.

Cái tài của An-đéc-xen là đã nói về cái chết của em bé bán diêm, chết đói, chết rét trong tuyết mà không gợi ra sự bi thảm hãi hùng. Em chưa chết và em không chết! Em đã cùng bà nội bước sang thế giới mới tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Hình ảnh em bé bán diêm chết nằm trên tuyết, giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn “có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” trong ngày đầu năm mới là một hình ảnh nhiều ý nghĩa, gợi lên bao xót xa trong lòng người. Bầu trời thì xanh nhạt, mặt trời lên chói chang, tuyết vẫn phủ mặt đất. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà. Và họ bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”. Trái Đất và bầu trời vẫn đẹp. Vẫn có kẻ vô tình trước nỗi đau của đồng loại. Đời vẫn nhiều nghịch cảnh đau buồn như “tuyết vẫn phủ kín mặt đất”. Ai mà biết được “cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm? “Cái chết của em bé bán diêm thể hiện cái nhìn cảm thông, đầy nhân văn của tác giả An-đéc-xen: nhắc nhở mọi người hãy quan tâm. yêu thương, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Giá trị nhân đạo, nhân văn của truyện Cô bé bán diêm giúp ta thấy được, ông là nhà văn của “mọi thời, mọi người và mọi nhà” như Huy-gô, đại văn hào Pháp đã nói. Hãy nghĩ đến và phấn đấu vì một ngày mai – một ngày mai tươi đẹp cho tuổi thơ trong ấm no, hạnh phúc và ca hát, hòa bình!

14/ Đọc lại một số câu văn miêu tả cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm. Em nghĩ gì về cách ứng xử của họ?

Một số câu văn miêu tả lại cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm:

Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhạt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó đường, người ta thấy một em gái đã có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhắn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!.” Nhưng chẳng ai biết những cái kỳ diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

Buori sáng đầu tiên của năm mới, mọi người ai cũng vui vẻ, rạng rỡ nhưng em bé lại một mình chết ở xó tường, em chết vì lạnh, vì lòng người vô cảm không ai quan tâm, giúp đỡ em.

Cái chết của em bé thật nhẹ nhàng, như một sự giải thoát cho kiếp người bất hạnh khốn khổ của em, thế nhưng nó phản ánh một sự thật đau lòng rằng: em đã phải chết giữa dòng người vô tâm, lãnh đạm và thờ ơ, chính xã hội đó đã giết chết những con người như em, nếu người ta có tình thương, có lòng nhân ái có lẽ số phận của em đã khác.

Từ cách ứng xử của những người đi đường trước cái chết của cô bé bán diêm, em thấy truyện đã truyền tải đến người đọc thông điệp giàu ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân đạo: hãy quan tâm, yêu thương trẻ thơ và để cho chúng được sống một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.

15/ Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết, hình ảnh tương phản như: cảnh đoàn tụ của các gia đình đêm giao thừa với tình cảm đói rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui của ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường;… Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó.

Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh, chi tiết tương phản như: cảnh đoàn tụ của các gia đình trong đêm giao thừa với tình cảnh đói rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường;…

Tác giả đã sử dụng những hình ảnh tương phản:

  • Căn nhà của bố con em chui rúc trong “cái xó tối tăm” >< Ngôi nhà ngày xưa có bà nội, “ngôi nhà xinh xắn có dây thường xuân bao quanh”.
  • Thực tại phũ phàng, em phải sống với người bố thô lỗ, cục cằn >< Quá khứ hạnh phúc với tình yêu thương của bà nội.
  • Em phải đi bán diêm trong đêm giao thừa rét mướt >< Mọi gia đình đoàn tụ, quây quần ấm cúng.
  • Ngoài đường trời đông giá rét, tuyết rơi >< Cô bé “đầu trần, chân đất”.
  • Em bé bụng đói, cô đơn trong đêm tối. >< Cửa sổ mọi nhà đều “sáng rực ánh đèn”, trong phố “sực nức mùi ngỗng quay”.
  • Thực tế là bức tường lạnh lẽo, tối tăm, mọi ảo ảnh biến mất chỉ còn cô đơn và cái chết. >< Mộng tưởng tươi đẹp lung linh với lò sưởi sáng loáng, mâm cỗ thịnh soạn. cây thông lung linh ngàn ngọn nến, bà nội hiện lên mỉm cười, hai bà cháu bay lên trời về với Thượng đế.
  • Em bé chết trong giá lạnh. >< Đôi má hồng và đôi môi vẫn như đang mỉm cười.
  • Cái chết thương thâm của em bé. >< Sự lạnh lùng, thờ ơ của mọi người.

Tác dụng, ý nghĩa: Những hình ảnh đối lập, tương phản được nhà văn miêu tả một cách kỹ lưỡng nhằm làm nổi bật tình cảnh khốn khổ, cô đơn, bất hạnh của cô bé bán diêm. Qua đó thể hiện tấm lòng của ông đối với số phận trẻ thơ nghèo khổ: sự cảm thương, trân trọng, ngợi ca những ước mơ của tuổi thơ. An-đéc-xen là nhà văn của mọi thời đại, mọi người và mọi nhà với thông điệp rất nhân văn: Hãy để trẻ em được sống trong hạnh phúc, ấm no. Hình ảnh đối lập của cô bé bán diêm và mọi người mãi mãi để lại trong lòng bao người đọc trên khắp thế gian này niềm đau thương vô hạn, như luôn nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

16/ Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện Cô bé bán diêm có kết thúc giống như vậy không?

Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện cổ tích Cô bé bán diêm có kết thúc vừa có hậu, vừa không có hậu. Bởi vì:

  • Truyện cổ tích Cô bé bán diêm đã có một kết thúc có hậu (khi nói về phương diện giải phóng số phận con người). Cái chết của cô bé bán diên khốn khổ là một cảnh tượng thương tâm, nhưng đây là một cái chết đẹp, hình hài thể xác chết mà linh hồn, khát vọng của em bé vẫn sống, sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, sống trong cảnh tượng huy hoàng cùng bà bay lên đón năm mới. Nói về cái chết, người ta hay nghĩ tới bi kịch. Viết về cái chết của cô bé bán diêm như thế, nhưng tác phẩm của An-đéc-xen là một bi kịch lạc quan.
  • Truyện cổ tích Cô bé bán diêm đã có một kết thúc không có hậu vì nhan vật chính đã chết. Cái chết của cô bé bán diêm khốn khổ là một cảnh tượng thương tâm, tuy em chết với đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, sống trong cảnh tượng huy hoàng cùng bà bay lên đón năm mới. Nhưng dù sao vẫn là chết. Nếu thực sự có hậu, em bé bán diêm không phải chết mà được hưởng hạnh phúc ngay trên trần thế chứ không phải trên thiên đường.

(Các em học sinh lưu ý: Nếu gặp câu hỏi dạng này (câu hỏi 2 lựa chọn), các em đưa ra đáp án theo lựa chọn nào cũng đúng và có điểm, thầy cô sẽ tôn trọng ý kiến của các em, tuy nhiên các em cần có sự lí giải hợp lí cho lựa chọn của mình).

17/ Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) với nhan đề: Gửi tác giả truyện “Cô bé bán diêm”.

Đoạn văn 1:

Gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm

Kính thưa nhà văn An-đéc-xen! Cháu vừa đọc xong truyện cổ tích Cô bé bán diêm của ông! Câu chuyện đã khép lại nhưng trước mắt cháu vẫn hiện ra hình ảnh thi thể của cô bé bán diêm với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” và văng vẳng bên tai cháu tiếng mọi người bảo nhau “chắc nó muốn sưởi cho ấm”. Cháu cảm thấy day dứt, day dứt vì số phận bi đát đáng thương của một em bé thơ dại, day dứt vì cách ứng xử vô tâm giữa những con người trong xã hội. Và cháu tự hỏi: “Biết đâu quanh đây, nơi mình đang sống, nơi mình từng “vội vã” đi qua cũng tồn tại vô số những mảnh đời như thế?”. Và biết đâu có thể đôi lúc, cháu cũng vô tình như những con người trong câu chuyện này. Chao ôi! Nếu thế thì thật đáng trách phải không ông? Đọc Cô bé bán diêm, cháu mới thực sự thấm thía câu: Hãy sống chậm lại, nghĩ ít đi và yêu thương nhiều hơn. Cháu sẽ luôn nhớ mãi câu nói của ông và sẽ xem nó như một “mệnh lệnh từ trái tim”: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích được viết lên từ chính cuộc sống!” Xin chân thành cảm ơn ông đã cho cháu nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuojc sống, của tình yêu thương con người!

Đoạn văn 2:

Gửi tác giả truyện Cô bé bán diêm

Nhà văn An-đéc-xen kính mến! Từ thế kỉ XXI, từ đất nước Việt Nam xa xôi, cháu viết cho ông những dòng này ngay khi mình đang khóc. Cháu khóc từ những dòng đầu tiên cho đến tận lúc đọc xong truyện Cô bé bán diêm của ông. Cô bé bán diêm đã chết rồi ông ạ, chết ngay giữa đêm giao thưa, thật xót xa và đáng thương khi em đã phải chết vì đói và rét, chết trong sự cô đơn… Phải chăng, trong câu chuyện của mình, ông đã có những dụng ý sâu xa trong việc miêu tả những mộng tưởng của cô bé bán diêm qua mỗi lần quẹt diêm; trong cách ông miêu tả về cái chết của cô bé bán diêm qua mỗi lần quẹt diêm; trong cách ông miêu tả về cái chết của cô bé bán diêm như một cái chết đẹp, hình hài thể xác chết mà linh hồn, khát vọng của em bé vẫn sống, sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, sống trong cảnh tượng huy hoàng cùng bà bay lên đón năm mới? Phải chăng, cái chết của cô bé bán diêm là dụng ý của ông muốn mọi người phải thực sự nhìn nhận và thức tỉnh về tình người? Phải chăng qua câu chuyện về cô bé bán diêm, ông muốn “kê đơn bốc thuốc” – liều thuốc khơi dậy lòng nhân ái, bao dung và nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau? Dù thế nào, cháu cũng đã cảm nhận được tình thương yêu, niềm tin con người và khát vọng về những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, cho con người mà ông gửi gắm qua câu chuyện. Cảm ơn ông – nhà văn Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích cho trẻ em!

Kết luận

Hướng dẫn soạn bài Cô bé bán diêm đã được cập nhật đầy đủ tại The POET Magazine. Học sinh theo dõi và soạn bài chính xác để có sự chuẩn bị tốt cho buổi học sắp tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *