Soạn bài Đồng dao mùa xuân (Nguyễn Khoa Điềm) lớp 7
Soạn bài Đồng dao mùa xuân được biên soạn chi tiết theo chương trình sách giáo khoa mới. Học sinh có thể tham khảo gợi ý từ Trang tổng hợp thơ The POET để có thêm tài liệu cho phần chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Trước khi đọc
Soạn bài Đồng dao mùa xuân lớp 7 SGK ngữ văn 7 phần trước khi đọc giúp học sinh hiểu hơn về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm. Phần trả lời câu hỏi đầy đủ và chi tiết bao gồm:
1/ Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩa đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là gì? Em biết những bài thơ bốn chữ nào? Hãy chia sẻ cảm xúc của em về một bài thơ bốn chữ.
Khi nghe đến cụm từ thơ bốn chữ, em nghĩ ngay đến những bài thơ theo thể bốn chữ (có 4 chữ trong 1 dòng), ngắn gọn và giàu ý nghĩa.
Một số bài thơ em đã học theo thể bốn chữ gồm:
- Đôi que đan của Phạm Hồ (SGK Tiếng Việt 4, NXB Giáo dục Việt Nam).
- Sắc màu em yêu của Phạm Đình Ân (SGK Tiếng Việt 5, NXB Giáo dục Việt Nam).
- Lượm của Tố Hữu (SGK Ngữ văn 6, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).
Em rất ấn tượng với bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ đã làm sáng lên hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi tên Lượm, một cậu bé liên lạc tuổi đời còn rất nhỏ nhưng tinh thần kiên cường, dũng cảm lại không thua kém một người lính cách mạng nào. Hình ảnh của Lượm luôn hiện lên sự hồn nhiên, ngây thơ, lạc quan, yêu đời. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người.
2/ Chia sẻ cảm nhận của em về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ.
Tên gọi ấy vừa gần gũi, thân thương, vừa mang ý nghĩa sâu sắc. “Anh bộ đội Cụ Hồ” mang trong mình phẩm chất của người chiến sĩ trong thời đại mới, thật giản dị, chân thật mà thân yêu!
Thế hệ chúng ta may mắn khi sinh ra ở thời điểm đất nước đã hòa bình. Hình ảnh anh bộ đội tham gia các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm phần lớn được cảm nhận qua tài liệu, phim ảnh, văn học,… những hình ảnh ấy cũng từng được tài liệu rõ nét trong một cuộc chiến khác – cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, không khói bom súng đạn nhưng cũng hết sức cam go và cả nhiều mất mát.
Trong thời chiến cũng như thời bình, hình ảnh người lính không quản ngại khó khăn gian khó, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, dũng cảm hi sinh quên mình vì nhiệm vụ càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ nhân dân mà ra vì nhân dân phục vụ. Ngay trong những ngày tưởng là bình yên nhất thì đại dịch bùng phát làm cho cả nước ta phải gồng mình chống dịch. Những thời khắc khó khăn này, người lính lại lên đường làm nhiệm vụ cao cả – giúp dân chống dịch. Ngày đêm các chiến sĩ chăm sóc, hỗ trợ cho người dân đi cách li tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, hướng dẫn người dân bị F0 điều trị tại nhà. Dù trời mưa hay nắng, dù dịch bệnh nguy hiểm đến tính mạng, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc đã lên đường đi vào chi viện cho miền Nam. Trên mọi nẻo đường, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ mang quân phục màu xanh trở nên thân thuộc với người dân thành phố mang tên Bác. Những bữa ăn nặng nghĩa tình, những phần quà đầy ý nghĩa nhân văn từ tay các chiến sĩ đã ghi dấu ấn không thể nào quên trong lòng người dân thành phố.
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ vô cùng đẹp đẽ trong lòng dân Thành phố. Khắp mọi ngóc ngách của Thành phố Hồ Chí Minh đâu đâu ta cũng đều có thể bắt gặp màu áo xanh của anh bộ đội thân thương, gần gũi, ấm áp và nghĩa tình. Có thể khẳng định, khi Tổ quốc và nhân dân cần, “bộ đội Cụ Hồ” luôn sẵn sàng lên đường, chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy ở phía trước, dù phải hi sinh tính mạng cũng không chùn bước. Cứu giúp nhân dân đã trở thành một trong những nhiệm vụ chiến đấu hàng đầu giữa thời bình của “bộ đội Cụ Hồ”, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim.
Chúng ta đặt niềm tin vào các anh bởi bản lĩnh, cốt cách, niềm tin, đó là kết tinh của sức mạnh.
Đọc văn bản soạn bài Đồng dao mùa xuân
Học sinh đọc văn bản và trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa. Soạn văn 7 Kết nối tri thức Đồng dao mùa xuân phần này giúp học sinh nắm vững nội dung của tác phẩm này.
1/ Theo dõi số tiếng trong mỗi dòng thơ vần thơ, nhịp thơ.
- Số tiếng trong mỗi dòng thơ: 4 tiếng.
- Gieo vần: vần cách (chữ cuối cùng của dòng chẵn vần với nhau). Ví dụ:
Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành.
=> Chữ cuối của câu thơ thứ hai vần với chữ cuối của câu thơ thứ tư.
- Nhịp thơ: Nhịp 2/2, ⅓ tùy theo từng câu.
2/ Hình dung hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa”.
“Những năm máu lửa” là trong thời chiến – những năm tháng chiến tranh, hình ảnh người lính không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn ở vị trí xung kích đi đầu, dũng cảm hi sinh quên mình vì nhiệm vụ càng làm rạng ngời hơn phẩm chất của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
3/ Hình dung hình ảnh người lính ở lại nơi chiến trường xưa trong tưởng tượng của tác giả.
Người lính đã ở lại mãi mãi nơi chiến trường, hóa thành “ngọn lửa” để mãi sáng nơi núi rừng hoang vu. Đó là hình ảnh người lính trẻ, đầy nhiệt huyết, đầy tình yêu thương đối với dân tộc. Anh vẫn “lặng lẽ”, “ngồi” lại một mình, gửi tuổi xuân bên màu hoa đại ngàn theo những chặng đường đi lên của đất nước.
Soạn bài Đồng dao mùa xuân Trả lời câu hỏi
Giải đáp câu hỏi ở phần này giúp học sinh tổng hợp được nội dung kiến thức của bài. Qua đó, học sinh có thêm tài liệu để làm bài phân tích tác phẩm.
1/ Cách chia khổ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu tác dụng của cách chia đó.
Cách chia khổ của bài thơ đặc biệt ở chỗ: Khổ thơ đầu có 3 câu, khổ thơ thứ 2 có 2 câu. Từ khổ thơ thứ 3 trở đi mỗi khổ thơ có 4 câu.
Cách chia này phù hợp với nội dung và ý nghĩa bài thơ. Khổ thơ đầu tiên giới thiệu ngắn gọn hình ảnh và xuất thân người lính. Khổ thơ thứ hai chỉ có hai câu lắng đọng như một nốt trầm nghẹn ngào khi giới thiệu rằng người lính không trở về nữa. Điều này để lại những dư âm vang vọng trong lòng người đọc và gợi lên nhiều suy ngẫm. Những khổ thơ tiếp theo tái hiện đầy đủ những khoảnh khắc và vẻ đẹp trong phẩm chất, hồn người lính nơi chiến trận.
2/ Nêu nhận xét của em về số tiếng trong mỗi dòng và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.
Số tiếng: mỗi dòng có 4 tiếng.
Cách gieo vần: vần cách (chữ cuối của dòng chẵn vần với nhau).
Ví dụ 1:
Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành.
Ví dụ 2:
Tuổi xuân đang đội
Ngày xuân ngọt lành
Theo chân người lính
Về từ núi xanh.
=> Chữ cuối của câu thơ thứ hai vần với chữ cuối của câu thơ thứ tư.
Nhịp thơ: Nhịp 2/2, 1/3 tùy theo từng câu.
3/ Đọc bài thơ, ta như được nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Em hình dung câu chuyện đó như thế nào?
Bài thơ là câu chuyện kể về cuộc đời người lính từ lúc vào chiến trường cho đến khi hi sinh. Người lính ấy tham gia chiến đấu vào những năm tháng đất nước đang sôi sục tranh đấu khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi hòa bình trở lại trên đất nước thân yêu thì anh lại không thể trở về quê hương được nữa. Anh đã anh dũng hi sinh trong một trận đánh, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, về với đất mẹ thân yêu. Người lính ấy chưa từng hẹn hò, chưa biết yêu, tuổi trẻ của anh chỉ dành trọn cho tổ quốc. Nhiều năm trôi qua, anh vẫn không thể trở về, chỉ có nụ cười hiền lành, những khoảnh khắc đẹp đẽ của anh nơi Trường Sơn còn mãi trong lòng mọi người.
4/ Hãy tìm những chi tiết khắc họa hình ảnh người lính. Qua các chi tiết đó, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì?
Chi tiết khắc họa người lính:
- Chưa một lần yêu.
- Mê thả diều.
- Nụ cười hiền lành.
- Mắt trong như suối biếc.
- Vai đầy núi non.
- Tấm áo màu xanh.
- Làn da sốt rét.
- Anh ngồi lặng lẽ.
- Anh ngồi rực rỡ.
Hình ảnh người lính hiện lên với các đặc điểm:
- Trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng: chưa biết yêu, mê thả diều.
- Hiền lành, nhân hậu: Nụ cười hiền.
- Anh hùng, sống với lí tưởng cao đẹp: hình ảnh “mắt trong”, “vai đầy núi non” thể hiện lòng quyết tâm, phẩm chất anh hùng cách mạng, lí tưởng sống vì đất nước, vì quê hương của người lính.
5/ Nêu cảm nhận của em về tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho người lính đã hi sinh được thể hiện trong bài thơ.
Tình cảm của đồng đội: Bài thơ thể hiện tình yêu thương của người lính dành cho đồng đội của mình, thể hiện qua các câu thơ: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”. Đó là tình cảm đùm bọc, gắn bó của những người lính bên nhau giữa mưa bom, lửa đạn, là sự sẻ chia khi cùng sát cánh chiến đấu, là sự thương nhớ, xót đau, sự tiếc nuối, bâng khuâng khi hay tin đồng chí, đồng đội của mình hi sinh. Đó là những tình cảm cao đẹp của người lính cụ Hồ chiến đấu.
Tình cảm của nhân dân dành cho người lính đã hi sinh: Tình cảm của nhân dân dành cho người lính không thể hiện trực tiếp qua bài thơ mà thể hiện gián tiếp qua những dòng thơ đầy cảm xúc và những từ ngữ khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của người lính cụ Hồ: “Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian”, “Anh ngồi rực rỡ … Mắt như suối biếc”. Chính tình cảm thương nhớ, yêu mến, trân trọng của nhân dân đã khắc họa nên chân dung người lính đẹp đẽ và thơ mộng như vậy. Trong cảm nhận của nhân dân, dù người lính mãi mãi nằm xuống nơi núi rừng Trường Sơn xa xôi nhưng hình ảnh của họ thì còn mãi, bởi chính họ đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước hôm nay. Họ là tượng đài được tạc bằng vẻ đẹp nhân phẩm, tâm hồn của lính bộ đội cụ Hồ. Tượng đài ấy bất tử với thời gian.
6/ Theo em, tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa như thế nào?
Đồng dao: Là thể loại thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt nam dùng để vui hát.
Mùa xuân: Là mùa đầu tiên của năm, gợi lên những cảm nhận tươi đẹp của thiên nhiên, vạn vật và gợi lên sức sống mãnh liệt của con người, vạn vật khi vào xuân.
Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa gợi lên khúc hát quen thuộc về vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn của người lính bộ đội cụ Hồ, ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của họ – chính sự hy sinh đó đã làm nên thành đồng Tổ quốc.
Kết bài
Học sinh cần soạn bài Đồng dao mùa xuân của tác giả Nguyễn Khoa Điềm trước khi đến lớp. Việc này giúp bạn có thể dễ dàng nắm vững được kiến thức của cả bài.
XEM THÊM:
- Soạn văn Gặp lá cơm nếp tác giả Thanh Thảo
- Trả lời câu hỏi Trở gió đầy đủ chi tiết
- Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần