Soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo) – Đọc hiểu văn 7

Hướng dẫn soạn bài Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo) chi tiết theo sách giáo khoa. Qua đó, trang phân tích văn học The POET giúp học sinh hiểu hơn về phong cách sáng tác và nội dung của bài thơ.

Table of Contents

Trước khi đọc

Soạn Gặp lá cơm nếp (sách Ngữ văn lớp 7) phần trước khi đọc giúp bạn hiểu về thể thơ và hoàn cảnh sáng tác. Qua đó, có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của tác giả khi sáng tác bài thơ này.

soạn bài gặp lá cơm nếp
Soạn bài phần trước khi đọc chi tiết

1/ Xác định bài thơ thuộc thể năm chữ trong số những bài thơ sau đây: Truyện cổ nước mình (Lâm Thị Mỹ Dạ), Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Mây và sóng (R.Ta-go), Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông).

Các bài thơ thuộc thể năm chữ: Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh).

Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh)

Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác

 

***

 

Mắt trẻ con sáng lắm

Nhưng chưa thấy gì đâu!

Mặt trời mới nhô cao

Cho trẻ con nhìn rõ

Màu xanh bắt đầu cỏ

Màu xanh bắt đầu cây

Cây cao bằng gang tay

Lá cỏ bằng sợi tóc

Cái hoa bằng cái cúc

Màu đỏ làm ra hoa

Chim bấy giờ sinh ra

Cho trẻ nghe tiếng hót

Tiếng hót trong bằng nước

Tiếng hót cao bằng mây

Những làn gió thơ ngây

Truyền âm thanh đi khắp

Muốn trẻ con được tắm

Sông bắt đầu làm sông

Sông cần đến mênh mông

Biển có từ thuở đó

Biển thì cho ý nghĩ

Biển sinh cá sinh tôm

Biển sinh những cánh buồm

Cho trẻ con đi khắp

Đám mây cho bóng rợp

Trời nắng mây theo che

Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…

 

Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác…

Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui

Bà kể đến suốt đời

Cũng không sao hết chuyện

 

Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất…

 

Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường

Và sinh ra thầy giáo…

Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra

Thầy viết chữ thật to

“Chuyện loài người” trước nhất

Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

 

Tại sao không học hát

Nhảy híp-hóp cho hay?

Thời gian trong một ngày

Đâu để dành bắt nạt

 

Sao không ăn mù tạt

Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

 

Những bạn nào nhút nhát

Thì là giống thỏ non

Trông đáng yêu đấy chứ

Sao không yêu, lại còn…?

 

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

 

Đừng bắt nạt mèo, chó

Đừng bắt nạt trái cây

Đừng bắt nạt ai cả

Vì bắt nạt dễ lây

 

Bạn nào bắt nạt bạn

Cứ đưa bài thơ này

Bảo nếu cần bắt nạt

Thì đến gặp tớ ngay

 

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi!

2/ Xôi là một trong những món ăn quen thuộc của người Việt. Chia sẻ cảm nhận của em về hương vị của món ăn đó.

Chẳng biết từ bao giờ người ta ăn xôi và khiến xôi trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực đa sắc màu của Việt Nam. Có lẽ chẳng tín đồ đam mê ẩm thực Việt nàm mà không biết đến xôi. Xôi đa dạng và phong phú đến nỗi bên cạnh những món xôi quen thuộc thì mỗi vùng miền lại có cho mình một phiên bản đầy hấp dẫn khác khiến các tín đồ ẩm thực không thể nào cưỡng lại được. Nhắc đến xôi Việt Nam thì không thể nào không nhắc đến xôi xéo – một trong những món đặc sản cực kì nổi tiếng. Dường như chẳng ai biết đầu tiên món xôi này do ai chế biến, chỉ biết rằng nó là món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao người dân Thủ đô. Cứ sáng sáng, những hàng xôi xéo lại tấp nập khách ra vào, có người mua vội gói xôi mang đi, cũng có người thong dong ngồi đợi và thưởng thức gói xôi thơm phức ngay bên vệ đường. Trông gói xôi có thành phần đơn giản thế thôi nhưng công đoạn chế biến quả thật kì công. Một gói xôi xéo phải có sự hòa quyện giữa độ dẻo của nếp, béo bùi của đỗ xanh giã nhuyễn, cùng với đó là chút mỡ hành phi thơm lừng. Nếu tháng, bạn còn có thể gọi thêm ruốc bông hoặc chả quế để ăn kèm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Từ những hạt gạo nếp giản dị, người ta đã chế biến nên vô vàn món xôi, từ đơn giản cho đến phiên bản độc đáo khác nhau, mà món nào cũng ngon và có sức hấp dẫn riêng. Vậy nên nếu có dịp, bạn nhất định phải thưởng thức hết những phiên bản Việt này nhé!

Đọc văn bản

Nội dung soạn bài Gặp lá cơm nếp lớp 7 giúp học sinh hiểu về nghệ thuật của bài thơ. Từ đó có thể cảm nhận sâu sắc giá trị nội dung mà tác phẩm mang lại.

soạn bài gặp cơm lá nếp lớp 7
Tìm hiểu nội dung tác phẩm

1/ Theo dõi số lượng tiếng trong mỗi dòng, vần và nhịp thơ.

Số tiếng trong mỗi dòng thơ: 5 tiếng.

Gieo vần: vần liền (chữ cuối của hai dòng kế tiếp vần với nhau).

Ví dụ:

Ôi mùi vị quê hương

Con quên làm sao được.

Mẹ già và đất nước.

Chia đều nối nhớ thương.

=> Chữ cuối của câu thơ thứ hai vần với chữ cuối của câu thơ thứ ba.

Nhịp thơ: Nhịp 2/3, 1/4, 3/2 tùy theo từng câu.

2/ Hình dung hình ảnh người mẹ trong kí ức của người con.

Trong kí ức của người con, người mẹ hiện lên với hình ảnh hiền từ, đảm đang, rất mực yêu thương con. Chăm chút cho con từng việc nhỏ. Đặc biệt hành động nhặt lá cơm nếp về để thổi nồi xôi thơm lừng cho con ăn làm con xúc động.

3/ Theo dõi tình cảm của người con dành cho mẹ và quê hương, đất nước.

Tình cảm của người con dành cho mẹ và quê hương đất nước được thể hiện rõ nhất qua hai câu thơ: Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương. Tình yêu thương mẹ luôn trào dâng trong trái tim người con. Nhớ về mẹ là nhớ về miền quê yên bình có hương vị quê hương ngọt ngào, đằm thắm. Nhớ về mẹ, người con như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục xây dựng đất nước giàu đẹp.

Trả lời câu hỏi

Soạn văn 7 Kết nối tri thức Gặp lá cơm nếp sau khi đọc bài giúp học sinh khái quát được nội dung của toàn bài. Qua đó, có thêm những dẫn chứng để làm bài phân tích tác phẩm.

1/ Số tiếng trong một dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp và chia khổ của bài thơ Gặp lá cơm nếp có gì khác với bài thơ Đồng dao mùa xuân?

Tiêu chí Gặp lá cơm nếp Đồng dao mùa xuân
Số tiếng 5 tiếng 4 tiếng
Cách gieo vần Vần liền (chữ cuối của hai dòng kế tiếp vần với nhau) Vần cách (chữ cuối của dòng chẵn vần với nhau)
Nhịp thơ Nhịp 2/3, 1/4, 3/2 tùy theo từng câu Nhịp 2/2, ⅓ tùy theo từng câ
Chia khổ thơ Mỗi khổ có 4 câu thơ, có trường hợp đặc biệt khổ chỉ có 2 hay 3 câu. Cách chia này nhằm tạo điểm nhấn cho văn bản và sự suy tư cho người đọc.

2/ Hãy nêu nhận xét về hoàn cảnh đã gợi nhắc người con nhớ về mẹ của mình. Trong ký ức của người con, hình ảnh mẹ hiện lên như thế nào?

Hoàn cảnh đã gợi nhắc con nhớ về mẹ: Tình cờ ngửi thấy hương thơm của món xôi và mùi khói bếp.

Hình ảnh người mẹ trong kí ức của con: Trong kí ức của người con, người mẹ hiện lên với hình ảnh hiền từ, đảm đang, rất mực yêu thương con, chăm chút cho con từng việc nhỏ. Đặc biệt, hành động nhặt lá cơm nếp để về thổi nồi xôi thơm lừng cho con ăn làm người con xúc động.

soạn gặp cơm lá nếp
Giải đáp câu hỏi theo SGK

3/ Trong khổ thơ thứ ba, người con thể hiện tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao những tình cảm, cảm xúc ấy lại cùng trào dâng trong tâm hồn người con khi “gặp lá cơm nếp”?

Tình cảm cảm xúc của người con khi “gặp lá cơm nếp”: Trong khổ thơ ba, người con đã dành những tình cảm nhớ thương và kính yêu dạt dào cho mẹ và đất nước (thể hiện qua các câu thơ “Con quên làm sao được … Chia đều nỗi nhớ thương”). Đó là tình cảm thiêng liêng của người con dành cho cội nguồn, cho dân tộc, cho người mẹ kính yêu đã sinh ra và yêu thương mình.

Những tình cảm, cảm xúc ấy cùng trào dâng trong tâm hồn người con khi “gặp lá cơm nếp”, vì đây chính là mùi vị của quê hương. Người lính ấy biết tới hương vị của xôi nếp từ những ngày thơ bé, khi được mẹ nấu cho và thưởng thức trên chính miền quê yêu dấu của mình. Vì vậy, mùi xôi đã mang đậm dấu ấn của tình mẹ, của quê hương, để rồi sau này đi về đâu, tình cờ ngửi thấy mùi hương quen thuộc ấy, anh cũng nhớ tới quê hương và người mẹ kính yêu của mình.

4/ Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh người con trong bài thơ?

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người lính xa nhà lâu năm. Điều đó được thể hiện qua câu thơ: Xa nhà đã mấy năm … Cây nhớ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi. Anh là một người con giàu tình cảm khi nhớ thương về mẹ với những điều bình dị và không quên được những món ăn quen thuộc mà mẹ đã dành trọn tình cảm để nấu cho anh. Người lính ấy đồng thời cũng là người con yêu nước, khi trong lòng anh luôn dạt dào tình cảm với làng quê, dân tộc.

5/ Theo em, thể thơ năm chữ có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm xúc của nhà thơ?

Thể thơ ngũ ngôn (năm chữ): Là thể thơ linh hoạt có khả năng biểu hiện phong phú, thích hợp với việc thể hiện tâm trạng và diễn tả tâm tình, cảm xúc sâu lắng. Trong bài thơ, thể thơ này được sử dụng và khai thác đạt hiệu quả nghệ thật: bình dị, cô đọng mà đầy cảm xúc. Toàn bài thơ có âm điệu chủ đạo là trầm lắng, ngậm ngùi. Giọng thơ này phù hợp trong việc thể hiện tâm tư, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của người con nơi xa nhớ về mẹ, nhớ về quê hương.

Viết kết nối với đọc

Học sinh có thể tham khảo đoạn văn mẫu theo yêu cầu trong sách giáo khoa. Từ đó tham khảo cách viết bài phân tích tác phẩm.

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.

“Mẹ!” Một tiếng gọi nhẹ nhàng thôi mà sao thiêng liêng quá đỗi. Tác giả Thanh Thảo đã gửi những cung bậc cảm xúc đong đầy ấy trong bài thơ Gặp lá cơm nếp. Bài thơ đã ghi lại nỗi nhớ da diết về mẹ của người con khi tình cờ bắt gặp hương thơm của món xôi và mùi khói bếp. Tác giả đã xa nhà nhiều năm, thèm một bát xôi nếp mùa gặp và nhớ về mẹ cùng những hương vị yêu dấu của làng quê. Trong tâm hồn anh, người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương, là suối nguồn yêu thương, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Ta như cảm nhận được cảm xúc nghẹn ngào trong lòng nhân vật trữ tình khi nghĩ về người mẹ tần tảo, một đời lam lũ, hi sinh để dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Những câu thơ giản dị, ngắn gọn mà vời vợi nỗi nhớ thương. Gặp lá cơm nếp được viết nên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ, để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.

Kết luận

Soạn bài Gặp lá cơm nếp giúp học sinh hiểu hơn về bài thơ. Đồng thời, đây cũng là tài liệu để học sinh tham khảo khi cần phân tích tác phẩm này.

XEM THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hi88 8xbet