Soạn bài Hãy cầm lấy và đọc – Kết nối tri thức lớp 7
Hướng dẫn soạn bài Hãy cầm lấy và đọc đầy đủ bám sát sách giáo khoa từ Trang tổng hợp thơ Thepoetmagazine sẽ giúp bạn nắm rõ thông điệp quý giá. Sáng tác từ Huỳnh Như Phương là tác phẩm mang theo ý nghĩa tốt đẹp từ tác giả. Bạn hãy trực tiếp cầm sách lên để chiêm nghiệm chứ đừng thông qua trung gian nào mà cảm nhận.
Trước khi đọc
Phần Trước khi đọc trong nội dung soạn văn 7 Hãy cầm lấy và đọc sách ngữ văn 7 mở ra hướng tiếp thu tác phẩm. Tại đây, học sinh sẽ được hướng dẫn trả lời những câu hỏi mang tính khơi gợi, khai mở tư duy.
1. Nêu một câu danh ngôn nói về sách hoặc về việc đọc sách mà em cho là có ý nghĩa.
Là một người yêu thích việc đọc sách, em rất thích câu danh ngôn “Một quyển sách hay là đời sống xương máu quý giá của một tinh thần ướp hương và cất kín cho mai sau” của J.Milton.
Em hiểu rằng việc đọc sách mang tới rất nhiều giá trị, có thể không nhìn thấy ở thực tại nhưng chắc chắn cần thiết cho tương lai. Việc đọc sách giống như “ướp hương tinh thần”, là động lực của “đời sống xương máu quý giá” và mãi mãi trường tồn trong ký ức – “cất kín cho mai sau”.
2. Em thích đọc loại sách nào? Em đã từng thu nhận được điều gì bổ ích sau khi đọc một cuốn sách?
Sở thích của em là đọc loại sách thuộc tản văn, bút ký về cảm nhận cuộc sống. Những quyển sách thuộc thể loại này thể hiện cực kỳ rõ nét xúc cảm của tác giả, suy nghĩ và đánh giá của người ấy về thế giới xung quanh. Câu từ dù bình dị nhưng lại chứa chan sự trải nghiệm, yêu thương, nghiền ngẫm đi sâu vào lòng người và tưới mát tâm hồn vô cùng tuyệt vời. Em cảm thấy thoải mái và dễ chịu mỗi khi đọc sách cũng như yêu mến Tiếng Việt hơn. Đây cũng là lý do em yêu thích các quyển tản văn, bút ký của những nhà văn từ trước đến nay.
Đọc văn bản
Soạn văn 7 Hãy cầm lấy và đọc phần Đọc văn bản bao gồm những câu hỏi tìm hiểu vấn đề, lập luận, lí lẽ trong tác phẩm. Nhờ việc trả lời mà học sinh có thể tiếp nhận thông điệp dễ dàng và trọn vẹn hơn.
1. Câu chuyện kết nối như thế nào với vấn đề nghị luận?
Việc đưa ra một câu chuyện bí ẩn, không rõ thật giả ảnh hưởng rất lớn đến thế giới. Bởi dù chỉ xuất hiện trong giấc mơ nhưng nó lại trở thành động lực để nhân vật, trở thành một khẩu hiệu. Từ đó, việc đưa ra câu chuyện trở nên rất cần thiết cho quá trình truyền tải thông điệp nằm trong vấn đề nghị luận.
2. Lí lẽ và bằng chứng nào được dùng để khẳng định vai trò của sách trong thế giới hiện đại?
- Lí lẽ được đưa ra là “Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần”.
- Bằng chứng có tác dụng tăng tính thuyết phục cho lí lẽ được tác giả sử dụng là “Người tuyệt thực, không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể chết, cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra”.
3. Làm cách nào để khắc phục được sự sa sút của văn hoá đọc?
Để giải đáp cho vấn đề này, tác giả cung cấp hai điều kiện đồng thời là hai phương diện trong văn hoá đọc. Đối tượng phải có sự thu hút với chủ thể, nghĩa là sách phải hấp dẫn thì người đọc mới cảm thấy hứng thú. Hay ngược lại chủ thể phải hình thành được ý thức muốn tìm hiểu thì sách mới tiếp cận được. Thiếu một trong hai phương diện này đều khiến tình trạng sa sút trong văn hoá đọc trầm trọng. Đây là một ý tưởng cực kỳ hay, dễ đi vào lòng người mà học sinh khi soạn bài Hãy cầm lấy và đọc nên học hỏi.
4. Cách kết văn bản có gì độc đáo?
Sự độc đáo, mới mẻ trong cách kết thể hiện ở chỗ sử dụng một câu nói được trích dẫn. Đây là nguyên văn câu thánh Au-gút-xtinh được nghe bằng tiếng Latinh, sau đó tác giả phiên dịch ra Tiếng Việt để kêu gọi người đọc đến với sách sẽ mang tính hấp dẫn hơn.
Sau khi đọc
Nội dung soạn bài Hãy cầm lấy và đọc lớp 7 Kết nối tri thức phần Sau khi đọc đưa ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải xem kỹ văn bản. Những chi tiết quan trọng đều được đề cập nhằm giúp học sinh tư duy và nghiên cứu chuyên sâu.
1. Văn bản tập trung bàn về vấn đề gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?
Vấn đề được văn bản tập trung bàn về là việc đọc sách. Em nhận thấy điều này thông qua nội dung của nhan đề, mở bài (bàn về câu chuyện của Thánh Au-gu-xtinh), thân bài (triển khai lí lẽ, bằng chứng liên quan đến đọc sách), kết bài (trích dẫn nguyên văn câu Thánh Au-gu-xtinh được nghe và nhắc lại thông điệp).
2. Tóm lược một số ý kiến được tác giả lần lượt trình bày trong văn bản.
Ở mỗi đoạn trong văn bản Ngữ văn 7 Hãy cầm lấy và đọc, tác giả mang đến rất nhiều ý kiến:
- Đoạn đầu từ Tương truyền… đến … thời trung đại: Mang tới câu chuyện của Thánh Au-gu-xtinh về sứ mệnh, động lực đọc sách.
- Đoạn thứ hai từ Vượt qua tính chất… đến … không dễ nhận ra: Đời sống tinh thần chịu ảnh hưởng bởi việc đọc sách như thế nào.
- Đoạn thứ ba từ Em hãy cầm lấy… đến … cuốn sách hay: Những người có trách nhiệm với mình mang tới sự khuyến khích đọc sách.
- Đoạn thứ tư, thứ năm và thứ sáu từ Không phủ nhận … đến … Hơ-bớt Mác-kiu-dơ đã nói: Tác dụng kỳ diệu của việc đọc sách.
- Đoạn thứ bảy từ Thời này, với sự… đến … giá trị tinh thần: Thay đổi hình thức sách và đọc sách.
- Đoạn thứ tám từ Lâu nay, chúng ta … đến … vô ích: Biện pháp khắc phục tình trạng sa sút của văn hoá đọc.
- Đoạn thứ chín, thứ mười gồm phần còn lại: Nhắc lại thông điệp về việc đọc sách một lần nữa sau khi đặt vấn đề và diễn giải.
3. Chỉ ra câu văn thể hiện cách lí giải của tác giả về thông điệp “Hãy cầm lấy và đọc”. Em đồng ý với cách lí giải đó không? Vì sao?
- Thông điệp Hãy cầm lấy và đọc thể hiện qua câu văn: Hãy tiếp xúc trực tiếp với một cuốn sách, hãy tự trải nghiệm mà không bước qua một trung gian nào.
- Em hoàn toàn đồng ý về cả nội dung cũng như phương pháp lí giải để truyền tải đến người đọc. Câu văn thể hiện rõ được tính chủ động mà chủ thể phải có cũng như vai trò của việc đọc sách với cuộc đời, suy nghĩ của con người. Chính việc tự trải nghiệm sẽ mang đến cảm xúc chân thực cũng như tạo cho con người thói quen tư duy, nghiền ngẫm khi tiếp cận với câu từ mới. Sách chạm tới tâm hồn thông qua đôi mắt của chính bản thân chứ không phải từ suy nghĩ và góc nhìn của bất cứ ai khác. Bởi vốn dĩ, sự đánh giá của mỗi người với mỗi quyển sách không bao giờ giống nhau hoàn toàn.
4. Tác giả đã dùng những lí lẽ và bằng chứng nào để khẳng định trong thế giới hiện đại, khi các phương tiện nghe nhìn phát triển không ngừng, con người vẫn cần phải đọc sách?
- Lí lẽ được đưa ra:
- “Đọc là một nhu cầu không thể thiếu của con người.”
- “Người ta vẫn đọc sách ngay khi các phương tiện nghe nhìn phát triển là bởi sự kì diệu của chữ trên trang sách (hàm chứa văn hoá của một dân tộc, mang hồn thiêng của đất nước, kích thích trí tưởng tượng, khơi gợi tư duy hồi đáp, phản biện,…)”
- Bằng chứng thuyết phục, giải đáp lí lẽ:
- “ Con chữ trên trang sách hàm chứa văn hoá của một dân tộc, mang hồn thiêng của đất nước. Chữ kích thích trí tưởng tượng của người đọc, không bị cố định hoá trong một khuôn khổ, hình thể nào.”
- “Sách chỉ là giấy và mực mà chứa cả thế giới, phơi bày cả bí ẩn của vũ trụ cũng như xã hội con người; nhờ đọc sách, ta hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình; đọc một cuốn sách hay như bị cuốn vào nỗi say mê, niềm khoái cảm,…
5. Theo tác giả, cần có những điều kiện gì để giải quyết tình trạng sa sút của văn hoá đọc hiện nay? Em tán thành với ý kiến của tác giả về vấn đề này không? Vì sao?
- Tác giả văn bản Hãy cầm lấy và đọc cho rằng, tình trạng sa sút văn hoá đọc chỉ được giải quyết khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Chủ thể đọc và đối tượng đọc. Chủ thể phải là người ham đọc và sách phải giàu ý nghĩa, giá trị mới có thể hấp dẫn lẫn nhau.
- Em hoàn toàn tán thành với ý kiến này bởi không phải lúc nào con người cũng cảm thấy hứng thú với một quyển sách dù có thông điệp tốt, giá trị. Ngược lại, người có cảm hứng đọc cũng dễ bị chán ngán khi cầm lên một cuốn sách không mang lại cho mình giá trị nào về mặt tinh thần. Phải có sự cải thiện ở cả hai điều kiện, thiếu một trong hai đều không có tác dụng khắc phục vấn đề.
6. Từ nội dung văn bản Hãy cầm lấy và đọc, theo em, có thể xem đọc sách là một kiểu trải nghiệm được không? Vì sao?
Bản chất của trải nghiệm có nghĩa là trải qua và rút ra kinh nghiệm, kiến thức, bài học cho chính mình. Thuật ngữ này mang tính chủ động và chủ quan, nghĩa là một người phải thực sự làm một điều gì đó mới hiểu bản thân nhìn nhận về điều đó như thế nào. Đọc sách cũng vậy. Tự tay cầm lên một quyển và đọc chính là trải nghiệm, là sự tự cảm nhận, sự tự suy nghĩ, tự tư duy và tự rút ra điều phù hợp nhất với bản chất của mình. Trải nghiệm không nhất thiết phải là trực tiếp chạm tới điều gì đó, thứ gì đó, chẳng hạn đi du lịch đến tận nơi nào đó mà là hiểu và biết về nó. Đọc sách về du lịch, về văn hoá hay con người của một vùng đất cũng mang tới những bài học, kiến thức hấp dẫn. Hoạt động này nuôi dưỡng tinh thần, nuôi dưỡng tri thức và mở mang đầu óc cực kỳ hiệu quả. Nghĩa là cả đọc sách lẫn đi đến tận nơi đều là trải nghiệm. Sách mang tới sự cảm nhận, vốn hiểu biết và đi đến nơi mang tới sự nhìn nhận, sự chân thực rõ ràng.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) với chủ đề: Sách là để đọc, không phải để trưng bày.
Với sự phát triển của công nghệ, sách không còn chỉ mang ý nghĩa cung cấp tri thức mà còn có tác dụng trưng bày với bìa đẹp, giấy cứng và khó bị hư hỏng. Tuy nhiên, dù ở bất cứ giai đoạn nào thì sách vẫn mang vai trò to lớn và chủ yếu nhất là nguồn thông tin bổ ích. Con người chỉ có thể mở mang đầu óc, cải thiện vốn từ cũng như rèn luyện lối suy nghĩ của mình thông qua việc đọc. Giá trị của quá trình đọc sách còn nằm ở sự tĩnh lặng và tập trung thấu hiểu từng chữ, từng câu trong tác phẩm ấy. Sách phải để đọc, để khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn chứ không phải khiến giá sách của mình đẹp.
Kết luận
Hướng dẫn soạn bài Hãy cầm lấy và đọc (Huỳnh Như Phương) giúp học sinh khai thác sâu vào từng chi tiết trong tác phẩm. Từ đó thông điệp về việc đọc sách, tự mình trải nghiệm và cảm nhận được truyền tải rõ nét.
XEM THÊM:
- Soạn văn bài Nói với con ( tác giả Y Phương)
- Soạn bài Câu chuyện về con đường tất cả câu hỏi
- Soạn Em bé thông minh – nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian (tác giả Trần Thị An)