Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng (ngắn) – Văn 8 KNTT
Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng chương trình văn 8 Kết nối tri thức, trả lời chi tiết các câu hỏi trong sách giáo khoa. Bạn có thể theo dõi, tham khảo đáp án gợi ý để chuẩn bị bài học mới.
Soạn bài 8 lá cờ thêu sáu chữ vàng: Trước khi đọc
Nội dung trước khi đọc để học sinh hình dung, có cái nhìn chung nhất về nhân vật chính trong đoạn trích: Trần Quốc Toản. Ngoài ông, có rất nhiều thiếu niên anh dũng, có tinh thần nồng nàn yêu nước từ rất sớm, khi tuổi còn nhỏ.
1/ Chia sẻ cảm nghĩ của em về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản
Có biết bao những vị anh hùng dân tộc đã đi vào trang sử vàng dân tộc như một huyền thoại. Đặc biệt, vị anh hùng dân tộc nhỏ tuổi mà chúng ta vô cùng cảm kích chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.
Trần Quốc Toản là một vị anh hùng nhỏ tuổi. Ông đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và hy sinh khi còn rất nhỏ. Câu chuyện về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam đến giờ vẫn được lưu truyền. Chỉ qua những trang văn được viết bằng tấm lòng kính phục của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” nhưng đã làm sống dậy thật đẹp cả một trang anh hùng trong một triều đại anh hùng, in đậm trong em những cảm nhận vừa mến phục vừa tự hào.
Em rất thông cảm với phẫn nộ của chàng khi không được dự Hội nghị Bình than. Nhiệt tình yêu nước, thù giặc sôi sục khiến chàng không thể bằng lòng với cương vị ngoài cuộc, không thể bộc lộ quan điểm của mình trong lúc Tổ quốc lâm nguy. Hành động liều mạng bất chấp phép tắc triều đình, xét đến cùng, chính là do nhiệt tình trung quân ái quốc của tuổi trẻ mà ra, đúng như lời phán độ lượng của vua Thiệu Bảo: “Biết lo cho vua cho nước chí ấy đáng trọng”. Càng đáng trọng biết bao, khi Trần Quốc Toản không chỉ thể hiện nhiệt tình cao quý ấy bằng lời, mà còn tự nguyện thể hiện nó bằng hành động trước hết bằng cử chỉ đã được ghi lại sáng ngời trong lịch sử; sức phẫn nộ, chí diệt thù đã chuyển một phần thành năng lượng bóp nát quả cam vua ban trong tay lúc nào không biết! Ông chính là tấm gương về lòng dũng cảm, cùng tinh thần yêu nước.
2/ Ngoài Trần Quốc Toản, em biết thêm nhân vật thiếu nhi lỗi lạc nào trong lịch sử?
Ngoài Trần Quốc Toản một số nhân vật thiếu nhi lỗi lạc trong lịch sử mà em được biết gồm Trạng Nguyễn Hiền, Vừ A Dính, Kim Đồng, Nguyễn Bá Ngọc,… Họ đều là những tấm gương sáng cho mọi thiếu nhi noi theo.
Soạn văn lá cờ thêu sáu chữ vàng: Đọc văn bản
Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng ngắn nhất với câu trả lời vào trọng tâm để bạn tham khảo. Lưu ý, trước khi tham khảo, bạn nên đọc văn bản và đưa ra câu trả lời sau đó đối chiếu để việc học đạt hiệu quả cao nhất.
Theo dõi: Quang cảnh, không khí ở bến Bình Than – nơi diễn ra một hội nghị quan trọng.
Quang cảnh:
- Hai cây đa cổ thụ che kín cả một khúc sông;
- Dưới bến, những thuyền lớn của các vương hầu về hội sư, đậu dài san sát, sơn đủ các màu. Trên mui, thuyền phấp phới những lá cờ của Chiêu Minh Vương, của Chiêu Quốc Vương, của Chiêu Văn Vương, của Hưng Đạo Vương, của Chiêu Thành Vương.
Không khí: hùng tráng: “những thuyền lớn của các vương về hội sư, đậu dài san sát, sơn đủ màu…. phấp phới những lá cờ …”; “Thuyền ngự cao lớn hơn cả, chạm thành một con rồng lớn rực rỡ son vàng hai bên mạn dàn bảy cờ quạt, tàn vàng, tán tía và đồ nghi trượng…”; “những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa.”
Theo dõi: Những ý nghĩa của nhân vật xen vào lời kể của người kể chuyện.
“Thì ra các con trai của Hưng Đạo Vương đều đủ mặt. Những người em họi ấy, chẳng qua chỉ hơn ta dăm sáu tuổi”.
“Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!”.
Theo dõi: Hoài Văn có những suy nghĩ gì khi thấy các vương hầu họp bàn việc nước?
Hoài Văn suy nghĩ: Bàn gì thì bàn, cậu dám chắc cũng chẳng ngoài cái việc lớn là cho quân Nguyện mượn đường vào đánh Chiêm Thành hay chống cự lại mà thôi. Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây mà bàn đi bàn lại? Chao ôi! Lúc này mà Hoài Văn được xuyến thuyền rồng và được bàn việc nước! Chàng sẽ quỳ trước mặt quan gia và xin quan gia cho đánh!
Dự đoán: Điều gì sẽ xảy ra khi Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép?
Nếu Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép có thể sẽ bị xử phạt, nếu vua nghiêm khắc có thể phải chịu tội chết vì phạm thượng.
Theo dõi: Hoài Văn giải thích như thế nào về hành động của mình?
Hoài Văn biết mình mang tội lớn nhưng vì quốc gia có biến lớn, dù biết tuổi mình chưa đủ nhưng thân mang chí lớn sao có thể ngồi yên vị được. Chàng cho rằng, đất nước nguy nan thì đến đứa trẻ cũng phải lo nghĩ. Vua lo thì kẻ bề dưới cũng phải lo.
Theo dõi: Thái độ của Trần Quốc Toản thể hiện như thế nào qua lời nói?
Khi nghe Chiêu Thành Viên nói có người chủ chiến, người chủ hòa ” Quốc Toản đứng phắt dậy, mắt long lên:
Ai chủ hòa? Ai chủ hòa? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao mà lại bàn thế?”
=> Qua lời thoại và cách Quốc Toản đứng phắt dậy, có thể thấy chàng ta rất tức giận khi nói có người chủ hòa, cho giặc mượn đường qua nước ta là giâng giang sơn gấm vóc cho chúng.
Đối chiếu: Cách nhà vua xử lí hành động của Trần Quốc Toản có đúng như dự đoán của em không?
Cạch nhà vua xử lý khác với dự đoán của em, vua không ban Trần Quốc Toản tội chết. Vua thương tình chàng còn trẻ, rơi vào tình cảnh đáng thương, lại còn biết lo nghĩ cho vua, cho đất nước. Người truyền cho hai chú cháu đứng dậy và tặng cho Quốc Toản một quả cam sành chín mọng.
Theo dõi: Tâm trạng của Hoài Văn
Hoài văn vừa tức giận, vừa tủi vì bị đám quân Thánh Dực cười chế nhạo, lại vẫn không được dự bàn việc nước, mặc dù đã được ban cam quý. Hai bàn tay cậu rung lên vì giận dữ đến mức bóp nát quả cam lúc nào không biết.
Soạn văn bài lá cờ thêu sáu chữ vàng: Sau khi đọc
Những câu hỏi thuộc phần sau khi đọc Lá cờ thêu sáu chữ vàng lớp 8 giúp bạn hiểu sâu hơn về đoạn trích, tác phẩm, tính cách nhân vật. Cụ thể:
1/ Hãy tóm tắt nội dung của văn bản cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào.
Giặc Nguyên có ý định xâm lược nước ta nên lấy cớ cho sứ thần sang giả vờ xin vua nước ta cho mượn đường đánh Chiêm Thành. Biết được ý đồ của giặc, vua Trần cho họp bàn các vương hầu ở bến Bình Than để bàn kế sách. Nghe tin đó, Trần Quốc Toản vô cùng căm phẫn và muốn tham gia họp bàn. Một hôm, vua đang họp bàn cùng các quan ở dưới ngự thuyền. Chờ mãi chưa được gặp vua để xin lệnh cho đánh, Trần Quốc Toản xô ngã mấy tên lính xuống nước để được gặp vua. Lúc này, cuộc họp đã xong, chàng chạy xuống tâu: “Cho giặc mượn đường là mất nước xin bệ hạ cho đánh” và đặt gươm lên gáy xin chịu tội. Tuy nhiên, vua cho rằng chàng đã sai phép nước, lẽ ra phải chịu tội nhưng tuổi còn nhỏ, lại có tấm lòng yêu nước nên được tha. Vua ban cho chàng quả cam quý vì thấy chàng còn trẻ mà biết lo việc nước. Bị vua xem là trẻ con và căm giận khi nghĩ tới quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ mình, Quốc Toản vô tình bóp nát quả cam lúc nào không biết.
Bối cảnh lịch sử: Câu chuyện dựa trên bối cảnh của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai.
2/ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?
Khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Thanh, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cảm thấy sốt ruột và lo lắng không yên. Chàng muốn xuống thuyền cùng các vương hầu bàn việc nước. Muốn quỳ xin quan gia cho đánh nhưng lại sợ phạm thượng.
3/ Khi quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động gì khác thường?
Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản đã có hành động khác thường là tuốt gươm quát lớn, gây náo động cả bến sông.
Vì sao Trần Quốc Toản có hành động như vậy?
Quốc Toản có hành động như vậy là vì chàng phải chờ quá lâu, vừa đói, vừa hoa mắt, đầu choáng váng vừa lo lắng sốt ruột nên không chờ được nữa. Chàng lo lắng cho vận mệnh của đất nước, bọn giặc đang hoành hành, dân chúng thì đói khổ mà vẫn có ý kiến muốn cầu hòa, cầu hòa là dâng dất nước cho bọn giặc. Chính vì vậy, Quốc Toản liều chết một phen, chỉ để nói hai tiếng xin đánh.
4/ Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo có thái độ và cách xử lí như thế nào?
Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo đã gật đầu, mìm cười nhìn Hưng Đạo Vương. Lời nói của Quốc Toản cũng hợp với ý của vua và Hưng Đạo. Tuy rằng Quốc Toản phạm thượng, nhưng vì nể tình còn trẻ, hoàn cảnh đáng thương, lại biết lo lắng cho vua, lo cho việc nước nên được thứ tội, cho lui về làm tròn chữ hiếu phận làm con.
Sau đó, vua còn đích thân tặng chàng một quả cam sành chín mọng – phần làm quà chỉ dành cho các vương hầu đến dự họp.
Thái độ và cách xử lí đó cho thấy điều gì ở vị vua này?
Thái độ và cách xử lý như trên cho thấy đây là một vị vua đức độ, anh minh, xét sự việc dựa trên cả lý lẫn tình, trân trọng chí khí và nỗi lòng, quan tâm đến việc dân, việc nước của vị vua trẻ.
5/ Trong lời người kể chuyện đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín của nhân vật Trần Quốc Toản. Hãy nêu một vài trường hợp và phân tích tác dụng của sự đan xen đó.
Ý nghĩ của Trần Quốc Toản:
- Cha ta mất sớm nên ta mới phải đứng rìa chịu nhục nhã thế này!
- Hoài Văn dám chắc cũng chẳng ngoài cái việc lớn là cho quân Nguyên mượn đường vào đánh Chiêm Thành hay chống cự lại mà thôi. Dã tâm của giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây mà bàn đi bàn lại?
- Hoài Văn chỉ có một ý nghĩa là đánh, đánh để giữ lấy quốc thể.
- Những người áo vải ấy còn biết đường phải trái, huống chi ta là bậc tôn thất há lại không nghĩ được như họ hay sao? Đến họ mà quan gia còn hỏi kế, sao ta là người gần gũi quan gia chẳng hỏi một lời?
- Thôi thì liều một chết vậy. Ta cứ xuống, chỉ nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình định tội.
- Đường rồi! Xem cái thằng phải đứng ngoài rìa này có phải là một kẻ toi cơm không?
=> Tác dụng: Việc đan xen ý nghĩ của nhân vật trong lời kể khiến cho câu chuyện trở nên sinh động và chân thực hơn. Người đọc không chỉ thấy được rõ các sự việc đang diễn ra mà còn thấy được những ý nghĩ thầm kín để qua đó hiểu hơn về diễn biến tâm lý và biết được tính cách thực sự của nhân vật. Qua đó, tính cách của Trần Quốc Toản vì thế cũng được bộc lộ rõ ràng hơn.
6/ Những nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua lời đối thoại với các nhân vật khác trong truyện?
Qua lời đối thoại với các nhân vật, có thể thấy Trần Quốc Toản là một chàng thiếu niên khảng khái và bộc trực, còn nhỏ nhưng đã đau đáu chuyện nước nhà. Là một người yêu nước thương nòi, có lòng dũng cảm, kiên cường, chàng không do dự mà trực tiếp xin đánh, đẩy lùi quân giặc không cho chúng chiếm phá bờ cõi nước nhà.
7/ Trong truyện này, ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đều mang đậm màu sắc lịch sử. Hãy nêu một số ví dụ và cho biết tác dụng.
Ví dụ như một số từ ngữ Hán Việt thời xưa dùng để mô tả sự vật, sự việc thời kỳ phong kiến lịch sử: vua, phạm thượng, thượng lệnh, tôn thất, bệ kiến, quân pháp vô thân,…
=> Tác dụng: Khiến cho câu chuyện sinh động và chân thực, làm rõ được bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đưa người đọc nhập tâm vào câu chuyện được kể.
8/ Hãy khái quát chủ đề của văn bản và cho biết căn cứ vào đâu em khái quát như vậy.
Chủ đề: Ca ngợi tình yêu nước, tấm lòng trung quân ái quốc. Căn cứ vào nội dung văn bản để khái quát chủ đề tác phẩm.
Chuẩn bị soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh cho bài học tiếp theo của chương trình văn 8. Đây cũng là bài học mô tả lòng yêu nước mãnh liệt của ông cha ta.
Soạn văn 8 bài lá cờ thêu sáu chữ vàng: Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam.
“Bụi vàng” trong tác phẩm nghệ thuật là những chi tiết đắt giá, cái đắt giá chẳng dễ mua, dễ tìm, lấp lánh ánh màu của sự sống và tự nó làm nên một giá trị. Đến với tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta không thể không nhắc đến chi tiết đặc sắc: Trần Quốc Toản bóp nát quả cam. Chờ đợi quá lâu trên bến mà không được gặp vua để xin đánh, Quốc Toản bèn tự mình xông vào thuyền rồng đòi gặp vua để yết kiến và nói lên nguyện vọng của mình. Hiểu rõ đầu đuôi sự tình, vua cho chàng đứng dậy và thứ tội. Chàng tuy đã làm trái phép nước, nhưng thấy Quốc Toản còn trẻ mà đã biết lo việc nước nên vua đã ban cho chàng một quả cam. Việc ban thưởng quả cam cho thấy nhà vua rất tán thưởng hành động này của chàng. Ấm ức vì bị vua xem thường là trẻ con và lo lắng nghĩ tới việc sẽ cầu hòa quân giặc, như vậy đất nước sẽ vào tay giặc mà Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không hay. Chi tiết này cho thấy ý chí, nghị lực, sự quyết tâm và đặc biệt là lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt của Trần Quốc Toản. Qua chi tiết nhỏ đã khẳng định được rằng: dù còn nhỏ tuổi nhưng Trần Quốc Toản đã thể hiện được phẩm chất anh hùng. Dù thời gian có làm mờ đi tất cả nhưng tên tuổi của ông vẫn in đậm trong lòng người dân nước Việt.
Đây là một đoạn văn có thể sử dụng để tham khảo khi viết phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Những ý chính chung nhất được tổng hợp giúp bạn hình dung cốt truyện, ý chí của nhân vật Trần Quốc Toản.
Kết luận
Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng với những thông tin chung nhất giúp bạn hiểu rõ về tác phẩm. Để có sự chuẩn bị, bạn nên đọc văn bản, tham khảo những câu trả lời tại The POET Magaizne, ghi chép và chú ý khi nghe giảng sẽ đem đến hiệu quả học tập cao nhất.