Soạn bài Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi) – Kết nối tri thức lớp 8

Soạn bài Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi) mang tới cái nhìn rõ nét về thời chiến, sự gian khổ của ông cha ta. Tác phẩm còn được phổ nhạc thành bài hát chứng tỏ sức hút của lời thơ cách mạng.

Table of Contents

Trước khi đọc

Soạn Lá đỏ lớp 8 phần Trước khi đọc giúp học sinh hình dung về chiến trường và cuộc sống thời chiến tranh. Phân tích văn 8 hình ảnh những người lính Trường Sơn đã phải trải qua ngày tháng khó khăn để mang lại hoà bình cho dân tộc.

Câu 1: Hãy tái hiện (kể, vẽ,…) một hình ảnh để lại cho em ấn tượng sâu sắc về chiến trường Trường Sơn trong những năm chiến tranh mà em đã được biết qua phim ảnh, sách báo hoặc qua những bài học lịch sử.

Tranh vẽ của họa sĩ Đức Dụ:

  • Cảnh người lính vận tải quân nhu, yếu phẩm trong chiến tranh.
  • Cảnh người lính sinh hoạt sau những trận đánh trong rừng Trường Sơn.

Câu 2: Bài thơ Lá Đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc ca khúc cùng tên. Nghe bài hát đó và nêu ấn tượng của em.

Bài thơ “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Nghe bài hát đó, em rất ấn tượng. Bởi bài hát mang khí thế hiện lẫm liệt, và niềm tin chắc thắng của đoàn quân Nam tiến: Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn! Phần đầu của ca khúc, cả Nguyễn Đình Thi và Hoàng Hiệp đã tạo cho em sự sự khéo tạo được một không gian cao rộng, kì vĩ của núi rừng trong cả thơ và nhạc, khiến người nghe ngỡ ngàng, sững sờ, choáng ngợp. Nó đã toát lên vẻ khỏe khoắn, sự chắc nịch hừng hực khí thế trong bước quân hành vừa hùng dũng, tự tin, vừa yêu đời say đắm của những chàng trai tràn trề sức sống của tình yêu người và yêu đời. Một cuộc gặp mang tính lịch sử, in đậm dấu ấn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Lịch sử sắp sang trang mới. Bởi cái không gian cao rộng, lộng gió củng vẻ đẹp nguyên sơ, bí ẩn, với màu đỏ mạnh mẽ hưng phấn của một rừng lá đỏ, cho ta cảm nhận điều đó. Hình ảnh: “Rừng ào ào lá đỏ” đâu phải chỉ miêu tả thiên nhiên? Nó còn là một ẩn dụ cho khí thế hào hùng, cho sức mạnh không gì ngăn cản của điệp trùng bàn chân lính trẻ mang cả tình yêu và niềm tin ra trận. Sức khỏe của tuổi hai mươi, tuổi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Tiếp theo, những giai điệu ngân nga của ca khúc gợi cho em hình dung hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm, hồn nhiên, lạc quan, yêu đời giữa chiến trường bom đạn khói lửa chiến tranh trên đường Trường Sơn huyền thoại: “Em đứng bên đường/ Như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Giai điệu bài hát hòa cùng với hình ảnh thơ đẹp đã làm em nghĩ đến bức chân dung điển hình của nữ Giải phóng quân miền Nam thời chống Mỹ: đầu đội mũ tai bèo, áo bà ba, cổ quàng khăn rằn, buông hở mái tóc bay theo chiều gió. Một bức chân dung tuyệt đẹp!

Tiếp đến, ta nghe thấy rất rõ âm thanh rầm rập của đoàn quân điệp trùng lá ngụy trang cuốn theo bụi đỏ: “Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Chiến tranh dưới ngòi bút của đôi tác giả Nguyễn Đình Thi và Hoàng Hiệp không có âm thanh cuồng nộ của máy bay rít, không có âm thanh ghê rợn xé gió của bom rơi, không có sự khủng khiếp của chết chóc, nhưng ta vẫn cảm thấy sự hối hả, khẩn trương nơi chiến trường. Quân đi vội vã và sự khốc liệt của chiến tranh đang chờ phía trước: “nhòa trời lửa”.

Kết thúc ca khúc là lời tạm biệt hẹn gặp vô cùng thân thiết, yêu thương. Chỉ một từ “nhé” nhỏ nhẹ mà sao đằm sâu cảm động đến thế. Lời hứa hẹn có niềm tin tất thắng của cả dân tộc: “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” có phải sự tiên đoán trong cảm thức tỉnh nhạy của người nghệ sĩ? Đây là một cuộc hẹn lịch sử kỳ lạ, đầy ấn tượng và mãi mãi khát khao.

soạn bài lá đỏ
Bài thơ Lá đỏ được phổ thành nhạc và rất nổi tiếng vì ý nghĩa phía sau

Đọc văn bản

Soạn bài Lá đỏ lớp 8 Kết nối tri thức Đọc văn bản bao gồm những câu hỏi về nội dung bài học. Phân tích từng câu và từng đoạn giúp học sinh nắm vững giá trị nghệ thuật và nội dung.

Câu 1: Theo dõi số tiếng trong mỗi dòng thơ, số dòng trong mỗi khổ; vần và nhịp thơ.

Số tiếng trong mỗi dòng thơ, số dòng trong mỗi khổ, vần và nhịp:

  • Số tiếng trong mỗi dòng thơ: dòng thơ 1, 2: 6 tiếng; dòng thơ 3 được tách thành 2 dòng trên 4 tiếng, dòng dưới 3 tiếng và cách sắp xếp dòng thơ vô cùng đặc biệt; dòng thơ thứ 4: 6 tiếng; ở khổ thơ cuối của bài thơ, các dòng thơ 6, 7, 8, 9 đều 6 tiếng.
  • Số dòng trong mỗi khổ:
    • Khổ 1: 5 dòng.
    • Khổ 2: 4 dòng.
  • Vần: gieo vần chân “gió – đó”, “đường – hương – trường”.
  • Nhịp thơ: linh hoạt: dòng 1: 2/4; dòng 2: 2/4; dòng 3: 2/2; dòng 4: không ngắt nhịp; dòng 5: 3/3; dòng 6: 2/4; dòng 7: 3/3; dòng 8: 2/4; dòng 9: 3/3.
soạn bài lá đỏ lớp 8
Bài thơ được gieo vần khéo léo với nhịp thơ linh hoạt

Câu 2:  Hình dung cuộc gặp gỡ trên đường Trường Sơn.

Từ quá trình soạn văn Lá đỏ, em có thể hình dung được cuộc gặp gỡ trên đường Trường Sơn:

“Em đứng bên đường như quê hương – Vai áo bạc quảng súng trường” là một hình ảnh đẹp và ấm áp. Giữa con đường hành quân gian khổ, hình ảnh cô gái thanh niên xung phong đứng bên đường với hình ảnh giản dị quảng súng trên vai đã xóa tan những sự vất vả vừa trải qua, mang lại cảm xúc thân thương, bình dị như quê hương.

Câu 3: Tưởng tượng cuộc gặp giữa Sài Gòn.

Cuộc gặp giữa Sài Gòn:

“Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”: thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin thắng lợi của những người chiến sĩ Trường Sơn (trong đó có nhà thơ Nguyễn Đình Thi) với cô gái tiền phương ở Sài Gòn trong ngày hoàn toàn thắng.

Sau khi đọc

Hướng dẫn soạn văn 8 Lá đỏ phần Sau khi đọc chi tiết qua các câu hỏi. Cách xác định đặc điểm thơ, nội dung chính và sự tài tình của tác giả trong từng câu chữ.

Câu 1: Hãy xác định những đặc điểm của thể thơ tự do được thể hiện trong bài thơ Lá đỏ.

Đặc điểm của thể thơ tự do thể hiện trong bài “Lá đỏ”:

  • Số tiếng trong mỗi dòng thơ không quy định: dòng thơ 1,2: 6 tiếng; dòng thơ 3 được tách thành 2 dòng: dòng trên 4 tiếng, dòng dưới 3 tiếng cách sắp xếp dòng thơ vô cùng đặc biệt; dòng thơ thứ 4; 6 tiếng; ở khổ thơ cuối của bài thơ, các dòng thơ 6,7,8,9 đều 6 tiếng.
  • Cách gieo vần thơ linh hoạt.
    • Khổ 1: gieo vần chân: “gió – đỏ”, “đường – hương – trường”.
    • Khổ 2: không có vần.
  • Cách ngắt nhịp cũng linh hoạt, được tạo bởi cách ngắt các vế trong mỗi dòng thơ, số tiếng của từng dòng, cách trí thanh điệu hoặc vần ở các tiếng được nhấn mạnh trong dòng thơ: dòng 1: 2/4; dòng 2: 2/4; dòng 3: 2/2; dòng 4: không ngắt nhịp; dòng 5: 3/3; dòng 6: 2/4; dòng 7: 3/3; dòng 8: 2/4; dòng 9: 3/3.

Câu 2: Bài thơ thể hiện cảm xúc trước một cuộc hội ngộ rồi chia li trong niềm tin gặp lại. Hãy cho biết ai là người bộc lộ cảm xúc và đó là cuộc gặp giữa ai với ai.

Bài thơ thể hiện cảm xúc trước một cuộc hội ngộ rồi chia ly trong niềm tin gặp lại, người đọc lộ cảm xúc trong bài thơ là những người chiến sĩ Trường Sơn (trong đó có tác giả) và đó là cuộc gặp giữa những người lính Trường Sơn (trong đó có nhà thơ Nguyễn Đình Thi) với nhân vật em gái tiền phương.

soạn bài lá đỏ lớp 8 kết nối tri thức
Cuộc hội ngộ này có chia ly nhưng ai cũng mang theo niềm tin gặp lại

Câu 3: Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không gian như thế nào? Không gian đó giúp em hiểu thêm gì về bối cảnh lịch sử, về những con đường hành quân ra trận những năm chiến tranh?

Đọc hiểu Lá đỏ giúp em hiểu và hình dung được những điều quý giá:

  • Cuộc gặp gỡ diễn ra khi người chiến sĩ trên đường hành quân, anh gặp cô gái bên đường của khu rừng lá đỏ.
  • Không gian đó giúp em hiểu thêm về bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ đầy gian khó, hiểm nguy, con đường kháng chiến chống giặc vô cùng nguy hiểm và gian nan; trùng trùng, điệp điệp những trắc trở, mà lá đỏ cũng có thể là màu của chiến thắng đang chờ phía trước.

Câu 4: Nêu những cảm nhận của em về hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến trong bài thơ. Em từng đọc những câu thơ nào khác cũng miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận?

Cảm nhận về hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến trong bài thơ:

Trong bài thơ, đoàn quân trên đường ra tiền tuyến phải đối mặt với nhiều hiểm nguy gian khổ. Song, những người chiến sĩ ấy vẫn kiên trung, hiên ngang “đi vội vã” với những bước chân hối hả, trùng điệp, rung chuyển đất trời: “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” thẳng tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến gợi khung cảnh hào hùng, không khí sử thi hào tráng ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời, khắc họa vẻ đẹp của những người lính Trường Sơn huyền thoại: tư thế hiên ngang, bất khuất và tinh thần lạc quan cách mạng.

Những câu thơ khác miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

(“Việt Bắc”, Tố Hữu)

Câu 5: Nhận xét các chi tiết miêu tả hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.

Sau khi soạn văn bản Lá đỏ, em có những nhận xét về chi tiết miêu tả hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ:

  • Trong bài thơ xuất hiện bóng dáng con người, hình ảnh thật đẹp trong cuộc chiến tranh nhân dân: “em gái tiền phương” – “nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong? Sự có mặt của những cô gái trên đỉnh Trường Sơn đã góp phần tạo nên một thời kì huy hoàng của Tổ Quốc, một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trong đó có cả những cô gái trẻ trung, xinh đẹp mà lẽ ra được hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
  • Chi tiết miêu tả “em gái tiền phương” vô cùng giản dị và tự nhiên. Hình ảnh của “em” hiện lên hài hòa trong trẻo với đất trời, với một bầu trời cao trong xanh đối lập với khu rừng màu đỏ tạo nên cảm giác không gian mở rộng ra, tạo nên một dự cảm về sự chiến thắng sắp tới.
  • Hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ vừa là sự hiện diện của hậu phương đang dồn mọi sức lực cho tiền tuyến vừa đóng vai trò người lính ở tiền phương. Một lời chào nghe thì rất đơn giản nhưng ẩn sâu bên trong lời chào đấy là lời hứa hẹn về ngày trở lại khi đất nước đã giành được độc lập. Chiến dịch cuối cùng của cuộc trường chinh ấy sẽ mang tên Bác, gặp nhau giữa Sài Gòn là gặp nhau trong ngày toàn thắng. Không còn khói bụi rực trời nữa mà là khung cảnh vui mừng không xiết khi đất nước ta giành được độc lập.
soạn văn 8 lá đỏ
Nhân vật em gái tiền phương trong bài thơ mang theo nhiều ý nghĩa

Câu 6: Xác định mạch cảm xúc của bài thơ. Mạch cảm xúc đó có liên quan như thế nào đến hình ảnh lá đỏ và rừng lá đỏ trong bài thơ?

  • Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu từ cuộc gặp gỡ “em” – “em gái tiền phương” trên đường hành quân; hình ảnh “em” gợi cho người lính Trường Sơn nhớ quê hương và dâng trào trong tim, ý chí của người lính Trường Sơn niềm tin chiến thắng: “Hẹn gặp em giữa Sài Gòn”.
  • Mạch cảm xúc trong bài thơ có liên quan đến hình ảnh “lá đỏ” giống như những sự hi sinh đau thương của người lính đã vì Tổ quốc năm lại nơi đây, máu của những người lính đã đổ xuống con đường Trường Sơn huyền thoại, nhuốm vào đất, vào cây rừng Trường Sơn; đồng thời thể hiện nhiệt huyết chiến đấu giải phóng miền Nam của r người lính dũng cảm, một niềm tin chiến thắng của một dân tộc anh hùng.

(Học sinh tham khảo thêm hoàn cảnh sáng tác của bài thơ: Bài thơ “Lá đỏ” được sáng tác tháng 12 năm 1974 – thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai  đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến. Ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt “giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa”. Sự hy sinh mất mát, đớn đau do chiến tranh gây ra và con người lại chính là những cá thể bị tổn hại nhiều nhất… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một và đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn bao la, với sắc đỏ phủ trở xanh của màu lá đỏ. Xúc động trước cảnh thiên nhiên Trường Sơn lá đỏ ào ào tung bay trong gió và trong khoảnh khắc đó bài thơ được ra đời, và trở thành khúc ca ra trận dọc theo chiều dài đất nước.)

Câu 7:  Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Lá đỏ là gì?

Cảm hứng chủ đạo em thấy được khi soạn Lá đỏ là tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu anh dũng, kiên cường, hiên ngang, bất khuất của đoàn quân trên đường ra tiền tuyến, đồng thời niềm tin vào ngày mai thắng lợi của những người lính Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước.

Câu 8: Có ý kiến cho rằng bài thơ thể hiện niềm tin và hi vọng về thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến. Em có tán thành với ý kiến đó không? Vì sao?

Em tán thành ý kiến: bài thơ “Lá đỏ” thể hiện niềm tin và hi vọng về thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến, vì:

Bài thơ đã làm nổi bật được tinh thần lạc quan cách mạng; ý chí chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của đoàn quân trên đường ra tiền tuyến; dẫu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vô cùng cam go, khốc liệt, dẫu phải đối mặt với nhiều gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn nhưng người chiến sĩ ấy vẫn kiên trung, hiên ngang“đi vội vã” với những bước chân hối hả, trùng điệp, rung chuyển đất trời: “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” thẳng tiến vào Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với niềm tin tất thắng: “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”.

ngữ văn 8 lá đỏ
Các chiến sĩ lên đường với tinh thần lạc quan và hy vọng chiến thắng

Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.

Đoạn văn tham khảo

Thơ ca những năm chống Mỹ đã khắc hoạ nhiều tư thế dáng đứng của người Việt Nam, như: dáng đứng của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất tạc vào thế kỷ (thơ Lê Anh xuân). Tư thế của “O du kích nhỏ dương cao súng, Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” (thơ Tố Hữu) và nhà thơ Nguyễn Đình Thi đi dọc Trường Sơn, gặp cô gái tiền phương đứng ở bên đường, ông vội vàng ghi lại bằng thơ cái hình ảnh rất tiêu biểu, rất đặc trưng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong bài thơ “Lá đỏ”. Hình ảnh “em gái tiền phương” thật nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đó là những người con gái tuổi đời còn rất trẻ, không tiếc tuổi xuân, không sợ nguy hiểm sẵn sàng ra mặt trận với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Tác giả ví các cô gái tiền phương đang đứng bên đường chỉ lối cho xe qua “như quê hương”. Điều đó cho thấy sự thân thuộc và quý mến mà ông dành cho những cô gái dũng cảm, dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhà thơ không rõ tên hay tuổi của họ, nhưng trong hình dáng giàu sự hi sinh ấy, ông thấy được những người chị, người mẹ, người bà Việt Nam vĩ đại của mình. Đặc điểm ngoại hình duy nhất của những cô gái ấy được miêu tả qua chi tiết: “Vai áo bạc quảng súng trường” — vai áo đã bị sờn đi bởi chiếc súng trường, chi tiết này vừa khắc họa sự khó khăn, vất vả trong một thời gian dài của các nữ thanh niên nơi chiến trường khốc liệt, vừa chứng tỏ sự mạnh mẽ, can trường không hề kém cạnh các đấng nam nhi của họ. Tất cả những yêu thương, kính trọng và mong mỏi mà tác giả dành cho các cô gái ấy, đã được gói ghém lại trong lời hẹn gặp lại những “em gái tiền phương” tại Sài Gòn khi đất nước đã hòa bình. Bài thơ “Lá đỏ” một lần nữa giúp em cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của những cô gái thanh niên kiên cường, dũng cảm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Kết luận

Soạn bài Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi) sách Kết nối tri thức lớp 8 chi tiết từ Trang tổng hợp thơ The POET giúp học sinh tiếp thu bài học hiệu quả. Mỗi câu trả lời đều có tác dụng làm rõ nội dung quan trọng cần nhớ từ văn bản này.

XEM THÊM:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *