Soạn bài Lễ cúng thần lúa của người Chơ-ro Chân trời sáng tạo
Soạn bài Lễ cúng thần lúa của người Chơ-ro (Văn Quang, Văn Tuyên). Hướng dẫn học sinh trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa chính xác nhất.
Soạn bài Lễ cúng thần lúa của người Chơ-ro Chân trời sáng tạo – Chuẩn bị đọc
Hướng dẫn học sinh trả lời các câu hỏi chuẩn bị đọc trang 82 SGK Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo.
1/ Cây lúa có vai trò như thế nào đối với đời sống của người Việt Nam?
Gợi ý dàn bài:
Mở bài: Giới thiệu khái quát về cây lúa Việt Nam
Thân bài:
Lúa mang lại giá trị vật chất:
- Làm ra gạo tạo nguồn lương thực chính trong các bữa ăn.
- Xay thành bột dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều loại bánh.
- Cho ra những phụ phẩm sau hạt gạo (cám, tấm, vỏ trấu,…) dùng trong chăn nuôi và các việc khác.
- Tạo nguồn thu nhập cho người trồng lúa.
- Trở thành chủ lực mang lợi nhuận xuất khẩu, danh tiếng và cơ hội tiến xa hơn cho nước ta trên thị trường lương thực thế giới.
Lúa mang lại giá trị tinh thần:
- Cây lúa là biểu tượng của nền văn minh lúa nước.
- Ý nghĩa văn hóa qua các loại bánh từ hạt lúa mang lại.
- Cây lúa đi vào thơ ca thật thi vị.
Kết bài
Nêu kết luận, nhận định chung về cây lúa Việt Nam (quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn,…).
Bài làm tham khảo
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Cây lúa đã gắn bó với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Lúa là bạn với nhà nông, là thực phẩm không thể thiếu của con người. Cây lúa đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Cây lúa cung cấp lương thực cho con người. Lúa cho thóc, gạo dùng làm cơm trong các bữa ăn hàng ngày. Từ gạo người ta cũng có thể làm ra được các loại bánh như bánh chưng, bánh giầy, bánh nếp,… Từ gạo người ta cũng làm ra bún, phở,… Một món ăn rất ngon, một thức quà đặc biệt làm từ lúa non, đó là cốm. Những hạt cốm xanh non, thơm mùi lúa là thức quà thanh nhã. Cây lúa khi đã lấy hết những hạt thóc, còn lại thân và lá, người ta đem phơi khô làm thành rơm, rạ. Rơm làm thức ăn cho trâu, bò; làm chất đốt, để lợp nhà,… Rơm ủ mục làm phân bón cho ruộng đồng. Từ rơm, người ta cũng có thể trồng nấm rơm hay để làm chổi, đan, tết lại để làm mũ. Trong thời kì chiến tranh ngày trước, người dân thường rất quý chiếc mũ rơm, vừa che nắng, che mưa, lại có thể dùng để ngụy trang, tránh được bom đạn, vỏ trấu có thể dùng làm chất đốt hay để ấp trứng. Cám gạo còn là thức ăn chủ yếu cho gia sức. Cây lúa có rất nhiều công dụng, từ thân đến lá, thóc, gạo đều có thể sử dụng.
Cây lúa không chỉ là yếu tố không thể thiếu trong đời sống vật chất mà trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, lúa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cây lúa là biểu tượng của nền văn minh lúa nước.
Trước kia Việt Nam là một nước thuần nông, cây lúa nước đóng vai trò chính trong nền kinh tế. Trong thời kì trước đổi mới, ở các hợp tác xã luôn có phong trào trồng lúa giỏi, đạt năng suất cao, những cánh đồng năm tấn đã tạo nên không khí thi đua nhộn nhịp. Cây lúa cho ta những món ăn thơm thảo để dâng lên ông bà tổ tiên. Thời xa xưa, Lang Liêu làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua Hùng.
Ngày nay, trong dịp Tết cổ truyền, trên mâm cỗ cúng tổ tiên cúng tổ tiên cũng không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy. Trong các dịp lễ Tết, xôi là món ăn rất phổ biến. Gạo nếp nấu cùng với một loại ngũ cốc khác làm thành những món xôi rất ngon: xôi đỗ, xôi lạc… Cây lúa cũng tạo nên nền văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú của nước ta. Nào cốm làng Vòng, phở, các loại xôi,…
Hình ảnh cánh đồng lúa rộng bát ngát đã đi vào các bài thơ, bài hát, cũng như đã trở thành đề tài sáng tạo đầy hứng thú cho các nghệ sĩ. Chắc hẳn bạn nhỏ nào cũng biết bài hát Em đi giữa biển vàng. Hình ảnh cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay, xa xa là lũy tre làng đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam, thân thuộc, bình dị. Hạt gạo cũng đi vào bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trong lời ru của mẹ cũng có hình ảnh cánh đồng với con cò bay lả bay la.
Cây lúa có vai trò rất quan trọng trong đời sống người Việt Nam. Dù xa hội phát triển mạnh mẽ. Nhà máy mọc ở khắp mọi nơi. Nhưng cây lúa vẫn mãi mãi gắn bó với người dân Việt Nam
2/ Hãy chia sẻ với các bạn một lễ hội về cây lúa mà em biết
LỄ HỘI VUA HÙNG DẠY DÂN CẤY LÚA
Ngày 19-2 (15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, TP Việt Trì, Phú Thọ đã diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Lễ hội này được phục dựng nhằm tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa gồm hai phần, trong đó, phần lễ là các nghi thức như: Cáo yết, cúng Thần Nông, Tế lễ đã tái hiện đầy đủ các nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa trang nghiêm, đậm bản sắc.
Sau phần lễ, phần hội được tiến hành bằng hoạt động thi cấy lúa của các đội và các trò chơi dân gian với sự tham gia đông đảo của người dân và du khách thập phương. Lễ hội mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương.
Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy để làm ra thóc, gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng ven sông này sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.
Mùa xuân, vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cũng làm theo.
NGÀY HỘI CÚNG LÚA CỦA NGƯỜI CHĂM
Ngồi nói chuyện với chúng tôi mà Thạch sĩ Nguyễn Văn Thuật (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) thấp thỏm không yên. Anh cho hay: “Chúng tôi đang chuẩn bị phục dựng lại lễ cúng lúa của người Chăm ở Ninh Thuận…”
Từ lúc cây lúa xuống đồng cho tới khi thu hoạch, bà con làm tới gần 10 cái lễ khác nhau. Bây giờ là lúc họ làm lễ cúng lúa đẻ nhánh, làm đòng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thuât, lễ cúng lúa làm đòng (Padai dôk tian) được người Chăm cúng lúc lúa đang thì con gái. Họ quan niệm, hồn lúa cũng như hồn người. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định và ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Lễ vật cúng gồm 1 con dê, 5 mâm cơm, rượu, trứng, trầu cau. Chủ tế lễ là thầy Kadhar kéo đàn Rabap (đàn tương tự như đàn nhị người Kinh), ông Cai mương (Hamu Ia) hoặc Rabap vừa mời các vị thần và hát về những bài thánh ca, ca ngợi công đức của các vị thần mẹ (Po Inư Nưgar) đã dạy người trồng lúa, cày cấy đem lại lúa gạo cho người Chăm và hát ngợi ca các vị thần thủy lợi như Po Kluang Garai, Po Rame đã đem nước về cho dân làng tưới tiêu, trồng lúa.
Ngày thu hoạch lúa, bà con lại tiếp tục lễ cúng lúa mới. Cứ đến tháng 9, tháng 10 những bông lúa bắt đầu uốn cần câu, lác đác có vài bông lúa chín vàng, các cụ ông, cụ bà hoặc chủ gia đình đi chọn gặt những bông lúa đó, cho các cô gái mang về chòi đập, sẩy, đảo khô, giã làm gạo chuẩn bị lễ cúng lúa mới. Nhà nào tổ chức cúng lúa mới phải mời cả làng cùng dự để lấy may cho năm sau. Ngày cúng lúa mới, gia đình nào có điều kiện thì thịt một con heo, một con gà cồ, một con gà mái cúng Yàng dẫn đường cho lúa về kho. Lễ cúng còn có một ché rượu cần, một chai rượu trắng. Người Chăm có quy định không cho phép lúa bị thấm nước, bị rơi đổ khi gánh qua sông, suối, nếu những rủi ro đó không may xảy ra, họ cho là những dấu hiệu mất mùa, phải giết gà, heo, nhắc rượu cúng Yàng xin tha tội.
Lúc cất lúa vào kho, vào bồ to, bồ nhỏ, người Chăm lại có lễ cúng riêng. Họ làm thịt con gà cúng mời hồn lúa từ ruộng về kho. Nếu trên đường vào làng mà lúa phải qua suối, sông thì phải thịt con gà luộc chín hoặc trứng gà cúng bằng cách giăng sợi chỉ trắng qua sông, suối dẫn hồn lúa đi. Đến tháng Giêng, tháng Hai bắt đầu đập lúa, người Chăm lại thịt một con heo cúng. Yàng lúa mở cửa kho lấy lúa xay gạo cũng cúng một con gà, một chén rượu. Tục cúng lúa vào kho là dịp dân làng bày tỏ những tình cảm của mình với núi rừng, với ruộng rẫy đã tạo ra của cải, vật chất để dân làng có cuộc sống ấm no, đầy đủ lúa ăn quanh năm, cũng là dịp để dân làng lấy kho đựng lúa mới. Mặt khác ăn mừng lúa vào kho là tín hiệu đầu tiên báo hiệu những điều tốt lành sẽ tới.
“Lễ cúng lúa của người Chăm hiện nay có thay đổi ít nhiều, chúng tôi đang cố gắng phục dựng lại gần như nguyên bản lễ cúng lúa nguyên thủy” – ông Thuật cho biết.
Đọc hiểu Lễ cúng thần lúa của người Chơ-ro
Cây nêu trong lễ cúng Thần Lúa được làm bằng vật liệu gì và có hình thù như thế nào?
Câu nêu trong lễ cúng thần lúa được làm bằng vật liệu: Làm từ cây vàng nghệ, thân buộc lá dứa. Ngọn của cây nêu có hình bông lúa lớn, phía trên gắn chùm lúa nhiều hạt và bốn tia tỏa ra bốn hướng: hai tia gắn lông chim chèo bẻo (biểu tượng cho sự mạnh mẽ khôn ngoan); hai tia gắn lông gà (biểu tượng cho sự sung túc của gia chủ).
Soạn văn bài Lễ cúng thần lúa của người Chơ-ro – Suy ngẫm và phản hồi
Gợi ý học sinh trả lời các câu hỏi Suy ngẫm và phản hồi, sách giáo khoa trang 84.
1/ Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro là một văn bản thông tin? Theo em, văn bản này được viết nhằm mục đích gì?
Dấu hiệu cho thấy văn bản Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro là văn bản thông tin là:
- Văn bản đã chuyển tải đến cho người đọc thông tin tin cậy, xác thực (người thực, việc thực – người Chơ-ro cúng thần lúa).
- Văn được trình bày bằng chữ viết kết hợp với các phương thức khác như: hình ảnh.
Theo em, văn bản này được viết nhằm mục đích:
Giới thiệu cho mọi người biết về giá trị văn hóa và ý nghĩa việc Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro.
2/ Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động nào? Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự nào?
Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro gồm những hoạt động:
- Lễ cúng thần lúa bắt đầu bằng việc làm cây nêu.
- Phụ nữ Chơ-ro đi rước hồn lúa.
- Lễ cúng bắt đầu vào buổi trưa, sau khi mọi công việc chuẩn bị được hoàn tất.
- Già làng hoặc chủ nhà đảm trách việc đọc lời khấn.
- Trong suốt quá trình làm lễ, khi tiếp chuyện với thần linh và khi khấn vái đều có nhạc đệm dàn cồng chiêng.
- Khi cúng xong, mọi người trở lại sàn nhà chính để dự tiệc.
- Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng.
Các hoạt động ấy được liệt kê theo trình tự: sự kiện xảy ra theo thứ tự từ trước đến sau, từ mở đầu đến diễn biến và kết thúc,…
3/ Trong đoạn văn sau, câu nào tường thuật sự kiện, câu nào miêu tả sự kiện, câu nào thể hiện cảm xúc của người viết?
Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chính để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa, ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa,… Thật tưng bừng, náo nhiệt.
Gợi ý
- Câu tường thuật sự kiện: Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chính để dự tiệc. Mở đầu buổi tiệc, theo truyền thống mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ uống li rượu đầu tiên, sau đó mới mời khách theo thứ bậc, tuổi tác.
- Câu miêu tả sự kiện: Trong thời gian dự tiệc, mọi người vừa ăn uống vui vẻ, vừa nhảy múa ca hát trong âm thanh trầm bổng, dặt dìu của dàn cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tre, kèn môi, kèn lúa,…
- Câu hiện cảm xúc của người viết: Thật tưng bừng, náo nhiệt.
4/ Văn bản Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro có phải là văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện? Hãy lí giải
Văn bản Lễ cúng Thần Lúa của người CHơ-ro là văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện vì: người viết thuyết minh (trình bày, miêu tả, kể lại) một sự kiện lễ cúng Thần Lúa. Đây là một truyền thống văn hóa đẹp của người Chơ-ro. Trong văn bản, người viết thường sử dụng hình ảnh và nhiều câu trần thuật với trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn; thông tin thường được trình bày theo trật tự thời gian hoặc mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
5/ Văn bản giúp em hiểu gì về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên?
Lễ cúng Thần Lúa của người Chơ-ro tổ chức với mục đích tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho gia đình một mùa bội thu. Đây là lễ hội mang một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các tộc. Lễ hội là dịp tổ chức ăn mừng mùa thu hoạch đã qua và chuẩn bị cho mùa vụ tới đồng thời thể hiện cách ứng xử của người Chơ-ro với thần linh, tổ tiên, môi trường tự nhiên và cộng đồng. Qua đó, ta thấy sự trân trọng, nâng niu cây lúa cũng như ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên của con người.
Kết luận
Học sinh tham khảo hướng dẫn và soạn bài Lê cúng thần lúa của người Chơ-ro – Ngữ văn 6, Chân trời sáng tạo. Trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa dựa trên gợi ý từ The POET để có sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi học tiếp theo.