Soạn bài Lời của cây lớp 7 ngắn nhất, trả lời đọc hiểu
Soạn bài Lời của cây ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo. Các câu hỏi trong bài được trả lời chi tiết để bạn hiểu và nắm nội dung văn bản tốt nhất.
Soạn văn lớp 7 Lời của cây phần Chuẩn bị đọc
Em đã bao giờ quan sát quá trình lớn lên của một cái cây, một bông hoa hay một con vật chưa? Điều đó gợi cho em suy nghĩ hoặc cảm xúc gì?
Em đã từng quan sát một hạt đậu xanh mà mẹ em ngâm để làm giá, nảy mầm cho đến lúc trưởng thành. Khi quan sát, em cảm thấy thực sự thích thú vì chỉ từ một hạt mầm nhỏ bằng nửa móng tay, chỉ trong thời gian ngắn, đã mọc ra thành cọng giá màu trắng bóng bẩy. Khi nhìn quá trình lớn lên ấy, em cảm thấy mọi sinh vật đều có sự vận động và trưởng thành. Mỗi vật đều có linh hồn, một cuộc sống riêng, có quá trình hình thành và phát triển.
Video về quá trình hạt đậu xanh nảy mầm:
Soạn bài lời của cây ngắn nhất cho phần Trải nghiệm cùng văn bản
Các câu hỏi trong phần trải nghiệm được xây dựng để học sinh có cái nhìn tổng quan, ghi nhớ những hình ảnh đặc sắc của tác phẩm. Gợi ý soạn văn 7 tác phẩm Lời của cây cho các câu hỏi trong sách:
Em hình dung thế nào về hiện tượng này mẩm qua hình ảnh “nhú lên giọt sữa”?
Hiện tượng nảy mầm của hạt qua hình ảnh “nhú lên giọt sữa” khiến em hình dung về mầm non đang nhô lên khỏi mặt đất, phát triển, biến đổi, mầm non căng tràn nhựa sống như giọt sữa. Hiện tượng nảy mầm được ví với giọt sữa trắng trong, trong trẻo, gợi cho em cảm giác chiếc mầm cây nhỏ bé, non nớt nhưng cũng rất dễ thương.
Bạn có thể sử dụng ý tưởng này khi viết phân tích bài Lời của cây. Đây là ý vừa thể hiện nội dung, đồng thời cũng có thủ pháp nghệ thuật tác giả đã sử dụng trong khổ thơ.
Chú ý những động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm ở các khổ thơ 2, 3 và 4.
Những động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm ở khổ thơ 2, 3 và 4 gồm: nảy mầm, nhú lên, mở mắt, đón tia nắng,…
Lời của cây đọc hiểu & trả lời suy ngẫm, phản hồi
Phần suy ngẫm và phản hồi với những câu hỏi cụ thể giúp bạn hiểu rõ về thông điệp, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
1 (SGK/14): Năm khổ thơ đầu là lời của ai? Khổ thơ cuối là lời của ai?
Năm khổ thơ đầu là lời của tác giả. Khổ thơ cuối là lời của cây.
Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
Với 5 khổ thơ đầu:
- Đây là lời kể của tác giả về quá trình lớn lên của hạt mầm.
- Dựa vào chi tiết hạt mầm trong tay tác giả và các hành động “ghé tai”, “nghe” của tác giả khi hạt bắt đầu nảy mầm. Những câu thơ được tác giả miêu tả, nói thay tâm tình của mầm khi cây nên ta xác định 5 khổ thơ đầu là lời của tác giả.
Với khổ thơ cuối chi tiết cây nói: “Cây chính là tôi”, đại từ nhân xưng “tôi” như một lời nói giới thiệu của cây về sự xuất hiện của mình. Tác giả nhường lời cho cây xanh cất tiếng nói “khi cây đã thành”, nhân vật được nhân hóa, chính thức xưng “tôi”.
2 (SGK/14): Tìm một số hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây và thể hiện quá trình đó bằng sơ đồ.
Một số hình ảnh từ ngữ được tác giả sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình hạt thành cây là: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé.
Khổ 1: Hạt lặng thinh.
Khổ 2: Mầm nhú lên giọt sữa, biết nói thì thầm.
Khổ 3: Mầm được chăm sóc như đứa trẻ sơ sinh.
Khổ 4: Mầm kiêng gió, kiêng mưa, lớn lên nhờ đón tia nắng hồng.
Khổ 5: Cây đã thành, lá xanh lập bẹ tiếng nói
Khổ 6: Bập bẹ xưng tên họ, hứa hẹn góp xanh cho đời.
3 (SGK/14): Theo em, những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ như thế nào giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”?
Những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ vô cùng gần gũi, thân thiết, sự giao cảm giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”. Nhân vật này như một người bạn đồng hành, theo dõi, chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của hạt mầm; lắng nghe tất cả những chuyển biến vô cùng tinh tế trong quá trình sinh trưởng của hạt mầm, thấu hiểu được những tâm tình của hạt mầm. Điều đó chứng tỏ nhân vật luôn gần gũi, gắn bó thân thiết, có thái độ thân thiện với thiên nhiên.
4 (SGK/14): Tìm những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho những mầm cây. Hãy cho biết đó là tình cảm gì?
Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm cảm xúc mà tác giả dành cho những mầm cây trong bài thơ Lời của cây gồm: Hạt mầm lặng thinh, Ghé tai nghe rõ, Nghe bàn tay vỗ, Nghe tiếng ru hời, Nghe mầm mở mắt, Là nghe màu xanh, Bắp đầu bập bẹ,…
Đó là tình cảm trân trọng, nâng niu, thân thiết, yêu thương của tác giả đối với mầm cây.
5 (SGK/14): Xác định các biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản. Nêu tác dụng của chúng.
Nhân hóa: Hạt nằm lặng thinh, mầm đã thì thầm, mầm kiêng gió bấc, đón tia nắng hồng, bập bẹ.
Tác dụng: Hạt mầm vốn là sự vật vô tri, vô giác nhưng cũng có những cử chỉ hành động giống con người. Với việc sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, tác giả làm cho hạt mầm trở nên sinh động, có hồn; giúp nó trở nên gần gũi, thân thuộc và có thể biểu hiện được những suy nghĩ hay bày tỏ được tình cảm con người.
Điệp từ “nghe” lặp lại 4 lần: Nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân vật và hạt mầm. Nhân vật lắng nghe từng biến chuyển nhỏ nhất của hạt mầm. Từ đó, tác giả cho ta thấy mầm cũng có sức sống, có linh hồn riêng. Đồng thời, giúp chúng ta cảm nhận rõ tình cảm trân trọng yêu mến của tác giả đối với hạt mầm.
6 (SGK/14): Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ trên và cho biết vần và nhịp có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện “lời của cây”.
Cách gieo vần chân: mình – thinh, mầm – thầm, giông – hồng, thành – xanh,… kết hợp cùng ngắt nhịp tạo nên nhịp điệu hài hòa cho bài thơ.
Nhịp 2/2 dễ thuộc, dễ nhớ, đều đặn như nhịp đưa nôi, vừa diễn tả nhịp điệu êm đềm của đời sống cây xanh, vừa thể hiện cảm xúc yêu thương trìu mến của tác giả.
Nhịp thơ 1/3 trong câu “Rằng các bạn ơi” nói lên sự khác biệt, có tác dụng nhấn mạnh vào khao khát của cây khi muốn được con người hiểu và giao cảm.
Nhờ cách gieo vần và ngắt nhịp đã góp phần vào việc liên kết các câu thơ, tạo nhịp điệu nhẹ nhàng, thể hiện được giọng điệu tâm tình, thủ thỉ của nhân vật đối với hạt mầm; đồng thời cũng là lời thầm thì dễ thương, đáng yêu của cây với mọi người, góp phần vào việc thể hiện nội dung bài thơ và làm cho câu thơ dễ thuộc, dễ nhớ và đi vào lòng bạn đọc.
7 (SGK/14): Xác định chủ đề và thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
Chủ đề: Bài thơ thể hiện tình yêu thương, trân trọng và sự hòa hợp của con người đối với những mầm xanh thiên nhiên.
Thông điệp: Hãy lắng nghe lời của cỏ cây loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống ấy mới chỉ là hạt mầm. Mỗi con người, sự vật, dù là nhỏ bé đều góp phần tạo nên sự sống như hạt mầm góp màu xanh cho đất trời. Bên cạnh đó, tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng, các bạn nhỏ cũng như những mầm cây, cũng phát triển từ bé đến lớn, cần phải vươn cao, vươn xa để góp phần xây dựng cuộc sống tươi đẹp.
8 (SGK/14): Hãy tưởng tượng mình là một cái cây, một bông, một con vật cưng trong nhà và viết khoảng năm câu thể hiện cảm xúc khi hóa thân vào chúng.
Xin chào tất cả các bạn, các bạn nhìn thấy tôi có quen không. Tôi chính là cây tre, loài cây xuất hiện trong câu chuyện truyền thuyết “Thánh Gióng” rất gần gũi với các bạn đây. Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, hình ảnh của tôi đã ăn sâu vào cùng tiềm thức, hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày; do vậy, dù có đi đến nơi đây, họ cũng đều nhớ về tôi – lũy tre xanh như nhớ về kỉ niệm gắn bó, thân thương nhất, và đó chính là niềm tự hào của họ hàng nhà tre chúng tôi. Loài nhà tre chúng tôi từ khi mới bắt đầu sinh ra đã ngay thẳng, điều đó các bạn có thể thấy ngay khi nhìn những mầm tre mọc thẳng tắp, dù trong bất cứ môi trường nào chúng tôi vẫn vươn lên để sống mạnh mẽ và xanh tốt. Chẳng thế mà từ lâu, người dân Việt đã ví chúng tôi với phẩm chất quật cường của dân tộc ngàn đời. Được hóa thân vào cây tre – loài cây tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, thủy chung và can đảm của người dân nước Việt là một trải nghiệm thật thú vị đối với tôi các bạn ạ.
9: Cây trong bài thơ Lời của cây trải qua mấy giai đoạn?
Cây trong bài thơ Lời của cây trải qua ba giai đoạn: Từ hạt giống đến nảy mầm và trở thành cái cây hoàn chỉnh.
10: Phó từ trong bài Lời của cây là gì?
Các phó từ trong bài Lời của cây là: “chưa”, “đã”, “bắt đầu”, “sẽ”.
“Chưa gieo xuống đất
Hạt nằm lặng thinh”
=> Phó từ “chưa” bổ sung ý nghĩa phủ định cho động từ “gieo”.
“Mầm đã thì thầm
Ghé tai nghe rõ”
=> Phó từ “đã” bổ sung ý nghĩa thời gian cho động từ “thì thầm”.
“Là nghe màu xanh
Bắt đầu bập bẹ”
=> Phó từ “bắt đầu” bổ sung ý nghĩa thời gian cho động từ “bập bẹ”.
“Rằng các bạn ơi
Cây chính là tôi
Nay mai sẽ lớn
Góp xanh đất trời”
=> Phó từ “sẽ” bổ sung ý nghĩa thời gian cho động từ “lớn”.
Bài tiếp theo trong chương trình, bạn nên chuẩn bị Soạn bài Sang thu lớp 7 của tác giả Hữu Thỉnh. Việc xem và chuẩn bị trước nội dung bài học giúp bạn dễ dàng hiểu bài thơ qua lời giảng của giáo viên.
Kết luận
Phần soạn bài Lời của cây đã trả lời chi tiết các câu hỏi trong sách giáo khoa để bạn hiểu nội dung tác phẩm. Đây cũng là thông tin hữu ích được The POET tổng hợp, bạn có thể ghi nhớ khi triển khai bài viết phân tích hoặc nêu cảm nhận.