Soạn bài Một thời đại trong thi ca – Kết nối tri thức lớp 11

Hướng dẫn soạn bài Một thời đại trong thi ca ngắn nhất bám sát nội dung bài học trên lớp. Mỗi đáp án www.thepoetmagazine.org đưa ra đều súc tích, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo chính xác, đầy đủ.

Table of Contents

Trước khi đọc

Các câu hỏi đặt ra trong phần soạn bài Một thời đại trong thi ca lớp 11 Kết nối tri thức Trước khi đọc mang tính dẫn dắt. Thông qua việc trả lời, học sinh có thể phần nào hình dung về văn bản trong sách.

1/ Có bao giờ bạn băn khoăn khi phải phân biệt cái mới với cái cũ? Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình.

Em đã từng rất nhiều lần băn khoăn khi phải phân biệt giữa cái mới và cái cũ. Đôi khi chỉ đơn giản là việc lựa chọn trang phục để mặc, đã có lần em mất rất nhiều thời gian vì không biết nên mặc cái áo mới mẹ mua hay cái váy cũ bố tặng bởi áo mới thì đẹp nhưng em không thích hoa văn của nó trong khi cái cũ thì hoa văn và kiểu dáng em đều thích. Hay đến việc chọn bạn, nhiều lúc có chuyện vui em không biết nên kể chọn bạn quen từ lâu nghe hay kể cho bạn mới quen nhưng thân thiết,… Đôi khi nó khiến em khá bối rối và mất thời gian vì những suy nghĩ cân đo đong đếm khiến bản thân không biết nên lựa chọn như thế nào cho hợp lý.

2/ Bạn hãy lựa chọn và so sánh một bài thơ thuộc phong trào Thơ mới với một bài thơ thuộc thời kì trung đại để tìm ra những điểm khác biệt.

So sánh hai bài thơ Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan) và Vội vàng (Xuân Diệu).

Giống nhau: Cả hai bài thơ đều thể hiện tâm tư, tình cảm, suy ngẫm của nhà thơ về cuộc đời.

Khác nhau:

Tiêu chí Qua Đèo Ngang Vội vàng
Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật Tự do
Nhịp điệu 4/3 3/5, 2/1/2
Nội dung Qua con mắt của một người tha hương, bài thơ là bức tranh thiên nhiên và con người nơi Đèo Ngang vắng vẻ, hiu quạnh cũng đượm buồn với nỗi nhớ nước thương nhà của tác giả Bài thơ là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt, nhưng đằng sau đó là một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ truyền thống
Nghệ thuật Tả cảnh ngụ tình, lấy cảnh vật để tả tâm trạng con người.

Nghệ thuật đảo ngữ, sử dụng từ láy

Câu đặc biệt, câu cảm thán.

Câu hỏi tu từ

Ẩn dụ, động từ mạnh

Trong khi đọc

Hướng dẫn soạn Một thời đại trong thi ca lớp 11 phần Trong khi đọc chi tiết nhất. Giải đáp về vấn đề bàn luận, nội dung từng đoạn, cách lập luận và dùng từ của tác giả giúp học sinh hiểu bài nhanh chóng.

1/ Chú ý vấn đề được nêu để bàn luận

Vấn đề được bàn luận là tinh thần thơ mới.

một thời đại trong thi ca
Vấn đề được bàn luận trong văn bản

2/ Cái khó khi phân biệt rạch ròi thơ mới – thơ cũ là gì?

Theo tác giả, cái khó khi phân biệt rạch ròi thơ mới và thơ cũ ở chỗ không phải nhà thơ cũ nào cũng sẽ viết những câu thơ mang hương vị truyền thống, ảm đạm, buồn và không phải nhà thơ mới nào cũng sẽ viết những câu thơ nhí nhảnh, táo bạo mà đôi khi họ cũng sẽ viết những câu thơ mang phong thái cổ xưa. Đó là sự linh hoạt về mặt cảm xúc của mỗi nhà thơ ở mỗi thời đại, họ nhìn đời bằng lăng kính chủ quan của mình để cho ra những lời thơ ý nghĩa, tùy thuộc vào hoàn cảnh chứ không hề cố định.

3/ Tiêu chí nào được nêu để phân biệt thơ mới – thơ cũ?

Tiêu chí được nêu ra để phân biệt thơ mới và cũ không rõ ràng bởi mỗi thời đại đều có những nhà thơ theo các trường phái nhất định. Vì vậy, họ mới có thể viết ra những câu thơ cũ trong thời đại mới và những câu thơ mới trong thời đại cũ. Cách duy nhất để hiểu được tinh thần thơ cho đúng là phải so sánh các bài thơ với nhau.

4/ Chú ý cách lập luận của tác giả.

Từ quá trình soạn văn Một thời đại trong thi ca (văn lớp 11) có thể thấy, cách lập luận của tác giả rất rõ ràng và có dẫn chứng cụ thể để người đọc hình dung lập luận của mình.

5/ Tình trạng cái “tôi” khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam.

Tình trạng “cái tôi” khi mới xuất hiện ở Việt Nam là nó mang theo nhiều sự bỡ ngỡ, nghi ngờ hoặc bởi ra đời trong hoàn cảnh khi đất nước đã có sẵn một cái quan niệm khác đang tồn tại. Nơi mà quan niệm đoàn thể đang lấn chiếm xã hội, chủ nghĩa cá nhân trở nên nhỏ bé và thậm chí bị bài trừ. Nhưng trong số những người đó, có những người vẫn mang trong mình chủ nghĩa cá nhân lớn mạnh, đi ngược lại với thời cuộc, nói lên cái cá nhân của mình nhưng thường ẩn sau chữ “ta” thay vì phô ra trước mặt mọi người. Nhưng rồi, “cái tôi” được người đời để ý đến, họ đón nhận nó một cách từ từ và biến nó thành của mình từ đó xuất hiện các nhà thơ của phong trào Thơ mới.

soạn bài một thời đại trong thi ca lớp 11
“Cái tôi” khi mới xuất hiện không được chào đón, cần thời gian

6/ Những biểu hiện khác nhau của cái “tôi” trong Thơ mới.

“Cái tôi” trong Thơ mới là nơi để tác giả thả hồn mình vào với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Để khi chúng ta nhìn vào đó, ta thấy được một tâm hồn đang tồn tại, vui tươi hay đượm buồn, hạnh phúc hay bất hạnh từ đó ta thấy đồng cảm, đồng điệu cùng với cảm xúc của nhà thơ.

7/ Chú ý cách sử dụng các biện pháp tu từ trong lời văn nghị luận.

Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bàiMột thời đại trong thi ca là điệp cấu trúc (Chưa bao giờ). Qua biện pháp đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự độc đáo, tiến bộ và phát triển của Thơ mới, là một sáng kiến vĩ đại của con người chưa từng thấy trước đây.

Sau khi đọc

Những bài học, thông điệp và kiến thức mới rút ra được từ văn bản nằm ở phần Sau khi đọc trong bài soạn văn 11 Một thời đại trong thi ca. Học sinh biết thêm phương pháp nghị luận hay để áp dụng được vào quá trình viết văn của mình.

1/ Để làm sáng tỏ luận đề “tinh thần thơ mới” Hoài Thanh đã nêu lên những luận điểm nào? Chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm đó.

Các luận điểm được tác giả sử dụng:

  • Đưa ra sự so sánh đối chiếu để chỉ ra mối quan hệ của Thơ mới và thơ truyền thống.
  • Chỉ ra điểm khác nhau giữa chúng.
  • Ý nghĩa của “cái tôi” trong Thơ mới.
  • Khẳng định lại sự độc đáo, mới lạ và chưa từng có của Thơ mới.

=> Giữa các luận điểm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được trình bày theo trình tự hợp lý. Đầu tiên để hiểu được sự ra đời của nó, tác giả chỉ ra sự khác nhau và khó phân biệt giữa 2 thể loại thơ này. Sau đó, ông làm rõ sự khác nhau đó bằng việc khẳng định “cái tôi” trong Thơ mới là một cái gì đó rất riêng và hay. Cuối cùng, ông tổng kết lại sự ra đời của Thơ mới thể hiện một sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức của các nhà thơ khi họ dám đứng ra nói lên tâm tư, tình cảm của mình một cách táo bạo.

soạn văn 11 một thời đại trong thi ca
Tinh thần “Cái tôi” trong Thơ mới độc đáo và riêng biệt

2/ Ở phần đầu văn bản, tác giả đưa ra tiêu chí so sánh thơ cũ – thơ mới nhằm mục đích gì?

Khi soạn văn bản Một thời đại trong thi ca, em thấy mở đầu tác giả đưa ra các tiêu chí so sánh thơ cũ, mới nhằm chỉ ra ranh giới không rõ ràng để phân biệt giữa thơ mới và thơ cũ với thơ truyền thống cũng có người dũng cảm nói lên tiếng nói của cái tôi cá nhân và trong thơ mới cũng có những nhà thơ mang tâm hồn trĩu nặng tâm trạng mà viết lên những dòng tâm trạng như những nhà thơ xưa. Điều đó khẳng định không thể dựa vào giai đoạn để nói về 2 thể loại này mà phải dựa vào giá trị, cái hay của nó để so sánh.

3/ Hãy nhận xét cách diễn giải về cái “tôi” của Hoài Thanh trong văn bản (đặc biệt chú ý đoạn: “Đời chúng ta… cùng Huy Cận”).

Cách diễn giải về “cái tôi” của Hoài Thanh khá sâu sắc. Ông chỉ ra rằng Thơ mới chủ yếu đào sâu vào nội tâm tình cảm, tâm hồn của con  người, khác với thơ truyền thống họ thường thể hiện trên bề rộng, mơ hồ và cố định. Sau đó, ông đưa ra ví dụ về các nhà Thơ mới, họ thể hiện cái tôi, cái nội tâm của mình một cách phong phú có đôi chút phóng túng như tình yêu cháy bỏng của bản thân, nỗi buồn về thiên nhiên, cảnh vật,… Từ đó giúp ta hiểu Thơ mới luôn phản ánh tốt nhất về thế giới nội tâm ẩn sâu trong tâm hồn của con người.

4/ Phân tích cách sử dụng bằng chứng trong nghệ thuật lập luận của Hoài Thanh được thể hiện qua văn bản.

Khi soạn Một thời đại trong thi ca, em thấy cách sử dụng bằng chứng trong lập luận của Hoài Thanh vô cùng sáng tạo, góp phần quan trọng trong làm sáng tỏ luận điểm:

Luận điểm 1: Đưa ra sự so sánh đối chiếu để chỉ ra mối quan hệ của Thơ mới và thơ truyền thống.

  • Tác giả đưa ra 2 câu thơ khá nổi tiếng trong 2 hoàn cảnh khác nhau, một cái thuộc Thơ mới nhưng lại mang nét cổ kính và cái còn lại thuộc thơ truyền thống nhưng mang nét hiện đại. Sự khác nhau của 2 thể loại không phụ thuộc vào giai đoạn mà phụ thuộc vào cái hay của chúng.

Luận điểm 2: Chỉ ra điểm khác nhau giữa chúng

  • Trước hết là khi mới lộ diện, tác giả đưa ra dẫn chứng để cho thấy sự khó khăn, rẻ rúng của “cái tôi” trong xã hội lúc bấy giờ: “Ở phương Tây, nhất là từ khi có đạo Thiên Chúa, không bao giờ “cái tôi” cá nhân lại rẻ rúng đến thế”.
  • Sau khi phân biệt “cái tôi”, “cái ta”, tác giả đưa ra tên tuổi của một số nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư,…

Luận điểm 3: Khẳng định sự độc đáo, mới lạ và chưa từng có của Thơ mới.

  • Trích dẫn câu nói của chủ báo Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Khẳng định ngôn ngữ là phương tiện cơ bản để thể hiện cái bản sắc dân tộc. Để thể hiện cái mới mẻ, cái hay của Thơ mới, tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc sảo cùng những dẫn chứng cụ thể để làm nổi bật lên sự mới mẻ, tiến bộ của Thơ mới. Qua đó nhằm khẳng định cái hay, cái đẹp của Thơ mới.
ngữ văn 11 một thời đại trong thi ca
Tác giả nhắc đến nhiều nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới

5/ Hãy chỉ ra và phân tích giá trị đặc sắc của những biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở cuối văn bản.

Biện pháp tu từ được sử dụng: điệp từ “Chưa bao giờ”, so sánh (tinh thần giống nòi – các thể thơ xưa).

Giá trị của các biện pháp tu từ: khẳng định sự đa dạng, mới mẻ của tiếng Việt. Sự xuất hiện của nó là một bước tiến mới trong nhận thức của con người về tầm quan trọng của cá nhân trong xã hội. Cái mới mẻ của nó chưa từng được bắt gặp ở đâu và đó chính là điều đáng quý của Thơ mới. Mang theo cơn gió của thời đại, thổi hồn vào thơ, phản ánh một thời đại huy hoàng của thơ ca Việt Nam.

6/ Qua văn bản, bạn hiểu được những gì về phong trào Thơ mới và lối văn phê bình của Hoài Thanh?

Qua quá trình đọc hiểu Một thời đại trong thi ca, em hiểu được sự khác biệt giữa “cái tôi” trong Thơ mới và “cái ta” trong thơ truyền thống. Thơ mới luôn mang đến cho người đọc một cảm giác mới mẻ về thế giới quan của con người khi “cái tôi” được đề cao, con người được tự do thể hiện cảm xúc của mình một cách táo bạo và chân thực nhất. Đặc biệt, qua lối văn phê bình của Hoài Thanh đã giải thích cặn kẽ được sự khác biệt cũng như tiến bộ lớn nhất của Thơ mới với thơ truyền thống, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về Thơ mới.

Kết nối đọc – viết

Hoài Thanh cho rằng: Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về ý kiến này.

Sự xuất hiện của Thơ mới có thể coi là một bước tiến lớn trong văn học, Hoài Thanh cũng khẳng định: Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Nếu như các nhà thơ cũ luôn chỉ nhìn vào những cái bao quát, thì các nhà Thơ mới thể hiện một khía cạnh mới mẻ đó là cái cá tính, sự táo bạo của bản thân thể hiện qua những bài thơ có phần phóng túng, lời thơ bay nhảy. Họ đã chứng tỏ cho chúng ta thấy, tiếng Việt cũng đẹp, cũng hay nếu nó được sử dụng đúng cách, đó là tiếng nói của quê hương, dân tộc, bởi vậy nó phải thể hiện tâm tư, nguyện vọng của những người sống trong dân tộc đó. Chính vì sự nhận thức đó, các nhà thơ mới thực sự đã kéo thơ ca đến gần với những giá trị to lớn, đó là tình yêu quê hương, đất nước ẩn sau sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Kết luận

Thông qua quá trình soạn bài Một thời đại trong thi ca chi tiết, sự độc đáo và mới mẻ từ các tác phẩm thời này sẽ được truyền tải đầy đủ cho học sinh. Văn bản mang tới góc nhìn rõ nét hơn về phong trào Thơ mới, những điểm đặc trưng và khác biệt so với thơ cũ.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *