Soạn bài Người thầy đầu tiên (Trích, Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp)

Hướng dẫn soạn bài Người thầy đầu tiên chi tiết từ THE POET Magazine (https://www.thepoetmagazine.org/) giúp bạn hiểu rõ nội dung văn bản và phục vụ quá trình học tập hiệu quả trên lớp. Đây là đoạn trích nằm trong tác phẩm nổi tiếng thế giới với thông điệp truyền tải cực kỳ sâu sắc.

Table of Contents

Trước khi đọc

Hãy kể ngắn gọn về một thầy, cô giáo mà em đặc biệt yêu quý.

Đối với tôi, tuổi học trò cắp sách tới trường là quãng thời gian đẹp nhất. Vì thế, nhắc tới kỉ niệm về thầy cô, trong tâm trí tôi sống dậy những câu chuyện vô cùng cảm động với cô Lan – cô giáo hiện đang dạy môn Ngữ văn của tôi. Cô là người đã để lại cho tôi kỉ niệm mà có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Chính cô là người sưởi ấm trái tim những học trò nghèo và đem lại cho tôi bài học nhân văn sâu sắc.

Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cô và các bạn trong lớp thương hoàn cảnh của bạn nên đã lên kế hoạch tổ chức sinh nhật lần thứ 14 cho bạn. Tôi là cô bé cá tính, kiêu kì và có phần ích kỉ. Khi thấy cô và các bạn thảo luận mua cho bạn một bộ quần áo mới vào dịp sinh nhật (vì lâu nay bạn đều mặc lại quần áo của chị, nhiều chỗ lấm lem, cổ áo đã sờn), tôi đứng phắt dậy nói: “Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là cô tổ chức và tặng quà, còn sinh nhật của chúng em thì cô không tổ chức ạ?”. Nghe tôi nói vậy, cô đã nhìn tôi với đôi mắt trìu mến, giọng dịu dàng: “Gia cảnh của bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi, nhưng ít nhất cũng đã khiến bạn cảm thấy vui”. Nói đến đây, cô rưng rưng nước mắt. Nhìn những giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng tôi chùng xuống. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng lời nói của cô đã khiến tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn, nhưng lời nói ấy đã khiến tôi phải nhìn lại mình. Tôi vốn được sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế, được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình, để họ cảm thấy ấm lòng hơn? Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi cảm nhận được cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.

Tấm lòng nhân hậu và lời nói của cô đã giúp tôi nhận ra được những điều bình dị nhưng rất đỗi cao đẹp, thiêng liêng trong cuộc sống. Nhờ cô mà tôi biết trân trọng, thương yêu và sẻ chia đối với những bạn có hoàn cảnh bất hạnh. Cô đã giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bền vững của con người, bồi dưỡng cho tôi tình yêu con người, yêu cuộc sống. Dù mai này lớn lên, bước vào một thế giới rộng mở với nhiều điều mới mẻ, thú vị hơn nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cô – người lái đò thầm lặng đã gieo những điều kì diệu ngọt ngào nhất cho cuộc đời tôi.

Trong khi đọc

Soạn bài Người thầy đầu tiên (Ngữ văn lớp 7 tập 2) phần Trong khi đọc giúp bạn xác định người kể chuyện, ngôn ngữ của nhân vật, sự thay đổi người kể và cách nói chuyện. Tình cảm từ những nhân vật trong đoạn trích được thể hiện rõ ràng qua những mô tả chân thật, bình dị.

1/ Người kể chuyện ở đây là ai?

Người kể chuyện ở phần (1) là người họa sĩ đồng hương với An-tư-nai.

2/ Theo dõi sự thay đổi nhân vật người kể chuyện.

Người kể chuyện ở phần (2) có sự thay đổi:

  • Xưng “chúng tôi”: gồm có An-tư-nai và những đứa trẻ.
  • Xưng “tôi”: nhân vật An-tư nai

Đây là điểm quan trọng cần được chú ý khi soạn văn 7 Người thầy đầu tiên vì có liên quan đến mạch cảm xúc và cách thể hiện các nhân vật.

3/ Theo dõi ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.

Ngôn ngữ của nhân vật An-tư-nai: “Nếu thím em cho đi thì em sẽ đi”. => Thể hiện tính cách bạo dạn, vừa thể hiện niềm khát khao được đi học của An-tư-nai.

Ngôn ngữ của thầy Đuy-sen:

  • “Đi đâu về thế các em gái?”
  • “Những cái bao kia to hơn cả người các em đấy … Thế nào, các em thích học không, các em sẽ đi học chứ?”
  • “Sao thím em lại không cho, thế nào cũng cho chứ. Thế tên em là gì?”
  • “An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?”
  • “Các em cứ gọi thầy là thấy. Các em có muốn xem trường không? Vào đây, đừng ngại gì cả”.
  • “Thôi được các em chạy về nhà đi. Khi nào đến, các em sẽ xem sau vậy. Gió chưa tối, thầy đi lấy rạ khô lần nữa đã”.

=> Thể hiện sự gần gũi, thân thiện, sự quan tâm chân thành vô cùng ấm áp yêu thương của thầy Đuy-sen đối với An-tư-nai và những đứa trẻ nghèo nơi đây.

soạn bài người thầy đầu tiên
Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật thể hiện tính cách của mỗi người

4/ Theo dõi những chi tiết miêu tả sự quan tâm, chăm sóc các học trò của thầy Đuy-sen.

Những chi tiết miêu tả sự quan tâm, chăm sóc của thầy Đuy-sen đối với các học trò:

  • ‘Thầy Đuy-sen đã bế các em qua suối. Lưng thì cõng, tay thì bế và cứ như thế thầy lần lượt đưa hết các em sang”.
  • “Thầy Đuy-sen cố gắng bao nhiêu cũng chưa kiếm đủ gỗ để bắc chiếc cầu nhỏ qua suối”.
  • “Hôm chúng tôi xếp đá qua dòng nước, tuyết đã phủ đầy trên mặt đất và nước buốt đến chết cóng đi được. Tôi không tưởng tượng được thầy Đuy-sen làm thế nào chịu nổi vì thầy đi chân không, làm không ngơi tay”.
  • “Thầy Đuy-sen lăng tảng đá đi, nhảy ngay lại bên tôi, đỡ tôi lên tay, rồi bế tôi chạy lên bờ và lột chiếc áo choàng đặt tôi vào đấy. Thầy hết xoa hai chân đã tím bầm, cứng đờ như gỗ của tôi, lại bóp chặt đôi tay lạnh cóng của tôi trong lòng bàn tay mình, rồi đưa lên miệng hà hơi ấm cho tôi”.
  • “An-tư-nai, em ngồi đây cho ấm, đừng xuống nữa,…”.
  • “Thế nào …, đã đỡ rét chưa?
  • “… thầy âu yếm nhìn tôi nói: em thông minh lắm … Ôi, ước gì thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng nào”.

=> Tất cả những chi tiết trên đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc, sự quan tâm tận tình, chu đáo của thầy Đuy-sen dành cho An-tư-nai nói riêng và những học trò nghèo ở vùng quê hẻo lánh.

5/ Tình cảm của An-tư nai và các học trò dành cho thầy Đuy-sen

Khi soạn bài Người thầy đầu tiên lớp 7 có thể thấy tình cảm của An-tư-nai và các học trò dành cho thầy Đuy-sen rất chân thành, tràn đầy sự quý mến:

  • An-tư-nai thầm nghĩ: “Ước gì thầy là anh ruột tôi! Ước gì tôi được bá cổ thầy, nhắm nghiền mắt lại và thủ thỉ với thầy những lời đẹp nhất! Trời ơi, ước gì thầy Đuy-sen là anh ruột tôi”.
  • “Chắc chắn tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi”.

=> An-tư-nai và các học trò nơi đây luôn trân trọng, yêu quý và biết ơn thầy Đuy-sen. Thầy chính là người thầy, người cha, người bạn lớn ấm áp yêu thương, đem lại những điều kì diệu nhất cho các em học trò. Đó là người thầy thật bình dị, thật ấm áp nhưng vô cùng vĩ đại của An-tư-nai và các học trò nơi đây.

6/ Nhận biết người kể chuyện ở phần (4) là ai?

Người kể chuyện ở phần (4) vẫn là người họa sĩ đồng hương với An-tư-nai.

người thầy đầu tiên
Người kể chuyện ở các phần có sự thay đổi

7/ Suy luận người kể chuyện băn khoăn, trăn trở về điều gì?

Người kể băn khoăn, trăn trở về việc tưởng chừng sẽ chẳng ra gì hết khi không thể không vẽ bức tranh người thầy đầu tiên của làng. Bởi, thầy Đuy-sen là một người thầy vô cùng vĩ đại đã đem đến những điều kì diệu, ấm áp yêu thương đến với những người học trò nghèo nơi đây. Vẽ bức tranh về thầy Đuy-sen là một hành động sâu sắc của người họa sĩ đối với người thầy đáng kính.

Trả lời câu hỏi

Hướng dẫn soạn bài Người thầy đầu tiên lớp 7 Kết nối tri thức trả lời các câu hỏi về nội dung, phong cách văn bản. Hình ảnh các nhân vật và mối liên hệ của họ trong đoạn trích được thể hiện rõ ràng hơn qua phần này.

1/ Xác định người kể chuyện và ngôi kể trong từng phần của đoạn trích.

Người kể chuyện qua các phần là:

  • Phần (1) người kể chuyện là người họa sĩ đồng hương của An-tư-nai.
  • Phần (2), (3) người kể chuyện là An-tư-nai.
  • Phần (4) người kể chuyện là người họa sĩ đồng hương với An-tư-nai.

Ngôi kể cả 4 phần đều sử dụng ngôi thứ nhất xưng “tôi”.

2/ Các nhân vật người kể chuyện trong đoạn trích có quan hệ với nhau như thế nào?

Các nhân vật người kể chuyện trong đoạn trích có mối quan hệ đồng hương với nhau. Họ đều sinh ra và lớn lên ở làng Ku-ku-rêu; hiện cùng sống ở Mát-xcơ-va và có quen biết nhau. Họ cùng được mời về dự lễ khánh thành ngôi trường mới của quê hương.

soạn văn 7 người thầy đầu tiên
Các nhân vật trong đoạn trích có mối quan hệ mật thiết với nhau

3/ Qua cuộc trò chuyện giữa các bạn nhỏ và thầy Đuy-sen ở phần (2), em hình dung như thế nào về hoàn cảnh sống của An-tư-nai?

Qua cuộc trò chuyện giữa các bạn nhỏ và thầy Đuy-sen ở phần (2) Ngữ văn 7 Người thầy đầu tiên, An-tư-nai là trẻ mồ côi, ở với chú thím, cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm, không được chăm sóc yêu thương. Điều này được thể hiện rất rõ qua câu nói của An-tư-nai: “Nếu thím cho em đi thì em sẽ đi” …; qua hành động “Tôi vừa đáp vừa lấy tay che chỗ gấu váy thủng để hở một mảng đầu gối”; qua câu nói của mấy đứa bạn về hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương của An-tư-nai: “Chị ấy mồ côi ạ, chị ấy ở với chú thím”…

4/ Em hãy đọc kĩ phần (3) của đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:

a/ Hình ảnh thầy Đuy-sen hiện lên qua lời kể, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật nào?

Hình ảnh thầy Đuy-sen hiện lên qua lời kể, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật An-tư-nai.

b/ Những chi tiết tiêu biểu nào được nhà văn sử dụng để khắc họa nhân vật thầy Đuy-sen?

  • Ngôn ngữ đối thoại: trò chuyện, thuyết phục các em nhỏ đi học, động viên, khích lệ An-tư-nai.
  • Hành động: một mình sửa sang nhà kho cũ thành lớp học; bế các em nhỏ qua suối giữa mùa đông buốt giá; kiên trì dạy chữ cho các em bất chấp hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt, sự đơn độc; mơ ước về một tương lai tươi sáng cho học trò.
  • Cảm xúc, suy nghĩ của An-tư-nai về thầy: cảm nhận về lòng nhân hậu, tình yêu thương của thầy, mong ước thầy là người ruột thịt của mình.

c/ Khái quát đặc điểm tính cách nhân vật thầy Đuy-sen.

Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Đuy-sen: có mục đích sống cao đẹp, cương nghị, kiên nhẫn, nhân hậu, vị tha,… trong đó, nổi bật nhất là tình cảm yêu thương, hết lòng vì học trò.

5/ An-tư-nai đã dành cho thầy Đuy-sen tình cảm như thế nào? Nhờ “người thầy đầu tiên” ấy, cuộc đời An-tư-nai đã thay đổi ra sao?

Đọc văn bản Người thầy đầu tiên có thể thấy, An-tư-nai đã dành cho thầy Đuy-sen tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn vì tấm lòng nhân từ, những ý nghĩ tốt lành và những ước mơ của thầy về tương lai cô và những đứa trẻ. Cô ước thầy là anh ruột của mình, tình cảm thân thương như ruột thịt.

Nhờ thầy, cuộc đời An-tư-nai đã thay đổi, từ một cô bé mồ côi không biết chữ, ở một vùng quê nghèo khó, lạc hậu, từng bị người thím độc ác bán đi,… An-tư-nai đã có cơ hội lên thành phố học tập và trở thành một viện sĩ nổi tiếng.

soạn bài người thầy đầu tiên lớp 7
Cô bé An-tư-nai dành cho thầy Đuy-sen tình cảm rất sâu sắc

6/ Ở phần (4), nhân vật người họa sĩ đã có những ý tưởng gì cho bức tranh vẽ thầy Đuy-sen? Em ủng hộ ý tưởng nào của họa sĩ?

Ở phần (4), nhân vật người họa sĩ đã có những ý tưởng cho bức tranh vẽ thầy Đuy-sen là:

  • Vẽ hai cây phong thầy Đuy-sen và An-tư-nai trồng, cùng đứa trẻ với đôi mắt hân hoan nhìn vào cõi xa xăm kì ảo.
  • Vẽ cảnh tượng thầy Đuy-sen bế trẻ em qua con suối mùa đông.
  • Vẽ khoảnh khắc thầy Đuy-sen tiễn An-tư-nai lên tỉnh sao cho bức tranh ấy diễn tả được tiếng gọi cất lên từ tâm hồn Đuy-sen mà đến nay An-tư-nai vẫn còn nghe vẳng lại, sẽ vang dội mãi trong lòng mỗi người.

Em ủng hộ ý tưởng vẽ cảnh thầy Đuy-sen bế trẻ em qua con suối mùa đông vì nó thể hiện được sự trân trọng của người họa sĩ đối với hành động của thầy cũng như thể hiện rõ sự hi sinh, nỗ lực vì các em học sinh của thầy Đuy-sen.

7/ Theo em, cách nhà văn thay đổi kiểu người kể chuyện ở các phần trong đoạn trích có tác dụng gì?

Sự chuyển người kể trong các phần giúp người đọc có thể theo dõi linh hoạt câu chuyện theo nhiều chiều; khiến câu chuyện trở nên phong phú, hấp dẫn, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

Kết luận

Soạn bài Người thầy đầu tiên (Trích, Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp) cho thấy đây là tác phẩm cực kỳ ý nghĩa mà bất cứ học sinh nào cũng nên đọc. Soạn bài chi tiết giúp bạn trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến mạch truyện và tình cảm của các nhân vật, hiểu rõ giá trị nhân văn của văn bản.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *