Soạn bài Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông) Ngữ văn 6

Hướng dẫn soạn bài Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông) và trả lời đầy đủ câu hỏi. Học sinh theo dõi chuẩn bị đọc và trải nghiệm cùng văn bản.

Soạn văn bài Những cánh buồm – Gia đình luôn là nơi chúng ta gắn bó và có nhiều kỉ niệm. Hãy nhớ lại một kỉ niệm sâu sắc giữa em và người thân để chia sẻ với các bạn trong lớp

Học sinh có thể dựa vào gợi ý để trình bày bài chia sẻ một kỉ niệm sâu sắc của mình như sau:

Mở bài:

  • Giới thiệu kỉ niệm sâu sắc làm em nhớ mãi đến tận ngày nay.

Thân bài:

  • Kỉ niệm đó diễn ra ở đâu? Khung cảnh thế nào?
  • Những đối tượng nào gắn bó với kỉ niệm của em?
  • Kỉ niệm đó mang lại cho em suy nghĩ gì?
  • Kỉ niệm của em có phải là hồi ức đẹp không?

Kết bài:

  • Em có suy nghĩ gì về những kỉ niệm đáng nhớ đó.
soạn văn bài Những cánh buồm
Nhớ lại một kỉ niệm sâu sắc giữa em và người thân để chia sẻ với các bạn trong lớp

Bài làm tham khảo

Các bạn ạ! Nếu có ai hỏi rằng: Bạn có bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ? Thì lúc đó tôi sẽ không ngần ngại kể cho họ nghe về kí ức tuổi thơ, nơi ấy là dòng sông chở đầy con thuyền kỉ niệm. Kỉ niệm để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là với người mẹ thân yêu.

Đã một năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức. Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp năm. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vì quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu lầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhà: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ – người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ đó, tôi luôn tự hứa là phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

Các bạn ạ! Đối với tôi, mẹ là người tuyệt vời nhất, tôi yêu thương mẹ rất nhiều. Mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Tôi luôn mong những điều tối đẹp nhất sẽ đến với mẹ.

Đọc hiểu Những cánh buồm

Hướng dẫn học sinh theo dõi tác phẩm và trả lời các câu hỏi.

soạn bài Những cánh buồm
Đọc hiểu Những cánh buồm và trả lời câu hỏi

1/ Em hình dung như thế nào về hình ảnh người cha và người con qua câu thơ “Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng/ Nghe con bước lòng vui phơi phới”?

Qua câu thơ, chúng ta có thể hình dung được một buổi sáng bình minh rực rỡ với cảnh cha dắt con đi dạo trên bờ biển như mở ra những nốt ngân tươi vui, trong trẻo. Thời gian như reo vui cùng những bước chân nhỏ bé của con. Và cha lắng nghe niềm vui ngân nga trong tâm hồn khi nghe tiếng chân con bước. Thời gian ở đây như một minh chứng vô hình cho hạnh phúc đơn sơ và rất đỗi thiêng liêng của con người. Cái vẻ đẹp rực rỡ của ngoại cảnh, cái nốt ngân lặng lẽ của thời gian đều được tỏa sáng.

2/ Câu thơ “Cha mượn cho con buồn trắng nhé/ Để con đi…” thể hiện mong muốn gì của người con?

Câu thơ “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/ Để con đi…” như lời tin yêu thầm vang lên từ chính nơi sâu thẳm của tâm hồn trẻ thơ. Chính vì biển cả bao la mà cậu bé muốn khám phá trên một cánh buồm “trắng” đầy ước mơ tuổi thơ. Cậu bé ước mơ được thấy người, thấy nhà cửa, thấy cây cối ở phía chân trời xa. Cậu còn ước mơ được khám phá những điều chưa biết về biển, về cuộc sống.

Cánh buồm trắng ở đây đã trở thành biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được hiểu biết của tuổi trẻ ước mơ được đi xa, được hiểu biết của người con ngày hôm nay là ước mơ của người cha ngày hôm qua.

Ba dấu chấm lửng đằng sau ba chữ “Để con đi” muốn nói đến những nơi cha chưa đến thì người con sẽ đến. Ý thơ toát ra ở sự kế tiếp thế hệ sau và thế hệ trước. Đó cũng chính là khát vọng của tuổi trẻ muốn vươn tới chân trời mới.

3/ Em hiểu như thế nào về câu thơ: “Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”?

“Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”: Người cha vô cùng hạnh phúc và như trẻ lại khi tìm lại mình, tìm lại được những khát vọng thuở trước trong tiếng ước mơ của con. Những khát vọng của con cũng là những khát vọng của cha ngày thơ ấu. Gặp lại những khát vọng ấy nơi con, lòng cha nhen nhóm lên bao hi vọng. Hi vọng con sẽ mang khát vọng của con và cha đi xa hơn nữa trong cuộc đời. Những điều cha chưa làm được từ nay sẽ được gửi gắm nơi con.

Soạn bài Những cánh Buồm Chân trời sáng tạo – Suy ngẫm và phản hồi

Gợi ý học sinh trả lời các câu hỏi trang 29 sách giáo khoa.

1/ Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Những cánh buồm là một bài thơ?

Những dấu hiệu giúp em nhận thấy đây là một bài thơ là: một câu thường có 5 đến 7 chữ được viết theo thể thơ tự do, được chia thành nhiều đoạn nhỏ khác nhau (cứ 4 câu chia thành một đoạn).

2/ Theo em, bài thơ này có gì độc đáo? Nét độc đáo ấy được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ nào?

Hình ảnh thơ độc đáo:

  • Cha dắt con đi hay chính quá khứ dìu bước cho hiện tại, lớp trước nâng bước cho lớp sau. Cái lênh khênh của bóng cha như đối lập với cái tròn chắc nịch của bóng con, cái già nua vì thười gian của thế hệ cha anh như đối lập với cái vững chãi, tự tin của cả thế hệ con cháu.

Biện pháp tu từ:

  • Nắng mai hồng là thứ ánh nắng ấm áp, tinh khôi mở đầu ngày mới bình yên.
  • Cánh buồm trắng: ở đây đã trở thành biểu tượng của ước mơ, khát vọng được đi xa, được hiểu biết của tuổi trẻ ước mơ được đi xa, được hiểu biết.

Từ ngữ:

  • Sử dụng từ mang nghĩa chuyển gợi sự liên tưởng thú vị cho người đọc.
  • Nhịp thơ: nhịp thơ vừa trầm vừa lắng, vừa bay bổng như dàn trải ào ạt những cảm xúc dào dạt của tác giả. Đó là tầm cao của ước mơ, của khát vọng được chinh phục, được khám phá thiên nhiên, được làm chủ nó.

Bài thơ đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những ước mơ bay bổng, thúc giục chúng ta tìm tòi, học hỏi và khám phá để vươn tới chiếm lĩnh chinh phục thế giới vũ trụ.

3/ Bài thơ có chứa các yếu tố miêu tả và tự sự không? Nếu có, em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các yếu tố đó

Bài thơ có chứa các yếu tố tự sự và miêu tả:

  • Tự sự: kể về những cuộc đối thoại giữa hai cha con về những thắc mắc trẻ thơ, về ước mơ tuổi trẻ của người cha.
  • Miêu tả: hình ảnh hai cha con dắt nhau bên bờ biển dưới nền cát mịn, ánh nắng mai hồng và hình ảnh những cánh buồm.

Tác dụng:

  • Yếu tố miêu tả: Một không gian khoáng đãng rực rỡ, long lanh màu hạnh phúc như mở ra, mời gọi con người. Bóng dáng hai cha con nhỏ bé như nổi bật hẳn trong khung cảnh thiên nhiên bao la sóng nước. Đọc câu thơ ta cảm nhận được trước mắt ta cảnh vật bỗng tươi đẹp hơn. Bãi cát trải dài mịn màng như được một bàn tay thần kì nào đó đêm qua vuốt ve. Nước biển trong một màu biếc khơi gợi trong ta một cảm xúc dạt dào như muốn chạy ùa vào lòng biển.
  • Yếu tố tự sự: bài thơ là câu chuyện nhỏ được người cha và con thầm thì kể cho nhau nghe giữa biển trời mênh mông về những ước mơ, khát vọng. Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng theo đó bộc lộ dựa trên mạch tự sự của văn bản.

4/ Tình cảm hai cha con dành cho nhau được thể hiện như thế nào trong bài thơ? Điều ấy gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm gia đình?

Tình cảm của hai cha con dành cho nhau được thể hiện một cách đầy chân thực qua những câu hỏi ngây ngô của cậu bé và những câu trả lời trìu mến của người cha. Người cha không hề tỏ ra ngạc nhiên trước những câu hỏi của con mà khẽ mỉm cười giảng giải cho con, từng bước nâng đỡ ước mơ con.

Điều đó gợi cho em về tình cảm gia đình thật thiêng liêng, nó chất chứa sự yêu thương vô bờ bến, chia sẻ và sự nhẫn nại nâng cánh ước mơ của cha dành cho con.

5/ Em nhận xét như thế nào về tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua bài thơ?

Thăm thẳm muôn trùng, mênh mông bất tận, ngút ngàn rợn ngợp… biển như là đại diện cho những gì vô cùng tận, phi thường và kỳ vĩ trên thế gian này. Con người ta hay ví mình là giọt nước giữa lòng biển khơi, là hạt cát nhỏ nhoi trên bờ biển, như một sự tự ý thức về kiếp nhân sinh nhỏ bé, mong manh của chính mình. Nhưng điều kỳ lạ ngỡ như mâu thuẫn mà rất hợp lý, rằng con người dẫu biết mình mong manh vẫn muốn hóa cường tráng, nhỏ nhoi vẫn muốn hóa lớn lao… nên trước biển, khát khao vẫn trào lên như muôn ngàn lớp sóng. Trước hình ảnh kì vĩ của thiên nhiên, hồn thơ Hoàng Trung Thông bỗng bay bổng cùng tiếng sóng ra khơi.

Tác phẩm khắc họa một cuộc dạo chơi của hai cha con trên bãi biển, lời thơ giản dị mà khơi gợi bao ý nghĩa sâu xa:

Cha và con của quá khứ và hiện tại cùng chung một ước vọng, một ý nguyện. Bờ là bến đỗ của cha nhưng cũng là điểm xuất phát của con. Chân trời là khao khát của cha nay lại ươm mầm lớn dậy trong con. Cha đã trao lại cho con ngọn lửa của đam mê và khát vọng, để thế hệ trẻ hôm nay bước tiếp con đường của cha anh thuở trước! Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là bài ca đẹp về ước mơ vươn tới của con người…

Kết luận

Tài liệu soạn bài Những cánh buồm đã được cập nhật chính xác nhất tại The POET Magazine (https://www.thepoetmagazine.org/). Các em học sinh hãy chuẩn bị bài đầy đủ để có thể hiểu nội dung bài học nhanh chóng hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *