Soạn bài Sọ Dừa chương trình Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo

Tài liệu soạn bài Sọ Dừa trong sách Ngữ Văn Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo giúp các em học sinh chuẩn bị bài tốt hơn. Theo dõi các câu hỏi đầy đủ nhất tại trang web The POET Magazine (https://www.thepoetmagazine.org/) – Diễn đàn tổng hợp thơ, phân tích văn học, truyện dân gian (ngụ ngôn, cổ tích,…), ca dao hay nhất.

Table of Contents

Soạn bài Sọ Dừa Chân trời sáng tạo

Gợi ý soạn văn Sọ Dừa, suy ngẫm và phản hồi các câu hỏi trang 42 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 1.

Đã bao giờ em đánh giá người khác chỉ qua hình thức bên ngoài? Các đánh giá như vậy có chính xác không?

Đã có những lúc em đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài, ví dụ như nhìn vào cách ăn mặc, cách nói năng, biểu hiện… của bạn đó để nhận xét.

Em nhận ra rằng cách đánh giá như vậy không hoàn toàn chính xác, vì hình thức bên ngoài không thể hiện hết được về một con người.

Soạn bài Sọ Dừa – Nhan đề văn bản gợi cho em liên tưởng gì?

Nhan đề văn bản khiến em liên tưởng đến hình ảnh chiếc sọ dừa (phần gáo đã lộ vỏ ngoài) tròn lông lốc. Có thể nhân vật trong truyện này là sự vật – sọ dừa, có thể nhân vật là người không có chân tay, có hình dáng như một cái sọ dừa.

Những chi tiết trong phần mở đầu giúp em biết được gì về nhân vật Sọ Dừa?

Trong phần mở đầu truyện, tác giả dân gian đã giới thiệu về sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa:

  • Bà mẹ vào rừng hái củi, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa nên đã uống và rồi có mang.
  • Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như quả dừa.
  • Bà mẹ định vứt đi thì đứa con vừa sinh cất được tiếng nói xin người mẹ giữ mình lại để nuôi.

=> Những chi tiết ấy đã nói lên sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa.

Đây là chi tiết bạn có sử dụng chi tiết này để dẫn dắt cho bài phân tích nhân vật Sọ Dừa. Bản chất truyện cổ tích sẽ đi kèm các nhân vật kì ảo nên việc đưa các yếu tố này vào bài là hợp lý.

Theo em, Sọ Dừa có tìm được lễ vật hay không?

Theo em, Sọ Dừa sẽ tìm được lễ vật, bởi vì:

  • Sọ Dừa là người hiền lành, lương thiện, chịu nhiều thiệt thòi nên sẽ thường nhận được sự giúp đỡ, vì quan niệm của nhân dân ta là “ở hiền gặp lành”.
  • Sọ Dừa từ khi sinh ra đã là người kì lạ. Và tài năng của chàng đã được hé lộ trong phần trước đó (chăn bò rất giỏi, thổi sáo rất hay, lộ diện trong dung mạo một chàng trai khôi ngô).

Do đó, chắc chắn Sọ Dừa sẽ tìm được lễ vật theo yêu cầu của phú ông.

Truyện cổ tích thường kể về nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người mang lốt vật,…), nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh,… Theo em, Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật nào?

Truyện cổ tích thường kể về nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người mang lốt vật,…) nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh,… Theo em, Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật có hình dạng xấu xí.

Sắp xếp lại các sự việc sau theo đúng trình tự xảy ra trong truyện:

a. Bà mẹ đi hái củi, uống nước trong sọ dừa rồi có mang, sinh ra Sọ Dừa dị hình dị dạng.

b. Sọ Dừa chăm lo học hành, đỗ trạng và đi sứ.

c. Sọ Dừa đi sứ về, hết sức vui mừng khi gặp lại vợ trên đảo.

d. Ở nhà phú ông, Sọ Dừa gặp được cô út và kết hôn với cô, trút bỏ lốt xấu xí.

đ. Hai người chị hại em, đẩy vợ Sọ Dừa xuống biển.

e. Nhờ làm theo lời dặn của chồng, người vợ thoát nạn và sống trên đảo hoang.

g. Hai người chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

h. Sọ Dừa xin đi chăn bò ở nhà phú ông để phụ giúp mẹ già.

Em có nhận xét gì về cách sắp xếp thứ tự các sự việc trong truyện cổ tích?

Sắp xếp lại các sự việc theo đúng trình tự xảy ra trong truyện:

a. Bà mẹ đi hái củi, uống nước trong sọ dừa rồi có mang, sinh ra Sọ Dừa dị hình dị dạng -> h. Sọ Dừa xin đi chăn bò ở nhà phú ông để phụ giúp mẹ già. -> d. Ở nhà phú ông, Sọ Dừa gặp được cô út và kết hôn với cô, trút bỏ lốt xấu xí. -> b. Sọ Dừa chăm lo học hành, đỗ trạng và đi sứ. -> đ. Hai người chị hại em, đẩy vợ Sọ Dừa xuống biển. -> e. Nhờ làm theo lời dặn của chồng, người vợ thoát nạn và sống trên đảo hoang. -> c. Sọ Dừa đi sứ về, hết sức vui mừng khi gặp lại vợ trên đảo. -> g. Hai người chị xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

Nhận xét của em về cách sắp xếp thứ tự các sự việc trong truyện cổ tích: Các sự việc được sắp xếp theo thứ tự tự nhiên, theo trình tự thời gian, sự việc gì xảy ra trước kể trước, sự việc gì xảy ra sau kể sau.

soạn bài Sọ Dừa
Câu chuyện Sọ Dừa được sắp xếp theo thứ tự tự nhiên, theo trình tự thời gian

Phẩm chất của nhân vật trong truyện cổ tích thường được bộc lộ qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm. Điều này được thể hiện như thế nào qua nhân vật Sọ Dừa?

Phẩm chất của nhân vật trong truyện cổ tích thường được bộ lộ qua chuỗi hành động xuyên suốt tác phẩm trong sgk ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức. Điều này được thể hiện qua nhân vật Sọ Dừa:

Phẩm chất Hành động
Chăm chỉ, yêu lao động Chàng chăn bò rất giỏi, ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng.
Tài hoa Tài thổi sáo rất hay – tiếng sáo véo von.
Giỏi giang Giục mẹ hỏi con gái phú ông làm vợ và sắm đủ lễ vật theo yêu cầu của phú ông (một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm).
Thông minh Sọ Dừa tỏ ra thông minh khác thường, ngày đêm miệt mài đèn sách và đỗ trạng nguyên
Hiểu biết sâu rộng Sọ Dừa có tài dự đoán, lo xa mọi chuyện: khi chia tay vợ, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn dắt theo người phòng khi dùng đến.

Hãy chỉ ra các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa. Theo em, các yếu tố kì ảo trong truyện này có vai trò gì?

Các yếu tố kì ảo được sử dụng trong truyện Sọ Dừa:

  • Sự ra đời của Sọ Dừa: bà mẹ uống nước từ cái sọ dừa bên gốc cây to và có mang, sinh ra Sọ Dừa không có tay chân, tròn như quả dừa. Vừa sinh đã biết nói.
  • Chàng không có tay chân nhưng chăn bò rất giỏi.
  • Sọ Dừa biến thành chàng trai khôi ngô, thổi sáo chăn bò, có tiếng động chàng trai biến mất, chỉ còn lại Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy.
  • Vợ Sọ Dừa nằm trong bụng cá, lấy dao đâm chết cá và mổ bụng chui ra.
  • Con gà biết gáy lên tiếng người “Ò…ó…o… Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về”.

Theo em, các yêu tố kì ảo trong truyện này có vai trò:

  • Giúp thể hiện bản chât tốt đẹp của Sọ Dừa ẩn trong vẻ xấu xí bên ngoài.
  • Thể hiện được ước mơ của nhân dân về những người hiền lành, lương thiện sẽ gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống (Ở hiền gặp lành).
  • Giúp cho truyện trở nên hấp dẫn, gây hứng thú với người đọc.
  • Thể hiện đặc trưng của thể loại truyện cổ tích.

Xác định đề tài của truyện

Đề tài là hiện tượng đời sống được miêu tả, thể hiện qua văn bản. Trong văn bản này, đề tài của truyện là đề cao giá trị đích thực, vẻ đẹp bên trong của con người. Khẳng định giá trị đích thực của con người là phẩm chất tinh thần bên trong.

Khi đã hiểu cốt truyện, bạn có thể đóng vai nhân vật Sọ Dừa kể lại câu chuyện ngắn gọn. Đây cũng là dạng đề thường gặp trong chương trình học.

Cho biết chủ đề của truyện

Chủ đề là vấn đề chính mà văn bản nêu lên qua một hiện tượng đời sống. Trong truyện cổ tích, chủ đề nổi bật là ước mơ về xã hội công bằng, cái thiện chiến thắng cái ác.

Từ đó, ta thấy được chủ đề của truyện: thể hiện ước mơ, nguyện vọng của nhân dân về sự đổi đời cho những người thiệt thòi đau khổ, ước mơ về công bằng xã hội. Người tài giỏi đức độ phải được sống hạnh phúc, còn kẻ ác tham lam sẽ bị trừng trị thích đáng.

Qua truyện Sọ Dừa, em học được gì về cách nhìn nhận, đánh giá con người?

Qua truyện Sọ Dừa, em học được cách nhìn nhận, đánh giá con người là:

Không nên nhìn nhận, đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài mà cần coi trọng phẩm chất, tính cách, vẻ đẹp bên trong tâm hồn của họ.

Soạn bài Sọ Dừa Chân trời sáng tạo
Không nên đánh giá một người chỉ qua vẻ bền ngoài mà nên xem trọng vẻ đẹp bên trong

Soạn bài Sọ Dừa Kết nối tri thức

Soạn văn 6 Kết nối tri thức bài Sọ Dừa, hướng dẫn tìm hiểu và giải đáp các câu hỏi trong SGK trang 48, 51.

Sức hấp dẫn của các yếu tố kì ảo trong câu chuyện

Trong truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo:

  • Bà mẹ uống nước trong cái Sọ Dừa rồi có mang.
  • Bà mẹ sinh ra Sọ Dừa chỉ là một cục thịt tròn lăn lông lốc, có mắt, có mũi, nhưng không có mình mẩy, tay chân nhưng biết nói.
  • Sọ Dừa có thể trút lốt thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú; biết hóa phép, biến hóa.

Sức hấp dẫn của các yếu tố kì ảo trong truyện Sọ Dừa:

  • Thể hiện được bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa trong vẻ xấu xí: Bản chất tốt đẹp của Sọ Dừa đã phải ẩn kín trong vỏ bọc bên ngoài xấu xí, dị dạng và đáng sợ.
  • Yếu tố thần kì giúp cho cuộc đời Sọ Dừa tiến lên một trang mới: chàng đi chăn trâu cho phú ông, chân tay mặt mũi không có nhưng lại chăn trâu rất giỏi.
  • Giữ cho câu chuyện phát triển tuần tự, từ thấp đến cao: Sọ Dừa vẫn ở trong cái bọc xấu xí đó mà chưa ra, chứng tỏ tác giả dân gian sử dụng yếu tố này rất có nguyên tắc.
  • Yếu tố thần kì giúp cho người đọc hứng thú và không bị nhàm chán: Thời điểm yếu tố thần kì được sử dụng đắt nhất, chính là khi chàng trai Sọ Dừa khôi ngô tuấn tú bước ra cùng người vợ của mình.

Quan hệ giữa ngoại hình và phẩm chất của nhân vật Sọ Dừa

Gợi ý

Có sự đối lập giữa hình thức bên ngoài với phẩm chất bên trong, bề ngoài dị dạng, kì quái, vô dụng; cở bỏ vỏ lốt, Sọ Dừa lại có vẻ đẹp của một chàng trai khôi ngô với tài năng và sự thông minh tuyệt vời. Hình dạng bên ngoài có thể xấu xí nhưng những tài năng, phẩm chất bên trong của Sọ Dừa hơn hẳn những người thường. Sự đối lập đó đề cao phẩm chất bên trong của con người, đồng thời cũng thể hiện ước mơ về sự đổi đời của người lao động trong xã hội xưa. Vì vậy không thể đánh giá một con người chỉ qua dáng vẻ bên ngoài, nếu đánh giá phiến diện sẽ dẫn đến nhìn nhận lệch lạc.

Ước mơ của tác giả dân gian qua kết thúc truyện

Gợi ý

Kết thúc của câu chuyện này đã thể hiện trong ước mơ của dân gian: “Ở hiền gặp lành”, những con người nhỏ bé, thấp hèn, hình dạng xấu xí như Sọ Dừa hoặc con người tốt bụng, có lòng thương người như cô Út sẽ được hưởng hạnh phúc. Những kẻ xấu xa có dã tâm độc ác như hai cô chị sẽ bị trừng trị thích đáng.

Thể hiện tấm lòng nhân ái đối với những con người bất hạnh. Ca ngợi sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan của nhân dân lao động; hi vọng vào sự công bằng, vào lẽ phải.

Tìm đọc một số truyền thuyết và truyện cổ tích

Gợi ý

  • Truyền thuyết: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh dày, Sự tích Hồ Gươm,…
  • Truyện cổ tích: Em bé thông minh, Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng,…

Trao đổi về những cảm nhận, suy nghĩ của em khi đọc những truyền thuyết, truyện cổ tích đó. Tập trung vào những yếu tố cơ bản của mỗi thể loại như chủ đề, cốt truyện, nhân vật, lời kể và yếu tố kì ảo…

Gợi ý

(Xem phần kiến thức cơ bản về thuyền thuyết và truyện cổ tích)

Kể lại một truyền thuyết hoặc truyện cổ tích mà em thích

Gợi ý dàn bài:

Mở bài: Nêu lên lí do kể câu chuyện.

Thân bài: Kể lần lượt theo trình tự các sự việc.

Kết bài: Thông điệp, đề tài, ý nghĩa của câu truyện cổ tích đó.

Bài làm số 1

Các bạn đã bao giờ tự hỏi nguồn gốc tổ tiên quý báu của mình có từ bao giờ chưa? Đã có rất nhiều câu chuyện thần kì lí giải điều đó. Nhưng tâm đắc nhất vẫn là câu chuyện truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.

Truyện kể rằng: Thuở xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần hình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh. Thần còn dạy dân cách bắt cá và sinh sống. Âu Cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng. Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng cần bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần.

Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:

“Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?”. Lạc Long Quân ân cần giải thích:

“Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.”. Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạc Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương.

Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường tự hào mỗi khi nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì vậy, là con dân đất Việt, ta luôn tự hào về nguồn gốc linh thiêng này. Tự hứa sẽ ra sức học tập để xứng đáng với truyền thống ấy.

soạn bài Sọ Dừa Kết nối tri thức
Tự hào về nguồn gốc người Việt, thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên

Bài tham khảo số 2

Truyện cổ tích SỰ TÍCH TRẦU CAU

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em. Năm hai anh em mười bảy mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Hai anh em vốn đã yêu thương nhau, nay gặp cảnh hiu quạnh, lại càng yêu thương nhau hơn trước.

Không còn được cha dạy dỗ cho nữa, hai anh em đến xin học ông đạo sĩ họ Lưu. Hai anh em học hành chăm chỉ lại đứng đắn nên được thầy yêu như con. Thầy Lưu có một cô con gái tuổi chừng mười sáu mười bảy, nhan sắc tươi tắn, con gái trong vùng không người nào sánh kịp.

Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp trai vừa hiền, người con gái đem lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng, nhưng không biết người nào là anh, người nào là em.

Một hôm, nhân nhà nấu cháo, người con gái lấy một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn. Thấy người em nhường người anh ăn, người con gái mới nhận ra được ai là anh, ai là em. Sau đó người con gái nói với cha mẹ cho phép mình lấy người anh làm chồng.

Từ khi người anh có vợ thì thương yêu giữa hai anh em không được thắm thiết nữa. Người em rất buồn, nhưng người anh không để ý đến.

Một hôm hai anh em cùng lên nương, tối mịt mới về, người em vào nhà trước; chàng vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì chị dâu ở trong buồng chạy ra lầm chàng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em liền kêu lên, cả hai đều xấu hổ. Giữa lúc ấy, người anh cũng bước vào nhà. Từ đấy người anh nghi em có tình ý với vợ mình, càng hững hờ với em hơn trước.

Một buổi chiều, anh chị đều đi vắng cả, người em ngồi một mình nhìn ra khu rừng xa xa, cảm thấy cô quạnh, lại càng buồn tủi, vùng đứng dậy ra đi.

Chàng đi, đi mãi cho đến khu rừng phía trước mặt, rồi theo đường mòn đi thẳng vào rừng âm u. Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, mà chàng vẫn cứ đi. Đi đến một con suối rộng nước sâu và xanh biếc, chàng không lội qua được, đành ngồi nghỉ bên bờ. Chàng khóc thổn thức, tiếng suối reo và cứ reo, át cả tiếng khóc của chàng. Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều, sương lạnh thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn trơ trơ, biến thành một tảng đá.

Người anh cùng vợ về nhà, không thấy em đâu, lẳng lặng đi tìm, không nói cho vợ biết. Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi, đi mãi, và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng và không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ suối, tựa mình vào một tảng đá. Chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình! Sương vẫn xuống đều, sương lạnh rơi lã chã từ cành lá xuống. Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá.

Ở nhà, vợ không thấy chồng đâu, vội đi tìm và cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, bước thấp bước cao, rồi cuối cùng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Nàng không còn đi được nữa. Nàng ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình than khóc. Nàng có ngờ đâu nàng đã ngồi tựa vào chồng mình và sát đó là em chồng. Nàng than khóc, nhưng tiếng suối to hơn cả tiếng than khóc của nàng. Đêm đã ngả dần về sáng, sương xuống càng nhiều, mù mịt cả núi rừng, nàng vật vã khóc than. Chưa đầy nửa đêm và nàng đã mình gầy xác ve, thân mình dài lêu nghêu, biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá.

Về sau chuyện ấy đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót. Một hôm, vua Hùng đi qua chỗ ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và đến xem. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay. Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Nhân dân gọi cái cây mọc thẳng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ.

Tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mối lương duyên, và khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở nên tục cố hữu của dân tộc Việt Nam.

Xem thêm:

Kết luận

Thông tin soạn bài Sọ Dừa của hai chương trình Kết nối tri thức và Chân đời sáng tạo đã được chia sẻ chính xác. Các gợi ý trả lời câu hỏi chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu hơn về bài học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *