Soạn bài Thánh Gióng Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức

Theo dõi tài liệu soạn bài Thánh Gióng bộ sách văn lớp 6 Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo. Cập nhật bài soạn đầy đủ và chính xác để hỗ trợ tốt nhất cho buổi học.

Table of Contents

Soạn bài Thánh Gióng Chân trời sáng tạo

Hướng dẫn soạn văn Thánh Gióng theo bộ sách ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo.

1/ Em nghĩ thế nào về hình ảnh một cậu bé ba bốn tuổi bỗng nhiên trở thành tráng sĩ?

Việc một cậu bé ba tuổi bỗng nhiên trở thành tráng sĩ là một điều kì lạ, phi thường, không thể có trong đời sống thực. Điều đó chứng tỏ cậu bé là người thần, người trời chứ không phải là người thường.

2/ Theo em, tác giả dân gian muốn thể hiện điều gì qua việc xây dựng hình ảnh ấy?

Thông qua hình ảnh cậu bé ba tuổi vươn vai trở thành tráng sĩ, tác giả muốn sử dụng nó để đại diện cho sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đoàn kết của dân tộc đã hóa thành sức mạnh phi thường đứng lên chiến đấu, vùi chôn quân giặc, bảo vệ nước nhà.

3/ Sự ra đời và những biểu hiện khác thường của cậu bé dự báo sự việc sắp xảy ra như thế nào?

Sự ra đời và những biểu hiện khác thường của cậu bé:

  • Mẹ đã già, mang thai sau khi ướm thử vết chân to.
  • Mang thai suốt 12 tháng.
  • Lên ba cũng không biết nói, cười, đặt đâu nằm đấy.
  • Bỗng dưng cất tiếng nói khi nghe sứ giả tìm người cứu nước.
  • Dõng dạc xưng “ta” với sứ giả, đòi trang bị lạ thường để ra trận.
  • Sau khi gặp sứ giả thì lớn nhanh như thổi.

Sự ra đời và những biểu hiện khác thường của cậu bé như vậy cho thấy cậu là người phi thường và dự báo cậu sẽ phá tan được giặc, bảo vệ và mang lại hòa bình cho đất nước.

soạn văn 6 Thánh Gióng
Thánh Gióng bỗng dưng cất tiếng nói khi nghe sứ giả tìm người cứu nước.

4/ Từ “chú bé” được thay bằng từ “tráng sĩ” khi kể về Thánh Gióng. Sự thay đổi này trong lời kể có ý nghĩa gì?

Khi đất nước lâm nguy, có giặc ngoại xâm, “chú bé” bỗng lớn nhanh như thổi, vươn vai trở thành “tráng sĩ” để xung trận.

Cụm từ “tráng sĩ” dùng để chỉ người có sức lực cường tráng, chí khí mạnh mẽ, hay làm việc lớn.

Từ ý nghĩa của từ “tráng sĩ” và sự thay đổi cách xưng hô qua lời kể đó không chỉ cho thấy thái độ trân trọng đối với Thánh Gióng mà còn thể hiện quan niệm của nhân dân ta về mong ước có một người anh hùng đủ sức mạnh để đáp ứng nhiệm vụ dân tộc đặt ra trong hoàn cảnh cấp thiết. Sự lớn lên của Gióng đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cứu nước. Khi lịch sử đặt ra vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì dân tộc ta vụt lớn dậy như Thánh Gióng, tự mình thay đổi tư thế, tầm vóc của mình.

5/ Việc kể về những dấu tích đánh giặc của Thánh Gióng trong đoạn kết có ý nghĩa gì?

Việc kể về những dấu tích đánh giặc của Thánh Gióng trong đoạn kết có ý nghĩa:

  • Thể hiện sự trân trọng, biết ơn, niềm tự hào và ước muốn về một người anh hùng cứu nước giúp dân.
  • Giải thích được nguồn gốc và sự ra đời các địa danh, di tích lịch sử (đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, làng Cháy).
  • Làm tăng tính xác thực cho câu chuyện.

6/ Liệt kê một số chi tiết kì ảo gắn liền với các sự việc sinh ra và lớn lên, ra trận và chiến thắng, bay về trời của nhân vật Gióng

Một số chi tiết kì ảo gắn liền với các sự việc sinh ra và lớn lên, ra trận và chiến thắng, bay về trời của nhân vật Gióng:

  • Mẹ đã già, mang thai Gióng sau khi ướm thử vết chân to.
  • Mang thai suốt 12 tháng mới sinh.
  • Lên ba cũng không biết nói, cười, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
  • Bỗng dưng cất tiếng nói khi nghe tin sứ giả tìm người cứu nước.
  • Dõng dạc xưng “ta” với sứ giả, đòi trang bị lạ thường để ra trận.
  • Sau khi gặp sứ giả thì lớn nhanh như thổi, cả làng phải góp gạo nuôi cậu.
  • Vươn vai một cái biến thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng (hơn 3,33m).
  • Ngựa sắt của Thánh Gióng biết hí, phun lửa.
  • Thánh Gióng nhổ được cả những bụi tre quật vào giặc.
  • Cả người và ngựa từ từ bay lên trời.

Các chi tiết kì ảo vừa thần kì hóa nhân vật, vừa thể hiện đặc trưng của truyền thuyết.

7/ Nhân vật Gióng đã nói gì với mẹ và sứ giả khi biết tin nhà vua đang tìm người tài đánh giặc cứu nước? Theo em, vì sao khi nghe Gióng nói, sứ giả “vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ”?

  • Với mẹ: Mẹ ra mời sứ giả vào đây.
  • Với sứ giả: Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này.

Theo em, khi nghe Gióng nói, sứ già “vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ” bởi vì:

  • Một đứa bé lên ba mà nói năng dõng dạc, xưng “ta” và gọi sứ giả là “ông”, chỉ người bề trên mới xưng hô như vậy.
  • Những thứ cậu bé yêu cầu là ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt là những phương tiện, vũ khí kì lạ.
  • Lời cậu bé khẳng định đanh thép “ta sẽ phá tan lũ giặc này”.

=> Sứ giả kinh ngạc trước cách ăn nói và những yêu cầu kì lạ của chú bé, kinh ngạc vì như vậy chứng tỏ chú bé là người phi thường; mừng rỡ vì đã tìm ra được người anh hùng giúp dân cứu nước.

8/ Văn bản trên đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ nhân vật Gióng. Em hãy liệt kê các từ ngữ ấy thành hai nhóm theo hai thời điểm: trước và sau khi Gióng “vươn vai” thành tráng sĩ để ra trận đánh giặc

Văn bản trên đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ nhân vật Gióng. Liệt kê các từ ngữ ấy thành hai nhóm theo hai thời điểm: trước và sau khi Gióng “vươn vai” thành tráng sĩ để ra trận đánh giặc:

  • Trước khi Gióng “vươn vai” thành tráng sĩ để ra trận đánh giặc: cậu bé, đứa trẻ, đứa bé, chú bé, chú.
  • Sau khi Gióng “vươn vai” thành tráng sĩ để ra trận đánh giặc: tráng sĩ, Phù Đổng Thiên Vương.

9/ Từ kết quả liệt kê ở câu 3, hãy cho biết từ ngữ nào được lặp lại nhiều lần nhất và việc lặp lại ấy có tác dụng thế nào

Từ kết quả liệt kê ở câu 3, ta thấy từ “tráng sĩ” được lặp lại nhiều nhất với tổng cộng 7 lần.

Điều đó có ý nghĩa:

  • Từ “tráng sĩ” là cách gọi thể hiện thái độ trân trọng đối với Thánh Gióng.
  • Thể hiện quan niệm của nhân dân ta về người anh hùng phải khổng lồ về thể xác, sức lực cường tráng, chí khí mạnh mẽ, lập được những chiến công lớn, có sức mạnh để đáp ứng đánh giặc cứu nước.

Gióng từ một chú bé đã trở thành “tráng sĩ” – như vậy đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cứu nước. Khi lịch sử đặt ra vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì dân tộc ta vụt lớn dậy như Thánh Gióng, tự mình thay đổi tư thế, tầm vóc của mình.

10/ Nhân vật truyền thuyết thường xuất hiện nhằm thực hiện một nhiệm lớn lao. Nhiệm vụ của Gióng là gì và quan trọng như thế nào?

Nhân vật truyền thuyết thường xuất hiện nhằm thực hiện một nhiệm vụ lớn lao. Nhân vật Thánh Gióng cũng vậy.

  • Nhiệm vụ: Đánh giặc Ân xâm lược.
  • Ý nghĩa quan trọng: Đánh giặc, cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc để nhân dân ta có một cuộc sống ấm no, yên bình.

11/ Theo một số bạn, truyện Thánh Gióng lẽ ra nên kết thúc ở câu “Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời”. Các bạn ấy cho rằng: phần văn bản sau câu này là không cần thiết, vì không còn gì hấp dẫn nữa. Em đồng ý như vậy không? Vì sao?

Theo một số bạn, truyện Thánh Gióng lẽ ra nên kết thúc ở câu “Đến đây, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời”. Các bạn ấy cho rằng: phần văn bản sau câu này là không cần thiết, vì không còn hấp dẫn nữa.

Em không đồng ý kết thúc như vậy. Cách kết thúc theo SGGK là hợp lí. Bởi vì:

Phần cuối kể về vua Hùng phong hiệu cho Thánh Gióng, cho lập đền thờ và đến nay dân làng vẫn mở Hội Gióng hàng năm là thể hiện sự trân trọng, biết ơn, niềm tự hào và ước muốn của nhân dân ta về một người anh hùng cứu nước giúp dân. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của nhân dân ta.

Phần cuối truyện còn kể về những dấu tích của Thánh Gióng để lại như là minh chứng làm tăng tính xác thực và thuyết phục cho câu chuyện. Chứng tỏ truyền thống anh dũng, tinh thần đoàn kết, yêu nước căm thù giặc của cha ông ta đã có từ xa xưa.

Như vậy, phần cuối làm cho câu chuyện có ý nghĩa đầy đủ hơn.

12/ Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, em có suy nghĩ gì về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta?

Sau khi đọc truyện Thánh Gióng, suy nghĩ của em về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là:

Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta được thể hiện qua hình tượng nhân vật Thánh Gióng. Nói cách khác, Thánh Gióng chính là hình ảnh của nhân dân ta, khi dân tộc gặp cơn nguy biến thì họ sẵn sàng đứng ra xả thân cứu nước. Chi tiết Gióng cất tiếng đầu tiên là đòi đánh giặc đã thể hiện lòng yêu nước luôn có sẵn ở trong mỗi người dân. Sau khi Gióng gặp sứ giả, ăn mấy cũng không đủ no thì nhân dân ta đã góp gạo nuôi Gióng, điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Thánh Gióng là hình tượng người anh hùng đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước, cho ý thức đánh giặc cứu nước của nhân dân ta. Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta khiến em vô cùng khâm phục, tự hào và nguyện sẽ noi theo và tiếp tục phát huy.

Soạn bài Thánh Gióng Kết nối tri thức

Hướng dẫn soạn văn 6 Thánh Gióng và trả lời câu hỏi theo NXB Kết nối tri thức.

1/ Đối với em, ai là người anh hùng? Người đó có những phẩm chất và thành tích gì khiến em ngưỡng mộ?

Đối với em, mẹ (bố, anh, chị, thầy, cô, bạn,…) là anh hùng. Bởi vì mẹ có những việc làm và phẩm chất vô cùng cao đẹp, rất đáng được trân quý như:

  • Hết lòng giúp đỡ, yêu thương mọi người.
  • Sống vui vẻ, hòa đồng, thân thiện.
  • Sống trung thực, chân thành.
  • Luôn sẵn sàng hy sinh vì người khác.
  • Siêng năng, kiên trì và luôn có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

2/ Thiết kế bản giới thiệu ngắn về một người anh hùng với các nội dung: tên, phẩm chất, chiến công. Trang trí bảng giới thiệu bằng các hình ảnh phù hợp và sử dụng bản giới thiệu để nói về người anh hùng

Giới thiệu chung về người hùng mà em ngưỡng mộ: tên, tuổi, lai lịch, hoàn cảnh sống, công việc,…

Giới thiệu về phẩm chất: Có thể chọn linh hoạt các phẩm chất theo gợi ý sau:

  • Siêng năng, kiên trì trong mọi hoàn cảnh.
  • Có ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn.
  • Luôn yêu thương và giúp đỡ những người khác.
  • Hòa đồng, vui vẻ, thân thiện với tất cả mọi người.
  • Biết chịu đựng hy sinh và sẵn sàng xả thân vì người khác.

Giới thiệu về chiến công: Giới thiệu một số chiến công theo gợi ý sau:

  • Đạt được thành tích học tập với kết quả cao, xuất sắc (đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi,…)
  • Vượt qua mọi khó khăn thử thách, cám dỗ để đạt được những ước mơ, hoài bõa (trở thành bác sĩ, kĩ sư,…)
  • Vượt lên được chính mình, vượt lên số phận kém may mắn của mình để trở thành người có ích cho xã hội (người khuyết tật,…).
  • Sẵn sàng xả thân để giúp đỡ hoặc cứu tính mạng người khác (các chiến sĩ công an bắt tội phạm, cứu hỏa, cứu người bị đuối nước,…).

Cảm nghĩ: Nêu lên suy nghĩ của em về những phẩm chất và chiến công của người hùng đó.

Bài tham khảo 1: Người hùng trong em là người mẹ yêu dấu.

Xin chào bạn!

Đã bao giờ bạn tự hỏi người hùng trong bạn là ai chưa? Là đấng siêu nhiên với những tài năng phi thường? Là một tỉ phú vô cùng xuất sắc? Hay là những ca sĩ, diễn viên mà bạn luôn đề cao là thần tượng? Còn với mình, thần tượng của mình, người hùng trong lòng mình không ai khác chính là mẹ. Một người mẹ lam lũ, tần tảo, vất vả cuộc đời hy sinh vì gia đình, vì các con.

Năm mình lên ba tuổi thì bố mình bị cảm lạnh và qua đời. Lúc ấy, mẹ mình vừa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Mẹ mình đi làm giúp việc gia đình vất vả lắm. Bố mất, mẹ mình không được về. Còn nhỏ, mình chưa hiểu được sự thiếu vắng tình cảm của bố và của mẹ như thế nào. Mình sống với bà nội và hai anh trai. Bà lúc nào cũng cưng chiều mình vì mình là con gái út mà phải xa mẹ lại mồ côi cha khi còn quá nhỏ.

Năm mình học lớp một, mẹ mình mới được về từ khi bố mất. Mẹ làm gấp bốn, năm người bình thường để gửi tiền về nuôi ba anh em mình và xây lại căn nhà cũ nát để bốn bà cháu ở che nắng che mưa.

Ngày mẹ về quê, mẹ khóc rất nhiều. Cảm nhận của mình về mẹ xa vời quá vì khi ấy mình còn nhỏ mà mẹ đã đi làm ăn xa. Mình đã không theo mẹ. Mẹ gọi “Minh ngủ với mẹ nhé”, mình lắc đầu từ chối. Dù bà nội, bà ngoại nịnh nọt thế nào mình cũng không ngủ cùng mẹ. Có lẽ mẹ buồn lắm. Mẹ ở gần chăm sóc rồi kể nhiều chuyện cho mình nghe. Mình dần yêu mẹ hơn. Lúc ấy, mình thấy đêm nào mẹ cũng khóc vì thương mình mồ côi cha và tuổi thơ phải xa mẹ.

Năm anh trai học lớp 10. Khi đó nhà nghèo lắm, tiền mẹ đi giúp việc 4 năm ở xứ người cũng chỉ đủ sửa nhà, nuôi mấy anh em mình. Mẹ lại tần tảo đi chạy chợ. Mẹ lấy hàng này, hàng kia về bán. Hôm đó, mẹ về nhà khi tan chợ trưa và không may bị xe ô tô đâm phải. Mẹ được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Anh em mình tưởng mất mẹ vì mẹ hôm mê hai tuần. Khi mẹ tỉnh được hai ngày lại hôn mê tiếp. Cả nhà mình chỉ khóc và mỗi tuần anh em mình được ông chú đưa lên thăm mẹ điều trị ở Hà Nội một lần. Lúc nào chúng mình cũng khóc mong mẹ tỉnh.

Mẹ mình tỉnh dậy như một phép màu, mẹ trở về nhà lúc đầu đi hơi lệch do mẹ bị gãy xương bả vai. Thời gian ấy, gia đình mình nợ nần nhiều lắm. Ăn cơm miếng nào ngon bà và mẹ lại gạt sang bát anh em mình. Bà và mẹ chỉ ăn phần thừa hoặc tí nước kho cá, kho thịt.

Năm đó, anh cả thi đỗ đại học, mẹ mình mừng lắm nhưng mẹ chỉ khóc vì không biết nuôi anh ăn học ra sao. Được bà nội động viên, thế là mẹ lại quyết tâm lên đường đi Ma Cao kiếm tiền. Mỗi năm, mẹ chỉ về với anh em mình vào dịp Tết. Dù ở xa, lần nào gọi điện về, mẹ cũng dặn dò anh em mình phải chịu khó học để sau này bớt khổ và không được làm điều xấu.

Mỗi dịp mẹ về, mẹ lại ngồi cạnh mình để cùng mình học bài. Mẹ luôn khen mình giỏi vì mẹ không làm được bài tập của mình. Mẹ luôn tạo cho mình niềm tin vào tương lai tươi sáng. Lại sắp đến dịp mẹ về thăm mình rồi. Mẹ là người hùng trong lòng mình. Mình luôn tự hứa sẽ cố gắng thật tốt, trở thành người có ích, giúp mẹ đỡ khố.

Chào tạm biệt bạn!

Vũ Anh Minh

Bài tham khảo 2: Bức thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 với chủ đê: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” của học sinh Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 10K, Trường THPT Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Trái Đất ngày 30 tháng 12 năm 2018

Gửi tới Ozone, người hùng của tôi!

Hẳn anh sẽ ngjac nhiên khi nhận được thư của tôi. Tôi viết cho anh bằng cả sự trân quý, ngưỡng mộ và cả nỗi hổ thẹn nữa. Vì với chúng tôi, anh vừa là ân nhân, vừa là anh hùng nhưng có lẽ chính chúng tôi đã làm anh tổn thương, người hùng nhỉ!

Ozone ạ! Mới đây, tôi có đọc một bài báo viết về anh. Vì thế, tôi nghĩ mình phải viết cho anh để kể với anh về điều tôi đã đọc được. Họ đang nói đến anh với sự lo lắng không hề nhỏ, tôi thấy như thế, vì hình như anh ốm và cuộc sống của loài người chúng tôi đang bị ảnh hưởng rất nhiều vấn đề. Họ nói như thể anh sinh ra hiển nhiên có nhiệm vụ duy nhất bảo vệ Trái Đất của chúng tôi. Có lẽ, vì anh đã ở đó rất lâu, thậm chí trước khi loài người quen thuộc, gần gũi như hơi thở vậy.

Vì thế tự nhiên lắm, chúng tôi quen với sự bao bọc của anh như đứa trẻ quen được nuông chiều và nghĩ rằng, nơi anh sống chính là thiên đường. Nhưng sự thực, mỗi ngày trôi qua với anh là cuộc chiến khó khăn với nữ thần mặt trời để bảo vệ con người, thảm thực vật, động vật… rồi cũng phải giữ lại một phần sức mạnh của nữ thần để đem đến sự sống cho Trái Đất. Anh hùng sự sống, chúng tôi gọi anh như vậy, đã chiến đấu rất kiên cường chưa một phút nghỉ ngơi cũng chẳng cần những huy chương hay những lời tung hô ca ngợi. Với chúng tôi, anh là người hùng và không được ốm.

Chúng tôi cứ hồn nhiên và đơn giản đến vô tâm vậy đấy. Chúng tôi cứ say sưa với những phát minh mới và coi đó như giá trị bảo hiểm tuyệt đối cho sự sống của mình. Từ những vật dụng được cho là giản đơn nhưng không thể thiếu trong cuộc sống tiện ích như những chiếc tủ lạnh thôi cũng đang phả vào anh loại khí CFC, kẻ thù của ozone, những tòa nhà kính chọc trời vốn là niềm kiêu hãnh của một thế giới văn minh lại đang từng ngày tiêm vào cơ thể mong manh của anh những liều thuốc cực độc, tàn phá sức khỏe của anh.

Anh vốn kiên cường là vậy, nhưng một ngày, chúng tôi không nhận ra anh, anh không khỏe. Chúng tôi cuống lên, vận dụng hết óc sáng tạo, sự tinh thông của mình mong được thấy anh khỏe lại. Chúng tôi cảm thấy có lỗi và hổ thẹn với anh vì lỗ thủng ở Nam Cực ngày càng mở rộng, hiệu ứng nhà kính ở tình trạng báo động có phần lỗi không nhỏ từ chúng tôi. Lúc này, loài người đã nhận ra, dù là người hùng cũng cần được chia sẻ, bảo vệ và được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng sống.

Chúng tôi đã và đang phải trả giá vì thói ích kỷ, tự tiêu, tự đại của mình. Một thế giới gọi là văn minh thì tại sao vẫn gục ngã trước cơn giận dữ của núi lửa Fuego? Những tòa nhà kiêu hãnh có đủ sức làm dịu cái nắng nóng kinh hoàng ở Montreal, Canada hồi tháng 7 vừa rồi? Hay chính phủ siêu cường quốc của Hoa Kỳ, có ngăn được sự hung hăng của ngọn lửa thiêu đốt những cánh rừng ở California hay không? Tất cả có nên đổ lỗi cho anh, người hùng không thể tròn sứ mệnh? Tôi rất xin lỗi, bởi có lúc tôi từng nghĩ như vậy…

Nhưng hôm nay, khi đọc bài báo viết về anh, nhân loại hiểu được anh, anh hùng hay con người bình thường cũng có những miền giới hạn không thể đơn độc vượt qua. Chúng tôi đã và đang cùng nhau đến bên anh, bằng cả sự ăn năn, nỗ lực để mang đến cho anh một đời sống mới. Như anh thấy đấy, một tin không thể vui hơn với chúng tôi và anh sau khoảng 30 năm kể từ khi thế giới cùng nhau chung tay ký Nghị định thư Montreal (1989) nhằm cắt giảm khí thải phá hủy tầng ozone và cứu Trái Đát khỏi nguy cơ bị tia cực tím tấn công thì đến nay,theo Liên Hiệp Quốc: tầng ozone ở Nam Bán Cầu đã có dấu hiệu lành lại và có thể sẽ trở lại nguyên vẹn như xưa vào năm 2060. Đó là một điều tuyệt vời, người hùng của tôi ạ!

Nhưng tôi cũng hiểu, những liều thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất, những bộ óc thông tuệ của những CEO giỏi nhất hay công nghệ cao nhất… không phải là thần dược làm cơ thể anh khỏe mạnh. Phải chăng cái anh cần ở chúng tôi là sự trân quý tài nguyên của sự sống, là anh, chứ không chỉ là sự kính ngưỡng như một người hùng? Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để anh sớm khỏe lại, không phải để làm người hùng mà chỉ đơn giản là một người bạn, cứ an nhiên bên loài người chúng tôi. Vì kể từ bây giờ chúng tôi sẽ luôn đứng cùng anh làm tấm lá chắn vững chãi nhất cho anh bạn Trái Đất thân yêu!

Tôi sẽ nhờ gió mang lá thư này đến cho anh vì anh bạn ấy ở gần anh nhất, cũng vì gọi tên anh ấy, WIND, tôi cứ liên tưởng tới WIN, Thần Chiến thắng, một vị thần có thể giúp chúng tôi đủ bản lĩnh để sửa chữa những sai lầm đã qua và trở thành người bạn mà anh có thể tin tưởng…

Hãy gửi thư lại cho tôi nhé, hãy luôn chia sẻ và tin tưởng chúng tôi!

Người bạn đến từ Trái Đất.

3/ Hình dung hình dáng, sức mạnh của chủ nhân vết chân to lớn ấy

Vết chân của chủ nhân ấy giẫm nát cả mấy luống cà. Vết chân to tới mức người đàn bà ấy phải thốt lên: Ôi! Chân ai mà to thế này! Bà cảm thấy rùng mình. Đó là vết chân to khổng lồ, kì lạ.

-> Chứng tỏ chủ nhân của vết chân ấy cũng là người khổng lồ, kì lạ và chắc chắn có sức mạnh phi thường.

4/ Lời của một “đứa trẻ lên ba mới học nói” có gì đặc biệt?

Ba năm Gióng không biết nói, cười nhưng khi nghe tiếng rao tìm người đi đánh giặc Ân, Gióng bảo mẹ mời sứ giả vào.

Câu nói đầu tiên là câu nói đòi đánh giặc. Câu nói của Gióng mang sức mạnh tiềm ẩn của lòng yêu nước. Điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với đất nước và ý chí, lòng quyết tâm đánh giặc Ân không chỉ với Gióng mà của toàn dân tộc Việt Nam.

5/ Vì sao người mẹ sợ hãi khi quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng?

Ngựa sắt, gươm, áo giáp sắt,…, mọi thứ nặng không thể tưởng nổi. Hàng chục người mà thanh gươm không nhúc nhích. Và khi quân lính khiêng ngựa sắt sắp tới làng, bà mẹ sợ hãi vì nghĩ rằng Gióng không đủ sức mạnh để nhận công việc lớn lao đó. Khi đã nhận nhiệm vụ cho nhà vua thì không thể là chuyện chơi. Bà mẹ sợ Gióng mang tội lớn khi không hoàn thành nhiệm vụ.

6/ Hình dung tốc độ lớn lên của Gióng

Tốc độ lớn của Gióng thật phi thường. Từ một cậu bé ba tuổi, bỗng chốc trở thành một thanh niên khỏe mạnh. Gióng ăn mỗi lần mấy nồi cơm lớn. Quần áo vừa may xong đã chật và ngắn. Bỗng chốc Gióng trở thành một tráng sĩ cao to sừng sững, chân dài hơn trường, tiếng hét như tiếng sấm. Ai nấy đều kinh ngjac. Đây chính là sự lớn mạnh thần kì.

-> Sự lớn mạnh của lòng yêu nước, của quyết tâm đánh thắng giặc Ân xâm lược. Gióng sinh ra, lớn lên trong vòng tay của nhân dân, mang trên mình nguyện vọng của nhân dân.

soạn bài Thánh Gióng
Thánh Gióng là sự lớn mạnh của lòng yêu nước, của quyết tâm đánh thắng giặc Ân xâm lược

7/ Hình dung những dãy ao tròn nối nhau kéo dài và những bụi tre ngà

Dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn là những vết chân ngựa của Thánh Gióng.

Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt ngã thành màu vàng, vết cháy lốm đốm gọi là tre la ngà (hay tre đằng ngà).

-> Đây là những chi tiết thể hiện truyền thuyết liên quan đến yếu tố lịch sử.

8/ Nêu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện

  • Thời gian: vào thời Hùng Vương.
  • Địa điểm: ở làng Gióng.
  • Hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện.

Có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một mình. Một hôm sáng dậy, bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân dẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc ướm thử và về nhà đã thụ thai. Một thời gian sau, bà sinh ra cậu bé, đặt tên là Gióng.

9/ Gióng đã ra đời một cách kì lạ như thế nào?

Bà mẹ đi ra đồng, ướm chân mình lên một vết chân rất to kì lạ. Về nhà, bà thụ thai.

10/ Chỉ ra ý nghĩa của các chi tiết sau

a. Câu nói của Gióng: “Về bảo mới vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!”

Câu nói của Gióng biểu hiện sức mạnh phi thường đồng thời tiềm ẩn lòng yêu nước. Điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với đất nước và ý chí, lòng quyết tâm đánh thắng giặc Ân.

-> Đây cũng là chi tiết thể hiện sự phát triển chuyển giao từ đồ đồng sang đồ sắt của người xưa.

b. Bà con làng xóm vui lòng góp gạo, thổi cơm cho Gióng ăn, may quần áo cho Gióng mặc

Ý nghĩa:

Sức mạnh yêu nước được thúc bách để kịp đối đầu với quân thù, có sự hậu thuẫn của nhân dân thì sức mạnh chống giặc được tăng lên nhanh chóng, nhờ nhân dân nuôi dưỡng thì mới tạo được các anh hùng dân tộc, anh hùng dân tộc trưởng thành là từ nhân dân.

Thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết của dân tộc, đồng sức đồng lòng của nhân dân ta khi có kẻ xâm lược. Sự lớn mạnh của lòng yêu nước. Gióng đâu chỉ là con của một mẹ, mà của mọi người, của nhân dân. Gióng sinh ra, lớn lên trong vòng tay của nhân dân, mang trên mình nguyện vọng của nhân dân. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân.

c. Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ khổng lồ

Đây cũng là chi tiết thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Khi hòa bình họ là những người lao động rất bình thường, nhưng khi chiến tranh xảy ra, sự đoàn kết đã hóa thành sức mạnh phi thường, vui chôn quân giặc.

Ý nghĩa sâu xa: Gióng lớn mạnh như hình ảnh người dân ta đoàn kết hợp thành một khối thống nhất để đánh bại ngoại xâm.

=> Sức mạnh của Gióng cũng là sức mạnh của người dân ta, hùng mạnh và to lớn.

d. Ngựa sắt phun ra lửa, gươm sắt loang loáng như chớp giật và bụi tre hai bên đường đã hỗ trợ Gióng trong quá trình đánh giặc

Ý nghĩa: Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ và hiện đại.

Từ truyền thống đánh giặc cứu nước, nhân dân ta đã thần thánh hóa những vị anh hùng trở thành những nhân vật huyền thoại, tượng trưng cho lòng yêu nước, sức mạnh quật khởi của dân tộc.

e. Gióng đánh giặc xong, cởi giáp bỏ nón lại và bay thẳng lên trời

Ý nghĩa: Sau khi đánh tan giặc xâm lược, Gióng đến chân núi Sóc rồi bỏ lại áo giáp một mình một ngựa bay về trời. Người anh hùng sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nước không màng danh lợi, phần thưởng, trở về tiên giới. Thánh Gióng về với cõi bất tử. Qua đó, cho thấy thái độ ngợi, tôn trọng của nhân dân đối với những người anh hùng.

11/ Chiến công phi thường mà Gióng đã làm nên là gì? Em hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng

Chiến công phi thường của Gióng: Bằng sức mạnh phi thường, Gióng đã làm nên chiến công phi thường, đánh tan hết lớp giặc này đến lớp giặc khác. Gióng đến trần gian chỉ với một mục đích duy nhất đó là dẹp quân xâm lược để mang lại bình yên cho nhân dân, cho đất nước. Điều đó càng điểm tô hơn nữa phẩm chất anh hùng của Thánh Gióng. Sau khi đánh thắng giặc ÂN, Gióng một mình một ngựa bay thẳng lên trời, chi tiết này thể hiện sự bất tử của Gióng trong lòng  mọi người. Gióng về trời cũng là về cõi vô biên, bất tử mãi mãi trường tồn cùng đất nước, dân tộc.

Gióng mang nhiều nguồn sức mạnh:

  • Thần linh (vết chân).
  • Cộng đồng (nuôi cơm).
  • Thành tựu kỹ thuật (vũ khí bằng sắt).
  • Thiên nhiên, đất nước (tre làng).

Hình tượng Thánh Gióng: Với nhiều màu sắc thần kì, hoang đường song hình nhân vật Gióng là biểu tượng về lòng yêu nước và sức mạnh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta về hình mẫu lí tưởng của người anh hùng chống giặc ngoại xâm. Chính vì thế đây được xem là bản anh hùng ca về những chiến công chống lại giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, truyền thuyết cũng nói lên sức mạnh tiềm tàng, ẩn sâu bên trong những con người kì dị.

12/ Theo em, chủ đề của truyện Thánh Gióng là gì?

Với chủ đề đánh giặc cứu,  truyện Thánh Gióng nằm trong hệ thống truyện dân gian thời Hùng Vương dựng nước. Chủ đề chống ngoại xâm là một chủ đề quan trọng bên cạnh chủ đề chống lại thiên tai. Truyện Thánh Gióng mở đầu cho truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, toát lên tinh thần chủ đạo của dân tộc ta, toát lên bản lĩnh của dân tộc ta ngay từ buổi đầu dựng nước, đó là ý thức mãnh liệt về độc lập, tự do và truyền thống đấu tranh bất khuất.

13/ Lời kể nào trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ? Nhận xét về ý nghĩa của lời kể đó

Lời kể trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ: “Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đồng Thiên Vương. Ngày nay, chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre la ngà (hay đằng ngà).

Gióng là bậc Thánh nên đánh giặc xong, phải bay về trời mới xứng. Vua phong là “Phù Đổng Thiên Vương” ý muốn nói Gióng là người nhà Trời. Đó là cách nghĩ của người xưa, là ý tưởng của người xưa gửi gắm vào hình tượng nghệ thuật Thánh Gióng. Đến nay, ở huyện Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội) vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ngày Hội Gióng hằng năm, nhân dân biểu diễn mô phỏng cách đánh giặc ngày xưa. Nhân dân vẫn tin rằng: những bụi tre cháy, những vết chân ngựa lún thành hồ ao là có thật cố để chứng minh truyền thuyết về Thánh Gióng là có thật cũng như lòng yêu nước của nhân dân ta có từ ngàn xửa ngàn xưa.

-> Niềm tin của nhân dân vào sức mạnh thần kì của dân tộc.

14/ Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một hình ảnh hay hành động của Gióng đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất

Đoạn 1

Trong kho tàng dân gian Việt Nam có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, nhưng để lại cho em ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ là truyện “Thánh Gióng”. Gióng là một người rất dũng cảm, khỏe mạnh và có nhiều sức mạnh nhiệm màu. Gióng tựa như một hình tượng tiêu biểu, người anh hùng chống giặc ngoại xâm sống mãi trong lòng nhân dân ta. Gióng chiến đấu bằng cả tấm lòng yêu nước, với sức mạnh phi thường của mình. Gióng không chỉ đại diện cho tinh thần đoàn kết của toàn dân mà còn tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Không những vậy, Gióng còn là một vị anh hùng không màng danh lợi, một lòng vì nước, vì dân. Đánh thắng giặc, Gióng bay về trời về với cõi bất biến nhưng sẽ sống mãi trong lòng nhân dân ta. bản thân em là học sinh, em cần quyết tâm học giỏi, rèn luyện thể lực, phẩm chất, năng lực để xứng đáng với người anh hùng Thánh Gióng.

Đoạn 2

Trong tâm tưởng của chúng ta, hình ảnh Thánh Gióng vẫn luôn hiện hữu với tư thế cưỡi ngựa phun ra lửa, roi sắt thần kỳ quật tan quân thù. Giống như một nhân vật huyền thoại đã có mặt kịp thời khi đất nước lâm nguy. Có lẽ, hành động để lại nhiều ấn tượng nhất đó chính là khi roi sắt bị gãy, chàng vẫn mạnh mẽ nhổ tre đánh giặc. Ta càng tự hào hơn khi Thánh Gióng đánh giặc xong không hề đợi vua ban thưởng mà còn một mình một ngựa từ từ bay lên trời. Người con yêu nước ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh giặc cứu nước của mình, và đã ra đi một cách vô tư, không hề màng tới công danh địa vị cho riêng mình. Áo giáp sắt nhân dân làm cho để đánh giặc, khi đánh tan giặc rồi, trả lại cho dân để bay về trời. Điều đó cho em thấy ở hình tượng Thánh Gióng luôn cao đẹp, trong sáng, không một chút gợn nào. Phải chăng đó cũng chính là gương mặt của nhân dân ta được kết tinh trong người Thánh Gióng. Công lao của Thánh Gióng cũng là của nhân dân lao động góp sức tạo lên. Thánh Gióng chính là tượng trưng cho sự lớn mạnh của đất nước ta, dân tộc ta.

Xem thêm:

Kết luận

Thông tin soạn bài Thánh Gióng của hai bộ sách Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo đã được đăng tải chính xác. Tham khảo và soạn bài đầy đủ ngay tại The POET để có một buổi học với chất lượng tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *