Soạn bài Việt Nam quê hương ta, Ngữ văn lớp 6

Học sinh theo dõi tài liệu soạn bài Việt Nam quê hương ta, NXB Chân trời sáng tạo. Tham khảo hướng dẫn trả lời câu hỏi tại The POET Magazine (www.thepoetmagazine.org) để chuẩn bị bài học tốt nhất.

Table of Contents

Soạn bài Việt Nam quê hương ta Chân trời sáng tạo – Chuẩn bị đọc

Hướng dẫn tìm hiểu câu hỏi chuẩn bị đọc của tác phẩm Việt Nam quê hương ta trong sách ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo.

Việt Nam quê hương ta
Hướng dẫn đọc và trả lời các câu hỏi

Nếu chọn một hình ảnh làm biểu tượng cho Việt Nam, em sẽ chọn hình ảnh nào? Vì sao?

Học sinh tự bộc lộ lựa chọn. Ví dụ:

Nếu chọn một hình ảnh làm biểu tượng cho Việt Nam, em sẽ chọn hình ảnh Vịnh Hạ Long. Vì đây là danh thắng kiệt tác của tạo hóa, đã nhiều lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi.

Nếu chọn một hình ảnh làm biểu tượng cho Việt Nam, em sẽ chọn hình ảnh chiếc áo dài. Vì đây là trang phục truyền thống của người Việt, vừa đẹp nền nã, vừa thể hiện được sự khéo léo, kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Nếu chọn một hình ảnh làm biểu tượng cho Việt Nam, em sẽ chọn hình ảnh Hồ Gươm. Vì hình ảnh Hồ Gươm nằm giữa thủ đô Hà Nội với làn nước xanh biếc, gắn với câu chuyện kể về truyền thuyết đầy ý nghĩa lịch sử.

Em biết bài thơ hoặc bài hát nào về quê hương?

Em biết rất nhiều bài thơ, bài hát hay về quê hương. Ví dụ:

Bài thơ:

  • Đò Lèn (Nguyễn Duy).
  • Quê hương (Nguyễn Đình Huân).
  • Quê hương (Tế Hanh).

Bài hát:

  • Khúc tình ca Thanh Hóa (Nguyễn Trọng).
  • Việt nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận).
  • Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý).

Đọc hiểu Việt Nam quê hương ta

Trả lời các câu hỏi trong quá trình theo dõi tác phẩm.

Soạn bài Việt Nam quê hương ta
Học sinh tham khảo gợi ý trả lời câu hỏi

Tám dòng thơ này giúp em hình dung như thế nào về phong cảnh và con người Việt Nam?

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

Tán dòng thơ gợi cho em hình dung đến phong cảnh đất nước hữu tình có những cánh đồng lúa trải dài thẳng cánh cò bay, dãy núi Trường Sơn cao ngất bồng bềnh trong mây, sự đau thương trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của các thế hệ tiền nhân, sự vất vả khó nhọc của cha ông.

Những dòng thơ này gợi cho em nghĩ đến đặc điểm nào của truyền thống dân tộc?

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa

Những câu thơ này gợi cho em nghĩ đến truyền thống anh hùng, anh dũng trong đấu tranh của nhân dân. Khi kẻ thù xâm lăng, cha ông ta sẵn sàng vùng lên chiến đấu để bảo vệ đất nước; khi đất nước thanh bình, lại trở nên hiền lành, chịu thương chịu khó chung tay xây dựng đất nước trong hòa bình.

Soạn văn bài Việt Nam quê hương ta và trả lời câu hỏi SGK trang 67

Suy ngẫm và phản hồi các câu hỏi sau bài học, sách giáo khoa trang 67.

Xác định vần và nhịp của bốn dòng thơ đầu

Cách gieo vần và ngắt nhịp của bốn dòng thơ đầu:

Việt Nam / đất nước / ta ơi

Mênh mông biển lúa / đâu trời đẹp hơn

Cánh cò / bay lả / rập rờn

Mây mờ che đỉnh / Trường Sơn / sớm chiều

  • Các vần: ơi – trời; hơn – rờn – Sơn => Cách gieo vần đảm bảo đúng quy định của luật thơ lục bát.
  • Nhịp 2/2/2; 4/4; 2/2/2; 4/2/2 = > Nhịp chẵn, phù hợp cách ngắt nhịp của thơ lục bát.

Trong văn bản, tác giả nhắc đến những hình ảnh nào tiêu biểu cho đất nước và con người Việt Nam, thể hiện những vẻ đẹp nào của quê hương?

Trong văn bản, tác giả tập trung miêu tả những hình ảnh tiêu biểu cho đất nước, con người Việt Nam và vẻ đẹp quê hương:

  • Hình ảnh đất nước: biển lúa mênh mông, cánh cò bay rập rờn, đỉnh Trường Sơn cao ngất trong mây.
  • Hình ảnh con người: Mặt người in sâu nét vất vả, trai gái mặc áo nâu, anh hùng trong chiến tranh, hiền lành trong hòa bình, mắt đen long lanh.
  • Vẻ đẹp quê hương: đất nắng chan hòa, hoa thơm quả ngọt bốn mùa, giỏi giang “trăm nghề”, tài hoa dệt thơ trên tre lá.

Hãy tìm và chỉ ra tác dụng của những từ ngữ, hình ảnh và biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng để miêu tả cảnh sắc quê hương trong bốn dòng thơ đầu

Học sinh tham khảo đoạn văn:

Việt Nam quê hương tôi – một đất nước yên bình và hiền hậu, trải qua hàng ngàn năm lúc nào cũng mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Việt Nam – đất nước của những miền quê xanh lúa, đâu đâu cũng một màu xanh mát, với biển lúa gợn sóng rì rào như những con sóng li ti ngoài đại dương xa xôi: Việt Nam đất nước ta ơi / Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn. Câu thơ đầu là tiếng gọi thiết tha, trìu mến, như tiếng gọi dành cho những gì thương yêu nhất, đẹp đẽ nhất, gắn bó nhất, nặng tình nhất! Cũng phải thôi! Bởi có nơi đâu đẹp hơn và thanh bình, gần gũi hơn thế? Câu thơ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ: “Mênh mông biển lúa” như muốn nhấn mạnh, làm tăng thêm sự bát ngát, bao la cho cánh đồng. Trên nền trời xanh của đồng nội, trên biển lúa mênh mông kia là vài cánh cò đang “bay lả rập rờn”. Cánh đồng quê với biển lúa, trời xanh được tô điểm bằng vài cánh cò trắng như một bức tranh với những nét châm phá tài hoa sao mà đẹp đến thế! Hình ảnh gợi lên sự trù phú, giàu đẹp, yên ả và thanh bình. Dãy Trường Sơn cao ngất vốn hùng vĩ là thế, trong câu thơ của Nguyễn Đình Thi bỗng trở nên thơ mộng, trữ tình bởi mây mờ huyền ảo đang che phủ. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Thi với sự lựa chọn và sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, biện pháp tu từ hoán dụ (cánh cò), ẩn dụ (biển lúa), so sánh (hơn), nhân hóa (ơi, che) một cách chọn lọc đến mức tinh tế, đã vẽ nên một trong những bức tranh đẹp nhất về đất nước mình!

(Trích Bài thơ Bắc Hải (1955 – 1958) Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 2001)

Tìm và nêu tác dụng của hình ảnh, từ ngữ được dùng để khắc họa vẻ đẹp con người Việt Nam trong bốn khổ thơ tiếp theo

Các hình ảnh, từ ngữ dùng để khắc họa vẻ đẹp của con người Việt Nam trong đoạn thơ còn lại:

  • vất vả in sâu, áo nâu nhuộm bùn.
  • chịu nhiều đau thương, chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên, đạp quân thù xuống đất đen/ súng gươm vứt bỏ lại hiền hơn xưa.
  • mắt đen… long lanh; yêu ai yêu trọn tấm lòng thủy chung, tay người như có phép tiên/ trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.

Tác dụng: Gợi tả sự gian lao, vất vả của người Việt Nam trong lao động, phẩm chất anh hùng, mạnh mẽ, kiên cương trong chiến đấu. Bên cạnh đó, là hình ảnh con người Việt Nam hiền lành, chịu thương chịu khó trong hòa bình. Trong đời sống, người Việt Nam đẹp ở sự thủy chung, khéo léo, tài hoa.

Tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện như thế nào trong văn bản? Hãy chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện trực tiếp tình cảm ấy

Một số từ ngữ, hình narh thể hiện trực tiếp tình cảm của tác giả:

Việt Nam đất nước ta ơi; đâu trời đẹp hơn; Quê hương biết mấy thân yêu; Mặt người vất vả in sâu…

Những từ ngữ, hình ảnh đó cho thấy tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện: lòng tự hào về đất nước, quê hương qua những khung cảnh thiên nhiên và văn hóa, con người, sự đồng cảm với những vất vả, hi sinh của người dân. Đó chính là tình cảm yêu mến, quý trọng với đất nước và con người Việt Nam.

Văn bản gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc gì về con người và cảnh sắc quê hương?

Văn bản gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc về con người và cảnh sắc quê hương:

  • Việt Nam đất nước ta có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng.
  • Con người Việt Nam giàu sức sống, cần cù, chịu khó trong lao động; anh hùng, kiên cường trong chiến đấu và hiền lành, chăm chỉ, thủy chung trong cuộc sống đời thường.

=> Em thấy yêu mến, tự hào về đất nước, con người Việt Nam ta.

Xem thêm:

Kết luận

Thông tin tài liệu soạn bài Việt Nam quê hương ta đã được đăng tải chính xác tại The POET Magazine. Học sinh theo dõi trang web để cập nhật thêm nhiều bài soạn đầy đủ, chi tiết khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *