Soạn bài Vợ Nhặt Văn 11 – Kết nối tri thức

Soạn Vợ nhặt và tìm hiểu thông tin các câu hỏi để nắm được nội dung bài học. Đây là một trong những truyện ngắn phản ảnh sâu sắc xã hội Việt Nam ở thời điểm nạn đói 1945.

Table of Contents

Hướng dẫn trả lời câu hỏi đọc hiểu Vợ nhặt

Theo dõi những câu hỏi về tác phẩm Vợ nhặt. Các câu hỏi trong chương trình sgk ngữ văn 11 Kết nối tri thức được hướng dẫn để học sinh nắm được phần nào bài học, có sự chuẩn bị trước khi đến lớp:

Soạn văn Vợ nhặt Kết nối tri thức
Tìm hiểu câu hỏi khi đọc văn bản

1/ Soạn Vợ nhặt – Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Về nạn đói năm 1945 : Đây là một tai họa khủng khiếp nhất của dân ta trong mấy thế kỉ. Do phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay cùng với chính sách cấm vận hai miền Bắc Nam nên chỉ trong hơn hai tháng, hai triệu người từ Quảng Trị trở ra chết đói thê thảm. Có nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều xóm làng đã bị xóa sổ trong nạn đói.

Nạn đói về sau này cũng được khá nhiều tác giả viết đến như một nỗi kinh hoàng : Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hồng,…

2/ Theo bạn, có phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống ( như nạn đói, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,…) cũng chỉ đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng hay không? Vì sao?

Không, vì nếu vượt qua được nghịch cảnh thì bạn sẽ trưởng thành hơn.

3/ Soạn bài Vợ nhặt – Khung cảnh ngày đói được gợi ra qua những hình ảnh và cảm giác nào?

Khung cảnh ngày đói được gợi ra qua những hình ảnh : những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bề. dắt díu nhau như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ.

Cảm giác rùng rợn và mùi hôi thối từ những xác chết con người nằm còng queo bên đường.

4/ Tâm trạng của Tràng và người “ vợ nhặt “ được bộc lộ qua những biểu hiện bên ngoài ( ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ,…) nào?

Điệu bộ : hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh còn thị có vẻ rón rén, e thẹn.

Cử chỉ : tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng với lũ trẻ con.

5/ Soạn bài Vợ nhặt lớp 11 – Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận gì khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà?

Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán, có vẻ hiểu được đôi phần. Mọi người đều thắc mắc xem đó là ai và cuối cùng là vợ anh cu Tràng.

6/ Những chi tiết nào thể hiện sự thay đổi trong tâm trạng của Tràng và người vợ nhặt khi về đến nhà?

Khi trở thành vợ Tràng, thị đã trở về với chính con người thật của mình là một người đàn bà hiền thục, e lệ, lễ phép, đảm đang.

  • Dáng vẻ bẽn lẽn đến tội nghiệp của thị khi bên Tràng vào lúc trời chạng vạng ( thị đi sau Tràng ba bốn bước, cái nón rách che nghiêng, “rón rén, e thẹn” , ngượng nghịu, “chân nọ bước chân díu vào chân kia”… ).
  • Sau một ngày làm vợ , thị dậy sớm, quét tước, dọn dẹp cho căn nhà khang trang , sạch sẽ. Đó là hình ảnh một người vợ biết lo toan, thu vén cho cuộc sống gia đình – hình ảnh của một người vợ hiền, một cô dâu thảo.
  • Trong bữa cơm cưới giữa ngày đói, thị tỏ ra là một người phụ nữ am hiểu về thời sự khi kể cho mẹ và chồng nghe về câu chuyện ở Bắc Giang người ta đi phá kho thóc của Nhật. Chính thị đã làm cho mẹ và chồng thêm niềm hy vọng vào sự đổi đời trong tương lai.

7/ Soạn văn Vợ nhặt – Chú ý ngôn ngữ và cách ứng xử của người phụ nữ trước khi theo Tràng về nhà.

Ngôn ngữ và cách ứng xử của người phụ nữ trước khi theo Tràng về nhà là một người phụ nữ ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh :

  • Lần gặp đầu tiên, thị chủ động làm quen ra đẩy xe bò cho Tràng và “liếc mắt cười tít” với Tràng.
  • Lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy tới”, “sưng sỉa nói” và lại còn “đứng cong cớn” trước mặt Tràng. Đã vậy thị còn chủ động đòi ăn. Khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị cúi gằm mặt ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng và khen ngon…

8/ Việc Tràng chấp nhận hành động “ theo về “ của một người phụ nữ xa lạ thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?

Giàu tình yêu thương và lòng vị tha.

9/ Chú ý hình thức lời văn được tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng bà cụ Tứ trong tình huống này.

Sự ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy người đàn bà lạ trong nhà.

  • Tình huống đặc biệt làm cho bà cụ Tứ ngạc nhiên, ấy là việc con trai mình lấy vợ. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình nghèo, xấu xí, là dân ngụ cư lại đang thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong.
  • Khi bà cụ đi làm về muộn, thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường con mình rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi thấy người đàn bà chào bằng “u” và được Tràng giới thiệu : “Kìa nhà tôi nó chào u”. “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”.

10/ Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới được thể hiện qua giọng điệu và những từ ngữ nào?

Bà vừa mừng vừa tủi khi hiểu mọi chuyện.

  • Khi đã vỡ lẽ, đã hiểu con mình “nhặt” được vợ, bà “cúi đầu nín lặng”. Bà liên tưởng đến bao cơ sự “oái ăm” “ ai oán” “xót thương” cho số kiếp của đứa con mình. Bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa.
  • Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn, biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng khi con đã có vợ. Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nỗi khó khăn này.

11/ Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?

  • Tràng nhận thấy sự thay đổi kì lạ của ngôi nhà ( sân vườn, ang nước, quần áo,…).
  • Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình.
  • Thấy mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, với mẹ, với vợ và những đứa con sau này.
  • Lúc ăn cơm hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới trong suy nghĩ. =>  Hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới.

=> Từ khi nhặt được vợ, nhân vật Tràng đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp : hào phóng, quên đi hết những cay cực tăm tối trên đời, chấp nhận cuộc sống khốn khó cùng vợ vượt qua tất cả, tin tưởng sự thay đổi ở tương lai.

12/ Chú ý những chi tiết miêu tả sự thay đổi của nhân vật bà cụ Tứ và người vợ nhặt trong buổi sáng của ngày đầu tiên sau khi Tràng nhặt được vợ.

Thị đã thay đổi hoàn toàn, thị trở nên “hiền hậu đúng mực”, đảm đang, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Điều này cho thấy rằng chính con người có thể thay đổi được hoàn cảnh, đem đến hơi ấm mới cho gia đình. Đến khi bà cụ Tứ bê nồi cháo cám ra, khi thị điềm nhiên và vào miệng, bà cụ Tứ tươi cười khen “Ngon đáo để”.

13/ Chú ý vai trò của chi tiết nồi chè khoán

Là một chi tiết đắt giá trong truyện, hình ảnh “nồi cháo khoán” còn có ý nghĩa rất cao về nghệ thuật. Là một trong những chi tiết có tính thúc đẩy sự phát triển cốt truyện, khắc họa rõ nét tính cách và tâm lí, hành động của người mẹ nghèo nhưng rất thương con. Tuy là một chi tiết nhỏ nhưng lại mang sức gợi cảm rất cao. Đó là sự tin tưởng, một khát vọng sống vươn lên hoàn cảnh, và còn là sức mạnh của tình thương, một trái tim đẹp của con người dành cho nhau. Thông qua đó còn gửi gắm một tấm lòng nhân đạo của Kim Lân dành cho con người, luôn tôn vinh và ngợi ca họ dù trong hoàn cảnh khó khăn và khốn cùng của kiếp người. Và nhờ chi tiết độc đáo “nồi cháo khoán” đã cho ta thấy một tầm vóc lớn của một nhà văn giàu lòng nhân đạo. Chi tiết đã nâng tầm của câu chuyện lên và khiến cho ta, về sau khi đọc lại, vẫn sẽ luôn nhớ mãi một chi tiết “nồi cháo khoán” giản dị như một hơi ấm nhen lên giữa những ngày đau thương của dân tộc.

14/ Tại sao bà cụ Tứ ngoảnh vội ra ngoài, “không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc”?

Bởi bà muốn động viên các con có thêm động lực và lạc quan hơn trong những ngày đói thảm hại này.

15/ Tràng có tâm trạng như thế nào khi nghe câu chuyện mà người vợ nhặt kể?

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi, cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm. Miếng cám ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít và nghĩ tới những người phá kho thóc Nhật.

16/ Hình ảnh “lá cờ đỏ“ hiện lên trong tâm trí của Tràng có ý nghĩa gì?

Hình ảnh lá cờ hiện lên trong đầu Tràng : Tràng đã bắt đầu mơ hồ tìm thấy con đường đi cho tương lai của mình đồng thời cũng nói lên bước đầu của sự nhận thức, giác ngộ với cách mạng của những người dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Soạn Vợ nhặt, trả lời câu hỏi sau khi đọc

Các thông tin soạn bài Ngữ văn lớp 11 tác phẩm này giúp học sinh giải đáp các câu hỏi, ý nghĩa tác phẩm, ý nghĩa của nhan đề Vợ nhặt,…

1/ Nhan đề Vợ Nhặt có quan hệ như thế nào với nội dung câu chuyện?

Giữa nhan đề Vợ nhặt và nội dung câu chuyện có mối quan hệ với nhau như thế nào sẽ được giải đáp:

Trước hết, từ “vợ” là một danh từ thiêng liêng, dùng để chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ được pháp luật công nhận với “chồng”. Theo phong tục, vợ chồng chỉ được công nhận khi có sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm. Còn “nhặt” là hành động cầm vật bị đánh rơi lên.

Kim Lân đã sáng tạo ra một nhan đề độc đáo. Vì người ta chỉ nói “nhặt” được một món đồ nào đó, chứ không ai nhặt được một con người về làm vợ bao giờ cả. Nhưng qua đó, nhà văn đã thể hiện được cảnh ngộ thê thảm của con người lúc bấy giờ.

Nhan đề “vợ nhặt” trước hết khái quát được tình huống của truyện. Đồng thời đó cũng là lời kết án đanh thép của Kim Lân đối với chế độ thực dân đã đẩy người nông dân vào tình cảnh nghèo đói, người “chết như ngả rạ”.

Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt có tính khái quát cao, hoàn cảnh của Tràng chỉ là một trong số đó. Đồng thời, qua nhan đề nhà văn cũng thể hiện sự đồng cảm xót xa cho cảnh ngộ của người nông dân trong nạn đói 1945.

2/ Soạn Vợ nhặt ngắn nhất – Xác định tình huống truyện và nêu ý nghĩa của nó.

Tình huống truyện Vợ Nhặt Kim Lân : một anh chàng ngụ cư, xấu xí, nghèo khổ như Tràng lại có thể “nhặt” được vợ một cách ngẫu nhiên và quá dễ dàng, chỉ bằng mấy câu hát, mấy lời nói bông đùa “tầm phơ tầm phào” và vài bát bánh đúc.

Ý nghĩa của nghệ thuật xây dựng tình huống truyện Vợ nhặt:

Giá trị hiện thực :

1/ Phác họa tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói

  • Cái đói dồn đuổi con người.
  • Cái đói bóp méo cả nhân cách.
  • Cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.

2/ Tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

Giá trị nhân đạo:

1/ Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.

  • Tràng rất trân trọng người “vợ nhặt” của mình.
  • Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người “vợ nhặt”.
  • Tình yêu thương con của bà cụ Tứ.

2/ Con người luôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai:

  • Tràng lấy vợ để duy trì sự sống.
  • Bà cụ Tứ, một người già lại luôn miệng nói về ngày mai với những dự định thiết thực tạo niềm tin cho con dâu vào cuộc sống tốt đẹp.
  • Đoạn kết tác phẩm với hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người phá tan kho thóc Nhật.
Soạn bài Vợ nhặt lớp 11
Hướng dẫn trả lời câu hỏi

3/ Soạn Vợ nhặt Kết nối tri thức – Câu chuyện trong Vợ Nhặt được kể theo trình tự nào và có thể chia làm mấy phần?

  • Phần 1 (từ đầu… “tự đắc với mình”) : Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.
  • Phần 2 (tiếp… “đẩy xe bò”) : chuyện hai vợ chồng gặp nhau, thành vợ thành chồng.
  • Phần 3 (tiếp… “nước mắt chảy ròng ròng”) : tình thưởng của người mẹ nghèo khó.
  • Phần 4 (còn lại) : niềm tin vào tương lai.

4/ Soạn văn 11 Vợ nhặt – Theo trình tự câu chuyện, các nhân vật đã có những thay đổi như thế nào từ diện mạo, tâm trạng đến cách ứng xử?

Tràng từ một người khờ khạo, sống vô lo vô nghĩ cuối cùng cũng biết lo cho cuộc sống tương lai.

Thị từ một cô gái thô kệch, đáo để cuối cùng trở thành một người vợ hiền dịu, đảm đang, tháo vát.

Bà cụ Tứ từ một người ảm đạm, mặt mày xám xịt trở thành người vui vẻ, tươi tắn hẳn lên.

5/ Phân tích những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi của các nhân vật ( thể hiện ở các khía cạnh: điểm nhìn, lời kể và giọng điệu ).

NHÂN VẬT TRÀNG 

Kim Lân rất hiểu người nông dân. Ông đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc niềm khát khao tổ ấm gia đình qua nhân vật Tràng trong tác phẩm:

Tràng thì rõ ra là một chàng trai thật thà, nhưng vụng về, thô kệch. Đi cùng với vợ về nhà, anh ta không giấu nổi vẻ “phớn phở khác thường” lại “tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lấp lánh”. Anh ta muốn nói với vợ một vài câu “rõ tình tứ” mà chẳng biết nói thế nào, “cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa vào tay kia”.

Trong khi chị vợ “rón rén”, “e thẹn”, lại lo lắng nữa: “hai con mắt tư lự”, “mặt bần thần”, thì anh ta tỏ ra nóng lòng sốt ruột. Đợi mãi mẹ chưa về, anh ta gắt lên: “Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết?”. Đến khi trông thấy mẹ, anh ta “reo lên như một đứa trẻ” và lật đật chạy ra.

Đây là một chàng trai tuy không còn ít tuổi, nhưng hình như chưa bao giờ biết suy nghĩ một điều gì nghiêm chỉnh, nên vẫn nông nổi, ngờ nghệch, trong óc có nhiều thắc mắc rất ngớ ngẩn: Thấy vợ không vui. anh ta không hiểu: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?”. Nhìn mẹ lau nước mắt, anh ta cũng lấy làm lạ: “Chán quá, chẳng đâu vào đâu tự nhiên cũng khóc!”.

Lúc quyết định lấy người đàn bà làm vợ: mặc dầu “chợn” nhưng Tràng vẫn tặc lưỡi: “Chậc, kệ!”. Niềm khát khao tổ ấm gia đình như một tiềm thức, một tình cảm đã có từ lâu trong lòng người nông dân nghèo khổ này, giờ đây bật lên thành tiếng nói, thành hành động.

Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: Tràng tỏ ra thích chí và tự đắc: “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”, “cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình”. Kim Lân đã diễn tả thật tinh tế cái vẻ hãnh diện hồn nhiên của một con người lần đầu tiên đã vợ của mình đi qua xóm làng.

Trong buổi sáng đầu tiên có gia đình: Tràng bỗng nhận ra sự thay đổi mới mẻ, khác lạ: từ nhà cửa, sân vườn… cho đến mẹ và vợ hắn đều khác. “ Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với ngôi nhà của hắn lạ lùng”. Và “Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng.”. Bởi vì hắn đã có một gia đình, Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Bây giờ hắn mới thấy hắn “nên người”, hắn thấy hắn có “bổn phận” phải lo lắng cho vợ con sau này… Khát khao tổ ấm gia đình của Tràng đã được Kim Lân diễn tả tinh tế và sâu sắc, người đọc thấy rõ hạnh phúc gia đình đã lay động mạnh mẽ và làm biến chuyển tâm tư tình cảm cũng như nhận thức của nhân vật, nâng con người của Tràng lên cao hơn, đẹp hơn. Đoạn văn là một phát hiện nhân đạo và nhân văn của Kim Lân về những người nông dân nghèo khổ, tuy rằng đang trên bờ vực thẳm của cái chết nhưng họ vẫn hướng về sự sống, về tổ ấm gia đình.

NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT

Người đàn bà làm vợ nhặt không tên không họ, không quê, không tài sản… tác giả gọi là “Thị”, anh cu Tràng gọi là “đằng ấy”. Chỉ một vài hôm đói khát mà thị trông vẻ tiều tụy: “Hôm nay thị rách quá,áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy hai con mắt”. Thị cong cớn, chao chát, không đợi mời chào “sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc”… Thị không còn xấu hổ. Thị vớ lấy câu nói đùa dở hơi của Tràng mà chạy theo về làm vợ.

Vợ Tràng thì từ cái lần gặp Tràng ở nhà kho và chợ tỉnh đến khi thành vợ của Tràng, thái độ, cử chỉ, cung cách ăn nói biến đổi hẳn: “Tràng nom thị hôm nay hôm khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.

Thực ra khi ở chợ, chỉ vì đói quá mà chị phải trơ trẽn, liều lĩnh như thế. Đã vì miếng ăn thì còn sĩ diện gì mà giữ gìn, e thẹn:

  • “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt…”
  • Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hãy ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
  • Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu…
  • Đấy, muốn ăn gì thì ăn…
  • Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”.

Nhưng khi đã đi theo Tràng về làm vợ anh ta rồi, chị không khỏi lo nghĩ: Sự liều lĩnh của mình sẽ phải trả giá như thế nào đây? Chuyện ăn đời ở kiếp chứ có phải trò đùa đâu! Biết anh ta thế nào, gia đình, nhà cửa anh ta ra sao? Nhìn cái nhà anh ta vắng teo, rúm ró, chị “nén một tiếng thở dài”. Vào hẳn trong nhà rồi, thị vẫn “ngồi mớm xuống mép giường… hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”.

Nhưng khi thấy mẹ chồng hiền lành, có tình cảm thật sự với con dâu, thì chị cũng yên lòng. Và đã là nàng dâu thật rồi thì phải tỏ ra là người nết na, đứng đắn, cũng biết tu chí làm ăn…

Đang trong tâm trạng ngao ngán ấy họ nghe tiếng trống thúc sưu thuế lại nổi lên. Biết bao người như gia đình anh chị Dậu sợ hãi tiếng trống oan khiên đến tán gia bại sản ấy. Rồi hình ảnh đàn quạ xuất hiện, Với nông dân, quạ xuất hiện là điềm gở báo sự chết chóc. Mà đã có chết chóc thật nên quạ đói mới kéo về làng đông. Chúng là biểu tượng của đen tối, bế tắc, độc ác…

Nhưng cũng nhờ tiếng trống ấy mà Tràng được cô “vợ nhặt” cho biết chuyện người mạn trên không chịu đóng thuế và còn phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Tràng hỏi vội trong miếng ăn:

  • Việt Minh phải không?
  • Ừ, sao nhà biết?

Hóa ra là đã có lần hắn gặp. nhưng chi nghe láng máng nên chạy trốn.

Bây giờ có cô “vợ nhặt”, hắn biết nhiều hơn, rõ hơn. Từ đó “ Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” . Vào bế tắc thì sẽ có biến. Đã có biến rồi thì hẳn sẽ thông, sẽ có một cuộc đời mới hiện ra cho đôi vợ chồng cùng đinh ấy…

Soạn Vợ nhặt
Tìm hiểu về nhân vật T hị

NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ 

Xuất hiện trong không gian câu chuyện với dáng đi “lọng khọng […] vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng” cùng với tiếng ho “húng hắng” sau khi Tràng – người con trai bà cụ bất ngờ “nhặt” được vợ và đưa vợ về nhà ra mắt mẹ chồng, dễ gợi cảm thương về một người mẹ nông dân già nua, gầy gò, nghèo khó.

Diễn biến tâm trạng:

  • Ban đầu, bà cụ rất ngạc nhiên, bối rối. Nhà văn đã miêu tả rất tinh tế nét tâm trạng  này của nhân vật bằng chi tiết: bà lão dường như không tin vào mắt mình lúc nhìn thấy sự hiện diện của người phụ nữ ấy trong ngôi nhà “tự dưng bà lão thấy mắt mình nhòe ra thì phải”, “Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường”.
  • Sau khi nghe con trai giới thiệu, xác định quan hệ với người phụ nữ lạ “nhà tôi nó chào u” , “ Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau,…”, biết rõ đó là con dâu, bà lão sống trong tâm trạng đầy mặc cảm tủi thân trách phận “ Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sợ, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Lời văn là lời kể của tác giả nhưng mang giọng độc thoại nội tâm của nhân vật. Dường như người viết đang hóa thân vào cảnh ngộ nhân vật để lắng nghe, thấu hiểu nỗi lòng “ai oán” của người mẹ nghèo khi rơi vào tình thế éo le. Bổn phận làm cha làm mẹ mà “chẳng lo lắng được cho con” đến nỗi con trai phải lấy “vợ nhặt” một cách tội nghiệp.
  • Điều khiến người đọc bất ngờ và cảm phục là cách ứng xử đầy tình người của bà cụ Tứ với người con dâu mới:

Rõ ràng, người “vợ nhặt” khi quyết định liều lĩnh làm vợ một người đàn ông xa lạ là đã tự đặt mình vào một tình thế bất lợi, dễ bị coi là mất giá trị vì theo không. Khi lâm vào tình thế ấy, người vợ nhặt có thể lường trước được những nguy cơ mà mình sẽ phải đối mặt. Song vì bản năng sinh tồn, người phụ nữ ấy đã bất chấp tất cả.

Vậy mà, người mẹ chồng không những không rẻ rúng mà còn đối xử hết sức bao dung, độ lượng “Bà lão khẽ thở dài, […] nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Đoạn văn độc thoại nội tâm ghi lại tiếng nói đầy thương xót cất lên tự đáy lòng một người mẹ nghèo mà rộng lượng.

Đau chỉ có vậy, tuy không cất lên thành lời nói nhưng người mẹ chồng ấy tỏ rõ thái độ hàm ơn đối với người con dâu. Đó là suy nghĩ của một người mẹ đang tự đặt mình vào cảnh ngộ éo le trớ trêu của người khác để hiểu, chia sẻ, an ủi những người cũng có cùng số phận bất hạnh như mình, như con mình. Hiếm có người mẹ chồng nào đối xử với con dâu nhân hậu, độ lượng đến như vậy.

Với ý nghĩa ấy, bà cụ Tứ nhẹ nhàng nói với cô con dâu mới “ừ,thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” . “Mừng lòng” chứ không phải bằng lòng bởi bà cụ Tứ chấp nhận tư cách con dâu của người đàn bà lạ là hoàn toàn về tình, lấy cái tình mà đối xử với con dâu, vì tình mà thể tất, bỏ qua tất cả. Câu nói ấy không chỉ khiến người phụ nữ “vợ nhặt” trút được gánh nặng tâm lí mà cả người con trai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bà cụ còn nhắc nhở cho con dâu bằng cách nói rất chân thành về gia cảnh, rồi như để thanh minh, bà lão lại nói với con dâu những lời đầy ân tình mà thương xót.

Bao trùm là tâm trạng vui mừng hạnh phúc, tin tưởng của người mẹ khi con đã yên bề gia thất:

Bà cụ Tứ “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước […] “. Ta có cảm tưởng người mẹ lao động già nua ấy như đang được hồi sinh. Tưởng như sự sống nơi người mẹ ấy đang tắt dần vậy mà hôm nay bỗng nhiên bừng lên.

Điều đặc biệt, bữa tiệc đón cô dâu mới rất thảm hại nhưng bà lão vẫn “vừa ăn vừa kể chuyện […] nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này” . Thì ra khi con thành gia thất, người mẹ nghèo ấy dù không để lại cho con thứ tài sản vật chất gì có giá trị nhưng ta tặng cho con món quà tinh thần đầy ý nghĩa là những lời động viên, khích lệ hướng các con đến tương lai tươi sáng như một chỗ bám víu tạo sức mạnh vượt qua thử thách nghiệt ngã của hiện tại. Đó là ảo tưởng nhưng là ảo tưởng rất tích cực bởi nó chứa đựng niềm tin được vun đắp, nuôi dưỡng bằng sự trải nghiệm cả cuộc đời một người mẹ nông dân nghèo khó “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đây cũng là niềm tin lành mạnh, trong sáng, hồn nhiên thể hiện nhân sinh quan tích cực của người lao động từ xa xưa.

Tác phẩm khép lại với hình ảnh một người mẹ lao động già nua, còm cõi đứng ở bên kia cái dốc cuộc đời mà trong lòng chưa bao giờ, chưa bao giờ nguội tắt niềm tin hi vọng vào sự sống và tương lai.

Miêu tả chân thật, tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật từ bà cụ Tứ, Kim Lân đã khắc họa thành công hình tượng một người mẹ nông dân có số phận bất hạnh vì nghèo khổ nhưng lại ngời sáng những vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm cao quý: từng trải, sống sâu sắc, giàu lòng nhân ái, luôn lạc quan, đặc biệt luôn sống vì con, cho con.

Qua hình tượng bà cụ Tứ, Kim Lân đã thể hiện được một phương diện quan trọng làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo cảm động của tác phẩm. Đó là niềm tin mãnh liệt của nhà văn vào con người, sự sống khi con người đối mặt với những thử thách nghiệt ngã của hoàn cảnh.

6/ Soạn văn Vợ nhặt – Hãy nêu chủ đề và đánh giá giá trị tư tưởng của tác phẩm.

Chủ đề của Vợ Nhặt là phản ánh đời sống của những con người bần cùng, lương thiện, trong hoàng cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra.

Giá trị tư tưởng : lên án xã hội thực dân phong kiến tàn bạo đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp năm 1945, biến con người thành vật vô giá trị, người ta có thể nhặt bất cứ lúc nào. Nhà văn phát hiện và diễn tả khát vọng của người lao động, cho dù bị đẩy vào tình cảnh bi đát, phải sống trong sự đe dọa của cái chết, vẫn khát khao tình thương, khao khát hạnh phúc gia đình, hướng về sự sống, tin tưởng tương lai (mà tương lai gắn với cách mạng)

7/ Có thẻ xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Hãy nêu và phân tích quan điểm của bạn về điều này.

Truyện ngắn Vợ nhặt không được coi là truyện cổ tích trong nạn đói vì dựa vào các đặc điểm của truyện cổ tích thì tác phẩm này không phù hợp. Câu chuyện có kết thúc mở, hình ảnh lá cờ kết thúc tác phẩm rất mơ hồ, phải dựa vào ý nghĩa tường minh để minh giải cho hình ảnh này. Còn đối với truyện cổ tích thì luôn là cái kết có hậu, cái kết trừng phạt những kẻ xấu. Truyện ngắn này chỉ khắc họa hình ảnh những con người nông dân nghèo khổ còn thế lực xấu thì nói rất ít và không có kết cục của những thế lực ấy.

Câu hỏi khác về bài Vợ nhặt

Tổng hợp các câu hỏi liên quan ngoài phần soạn văn Vợ nhặt. Đây là những câu thường được giáo viên đặt cho học sinh để đánh giá hả năng đọc hiểu của bạn:

1/ Vợ nhặt nói về điều gì?

Vợ nhặt là truyện ngắn mô tả về cuộc sống con người trong nạn đói năm 1945. Từ đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp về tình người và khát vọng sống của người lao động, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

2/ Tại sao Kim Lân đặt nhan đề tác phẩm là Vợ nhặt? Cách đặt nhan đề đó có ý nghĩa gì?

Tác giả Kim Lân đặt nhan đề Vợ nhặt để nói lên tình huống truyện được đề cập. Chỉ với 2 lần gặp gỡ mà đã “nhặt được vợ” và nên duyên vợ chồng.

Việc đặt nhan đề như vậy giúp chúng ta hình dung được cảnh ngộ bi thảm của con người thời bấy giờ. Khi phụ nữ có thể như một món đồ để nhặt về do cái nghèo, cái đói, cái khổ đã khiến số phận của họ trở nên đắng cay.

Viết đoạn văn ( khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện Vợ nhặt.

Qua truyện “Vợ nhặt”, tác giả Kim Lân còn cho ta thấy được trong hoạn nạn, con người lao động càng thương yêu nhau hơn dù trong hoàn cảnh khó khăn, khốn cùng, họ vẫn giữ được phẩm chất đẹp “ đói cho sạch rách cho thơm”. Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu nguyên thủy” ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay ngay vào viết tác phẩm Xóm ngụ cư, khi hòa bình lập lại (1945), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Cuộc sống khắc nghiệt đọa đày con người bắt họ phải sống cuộc sống của loài vật, nhưng nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong lòng người mẹ khốn khổ kia. Dường như ba mẹ con Tràng đã tìm thấy được niềm vui ẩn giấu trong sự nương tựa, cưu mang nhau mà sống. Tình vợ chồng, mẹ con sẽ là động lực giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn khủng khiếp nà. Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng, bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà nhà văn Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dưng truyện và dẫn truyện của Kim Lân – một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

Xem thêm:

Kết luận

Tài liệu soạn Vợ nhặt đã được cập nhật chính xác tại trang phân tích văn học The POET Magazine. Học sinh tham khảo và soạn bài đầy đủ để có thể hiểu rõ về nội dung tác phẩm tại buổi học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hi88 8xbet