Soạn bài Xem người ta kìa – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
Theo dõi tài liệu soạn bài Xem người ta kìa giúp học sinh có sự chuẩn bị bài tốt. Đồng thời, các em học sinh sẽ nắm được nội dung tác phẩm nhanh hơn.
Soạn bài Xem người ta kìa Kết nối tri thức – Trước khi đọc
Theo dõi các yêu cầu và trả lời câu hỏi trước khi đọc văn bản.
1/ Có bao giờ em phải cố gắng để giống với một người bạn mà em ngưỡng mộ?
Đã có những lần em phải cố gắng để giống với một người bạn mà em ngưỡng mộ. Nhân vô thập đoàn – không ai hoàn thiện cả. Tuy nhiên, trong cuộc sống, ta bắt gặp rất nhiều người giỏi giang, xuất sắc về nhiều mặt. Lúc đó, trong ta trỗi dậy sự ngưỡng mộ, thầm ước mình cũng được như người bạn đó. Cũng có lúc, ở một góc khuất sâu thẳm trong suy nghĩ, ta bỗng thấy hổ thẹn rồi ghen tị với họ. Nhưng hãy biết rằng cuộc sống là bức tranh muôn màu, mỗi người là một nét vẽ, một gam màu để tạo nên bức họa tuyệt vời được gọi tên là cuộc sống. Vì vậy, hãy biến những cái riêng của mình thành điểm mạnh, để hòa đồng với nhau.
2/ Trong cuộc sống, mỗi người có quyền thể hiện cái riêng của mình hay không?
Trong cuộc sống, mỗi người có quyền thể hiện cái riêng của mình. Bởi vì, cái riêng của mỗi người là sự hãnh diện về tính cách riêng của bản thân (suy nghĩ, quan niệm riêng về học tập, lao động; cách ứng nhân xử thế riêng; cách sinh hoạt đời thường riêng,…). Như vậy, ta sẽ không cảm thấy tự ti hay mặc cảm vì bị so sánh với người khác. Mỗi một con người sẽ có những điểm mạnh riêng, tạo nên bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc.
Đọc hiểu Xem người ta kìa
Hướng dẫn đọc hiểu và giải đáp các câu hỏi trong quá trình theo dõi tác phẩm.
1/ Chú ý cách vào bài bằng lời kể. Phải chăng, kể chuyện cũng là một cách để nêu vấn đề cần bàn luận?
- Tác giả vào bài bằng lời kể câu nói của người mẹ: “Xem người ta kìa”.
- Như vậy, khi bàn luận một vấn đề trong cuộc sống, ta có thể đưa yếu tố tự sự (kể chuyện) vào phần mở bài để bài văn thêm hấp dẫn, sinh động.
2/ Lí do khiến mẹ muốn con giống người khác?
Mẹ muốn con giống người khác vì: mẹ muốn con bằng người; muốn con được thông minh, giỏi giang; muốn được người khác tin yêu, tôn trọng; muốn con thành đạt,… Để không thua chị kém em, không làm xấu mặt gia đình, dòng tộc, không để ai phàn nàn kêu ca điều gì.
3/ Những bằng chứng nào chứng tỏ thế giới này là muôn màu muôn vẻ?
Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận và hấp dẫn lạ lùng. Vạn vật trên rừng dưới biển đều thế và xã hội con người cũng thế. Nhớ các bạn trong lớp tôi ngày trước, mỗi người một vẻ, sinh động biết bao. Ngoại hình khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Người thích vẽ vời, người ưa ca hát, nhảy múa, có bạn chỉ khi ra sân tập thể thao mới thực sự được là mình,… Về tính cách thì sôi nổi, nhí nhảnh hay kín đáo, trầm tư có đủ hết. Người ta thường nói học trò “nghịch như quỷ”, ai ngờ “quỷ” cũng là cả một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là không ai giống ai cả. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người.
4/ Việc kết thúc văn bản bằng các câu hỏi có ý nghĩa gì?
Kết thúc văn bản bằng các câu hỏi: Người ta đã khác, đã hay như thế, sao mình lại không khác, không hay theo cách của mình? Biết hòa đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Chẳng phải vậy sao?
Đây là những câu hỏi nhưng cũng chính là lời khẳng định về quan điểm sống mà tác giả muốn gửi thông điệp cuộc sống cho tất cả mọi người . Mỗi người hãy là một mảnh ghép riêng biệt để hòa vào bức tranh cuộc sống muôn màu tươi sáng, tràn đầy sức sống. Có như vậy, cuộc sống mới đa sắc màu.
Soạn văn bài Xem người ta kìa và trả lời câu hỏi sau văn bản
Gợi ý học sinh trả lời các câu hỏi trong Sách giáo khoa trang 65.
1/ Khi thốt lên “Xem người ta kìa!”, người mẹ muốn con làm gì?
Khi thốt lên câu “Xem người ta kìa!”, người mẹ muốn con hãy chú ý quan sát đến phẩm chất và nhân cách của người khác và soi lại chính mình. Từ đó suy ngẫm về hành động, cử chỉ, lối sống của mình.
2/ Chỉ ra ở văn bản:
a. Đoạn văn nêu vấn đề bằng cách kể một câu chuyện.
b. Đoạn văn là lời diễn giải của người viết.
c. Đoạn văn dùng bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
Gợi ý:
a. Đoạn văn nêu vấn đề bằng cách kể một câu chuyện: “Xem người ta kìa… không ước mong điều đó”.
b. Đoạn văn là lời diễn giải của người viết: “Mẹ tôi không phải là không có lý do đòi hỏi tôi… nghe mẹ trách cứ”.
c. Đoạn văn dùng bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề: “Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ… riêng của từng người”.
3/ Nội dung văn bản nhấn mạnh ý nghĩa của sự khác nhau hay giống nhau giữa mọi người?
Theo nhân vật “tôi”, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận, hấp dẫn và lạ lùng.
- Chim thú trên rừng hay cá tôm dưới biển cũng thế mà xã hội con người cũng thế.
- Trong lớp nhân vật “tôi”, các bạn học sinh đều mỗi người một vẻ vô cùng sinh động. Ngoại hình cao, thấp, béo, gầy, đen, trắng khác nhau, giọng nói khác nhau; thói quen, sở thích cũng khác nhau.
- Người ta nói “học trò nghịch như quỷ” nhưng “quỷ” cũng chính là một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào.
Cuối cùng, nhân vật “tôi” đã kết luận ý nghĩa của sự khác nhau giữa mọi người là bằng một câu nhân vật đã đọc được rất hay “Chỗ giống nhau của mọi người trên thế gian này là không ai giống ai cả”..Chính chỗ không giống ai đó lại là một phần rất đáng quý trong cuộc đời mỗi con người.
4/ Đọc lại đoạn văn có câu: Mẹ tôi không phải không có lí khi đòi hỏi tôi phải lấy người khác làm chuẩn mực để noi theo. Hãy cho biết người mẹ có lí ở chỗ nào
Người mẹ có lý ở chỗ:
- Ai chẳng muốn thông minh, giỏi giang
- Ai chẳng muốn được tin yêu, tôn trọng
- Ai chẳng muốn thành đạt
Sự thành công của người này là ước mơ của người khác. Vì vậy, đã có những người cố gắng vượt lên chính mình nhờ noi gương những người tài giỏi, xuất chúng.
5/ Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong con người. Tác giả đưa ra những ví dụ nào để làm sáng tỏ ý ở câu trên? Qua tìm hiểu các ví dụ đó, em học được gì về cách sử dụng bằng chứng trong bài nghị luận?
Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người. Tác giả đưa ra những ví dụ để làm sáng tỏ ý ở câu trên:
- Chim thú trên rừng hay cá tôm dưới biển cũng thế mà xã hội con người cũng thế.
- Trong lớp nhân vật “tôi”, các bạn học sinh đều mỗi người một vẻ vô cùng sinh động. Ngoại hình cao, thấp, béo, gầy, đen, trắng khác nhau, giọng nói khác nhau; thói quen, sở thích cũng khác nhau: Tùng thích vẽ vời; Nhung ưa ca hát, nhảy múa; Hoài thì sôi nổi, nhí nhảnh; Thơ lúc nào cũng kín đáo, trầm tư; Trần Long nổi tiếng là một danh hài; Minh Tuệ thì hơn người ở trí nhớ siêu việt.
- Người ta nói “học trò nghịch như quỷ” nhưng “quỷ” cũng chính là một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào.
Cách sử dụng bằng chứng trong văn nghị luận: Để có sức thuyết phục trong bài nghị luận này, tác giả đã sử dụng lý lẽ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người” để diễn giải và khẳng định ý kiến của mình. Bằng chứng là những ví dụ được tác giả nêu ra (3 ví dụ nêu trên) được lấy từ đời sống thực tế để chứng minh cho lý lẽ đó.
6/ Biết hòa đồng, gần gũi mọi người, nhưng cũng phải biết giữ lại cái riêng và tôn trọng sự khác biệt – em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
Em đồng ý với ý kiến: Biết hòa đồng, gần gũi với mọi người nhưng cũng phải biết giữ lấy cái riêng và tôn trọng sự khác biệt. Hòa đồng, gần gũi với mọi người thể hiện cách sống chan hòa, vui vẻ, có thiện chí, xây dựng mối quan hệ với bạn bè thể hiện sự tự tin trong giao tiếp và ứng xử của mỗi con người. Tuy nhiên cũng cần “sống thành thật với chính mình” nghĩa là “biết giữ lấy cái riêng và tôn trọng sự khác biệt”. Chính điều đó sẽ làm nên giá trị bản thân cho mỗi con người. Cũng chính nhờ việc giữ được những cái riêng sẽ càng làm cho con người hòa đồng, gần gũi với nhau nhiều hơn.
Trong bài văn nghị luận, tác giả đã đưa ra lý lẽ rất thuyết phục đó là: “Ai cũng cần hòa nhập, nhưng sự hòa nhập có nhiều lối chứ không phải một. Mỗi người phải được tôn trọng, với tất cả những cái khác biệt vốn có. Sự độc đáo của từng cá nhân làm cho tập thể trở nên phong phú. Nếu chỉ ao ước được giống người khác, thì làm sao ta có hi vonjkg đóng góp cho tập thể, cho cộng đồng một cái gì đó của chính mình. Đòi hỏi chung sức chung lòng không có nghĩa là gạt bỏ cái riêng của từng người.
7/ Nếu được đặt lại tên cho văn bản, em sẽ đặt như thế nào?
Nếu được đặt lại tên cho văn bản, em sẽ đặt là Hòa nhập nhưng hòa tan.
8/ Bức tranh Những bí ẩn của chân trời của Rơ-nê Ma-grit đã được sử dụng để minh họa cho văn bản Xem người ta kìa! Theo em, điều đó có hợp lý không, vì sao?
Bức tranh Những bí ẩn của chân trời của Rơ-nê Ma-grit đã được sử dụng để minh họa cho văn bản Xem người ta kìa! Theo em, điều đó hợp lý. Trong bức tranh, mỗi người nhìn về một hướng khác nhau nhưng đều có suy nghĩ về ánh trăng. Cũng giống như trong cuộc sống, mỗi người có một ý kiến, quan điểm cá nhân riêng nhưng đều là đóng góp, chung sức cho tập thể, cho cộng đồng. Ý nghĩa của bức tranh trùng khớp với ý nghĩa nội dung bài văn nghị luận.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: Mỗi người cần có cái riêng của mình
Về mặt tự nhiên, mỗi sự sống đều rất khác biệt. Trong một khu rừng, không một cây nào hoàn toàn giống hệt một cây nào. Trên cùng một thân cây, nhưng không một chiếc lá nào giống hệt một chiếc lá nào. Tạo hóa đã rất thông minh khi tạo ra những sự sống rất khác nhau, nhưng không một sự sống nào trong đó là hoàn hảo, vì thế chúng ta phải dựa vào nhau để sinh tồn. Con người cũng vậy. Mỗi người đều có cái riêng của mình. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Việc của chúng ta là biết làm thế nào để phát huy tối đa những khả năng, sở thích vốn có của mình và sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại. Đồng thời khi đã biết những điểm mạnh của bản thân cũng giúp chúng ta tự tin trong hành động, luôn luôn cố gắng để đạt tới cái đích mà mình đã lựa chọn. Hãy biết rằng cuộc sống là bức tranh muôn màu, mỗi người là một nét vẽ, một gam màu để tạo nên bức họa tuyệt vời được gọi tên là cuộc sống. Vì vậy, hãy biến những cái riêng của mình thành điểm mạnh, để hòa đồng với nhau.
Kết luận
Soạn bài Xem người ta kìa và trả lời các câu hỏi giúp hỗ trợ tốt nhất cho buổi học. Học sinh theo dõi trang phân tích văn học The POET Magazine để cập nhật thêm nhiều bài soạn hay.