Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự Nhiên

Vua Hùng Vương thứ ba có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Người ta nói thuở mới lọt lòng, nàng được các bà tiên tô điểm, nên về sau mới có nhan sắc như thế. Vì vậy vua đặt tên là Tiên Dung. Vua Hùng là người hay nuông con. Đối với Tiên Dung vua lại càng yêu chiều, muốn gì được nấy.

Nhưng công chúa Tiên Dung chỉ có mỗi một sở thích là đi chơi mọi nơi trong nước. Vua phải sắm cho nàng một chiếc thuyền rất xinh, có đủ mọi người hầu hạ và mọi thức ăn cần dùng. Mỗi năm vào khoảng cuối mùa xuân, chiếc thuyền công chúa bắt đầu xuất phát. Cho đến lúc những con chim hậu điểu bay từng đàn ở phía Bắc sang thì công chúa mới trở về nơi cấm cung. Cũng có lúc công chúa quá vui quên cả về, làm cho vua lo lắng. Năm nàng mười tám tuổi, từng có một vài hoàng tử ở các nước láng giềng ngỏ ý muốn được kết duyên nhưng công chúa nhất thiết từ chối. Nàng nói với vua Hùng trong một bữa tiệc:

– Cha à! Con sẽ không lấy chồng đâu!

Hồi đó ở Chử-xá có một người đánh cá tên là Chử Cù Vân và con trai là thằng bé Chử. Tuy nghèo, họ vẫn sống vui vẻ trong túp lều dựng trên bãi cát.

Không may một hôm trong khi cha con đi câu vắng, ở nhà lửa bèn cháy sạch chả còn tý gì. Hai cha con chỉ còn một bộ đồ nghề và mỗi một chiếc khố vải đang mặc. Chiếc khố độc nhất ấy dùng để làm vật che thân cho cả hai mỗi lần ra ngoài. Khi người này mang khố thì người kia phải chịu khó cởi truồng nằm co để đợi đến lượt mình.

Cha con nhà họ Chử hết nạn này đến tiếp nạn khác, Chử Cù Vân thiếu áo, không chịu được lạnh dần dần sinh bệnh. Bệnh của ông mỗi ngày một nặng. Trước còn gắng gượng đi câu được nhưng sau nằm liệt nhà. Một hôm biết mình sắp chết,ông gọi con lại dặn dò mọi việc. Qua hơi thở phều phào ông nói: “Có mỗi một chiếc khố… con giữ mà mặc cứ chôn trần là được rồi”. Nhưng thằng bé Chử – sau này người ta gọi là Chử Đồng Tử – rất thương cha, không muốn người cha chết lạnh lẽo. – “Rồi ta sẽ cố kiếm nhiều cá để đổi lấy cái khố khác!”. Nghĩ thế, anh quyết định dùng chiếc khố độc nhất đó cuốn cha lại từ đầu đến chân rồi chờ đến nửa đêm, anh đưa đến cồn cao rồi vùi lại.

Từ đó không có cái gì để che thân, Chử Đồng Tử phải làm việc ban đêm. Cứ chiều hôm khi không còn trông rõ mặt người nữa, anh bắt đầu ra bãi câu cá. Cho đến mờ sánh anh sẽ lội ngập nửa người, lần mò đến bến đổi cá cho thuyền buôn lấy gạo. Thế rồi lại lội đến bến vắng người, lén về lều của mình nấu ăn và ngủ một giấc đến chiều mới dậy. Rồi lại ăn uống và chuẩn bị đi câu nữa. Đồng Tử đã sống cuộc đời lén lút như thế đã hơn hai năm. Có lúc anh câu được nhiều cá, lúc ít cá không chừng, cũng có lúc không câu được gì cả đành men theo thuyền cá xin ăn. Nhưng chẳng có lúc nào câu được một số cá đủ để đổi lấy một cái khố cả.Vì thế anh cứ chịu trần truồng mãi.

Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự Nhiên
Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự Nhiên

Một hôm, Đồng Tử mang cá đi đổi gạo thì chợt có tiếng huyên náo. Mọi người kháo nhau có thuyền của Công chúa sắp tới địa phương. Từ đàng xa, chiếc thuyền sơn hiện ra mỗi lúc một lớn, có quân gia cờ quạt, chiêng trống đàn sáo vang rộng cả một khúc sông. Thấy mọi người đổ ra đường, ra bến đi xem rất đông, Chử Đồng Tử bí lối không về được, Anh đành rúc vào một bụi lau ở bãi rồi bỗng nghĩ ra một kế giấu mình kín hơn là bới cát thành một huyệt rồi nằm xuống, tự vùi mình lại

Giữa lúc đó thì Tiên Dung sai cắm sào rồi bỏ thuyền lên bộ. Tự nhiên công chúa có ý muốn tắm. Theo lệ thường, người ta quây màn lại một chỗ kín đáo trên đất rồi đun nước thơm vào để công chúa dùng.

Không ngờ chỗ mà bọn thị tỳ quây màn hôm nay lại chính là chỗ mà Đồng Tử vùi mình dưới đó. Anh nằm dưới đất chả biết gì hết, chỉ nghe có tiếng nện, tiếng chân người giẫm thình thịch và tiếng nước dội rào rào. Cho đến lúc anh toàn thân ướt đẫm cả nước. Rồi chỉ một lúc sau, dòng nước dội hẳn vào người anh. Biết là bại lộ. Đồng Tử ngượng ngùng ngồi nhổm dậy. Công chúa xiết bao kinh ngạc, khi thấy có một người lạ cũng trần truồng như nàng trong màn. Thoạt đầu, Tiên Dung tưởng là ma quái, toan la lên để bọn quân hầu vào cứu, nhưng thấy người con trai đó chẳng có chút gì là độc ác, nên nàng cố trấn tĩnh, ôn tồn bảo:

– Ngươi là ai? Tại sao lại vùi mình ở đây? Nói mau!

Nghe người trai lạ kể nông nỗi của mình, công chúa rơm rớm nước mắt. Nàng không ngờ trong đất đai của cha nàng trị vì lại có hạng người đói khổ đến nỗi không có lấy một mẩu vải che thân.

Cảm lòng chí hiếu của người con trai trước mặt, Tiên Dung nói một mình: – “Những người thế này chưa chắc bọn con trai trong thiên hạ đã sánh kịp!”. Bỗng chốc nàng đưa gáo cho Đồng Tử:

– Thôi anh tắm rửa rồi đi nhé. Lạ thật! Chắc có trời!

Bọn thị tỳ và lính tráng hôm đó rất lấy làm sửng sốt vì thấy từ trong màn bước về thuyền không phải chỉ một mình công chúa mà là hai người và người thứ hai lại không phải là nữ mà là một chàng trai khỏe đẹp. Nàng bèn sai lấy một bộ võ phục của một viên quan hầu cho Đồng Tử mặc. Bấy giờ trước mặt mọi người, công chúa thẳng thắn kể cuộc gặp gỡ kỳ dị lúc nãy rồi nói:

– Người này sẽ là chồng tôi!

Nghe thế. Chử Đồng Tử đỏ mặt:

– Tôi không dám, không dám.

Nhưng Tiên Dung bảo:

– Tôi vốn không có ý định lấy chồng. Nay tình cờ gặp gỡ thế này chắc có Trời xui.

Tất cả đều theo ý Tiên Dung. Duy có hai viên quan hầu và một số thị tỳ, lính tráng không cho là cuộc phối hợp tốt đẹp. Nhưng thấy công chúa táo bạo lại thường được vua chiều chuộng cho nên cuối cùng họ cũng không dám cản. Và rồi hôn lễ cử hành ngay trên sông, có một số bô lão địa phương tới dự.

Nhưng khi tin bắn về cung, vua Hùng không ngăn được cơn giận dữ. Vua bảo quần thần:

– Thà nó không có chồng còn hơn. Thực là đốn mạt! Tại sao nó không chịu hỏi ta. Thôi từ nay nhất thiết cấm cửa. Hễ nó vác mặt về Phong-châu thì cho phép Lạc tướng chém chết trước, tâu sau.

Thuyền của Tiên Dung vừa nhổ neo ra về thì một người em gái của nàng đã lên sai một người đầy tớ trung thành, hỏa tốc báo tin không hay đó cho nàng biết. Nàng nhận tin với một vẻ lo ngại. Nàng đã biết tính vua cha khi thương thì thương rất mực mà khi giận cũng có thể đang tay được. Hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc. Cuối cùng, nàng hội họp tất cả những người dưới quyền mình lại rồi nói rõ ý định:

– Vua cha nay không thương ta nữa. Vậy vợ chồng ta quyết định không về. Cho các ngươi được về với cha ta và về với bà con làng nước.

Hai vợ chồng từ đó sống một cuộc đời mới. Họ giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài vẫn thường ghé vào để bán hàng và cất hàng. Công cuộc buôn bán của họ mỗi ngày một khá. Chỗ bến sông ấy dần dần trở thành một cái chợ quyến rũ được nhiều người.

Một hôm, Đồng Tử mang vàng theo một khách buôn lớn định ra nước ngoài mua hàng tận gốc để kiếm một số lãi to.

Họ dong buồm đi về phương Nam. Chỉ trong năm ngày đến một ngọn núi giữa biển, gọi là núi Quỳnh-viên, thuyền dừng lại lấy nước ngọt.

Đồng Tử bước lên đất rồi vui chân, anh trèo mãi lên tận đỉnh đảo. Đang say sưa ngắm cảnh, bỗng nhiên Đồng Tử thấy một cái am nhỏ. Trước am có một đạo sĩ ngồi định thần trên một phiến đá. Anh bước tới toan cất tiếng thì người kia đã hỏi trước:

– Thằng bé Chử! Sao lại muộn thế?

Biết là bậc thần dị, anh phủ phục xuống cạnh người người lạ, xin làm đồ đệ.

Khi bọn lái buôn đến am tìm Đồng Tử thì anh trao tất cả vàng cho họ và nói:

– Các bác cứ cầm lấy mà buôn bán. Tôi sẽ ở đây cho đến khi thành đạo.

Đồng Tử hiểu đạo rất chóng. Sư phụ còn dạy cho anh nhiều phép mầu nhiệm. Cho đến khi chiếc thuyền buôn trở lại đón, thì anh được sư phụ trao cho một chiếc gậy và một cái nón và bảo:

– Thế là con có thể hạ sơn được. Ta giao cho con những vật này. Tất cả sự linh diệu đều ở đó cả.

Bước xuống thuyền, Đồng Tử không ngờ số vốn của mình hồi trước giờ đây người ta đã làm nảy nở gấp mười. Nhưng nhìn những thoi vàng sáng chóe, anh không thấy thích thú như xưa. Những câu chào hỏi, những lời bàn bạc tính toán nhao nhao của các bạn buôn bấy giờ đối với anh đều nhạt nhẽo.

Về đến nhà, Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Cũng như chồng, Tiên Dung học đạo rất chóng. Thế rồi một hôm, hai vợ chồng đem tất cả gia sản của mình phân phát cho những người nghèo khổ trong vùng. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy hai vợ chồng công chúa bỏ sự làm ăn đang thịnh để ra đi, không biết là đi đâu.

Hai vợ chồng ngày đêm nghỉ cốt tìm thầy học đạo thêm nữa. Một hôm, trời đã tối, họ đi mãi, rất mệt nhưng vẫn chưa gặp một cái quán nào. Chỗ này không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Cuối cùng họ nghỉ lại trên bãi cỏ. Đồng Tử cắm gậy của mình xuống đất rồi úp nón lên che sương. Canh ba đêm hôm đấy, bỗng có tiếng chuyển động dữ dội. Thế là phút chốc họ không phải nằm trên bãi cỏ nữa mà nằm trên một chiếc giường ngọc trong một tòa lầu chăn gối êm dịu như nhung. Quần áo của họ mặc là thứ quần áo mầu, lấp lánh như vảy bạc.

Khi ra dãy hành lang có bao lơn trắng như tuyết, hai vợ chồng mới biết không chỉ có một nhà mà có rất nhiều nhà, nhiều lầu. Ngoài xa xa lại có một bức thành dày ôm lấy khu vực này. Đến đâu cũng có người hầu hạ và quân lính canh gác. Họ ăn bận nhiều mầu nhiều kiểu rất đẹp. Tiên Dung hỏi hai thị nữ:

– Đây là chốn nào?

Họ đáp:

– Đây là giang sơn riêng của công chúa như lời ước muốn của người.

Khi hai vợ chồng bước tới chính đường thì một viên quan từ trong tiến ra, giơ cao một mớ sổ sách, quỳ chào họ:

– Xin dâng lên công chúa tất cả mọi vật ở đây!

Hai vợ chồng cùng giở ra xem thì thấy trong đó kê tất cả bao nhiêu lâu đài nhà cửa, bao nhiêu vật dụng linh tinh, bao nhiêu khí giới, v.v… Trong mười gian nhà kho chứa trữ bao nhiêu châu ngọc, vàng bạc, lương thực. Ngoài ra còn kê tên tuổi bao nhiêu viên quan văn võ, bao nhiêu lính tráng, bao nhiêu nô tỳ, v.v… Chồng bảo vợ:

– Thế là từ nay chúng ta làm chủ giang sơn này đây!

Từ đó hai vợ chồng lưu lại vui hưởng một cuộc sống khác trước. Nhân dân quanh vùng nghe đồn hai vợ chồng công chúa có phép tiên xây dựng lâu đài thành quách trong một đêm, nên ai nấy rủ nhau đến xin che chở. Họ lũ lượt mang hoa quả, nếp gạo, gà lợn để làm lễ chào mừng những người chủ mới.

Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng và sau cùng tới tai Hùng Vương. Mấy tên quân lính do thám về báo cho vua biết nào quân lính đông hàng mấy vạn, nào giáp sắt trống đồng tề chỉnh, nào nhân dân quy phục mỗi ngày một đông, v.v… Chúng quả quyết rằng hai vợ chồng công chúa không có gì hơn là muốn rạch đôi sơn hà với thiên tử.

Hùng Vương từ lâu đã quên Tiên Dung, nay nghe tin báo, tự nhiên lòng giận lại bốc lên bừng bừng. Những lúc như thế mọi người rất lo sợ, người ta thấy các Lạc tướng chuẩn bị ráo riết dường như sắp có một cuộc chiến tranh xảy tới. Trong suốt mười lăm ngày các tay nỏ được lệnh ra sức tập luyện. Trống đồng được dùng báo hiệu liên miên không nghỉ. Trước khi đoàn quân xuất phát, vua Hùng bước ra cửa điện nói với họ:

– Nó từ lâu là giặc, hoàn toàn không phải là con ta. Các người cố gắng lấy đầu của hai tên giặc về đây sẽ có trọng thưởng.

Nghe tin cáo cấp, tất cả các tướng sĩ bộ hạ của Tiên Dung hội nhau định kế chống lại. Một viên tướng đến trình bày với hai vợ chồng:

– Nếu công chúa muốn, chúng tôi có thể tiêu diệt quân địch trong khoảnh khắc.

Tiên Dung lắc đầu bảo họ:

– Không được. Ta đâu dám cự lệnh vua cha?

Chiều hôm ấy, quân đội của Lạc tướng đã hạ trại ở bên kia bờ sông. Bóng cờ đã thấp thoáng trong lùm cây. Bên này sông trong giang sơn của công chúa vẫn chưa có lệnh chuẩn bị. Quân canh trên mặt thành luôn luôn đưa tin mới cho hai vợ chồng. Nhưng họ vẫn thản nhiên tươi cười. Cũng như lệ thường, đêm hôm nay họ vẫn ngủ trên chiếc giường ngọc.

Khoảng canh ba, bỗng có tên quân vào báo tin rằng cầu phao bên địch đã bắc xong và hiện nay họ đang nấu ăn. Hai vợ chồng ngồi dậy cùng hướng mặt trời lên. Thế là một trận bão vụt lên, mỗi lúc một dữ dội. Đồng thời đất chuyển động ầm ầm. Gió xoáy một cách kinh khủng đến nỗi có thể bốc tất cả mọi cái trên mặt đất ném đi một nơi khác.

Sáng hôm sau, nhân dân quanh vùng cũng như quân đội vua Hùng đều thấy một sự lạ chưa từng có. Bão đã tạnh từ lâu nhưng thành quách của công chúa, kể cả cung điện, nhà cửa, quân gia, súc vật, đồ dùng đều bay đâu mất cả không còn sót một tý gì. Giữa đó một cái đầm rộng mênh mang, đầy nước trắng xóa. Duy chỉ có cái nền cung của hai vợ chồng công chúa thì vẫn còn. Người ta gọi cái đầm ấy là đầm Một-đêm (Nhất-dạ) và cái nền ấy là bãi Tự-nhiên. Về sau trên cái nền ấy, người ta có lập miếu thờ hai vợ chồng Chử Đồng Tử.