Sự tích sông Tô Lịch – Dòng sông chứng nhân cho nỗi oan của thần
Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội thành đều được vời vào cung chạy chữa, trong số đó cũng có những lương y nổi tiếng, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu.
- Sự tích áo Bà ba – Lý giải nguồn gốc chiếc áo bà ba vùng Nam Bộ
- Hai bảy mười ba – Khi quan xử khéo một vụ kiện lạ lùng
- Làm ơn hóa hại: Người đàn ông tốt bụng và bài học về sự điều độ
- Sự tích hoa Thủy tinh – Câu chuyện về tình yêu thương và lòng dũng cảm
- Nợ như chúa Chổm – Hậu quả của việc không giữ chữ tín
Cặp mắt của vua cứ sưng húp lên, đêm ngày nhức nhối rất khó chịu. Đã gần tròn hai tháng vua không thể ra điện Kinh Thiện coi chầu được.
Bạn đang xem: Sự tích sông Tô Lịch – Dòng sông chứng nhân cho nỗi oan của thần
Triều đình vì việc vua đau mắt mà rối rít cả lên. Những cung giám chạy khắp nơi tìm thầy thuốc, và lễ bái các chùa đền, nhưng mắt của thiên tử vẫn không thấy bớt.
Một hôm có hai tên lính hầu đưa vào cung một thầy bói từ núi Vân Mộng về. Ông thầy chuyên bói dịch nổi tiếng trong một vùng. Sau khi gieo đốt mấy cỏ thi, ông thầy đoán: “Tâu bệ hạ, quẻ này có tượng vua rất linh nghiệm. Quả là bệ hạ bị ‘thuỷ phương càn tuất’ xuyên vào mắt cho nên bệ hạ không thể bớt được, trừ phi trấn áp nó đi thì không việc gì.”
Vua bèn sai hai viên quan trong thành. Thuở ấy ở phía Tây bắc thành Thăng Long có hai con sông nhỏ: Tô Lịch và Thiên Phù đều hợp với nhau để thông ra sông Cái ở chỗ cứ như bây giờ là bến Giang Tân.
Họ tới ngã ba sông dựng đàn cúng Hà Bá để cầu thần về bệnh của vua. Đêm hôm đó, một viên quan ăn chay sẵn nằm trước đàn cầu mộng.
Thần cho biết: “Đến sáng tinh sương ngày ba mươi cho người đến đứng ở bên kia bến đò, ai đến đó trước tiên lập tức bắt quẳng xuống sông phong cho làm thần thì trấn áp được.”
Nghe hai viên quan tâu, vua lập tức sai mấy tên nội giám chuẩn bị làm công việc đó. Một viên đại thần nghe tin ấy, khuyên vua không làm việc thất đức, nhưng vua nhất định không nghe.
Con mắt của vua là rất trọng mà mạng của một vài tên dân thì có đáng kể gì. Hơn nữa sắp sửa năm hết tết đến, việc đau mắt của vua sẽ ảnh hưởng nhiều đến nghi lễ long trọng và quan hệ của triều đình.
Ở làng Cảo thuộc về tả ngạn sông Tô hồi ấy có hai vợ chồng làm nghề bán dầu rong, người ta vẫn quen gọi là ông Dầu bà Dầu. Hàng ngày hai vợ chồng buổi sáng đưa dầu vào thành bán, buổi chiều trở ra: vợ nấu ăn chồng đi cất hàng.
Xem thêm : Sự tích Trầu Cau và Vôi – Giá trị của tình yêu và sự gắn bó
Hôm đó là ngày ba mươi tháng một, hai vợ chồng định bụng bán mẻ dầu cho một số chùa chiền. Vào khoảng cuối năm, người ta cần dùng nhiều dầu để thắp Tết.
Họ dậy thật sớm, chồng gánh chảo, vợ vác gáo cùng tiến bước đến ngã ba Tô Lịch – Thiên Phù. Đến đây họ vào nghỉ chân trong lò canh đợi đò.
Đường vắng tanh chưa có ai qua lại. Nhưng ở trong chòi thì vẫn có hai tên lính đứng gác. Vừa thấy có người, chúng xông ra làm cho hai vợ chồng giật mình.
Họ không ngờ hôm ấy lại có quân cấm vệ đứng ở đây. Tuy thấy mặt mũi chúng hung ác, nhưng họ yên tâm khi nghe câu hỏi của chúng: “Hai người đi đâu sớm thế này?”
Họ cứ sự thật trả lời. Họ có ý phân bua việc bán dầu hàng ngày của mình chỉ vừa đủ nuôi miệng. Chúng cứ lân la hỏi chuyện mãi.
Chúng nói: “À ra hai người khổ cực như thế đó. Vậy nếu có tiền thừa thãi thì hai người sẽ thích món gì nào. Nói đi! Nói đi, rồi chúng tôi sẽ kiếm cách giúp cho.”
Thấy câu chuyện lại xoay ra như thế, ông Dầu bà Dầu có vẻ ngạc nhiên. Nhưng trước những lời hỏi dồn của chúng, họ cũng phải làm bộ tươi cười trả lời cho qua chuyện.
“Tôi ấy à?” người chồng đáp. “Tôi thì thấy một đĩa cơm nếp và một con mái ghẹ là đã tuyệt phẩm.”
Người vợ cũng cùng ý như chồng nhưng có thêm vào một đĩa bánh rán là món bà thèm nhất.
Thấy chưa có đò, hai vợ chồng lấy làm sốt ruột. Nói chuyện bài bây mãi biết bao giờ mới vào thành bán mẻ dầu đầu tiên cho chùa Vạn Thọ.
Xem thêm : Sự tích chim Quốc – Đề cao tình bạn trung thành, thiêng liêng
Hai người bước ra nhìn xuống sông. Hai tên lính từ nãy đã rình họ, bấy giờ mới bịt mắt họ và lôi đi sềnh sệch.
Họ cùng van lên: “Lạy ông, ông tha cho chúng cháu, chúng cháu chẳng có gì.”
Nhưng hai tên lính chẳng nói chẳng rằng, cứ cột tay họ lại và dẫn đến bờ sông. Chúng nhấc bổng họ lên và cùng một lúc ném mạnh xuống nước. Bọt tung sóng vỗ. Và hai cái xác chìm nghỉm.
Lại nói chuyện mắt vua sáng mồng một tháng chạp tự nhiên khỏi hẳn như chưa từng có việc gì. Nhưng ông Dầu bà Dầu thì căm thù vô hạn.
Qua hôm sau hai tên cấm vệ giết người không biết vì sao tự treo cổ gốc đa trong hoàng thành. Rồi giữa hôm mồng một Tết, lão chủ quán ở bên kia Giang Tân phụ đồng lên giữa chùa Vạn Thọ nói toàn những câu phạm thượng.
Hắn nói những câu đứt khúc, nhưng người ta đều hiểu cả, đại lược là: “Chúng ta là ông Dầu bà Dầu đây… Chúng mày là quân tàn ác dã man, chúng mày là quân giết người lương thiện… Chúng mày sẽ chết tuyệt diệt… Họ Lý chúng mày sẽ không còn một mống nào để mà nối dõi… Chúng tao sẽ thu hẹp hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù lại… Chừng nào bắt đầu thì chúng mày đừng hòng trốn thoát…”
Những tin ấy bay về đến tai vua làm cho nhà vua vô cùng lo sợ. Vua sai lập một đền thờ ở trên ngã ba Giang Tân và phong cho hai người là phúc thần.
Mỗi năm cứ đến ba mươi tháng một là có những viên quan bộ Lễ được phái đến đây cúng ông Dầu bà Dầu với những món ăn mà họ ưa thích.
Nhưng ngôi báu nhà Lý quả nhiên chẳng bao lâu lọt về tay nhà Trần. Dòng họ Lý quả nhiên chết tuyệt diệt, đến nỗi chỉ người nào đổi qua họ Nguyễn mới hòng trốn thoát.
Sông Thiên Phù quả nhiên cứ bị lấp dần, lấp dần cho mãi đến ngày nay chỉ còn một lạch nước nhỏ ở phía Nhật Tân. Sông Tô Lịch cũng thế: ngày nay chỉ là rãnh nước bẩn đen ngòm.
Duy có miếu thờ ông Dầu bà Dầu thì hàng năm dân vùng Bưởi vẫn mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng đến cúng lễ vào ngày ba mươi tháng mười một.
Bạn đang xem tại: https://www.thepoetmagazine.org
Danh mục: Truyện cổ tích Việt Nam