Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới – Sơ đồ, tóm tắt, cốt truyện
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới là bộ truyện về cách nghĩ của người Việt cổ liên quan đến tạo lập thế gian và cách vận hành. Bộ truyện này được đưa vào chương trình Kết nối tri thức, ngữ văn 10, bài đầu tiên của năm học.
Văn bản Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới thuộc thể loại gì?
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới là truyện thần thoại, cụ thể là thần thoại suy nguyên.
Cho đến nay, thần thoại Việt Nam đã bị mai một ít nhiều, song, kho tàng này vẫn là di sản phong phú với hơn hàng trăm truyện của cả dân tộc Kinh và các dân tộc anh em khác.
Một số bộ truyện được sưu tầm đặt lẫn trong các bộ sách với truyện cổ tích truyền thuyết. Do đó, ngày nay, nhiều người chưa phân biệt được thể loại thần thoại so với các hình thức trên.
Thần thoại Việt Nam có thể chia thành 2 loại:
- Thần thoại suy nguyên: Nhiều truyện có cách hình dung, lí giải về sự hình thành thế giới tự nhiên, nguồn gốc con người, vạn vật, gần gũi với các hình thức thần thoại khác trên thế giới. Nhân vật chính thường là những người sáng tạo ra trời, đất, mặt trời, mặt trăng….
- Thần thoại sáng tạo: Nhân vật chính là các anh hùng. Kì tích của họ phản ánh vẻ đẹp của cuộc sống lao động, tín ngưỡng, văn hóa của từng vùng.
Bố cục văn 10 kết nối tri thức truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Bố cục bài được chia thành 3 phần, tương ứng với 3 văn bản đã chia sẵn về các vị thần trong bài đọc:
- Phần 1: Thần Trụ Trời
- Phần 2: Thần Sét
- Phần 3: Thần Gió
Giá trị nội dung Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Văn bản là sự tưởng tượng của người Việt xưa về cách hình thành đất, trời, sấm sét, gió. Gắn liền với đó là những câu chuyện thú vị đi kèm các chi tiết kỳ ảo. Nội dung chuyện cũng phản ánh được tín ngưỡng của người Việt Nam, văn hóa tâm linh về niềm tin vào thần.
Giá trị nghệ thuật
Điểm đặc sắc nghệ thuật mà các tác phẩm dân gian này đạt được gồm:
- Xây dựng nhân vật độc đáo, mang đặc trưng của thần thoại.
- Hình tượng tiêu biểu, điển hình.
- Văn phong mạch lạc, dễ hiểu.
- Ngôn từ thuần Việt.
- Lý giải cách hình thành thế giới hợp logic, có truyện còn gắn liền với di tích thực tế tại Việt Nam.
Sơ đồ tư duy
Những ý chính trong Truyện được ThePOETMagazine tóm gọn qua sơ đồ sau:
Tóm tắt Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Khi đã nắm các sự kiện của bộ truyện, việc viết tóm tắt trở nên đơn giản. Trước hết, bạn hãy chú ý cốt truyện khi kể về mỗi vị thần là gì, có những tình huống nào đã diễn ra và diễn đạt lại ra sao để hấp dẫn nhất.
Cốt truyện của Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới đã lý giải sự hình thành trời đất, các dạng địa hình cũng như hiện tượng tự nhiên. Ngoài ra, truyện cũng lý giải những điềm báo thời tiết như gà gáy sấm chớp hay quan sát cây ngải gió để biết trời sắp nổi gió, nổi mưa hay chữa bệnh cảm gió cho trâu bằng loại cây này.
Tóm tắt văn bản Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới đã giải thích sự hình thành của trời đất. Cụ thể là Thần Trụ Trời đã dùng thân mình để chống trời, dựng cột. Sau khi trời khô, thần phá cột tạo nên các dạng địa hình như núi, đồi, cao nguyên, biển.
Thần Sét lại có khả năng tạo sấm sét bằng búa đá, có nhiệm vụ thi hành luật pháp từ dân gian. Dù vậy, do tính tình nóng nảy đổi khi thần đã phạt sai người vô tội và bị Ngọc Hoàng xử phạt. Ngọc Hoàng cho con gà thần mổ Thần Sét nhưng buộc thần phải nằm im. Dù về sau thần đã được tha nhưng hễ nghe tiếng gà mổ là bị giật mình nên dân gian truyền bá kinh nghiệm thấy gà gáy là có sấm sét, trời sắp mưa.
Thần Gió có thể làm gió nhỏ hay to tùy lệnh của Ngọc Hoàng và có thể kết hợp với Thần Sét và Thần Mưa. Thần có đứa con nghịch ngợm, từng dùng quạt của cha thổi bay chén gạo của người nông dân và bị kiện, phạt xuống trần gian đi chăn trâu cho người mất gạo. Về sau, Ngọc Hoàng cũng hóa con Thần Gió thành cây ngải báo tin để con người nếu thấy cây này cuốn bông, cuốn lá lại là trời sắp nổi gió, nổi mưa. Loại cây này còn có thể dùng để trị bệnh cho trâu bị cảm gió.
Phân tích Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Thần thoại là thể loại truyện kể ra đời sớm nhất, kể về thế giới thần linh, thể hiện quan điểm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa. Một trong những bộ truyện thần thoại suy nguyên tiêu biểu phải nhắc đến Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới trong chương trình Kết nối tri thức ngữ văn lớp 10.
Truyện thần thoại thường có cốt truyện đơn giản, tập trung vào một nhân vật hoặc là tập hợp nhiều cốt truyện đơn. Nhân vật chính sẽ có sức mạnh siêu nhiên phù hợp với khả năng sáng lập thế gian. Chức năng các nhân vật trong truyện là cắt nghĩa, giải thích các hiện tượng tự nhiên, thể hiện tín ngưỡng, niềm tin của con người. Bộ truyện này cũng không ngoại lệ.
Thần Trụ Trời được nhân dân kể lại trong một thời gian không được xác định cụ thể và một không gian “hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo”. Đây là bối cảnh quen thuộc của thể loại này, phản ánh thế giới theo suy nghĩ của người xưa. Thần được miêu tả với “thân thể to lớn không biết bao nhiêu mà kể, chân thần bước một bước cứ như bây giờ đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ hay từ đỉnh núi này qua đỉnh núi kia”.
Thần Trụ Trời là người có sức mạnh phi thường. Từ thuở hồng hoang, chưa phân định trời đất, Thần đã “dùng đầu đội trời rồi đào đất, đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời”. Trời ở trên cao, tròn như cái bát up và đất ở dưới, vuông vắn, bằng phẳng. Cách liên tưởng này làm em nghĩ đến truyện Bánh chưng, bánh dày. Rõ ràng cách nhìn nhận của người xưa đều thống nhất với quan điểm trời tròn, đất vuông.
Sau đó, truyện cũng lí giải về cách hình thành các dạng địa hình khác nhau, lí do mặt đất có chỗ cao chỗ thấp. Khi mà thần lấy đất đá của cột ném xung quanh và tạo thành đồi, núi, cao nguyên,… chỗ đào đất làm cột bây giờ trở thành biển.
Bằng trí tưởng tượng phong phú, người xưa đã giải thích cách hình thành của đất trời, giải thích tự nhiên một cách hợp lý. Ở ngay truyện đầu tiên, bạn đọc đã bị thu hút bởi xây dựng nhân vật mạnh mẽ cùng các chi tiết kỳ ảo, chưa từng tồn tại.
Thần Sét cũng là thần thoại suy nguyên vì kể về hiện tượng tự nhiên. Trong truyện có lý giải tên gọi khác của vị thần này là Thiên Lôi hay thần Sấm. Tương tự Thần Trụ Trời, bộ này không có thời gian và không gian cụ thể, chỉ sử dụng những từ ước lượng chung chung để ta hình dung là đã rất lâu trời về trước.
Thần Sét được mô tả “mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội, tính tình nóng nảy”. Với chiếc búa đá, thần chuyên trị nhân gian, xử án, chém đầu. Nhưng vì có lúc xử sai, thần cũng phải chịu phạt. Cách miêu tả này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và tính cách nhân vật.
Từ truyện thần thoại này, người xưa muốn giải thích hiện tượng tại sao mỗi khi sắp có mưa giông, sấm sét gà lại gáy. Đồng thời, đây cũng là cảnh báo rằng sấm sét có thể đánh chết người, phải cẩn thận để tránh gặp họa.
Nếu như Thần Trụ trời to lớn, Thần Sấm hung ác, thần Gió lại được mô tả khác hẳn, thân hình kì dị khi “không có đầu”, còn được gọi là thần Cụt Đầu, ngay cả cái tên của thần dường như cũng kì lạ. Thần có chiếc quạt bảo bối với phép màu vô biên.
Chi tiết con của thần nghịch ngợm và bị phạt cũng là điểm nhấn thú vị cho dòng truyện thần thoại này. Không chỉ để giải thích hiện tượng tự nhiên rằng cây ngải gió sẽ cuộn bông, cuộn lá lúc gió đến, cách dẫn dắt này giúp người đọc hiểu được làm sai sẽ phải trả giá cho hành vi của mình.
Thần Trụ Trời, Thần Gió và Thần Sét đều giải thích cho các hiện tượng tự nhiên khác nhau. Cách lí giải thời tiết thú vị giúp người ta dễ ghi nhớ và hiểu lý do (đặc biệt phù hợp nếu sử dụng để giải đáp cho trẻ em).
Xem phần soạn bài Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới để hiểu về tác phẩm. Từ đó, bạn sẽ nắm được giá trị nội dung, nghệ thuật cụ thể cho từng phần văn bản, dễ dàng hơn lúc viết bài.
Cảm nhận về hình tượng thần trong Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Truyện thần thoại Thần Trụ Trời, Thần Sét, Thần Gió là những truyện tiêu biểu cho nhóm thần thoại suy nguyên, kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, về hiện tượng thiên nhiên có phần hoang đường và kì bí.
Các vị thần ai cũng sở hữu hình dáng không bình thường. Có vị thì quá to lớn, kích thước cực khủng, bước chân như đi từ tỉnh này đến tỉnh khác. Có vị thần lại quá hung ác, quát tháo dữ dội, tính cách nóng nảy và chuyên xử tội dưới dân gian. Vị khác lại không có đầu, đi kèm theo đó là cái biệt danh Thần Cụt Đầu, có thứ bảo bối nhiệm màu là chiếc quạt tạo gió. Mỗi vị thần mang một sức mạnh, vai trò riêng. Thực ra đây là cách con người xưa giải thích tự nhiên, vũ trụ. Đồng thời, cách dẫn dắt câu chuyện cho thấy khát vọng muốn cải tạo tự nhiên và cho rằng con người hoàn toàn có thể chiến thắng thiên nhiên (như câu chuyện con người kiện thần Gió vì làm mất gạo của ông).
Những truyện thần thoại trên cho ta niềm tin và sức mạnh của con người, nhất là ở thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và công nghệ.
Xem thêm:
- Học tốt văn 10 Kết nối tri thức, hướng dẫn học và đọc
- Tản viên từ phán sự lục – Văn 10: Tác giả, tác phẩm
Kết luận
Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới là những câu chuyện thần thoại hấp dẫn về cách hình thành thế gian, vạn vật và cách hoạt động của tự nhiên. Bộ truyện cho ta hiểu thêm suy nghĩ của người Việt xưa, thể hiện rõ sức tưởng tượng phong phú và khát khao chinh phục, chiến thắng tự nhiên.