Phân tích chi tiết các yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Những yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương được Nguyễn Dữ đưa vào một cách khéo léo. Mục đích chính của tác giả là mang đến những bài học về cuộc sống và con người. Nội dung của tác phẩm thể hiện quan điểm của ông về số phận của phụ nữ thời phong kiến.
Trang phân tích văn học The POET magazine đưa ra phân tích cụ thể về tác phẩm giúp bạn hiểu hơn về dụng ý của Nguyễn Dữ khi đưa những chi tiết này vào câu chuyện.
Dàn ý phân tích những chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Mở bài: Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Dẫn dắt để người đọc khám phá những yếu tố kì ảo có trong tác phẩm.
Thân bài: Nêu rõ các yếu tố kì ảo, phân tích và đi đến đánh giá chung.
Yếu tố kỳ ảo: Tổng cộng 3 chi tiết được đưa vào tác phẩm:
Chi tiết kì ảo | Phân tích |
Thứ nhất | Phan Lang mộng thấy có người xin thả rùa xanh vừa bắt được. Thực tế, con rùa đó chính là hóa thân của Linh phi.
|
Thứ hai | Vũ Nương và Phan Lang được Linh Phi cứu sống, được cho ở dưới động rùa, Phan Lang hồi sinh về nhân gian.
|
Thứ ba | Linh hồn Vũ Nương về bến sông khi Trương Sinh lập đàn giải oan. Sau đó, nàng nói vài lời sau đó biến mất trong sương tối, với hình tượng khắc họa mờ ảo. |
Đánh giá chung về cách dùng yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương: Cách dựng sáng tạo với những chi tiết kì ảo, tính cách của nhân vật được hoàn thiện hơn. Vũ Nương đã trở về để có thể tự mình nói lời từ biệt cuối cùng. Chi tiết kì ảo cũng tăng giá trị hiện thực và nhân đạo, lên tiếng cho con người.
Kết bài: Tổng hợp lại những yếu tố kì ảo, bút pháp nghệ thuật được sử dụng. Qua đó, tác phẩm chính là minh chứng rõ nhất cho đạo lý ông bà xưa vẫn thường nói: “Ở hiền gặp lành”.
Mẫu phân tích chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Văn mẫu lớp 9 phân tích giúp học sinh hiểu được chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương. Tác phẩm có nhiều điểm khác thường, thậm chí bị nhận định là vô lý, nhưng ẩn sâu bên trong là rất nhiều ý nghĩa.
Phân tích điểm kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương mẫu 1
Chuyện người con gái Nam Xương bắt nguồn từ truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, truyền thứ 16. Tác phẩm này phức tạp hơn vì phát triển thêm tình tiết có ý nghĩa sâu sắc hơn. Các chi tiết kì ảo đã góp phần không nhỏ trong việc giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tác giả không đưa những chi tiết này vào toàn bộ tác phẩm mà chọn đưa vào tập trung, đậm nét trong cái kết tác giả Nguyễn Dữ tạo ra.
Tác phẩm gây ấn tượng với ba chi tiết kỳ ảo xuất hiện, đầu tiên là Phan Lang mộng thấy có người xin chàng thả rùa xanh vừa bắt được. Thực ra, con rùa đó chính là Linh Phi hóa thành. Tiếp theo là chi tiết Vũ Nương và Phan Lang được Linh Phi cứu sống và cho ở tại động rùa dưới thủy cung. Nhờ vậy, Phan Lang mới có thể hồi sinh, sau đó, quay lại nhân gian. Cuối cùng là chi tiết linh hồn Vũ Nương quay về tại bến sông khi Trương Sinh lập đàn giải oan, nói vài lời tỏ minh rồi biến mất từ từ.
Những chi tiết về Linh Phi, thủy cung, gặp Phan Lang, cuộc gặp giữa Phan Lang và Vũ Nương, lên kiệu hoa về bến Hoàng Giang thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ. Nhờ đó, tác phẩm này được đánh giá cao và nhận định mang đến những ý nghĩa sâu sắc hơn.
Từng yếu tố li kì được đưa vào tác phẩm để hoàn thiện tính cách, nhân phẩm của nhân vật. Với Vũ Nương, nàng được quay về trực tiếp để nói nên lời từ biệt cuối cùng, dù còn lưu luyến nhân thế, nhưng cũng không về được nữa. Vì sao vậy? Vì nơi đây chẳng còn chỗ nào để người hiền lành và đức hạnh như vậy dung thân. Điểm này cũng đã khiến cho Trương Sinh luôn cảm thấy có lỗi, khát khao hạnh phúc một cách muộn màng.
Tác giả cũng đã thành công trong việc sử dụng và sắp xếp các yếu tố kì ảo một cách hài hòa và chân thực. Từng chi tiết được đưa vào xen kẽ với những địa danh, thời gian lịch sử, nhân vật, sự kiện có thực. Điều này đã khiến cho thế giới kì ảo bỗng trở nên gần gũi với đời thực hơn, làm người đọc cũng dễ chấp nhận, không bị ngỡ ngàng.
Từng chi tiết kì ảo được đưa vào nội dung tác phẩm đã làm tăng thêm giá trị hiện thực và nhân đạo. Sự kết hợp này đã bênh vực cho số phận của con người, chứng minh cho việc ở hiền sẽ gặp lành. Thủy cung được khắc họa là một nơi nguy nga và tráng lệ, thể hiện cho thế giới tuyệt mỹ và hạnh phúc. Đây chính là nơi rất thích hợp cho những người phụ nữ giàu phẩm hạnh được sống một cuộc sống hạnh phúc hơn. Thông qua chi tiết này, Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện ước mơ thầm kín trong việc làm việc thiện. Vũ Nương đã phải chịu rất nhiều đau khổ và tủi nhục, nhưng cuối cùng, nàng đã có được cái kết xứng đáng. Yếu tố này hoàn thiện tính cách của Vũ Nương giúp tăng thêm nét đẹp vốn có của nàng. Đây là người phụ nữ nặng tình, luôn quan tâm đến chồng con, tổ tiên và có phẩm hạnh.
Tác phẩm được kết thúc với hình ảnh Vũ Nương xuất hiện lộng lẫy và dần dần biến mất trong mờ ảo. Điểm này đã thể hiện rõ ước mơ về sự công bằng dành cho người phụ nữ và chính bản thân tác giả.
Câu chuyện tưởng chừng kết thúc có hậu nhưng vẫn có bi kịch ở bên trong. Vũ Nương xa cách chồng con và rơi vào cảnh âm dương cách biệt. Đây đồng nghĩa với việc hạnh phúc đã vĩnh viễn rời xa và không còn trọn vẹn. Thiên chức làm mẹ của Vũ Nương đã bị tước đoạt. Cuối cùng, người đọc cũng phải thoát ra khỏi giấc chiêm bao và quay về hiện thực. Sự ân hận muộn màng của người đàn ông, dù có cố gắng lập đàn giải oan cũng không thể bàn cãi được. Đây chính là lời cảnh tỉnh của tác giả và để lại bài học thấm thía về trách nhiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nguyễn Dữ đã tạo nên các yếu tố kì ảo nhằm mục đích giải oan cho Vũ Nương. Qua chi tiết này, ông muốn thể hiện khao khát về sự công bằng cho người bất hạnh. Cũng từ điểm này, nhân cách của Vũ Nương đã được hoàn thiện, tăng thêm vẻ đẹp về phẩm hạnh.
Các chi tiết ly kỳ được áp dụng trong tác phẩm cũng đã tăng thêm tính chất bi thương. Vũ Nương chỉ có thể được giải oan, không thể nào quay lại với chồng con để sống một cuộc sống hạnh phúc. Nàng vẫn có thể hạnh phúc, nhưng là ở thế giới bên kia chứ không thể nào ở đời thực. Đây chính là hiện thực và tác giả cũng cảm thấy vô cùng xót xa đối với bi kịch của người phụ nữ nói chung trong xã hội phong kiến xưa. Chế độ nam quyền trong gia đình, với những cuộc chiến tranh phi nghĩa của phong kiến đã tạo ra những đau thương và bi kịch cho người phụ nữ.
Tác phẩm này có nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, kết hợp giữa tự sự và biểu cảm cụ thể trong lời nói của Vũ Nương khi dặn dò chồng, nhớ chồng và lời minh oan trong tuyệt vọng. Các điển tích, điển cố, thành nghĩa đã tạo nên áng văn cảm xúc, giàu hình ảnh.
Qua tác phẩm và hình ảnh Vũ Nương, nhà văn muốn ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Tác phẩm này cũng đã nói lên sự cảm thông và thương xót cho số phận bất hạnh của họ. Không chỉ vậy, Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện rõ thái độ lên án xã hội phong kiến bất công phi lý luôn chà đạp con người nhất là phụ nữ.
Các chi tiết kì ảo được vận dụng vào tác phẩm không đơn thuần để biến đó thành một câu chuyện ly kỳ. Đó là cách để Nguyễn Dữ có thể nói lên nỗi lòng của mình, thể hiện lòng yêu thương con người và luôn mong muốn lên án xã hội xưa để bảo vệ người phụ nữ. Chuyện người con gái Nam Xương như đang phản kháng lại thực tại của xã hội lúc bấy giờ.
Mẫu 2 phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Chuyện người con gái Nam Xương được xây dựng dựa trên cổ tích vợ chồng Trương. Đây là tác phẩm được đánh giá cao, vì có cách sắp xếp những yếu tố ly kỳ để trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Nguyễn Dữ đã sử dụng ngòi bút sáng tạo về nghệ thuật để nói lên cảm xúc và những suy nghĩ liên quan đến số phận người phụ nữ phong kiến.
Câu chuyện ở nhân gian đã chấm dứt và tác giả đã mở ra một không gian mới, liên quan đến tâm linh. Đây cũng là yếu tố làm gia tăng sức hấp dẫn của tác phẩm vì sử dụng một số chi tiết kì ảo. Các chi tiết này thể hiện ở điểm Phan Lang nằm mơ thấy có người con gái áo xanh xin tha mạng, rồi thả Rùa mai xanh, sau đó chàng đã lạc vào động của Linh Phi. Tại đây, Phan Lang đã được gặp Vũ Nương và biết chuyện nàng được tiên rẽ nước cứu mạng đưa về thủy cung. Sau đó, chàng được sứ giả xích hỗn rẽ nước đưa về trần gian. Thêm một yếu tố kì ảo xuất hiện, đó là khi Vũ Nương trở về trong buổi đàn giải oan do Trương Sinh lập.
Mặc dù có nhiều yếu tố ly kỳ, nhưng người đọc không cảm thấy khó chịu. Đó là nhờ Nguyễn Dữ đã sử dụng khéo léo các điểm kì ảo với những yếu tố thực về địa điểm, thời gian, sự kiện và nhân vật. Cụ thể, ông đã sử dụng những chi tiết trang phục của mĩ nhân, Vũ Nương chân thực, chuyện về Phan Lang biết tình cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất.
Việc kết hợp giữa yếu tố thực và kì ảo đã làm nên sự thành công của tác phẩm, truyền đạt trọn vẹn tâm tư, suy nghĩ của tác giả. Cũng nhờ điểm này, Chuyện người con gái Nam Xương trở nên hấp dẫn và thu hút, thỏa mãn được tâm thiện của người đọc.
Mục đích chính của những điểm kì ảo là để nhấn mạnh, hoàn thiện thêm vẻ đẹp của Vũ Nương. Cho dù ở một thế giới khác, nàng vẫn yêu thương chồng con, một lòng chung thủy, có trách nhiệm với phần mộ tổ tiên và lòng luôn nhớ quê nhà. Chỉ cần Phan Lang nói về tình cảnh quê hương, Vũ Nương đã ứa nước mắt và đổi giọng: “Có lẽ, không thể gửi hình ẩn bóng ở đây mãi được, để mang tiếng xấu xa. Và chàng, ngựa Hổ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành Nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”.
Cho dù không phải là người sống ở trần gian nữa, Vũ Nương vẫn có nỗi đau oan khuất vẫn khao khát giải oan. Nàng đã nói với Phan Lang rằng: “Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về.”
Yếu tố kì ảo cũng đã làm nên một kết thúc có hậu cho tác phẩm, Vũ Nương đã được giải oan và khẳng định về lẽ công bằng. Đây cũng là một minh chứng trong thực tế, cho dù người tốt phải chịu bao nhiêu nỗi oan khuất thì họ cũng sẽ được đền đáp xứng đáng, thiện luôn thắng tà.
Nhiều tranh cãi nổ ra khi cho rằng, Người con gái Nam Xương đã làm giảm đi tính bi kịch của tác phẩm. Tuy nhiên, không phải như vậy, Vũ Nương trở về nhưng chỉ thoắt ẩn thoắt hiện trên dòng sông. Nàng cũng chỉ có thể nói những lời chứng minh mình trong sạch: “Đa tạ tình cành, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa”, “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần và biến mất”. Cho dù yêu thương chồng con, nhưng nàng vẫn không thể ở lại. Đàn giải oan chỉ như một chút an ủi cho người phụ nữ bạc phận, hoàn toàn không hề làm sống lại tình xưa. Vũ Nương quyết định chọn cách ra đi khẳng định sự phê phán với chế độ xã hội phong kiến, nơi “Trọng nam khinh nữ”. Đây cũng là sự khẳng định về nỗi thương cảm của tác giả đối với số phận người phụ nữ lúc bấy giờ.
Kết thúc Chuyện Người Con Gái Nam Xương có hậu nhưng ẩn trong đó vẫn có sự bi kịch. Các câu chuyện cổ tích kết thúc bằng cách nhân vật được hưởng phúc: Tấm trở thành hoàng hậu, Thạch Sanh thành hoàng tử, Sọ Dừa thành trạng nguyên,… Tuy nhiên, đối với Chuyện người con gái Nam Xương, Vũ Nương không sống trên trần gian, dứt áo ra đi và Trương sinh sống trong sự cần rất vì ân hận. Điều này cũng chứng minh rằng, ý nghĩa chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương là hoàn thiện nghệ thuật xây dựng truyện và củng cố về giá trị nhân văn mang lại.
Phân tích sự thành công khi dùng các chi tiết kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Các yếu tố kì ảo là gia vị tuyệt vời, khó có thể thiếu trong văn học về thể loại truyền kì. Sử dụng những yếu tố này giúp tác giả có thể truyền tải tư tưởng, thái độ và tình cảm của mình về vấn đề nào đó trong cuộc sống. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ cũng đã thành công khi sử dụng những yếu tố hư cấu để mang đến giá trị nhân văn cho tác phẩm.
Chuyện người con gái Nam Xương thuộc 20 truyện thuộc Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Tác phẩm này kể về cuộc đời của Vũ Nương, sống trong thời phong kiến, có nhan sắc và đức hạnh. Tuy nhiên, xã hội “Trọng nam khinh nữ” đã mang đến cho cô nhiều bất hạnh, những nỗi oan uổng đến chết cũng chưa minh oan được. Bi kịch nằm ở chỗ, Vũ Nương bị chính người chồng mình yêu thương hết mực gắn tội danh thất tiết và phải chọn cách quyên sinh. Bằng những chi tiết kì ảo, Nguyễn Dữ đã tạo cho Vũ Nương một cơ hội được quay lại dương thế để giải oan. Bằng cách này, dù vẫn là kết thúc có bi kịch, Vũ Nương không thể quay lại trần gian, nhưng lại gia tăng tính nhân văn cho tác phẩm.
Yếu tố kì ảo thể hiện rõ nét nhất ở việc Phan Lang nhờ giải thoát cho rùa xanh mà được Linh Phi cứu khi gặp nạn. Chàng lạc xuống thủy cung và được gặp lại Vũ Nương. Cuộc trò chuyện giữa hai người đã giúp Vũ Nương có thể giãi bày nỗi oan khuất và nhờ Phan Rang chuyển lời đến người chồng. Sau đó, chồng của nàng là Trương Sinh lập đàn đàn giải oan để hai người có thể gặp lại nhau. Cho đến lúc này, Vũ Nương mới có thể minh oan cho bản thân và nói lời từ biệt chồng con để xuống báo đáp Đức Linh Phi.
Tác giả đã thành công khi sử dụng những yếu tố hư cấu để nói lên sự đức hạnh và thủy chung của Vũ Nương. Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh về nghĩa tình khi nàng đã một lòng hướng về quê hương, trở về gia đình nhỏ xưa để minh oan và không ích kỷ chấp nhận trở lại để báo đáp ơn nghĩa của Linh Phi. Bằng cách sử dụng các yếu tố này, Nguyễn Dữ đã thành công khi bày tỏ ước mơ của người dân về một cuộc sống hạnh phúc và công bằng. Cái kết do ông tạo ra không làm thay đổi tính bi kịch của tác phẩm, nhưng gắn vào đó một ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn.
Nhân vật chính trải qua bao nhiêu đau khổ và cay đắng đã được giải oan, trở về dương thế bằng “kiệu hoa”, “năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng”. Điều này cũng chứng minh một sự thật trong thực tế, là cái thiện luôn luôn thắng cái ác. Đồng thời tác phẩm cũng khẳng định rằng Trương Phi không tin tưởng vợ phải sống trong động sự ân hận, những gì sai lầm gây ra sẽ không thể nào thay đổi được.
Trong Chuyện người con gái Nam Xương Nguyễn Dữ đã thành công khi phê phán xã hội nam quyền thời phong kiến. Người phụ nữ trong hoàn cảnh không được là chính mình, luôn bị chèn ép và thậm chí bị đẩy đến bước đường cùng. Đây cũng là lời bày tỏ lòng xót thương cho số phận của mảnh đời bất hạnh.
Tóm lại, Nguyễn Dữ đã rất thành công khi dùng các chi tiết kì ảo ở các tác phẩm. Những chi tiết này không chỉ góp phần nói lên suy nghĩ, thái độ của tác giả, mà còn mang đến bài học quý giá về con người, cuộc sống.
Xem thêm:
- Gợi ý giải ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo nhiều dạng đề
- Tuyển tập phân tích Văn 9 Kết nối tri thức chi tiết
- Bài giảng & giáo án chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) lớp 9
- Hướng dẫn liên hệ Chuyện người con gái Nam Xương với Truyện Kiều (đề nâng cao)
Kết luận
Yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương đã góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm. Nhờ điểm này, tác giả Nguyễn Dữ có thể bày tỏ quan điểm của mình trước số phận của người phụ nữ mà lên án xã hội phong kiến nam quyền.
Những chi tiết hư cực đã mang đến bài học quý giá về đạo làm người, về cuộc sống và thời cuộc, khẳng định chắc chắn rằng thiện luôn thắng tà.